Tham nhũng lớn: Phải có nhiều "vùng cấm"

Lâu nay, có những vùng mà người ta rất ngại ngần khi nói đến, còn báo chí rất khó thâm nhập vào. Với nhiều lý do, nào là sợ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, nào là sợ ảnh hưởng đến uy tín...và cả "túi

Nếu kinh doanh theo kiểu độc quyền dẫn đến tự tung tự tác, tham nhũng, cửa quyền, thì việc hình thành và tồn tại những "vùng cấm" còn gây ra biết bao điều tai hại và tệ hại khác, không chỉ cho nền kinh tế. Nào ai biết, những nơi gọi là nộp ngân sách nhiều nhất cho Nhà nước cũng có thể là những nơi lấy đi của Nhà nước nhiều "ngân" nhất. Dĩ nhiên, "ngân" ấy chui ngay vào túi một số người. Năm này qua năm khác. Người ta cứ im ỉm mà lấy. Cú tù mù mà ăn. Cho tới khi mọi chuyện vỡ lở. Mọi chuyện đã rồi. Ngân sách nhà nước thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng. Những khoản "ngân" không bao giờ đòi lại được. Bây giờ, khi mà mọi chuyện ở một "vùng cấm" như Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, SEAPRODEX, TCT Hàng hải Việt Nam, vụ phân phối cô-ta dệt may... (mà cả cha và con của ông thứ trưởng Bộ Thương mại cùng bị bắt)...  dần dần bung bét ra, người ta mới giật mình nhớ lại, hóa ra, những chuyện "bây giờ mới kể" đã xảy ra từ lâu lắm rồi. Như chuyện về Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Khi các "sếp côi" ở đó bị cách chức, bị miễn nhiệm, và một số đã nhanh chân chuyển sang kinh doanh ở các lĩnh vực khác, với những công ty khác, người ta mới rùng mình vì những gì đã xảy ra bấy lâu trong bóng tối của những "vùng cấm".

 Cho nên, khá sốt ruột trước nạn tham nhũng, quan liêu thất thoát... không thuyên giảm, các đại biểu QH trong suốt buổi sáng 2/11/2004 đã nhiều lần than phiền về vấn đề này.

Theo ĐB QH Nguyễn Thị Hồng Minh (Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản) thì: “ Tham nhũng như ''một khối u ác tính đang di căn'', lây lan sang cả cơ quan bảo vệ phát luật. Có phải tồn tại cái gì đó không phù hợp, không đúng trong bộ máy của chúng ta! Quốc hội cần ''mổ xẻ'', làm đến nơi đến chốn vấn đề này''. ĐB Huỳnh Văn Tý cũng chỉ rõ ''5 cái thiếu'': thiếu dân chủ thực sự; thiếu công khai đầy đủ; thiếu cơ chế giải pháp cụ thể; thiếu biện pháp mạnh đủ sức khuyến cáo, răn đe; thiếu kiểm tra, thanh tra thường xuyên. Còn ĐB Đặng Thị Phượng đã nói: ''Chính phủ đã 7 lần sửa đổi quy chế quản lý đầu tư xây dựng nhưng vì sao lãng phí, thất thoát chậm khắc phục?''.

Chúng ta đã hô hào chống tham nhũng nhiều năm, nhưng chúng ta chỉ nói chung chung mà ít có số liệu điều tra, tổng kết về thiệt hại mà tham nhũng gây ra, cũng như chưa có biện pháp cụ thể, nên khó xử lý và đề phòng cũng như chống tệ nạn tham nhũng có hiệu quả như nước láng giềng Trung Quốc.

Tham nhũng đã từng "đe dọa sự sống còn của nhà nước Trung Quốc". Biểu lộ ý chí quyết tâm đấu tranh chống tệ nạn này, Tổng Bí thư Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố: "Đảng không được mềm lòng trước những cán bộ tham nhũng". 

Theo cách đánh giá của tổ chức Trong sáng thế giới, Trung Quốc hiện đã được xếp vào một trong 20 nước ít tham nhũng nhất thế giới. Trung Quốc đã thống kê:

“Hằng năm chỉ riêng khoản tiền nhà nước do cán bộ, đảng viên dùng vào việc ăn chơi xa xỉ cũng mất khoảng 200 tỉ nhân dân tệ (tương đương 400.000 tỉ đồng Việt Nam, bằng 2/3 GDP của nước ta), riêng tiền mát-sa, trên 100 tỉ nhân dân tệ. Tham nhũng kìm hãm khoảng 0,5% tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Theo đánh giá năm 2001, tham nhũng làm thất thoát 10% GDP, bằng 2 lần tổng thu nhập quốc nội của nước này những năm sáu mươi của thế kỷ trước”.

Người ta đã tổng kết 6 đặc điểm của tệ tham nhũng ở Trung Quốc, như sau: 1 - Quy mô tham nhũng trong quan chức đảng có xu hướng phát triển; 2 - Những kẻ tham nhũng phần lớn là những cán bộ chủ chốt trong đảng và chính quyền; 3- Phần lớn các vụ án tham nhũng là "xuyên án", "ổ án"; 4 - Những vụ án về thoái hóa biến chất, suy đồi đạo đức ngày càng tăng; 5 - Quan chức tham nhũng "người trước ngã, người sau tiến"; 6 - Chợ đen quyền lực, bán quan có giá.

Đến nay, tệ tham nhũng ở Trung Quốc đã không còn quá bức xúc và không còn là mối quan tâm hàng đầu của dư luận như trước, nhường chỗ cho vấn đề việc làm đang nổi lên bức xúc nhất. Nhân dân Trung Quốc đã yên lòng hơn về kết quả đấu tranh chống tham nhũng. Theo số liệu công bố năm 2003 của nước này, có 74,44% số người được hỏi thừa nhận việc chống tham nhũng ở Trung Quốc có kết quả; 69,36% cho là tệ tham nhũng đã được hạn chế với mức độ nhất định; 68,86% tin tưởng vào sự thắng lợi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Nếu năm 1996 chỉ có 30% dư luận đánh giá cao kết quả chống tham nhũng, thì năm 2003 đã tăng lên 51%.

Nếu chúng ta cứ quanh quẩn với việc bàn đi bàn lại như ở kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI là có nên thành lập cơ quan chống tham nhũng hay không, nếu thành lập thì “nằm” ở đâu và cơ chế, con người...như thế nào, thì mãi mãi chỉ là bàn mà thôi? Phải chăng đã đến lúc muốn thật sự chống tham nhũng thì "Đảng không được mềm lòng trước những cán bộ tham nhũng” và không còn nhũng vùng “cấm bay”?

  • Tags: