Công nghệ làm phim quảng cáo ở Việt Nam Vẫn đang chập chững

Có nhiều hình thức quảng cáo sản phẩm, trong đó có phim quảng cáo trên truyền hình (các chuyên gia thường gọi là quảng cáo động) là cách quảng cáo mang lại hiệu quả rất lớn. Tuy vậy, ở Việt Nam hiện n

Hoạt động quảng cáo ở nước ta được hình thành khá muộn, nhưng bắt đầu phát triển kể từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường và đặc biệt phải kể đến sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng. Nền kinh tế mở cửa, nhu cầu sản xuất kinh doanh và cạnh tranh về thị trường được đẩy mạnh, điều đó đồng nghĩa với sự gia tăng về nhu cầu quảng bá sản phẩm. Đó là điều kiện để ra đời một nghề mới trong xã hội, đó là nghề làm quảng cáo, trong đó có quảng cáo trên truyền hình.
Hiện nay, nhu cầu quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp rất lớn, rất đa dạng. Bởi thế, các cơ sở làm quảng cáo càng phát triển mạnh, không chỉ dừng lại quy mô đáp ứng một vài dịch vụ nhỏ lẻ, mà dần thành lập nên những công ty quảng cáo chuyên nghiệp. Một thứ quan hệ rất thị trường đã hình thành: doanh nghiệp có hàng hóa sẵn sàng bỏ tiền ra làm quảng cáo miễn sao sản phẩm làm ra xứng đáng với “đồng tiền bát gạo”.
Thường thì vào dịp cuối năm, nhu cầu cạnh tranh thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ, cả trong nước lẫn nước ngoài… càng trở nên sôi động, gay gắt và đây cũng là mùa “làm ăn” của các công ty quảng cáo.
Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng có không ít nước mắt, nụ cười. Từ trước tết Giáp Thân hai tháng, Công ty Bia K. đã lên “chiến dịch” quảng cáo sản phẩm mới, mẫu mã mới để hy vọng tăng thị phần, tăng doanh thu trong dịp cuối năm và “đánh bại” các hãng bia, nước giải khát khác. Ngay lập tức đã có khoảng 10 công ty làm quảng cáo tìm đến xin được đấu thầu kịch bản. Vấn đề then chốt là nội dung kịch bản ra sao ? Với đội ngũ nhân lực đông đảo, công ty nào cũng tung ra 5-10 ý tưởng kịch bản rất hấp dẫn. Công ty bia K. rất tán thành và triển khai khâu đấu thầu. Giá bao nhiêu cho hợp lý? Có nơi chỉ 25 triệu, nhưng có nơi lên tới 40-60 triệu đồng. Cuối cùng công ty bia K. “chấm” công ty quảng cáo H. vì doanh nghiệp này bỏ thầu hợp lý: 30 triệu đồng.
Chỉ sau một tháng, công ty H. đem phim đến nộp công ty bia K. ý tưởng kịch bản thì rất tốt, nhưng khi phim chiếu lên lại… không nhận được sự hài lòng (về nhiều lý do). Mọi chương trình, kế hoạch coi như đổ bể.
Trường hợp tương tự là công ty bánh mứt kẹo C. bỏ tiền mua (đúng hơn là đầu tư vốn) phim quảng cáo của công ty quảng cáo M. Ban đầu, khi doanh nghiệp này đưa ra kịch bản, Ban giám đốc công ty rất tin tưởng, nhưng khi xem phim thì họ lại lắc đầu thất vọng, không dám đưa ra phát sóng, bởi tác dụng của quảng bá, lăng xê chưa thấy, chỉ thấy nội dung có phần không ổn, thậm chí có thể gây phản cảm nơi công chúng. Vì vậy, họ buộc phải chuyển gấp qua hình thức quảng cáo (in tờ rơi, in trên áo mưa, áo mặc, tài trợ các chương trình, quảng cáo trên báo, trên internet…) để kịp giới thiệu, tiếp thị mẫu sản phẩm mới.
Trên đây chỉ là hai trường hợp điển hình. Còn nhiều trường hợp dở khóc dở cười nữa cũng do các doanh nghiệp quảng cáo (cả chuyên nghiệp và nghiệp dư) gây nên. Thông thường, có nhiều sản phẩm ăn theo mùa, bởi vậy, chủ doanh nghiệp phải xúc tiến nhiều đợt quảng cáo. Quá tin tưởng vào chất lượng của phim quảng cáo mình vừa tổ chức dựng nên nhiều khi, mùa tiêu thụ sản phẩm đã tới mà phim làm ra lại không đạt chất lượng hoặc không kịp hoàn tất. Thế là “xôi hỏng bỏng không”!
Nhiều chuyên gia khẳng định, một phim quảng cáo truyền hình, dù dài hay ngắn, nếu đạt được sự hấp dẫn và có ý nghĩa… thì chỉ cần phát sóng vài lần là đã có ngay hiệu quả: doanh số hàng hóa bán ra tăng một cách nhanh chóng. Nhưng ngược lại, phim quá tồi thì dù có phát dài kỳ bao nhiêu đi nữa cũng không có kết quả, thậm chí còn có thể gây nên “tác dụng ngược”, khách hàng có “ác cảm” với sản phẩm, doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên, có vẻ như các doanh nghiệp quảng cáo trong nước chưa nhận ra vấn đề này. Hiện nay, khi một doanh nghiệp cần giới thiệu một sản phẩm bằng phim, họ không còn phải chờ đợi lâu vì ngay lập tức có cả tá công ty quảng cáo nhảy bổ tới. Do vậy cuộc cạnh tranh giữa các công ty quảng cáo cũng bắt đầu gay gắt hơn. Nhưng họ lại chưa biết khẳng định mình bằng chính chất lượng sản phẩm để chiến thắng đối thủ. Hầu hết các công ty quảng cáo hiện mới chỉ hoạt động kiểu mùa vụ, khi có khách hàng cần thì “săn” ngược lại là các công ty chơi dài mà không thiết lập cho mình một chiến lược kinh doanh lâu dài ổn định, tăng cường tiếp thị chính mình. Đó là chưa kể vẫn còn hiện tượng làm ăn kiểu cò con, nhỏ giọt, không chịu động não, sáng tạo ngay trong quá trình xây dựng kịch bản (phim quảng cáo) để cuối cùng chỉ cho ra những thước phim “thường thường bậc trung”, thậm chí tẻ nhạt.
Nếu so chất lượng phim quảng cáo của ta với các sản phẩm do nước ngoài làm thì thật là một trời một vực. Khi làm một phim quảng cáo truyền hình, các nhà quảng cáo nước ngoài chịu đầu tư cả tiền bạc và công sức lẫn chất xám. Bởi vậy, mỗi thước phim của họ làm ra không chỉ tạo được những ấn tượng bất ngờ cho khách hàng mà còn có bản sắc riêng của sản phẩm của doanh nghiệp này và dĩ nhiên, nó phải khác hẳn doanh nghiệp khác. Sự khác biệt không chỉ bằng lời những câu nói ấn tượng và súc tích, mà còn biểu hiện của các nhân vật. Đôi khi chỉ cần nghe một nhạc hiệu là biết ngay sản phẩm đó. Tóm lại, dù những hình ảnh động của sản phẩm quảng cáo trôi qua rất nhanh, nhưng ý nghĩa của nó thì lại lưu lại nơi tâm thức khách hàng một cách mãnh liệt.
Trả giá cho những thước phim “vàng” đó, các doanh nghiệp có sản phẩm cần tiếp thị buộc phải bỏ ra nguồn kinh phí khổng lồ. ở nước ngoài, lấy được sự hài lòng doanh nghiệp, thì các công ty quảng cáo phải sử dụng loại phim nhựa để “bấm máy” với giá khá đắt: 300-400 USD/giây phim. Hoàn thành một thước phim chỉ trong vài phút, họ phải ném ra ít nhất cũng từ 20.000-40.000 USD đến hàng trăm ngàn USD. Trong khi đó, giá sản xuất phim của ta chỉ 20-30 triệu đồng, chủ yếu thu hình bằng loại máy thu hình thông dụng là Betacam (giá chỉ 300.000 đồng/băng, có thể ghi xóa thoải mái) thì khó mà có được nước hình đẹp. Vả lại, nếu có phim nhựa để quay, e rằng các nhà quảng cáo trong nước cũng khó làm hay, làm đẹp, vì còn gặp khó khăn với khâu xử lý hậu kỳ, một khâu vô cùng quan trọng. Mặt khác, với giá thành quá cao, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chẳng dám “mời” nước ngoài vào hợp tác với mình.
Và kết quả là, chúng ta cứ mãi chấp nhận lối làm phim quảng cáo “rẻ tiền”, ít hiệu quả. Trong khi phim quảng cáo nước ngoài luôn gây ấn tượng bằng hình ảnh âm thanh, cảnh trí, ánh sáng… thì phim quảng cáo của ta vẫn “ngô nghê”, “vô lý” về nội dung, hình ảnh nhàn nhạt, sống sượng, đóng kịch; nhạc thì tùm lum; đó là chưa kể nhiều thước phim quảng cáo còn thiếu tính văn hóa, giáo dục, đang bị dư luận kêu la…/.

  • Tags: