Trong giai đoạn hiện nay, cùng với việc đổi mới công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực, Lãnh đạo Bộ Công nghiệp đã quyết tâm xây dựng và áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2000 tại Cơ quan Bộ.
Chương trình này được chính thức bắt đầu từ tháng 4 năm 2004. Trong những ngày đầu nghiên cứu xây dựng các quy trình tác nghiệp, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ cũng như các chuyên viên không khỏi lúng túng, bởi đây là một khái niệm mới, đặc biệt là lại được xây dựng và áp dụng trong cơ quan hành chính nhà nước. Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức thuộc Cơ quan Bộ, Bộ đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về ISO 9000, ISO 9001:2000; Tiếp đó là phát động phong trào xây dựng và thực hiện Hệ thống. Dần dần, cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công nghiệp cũng nhận thức được rằng, xây dựng quy trình chính là đã tạo được một cách quản lý khoa học, đơn giản trong khi thực hiện công việc, nó không những giúp cho người lãnh đạo có thể quản lý, theo dõi được quá trình thực hiện công việc, mà còn giúp cho chuyên viên nắm được các qui trình tác nghiệp, sự phối hợp cũng như trách nhiệm của người thực hiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc. Với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và những nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, công chức, cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn thuộc Trung tâm Năng suất Việt Nam, Cơ quan Bộ đã hoàn thành việc xây dựng Hệ thống Quản lý chất lượng và đưa vào áp dụng.
Hệ thống Quản lý chất lượng của Cơ quan Bộ Công nghiệp được xây dựng trên cơ sở các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và áp dụng cho 11 đơn vị là các vụ chức năng, Thanh tra, Văn phòng Bộ. Hơn 1 năm xây dựng và áp dụng Hệ thống (từ tháng 4/2004 đến tháng 7/2005), Cơ quan Bộ đã xây dựng được 52 quy trình, trong đó có 46 quy trình tác nghiệp và 06 quy trình hệ thống. Sổ tay chất lượng của Bộ là sự thể hiện những định hướng về chất lượng mà Lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ, công chức của Bộ cam kết thực hiện thông qua các hoạt động của mình. Và chính sách chất lượng chính là những cam kết mà Lãnh đạo, cán bộ, công chức của Bộ quyết tâm thực hiện để chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp đạt hiệu lực, hiệu quả cao nhất. Mục tiêu chất lượng của Bộ đã đề ra với các mức phấn đấu cụ thể, nhằm hiện đại hoá công sở và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Từ khi đi vào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đến nay, các quy trình vẫn luôn được tiếp tục cải tiến và hoàn thiện. Lãnh đạo Bộ tiếp tục chỉ đạo các vụ, văn phòng áp dụng tốt Hệ thống, tiếp tục xây dựng thêm các quy trình phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, giúp cho Hệ thống Quản lý chất lượng của Bộ ngày càng hoàn thiện.
Bên cạnh việc xây dựng Hệ thống, Cơ quan Bộ còn kết hợp triển khai thực hiện Chương trình 5S để cải thiện môi trường làm việc có kỷ luật, trật tự và sạch sẽ, tăng cường tính tổ chức trong các đơn vị trực thuộc. Thực tế, Chương trình 5S còn làm cơ sở để thúc đẩy nhanh và áp dụng có hiệu quả Hệ thống Quản lý chất lượng tại Cơ quan Bộ. Tất cả cán bộ, công chức Cơ quan Bộ đã thực hiện nghiêm túc 5S, kể từ khâu sắp xếp hồ sơ, tài liệu gọn gàng, ngăn nắp theo tiêu chí “dễ thấy, dễ lấy, dễ tìm”, cho đến khâu vệ sinh phòng làm việc. Việc kiểm tra, đánh giá phong trào thi đua thực hiện 5S giữa các vụ trong cơ quan Bộ được đưa thành hình thức khen thưởng rõ ràng, nhằm động viên, khuyến khích mọi người tham gia. Hiện nay, Chương trình 5S vẫn đang tiếp tục được toàn thể cán bộ, công chức Cơ quan Bộ hưởng ứng bằng các hoạt động cụ thể như thực hiện bỏ bàn uống nước và hút thuốc lá trong phòng làm việc... nhằm xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại và tạo tác phong công nghiệp cao.
Tháng 7 năm 2005, Bộ Công nghiệp đã mời Đoàn đánh giá của Trung tâm Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn QUACERT thuộc Tổng Cục Đo lường Chất lượng đánh giá chính thức và làm thủ tục cấp chứng chỉ chứng nhận đạt Tiêu chuẩn ISO 9001:2000. Đoàn đánh giá đã tiến hành đánh giá và đưa ra kết luận: Cơ quan Bộ Công nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu của Tiêu chuẩn ISO 9001:2000 và có đủ điều kiện để cấp chứng chỉ chứng nhận phù hợp. Dự kiến, Cơ quan Bộ sẽ tổ chức đón nhận chứng chỉ ISO 9001:2000 vào quí 4 năm 2005.
Sự cam kết của Lãnh đạo Bộ cũng như tập thể cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công nghiệp đối với việc xây dựng Hệ thống Quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001:2000 đã thể hiện tinh thần quyết tâm cải tiến chất lượng công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, quyết tâm thay đổi cách thức quản lý đang tồn tại hiện nay. Với chứng chỉ ISO 9001:2000, Bộ Công nghiệp sẽ trở thành một trong những bộ quản lý nhà nước đầu tiên của Việt Nam áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO.