Đến Huế, doanh nghiệp sẽ được nhiều ưu đãi “dài hơi”

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Xuân Lý khẳng định: Ngoài các ưu đãi chung của Chính phủ về mời gọi đầu tư, các doanh nghiệp đến làm ăn tại KCN Phú Bài sẽ được thụ hưởng việc miễn thêm t

                Ông Nguyễn Xuân Lý cho biết, trên địa bàn Tỉnh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung phần lớn vào các lĩnh vực: công nghiệp, chiếm 60% về số dự án và 86,6% về vốn đầu tư đăng ký; du lịch 27% và 10%; nông lâm thủy sản 6,7% và 0,7%; khai thác 6,7% và 2,7%. Hình thức đầu tư chủ yếu là liên doanh chiếm 53% về số dự án và 85% vốn đăng ký đầu tư; dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài chiếm 47% và 15%. Các dự án trên địa bàn tỉnh có quy mô khá đa dạng, lớn nhất là dự án liên doanh sản xuất xi măng của Công ty LUKSVAXI có vốn đăng ký 70.96 triệu USD, dự án nhỏ nhất là dự án sản xuất phần mềm vi tính chỉ 20.000 USD, vốn đầu tư đăng ký bình quân của một dự án khoảng trên 9 triệu USD. 

Thành phố Huế là nơi tập trung chủ yếu, với 7 dự án, có vốn đầu tư đăng ký là 20,7 triệu USD, chiếm 47% về tổng số dự án và 15% về vốn đầu tư đăng ký. Ngoài ra, các địa bàn huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc cũng đều đã nhận được các dự án đầu tư. Đối với các đối tác đầu tư nước ngoài, dẫn đầu về dự án là các nước và vùng lãnh thổ ở châu á, với 6 dự án (chiếm 40%) và 95,3 triệu USD về vốn đăng ký (chiếm 69%), tiếp đó Mỹ 33% và 7,6%; châu Âu 27% và 23%.

Đáng chú ý là từ khi đưa vào hoạt động (tháng 5-2003) đến nay, cảng Chân Mây đã tổ chức đón và phục vụ 40 lượt tàu trong nước và quốc tế cập cảng. Trong đó, có tàu hàng Tropical Pegasaz có trọng tải gần 28.000 tấn và tàu du lịch Super Starleo chở 1.100 khách du lịch cập cảng. Tổng lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 120.000 tấn và lượng hàng xếp dỡ tại cảng trên 110.000 tấn. Loại hàng chủ yếu thông qua cảng là gỗ dăm. Ngoài ra còn có các loại: khoáng sản titan, gạo, than, phân bón, hàng bách hóa...

Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư vào Khu đô thị mới Chân Mây, Ban quản lý dự án Chân Mây đã xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào khu đô thị mới này. Theo đó có 65 dự án thuộc nhiều lĩnh vực đầu tư vào 3 khu vực, trong đó có 9 dự án ở khu trung tâm đô thị Chân Mây, 4 dự án ở khu cảng Chân Mây và 52 dự án ở khu kinh tế - thương mại Chân Mây. Ngoài các dự án kêu gọi đầu tư và việc xây dựng cơ sở hạ tầng, có trên 40 dự án kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng giao dịch và các nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp các thiết bị điện tử, xe gắn máy, ô tô, thiết bị kỹ thuật số, thiết bị cơ khí chính xác, thiết bị điện, điện lạnh, thiết bị văn phòng, hóa mỹ phẩm, đồ trang sức, vật liệu xây dựng...

Trong mời gọi phát triển ngành công nghiệp không khói, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế - ông Võ Phi Hùng cho biết, thành phố Huế hiện có 25 khách sạn được Tổng cục Du lịch gắn sao, gồm 3 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 8 khách sạn 2 sao và 10 khách sạn 1 sao. Đội ngũ phục vụ tại các khách sạn được đào tạo bài bản hơn và chủ động hơn khi bố trí dịch vụ trong các hoạt động lữ hành và các tour du lịch, đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các khách sạn. Hiện nay, tần suất buồng phòng sử dụng của các khách sạn tại Huế bình quân đạt 60-70%.

Để gia tăng thêm tính cạnh tranh, ông Nguyễn Xuân Lý cho biết, Tỉnh dành một khoản chế độ hoa hồng môi giới đầu tư được đánh giá là khá hấp dẫn. Theo đó, mức khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác vận động kêu gọi dự án đầu tư (môi giới đầu tư) vào địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như sau: Dự án có vốn đầu tư từ 100.000 USD đến dưới 1 triệu USD: Thưởng 20 triệu đồng; Dự án có vốn đầu tư từ 1 triệu USD đến dưới 05 triệu USD: Thưởng 30 triệu đồng; Dự án có vốn đầu tư từ 5 triệu USD đến dưới 10 triệu USD: Thưởng 40 triệu đồng; Dự án có vốn đầu tư từ 10 triệu USD đến dưới 20 triệu USD: Thưởng 60 triệu đồng; Dự án có vốn đầu tư từ 20 triệu USD trở lên: Thưởng 100 triệu đồng. Kinh phí khen thưởng trên được chi trả 50% khi dự án hoàn thành đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Nhà nước và được chi trả đủ 100% khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Ngoài ra, đối với các sản phẩm công nghệ cao hay sản xuất vật liệu mới có độ rủi ro cao, trong thời gian đầu thâm nhập thị trường, ngoài mức hoa hồng được chi tối đa theo quy định Nhà nước, UBND Tỉnh sẽ xem xét quyết định theo chính sách, như: Thưởng cho các khách hàng tiêu thụ sản phẩm với khối lượng lớn; Hỗ trợ thực nghiệm trên dây chuyền công nghệ mới; Bảo hộ cho các sản phẩm có độ rủi ro cao.

Các doanh nghiệp thực hiện xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9000, ISO 14.000, SA 8000, HACCP, GMP... được hỗ trợ 30% kinh phí tư vấn và chứng nhận mà doanh nghiệp phải chi trả theo hợp đồng được cơ quan có thẩm quyền, thẩm định. Các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, bản quyền phát minh sáng chế... được hỗ trợ 50% kinh phí chi trả theo hợp đồng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cam kết rằng sẽ tổ chức thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và giao cho nhà đầu tư trong thời gian tối đa 60 ngày kể từ ngày chủ đầu tư ký hợp đồng thuê đất. UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định sử dụng ngân sách địa phương để tham gia một phần, hoặc toàn bộ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tuỳ thuộc vào vị trí và quy mô của các dự án đầu tư.

Với cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng, nhiều ưu đãi, Thừa Thiên-Huế đang tạo mọi điều kiện thuận lợi và cơ hội tốt nhất cho các nhà đầu tư. Về phía doanh nghiệp, chắc cũng hài lòng, bởi đầu tư vào Thừa Thiên-Huế sẽ cùng một lúc hưởng được sự ưu đãi từ Thừa Thiên-Huế, cũng như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam...

  • Tags: