Bên cạnh những thuận lợi, Trường cũng gặp không ít khó khăn, như: thiếu vốn để đầu tư phát triển và việc vay vốn ngân hàng không thực hiện được vì khó khăn về cơ chế, không có đơn vị bảo lãnh; chỉ tiêu đào tạo Nhà nước giao thấp so với năng lực mà Trường hiện có; học phí thu không đủ chi; cạnh tranh trong nước và quốc tế ngày càng gay gắt; đội ngũ giáo viên, giáo trình, chương trình còn nhiều bất cập...
Hiện nay, Trường có quy mô đào tạo hàng năm trên 40.000 học sinh, sinh viên (năm 2004, chỉ là 25.000 HSSV) với đội ngũ hơn 1.500 cán bộ, công chức, trong đó có 1.200 người là giáo viên cơ hữu (2004 là gần 700 người), trên 68% giáo viên có trình độ sau đại học (năm 2004 là 48% có trình độ sau đại học). Tỷ lệ giảng viên/sinh viên là 1/40. Hiện Trường có 65 giáo viên đang là nghiên cứu sinh, trên 200 giáo viên đang học cao học, Trường đã cử hàng trăm giáo viên, cán bộ đi tham quan và đào tạo ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài. Đối với cán bộ quản lý, Trường đã giảm từ 70% đến 100% giờ tiêu chuẩn để đội ngũ cán bộ tập trung cho công tác quản lý đào tạo.
1 - Cơ sở vật chất.
Bằng nguồn kinh phí tự có, bằng con đường hợp tác liên kết đào tạo với các trường nước ngoài... Nhà trường đã mở rộng, nâng cấp phòng học, giảng đường, xây dựng thư viện, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập và trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại cho các phòng thí nghiệm, các phòng học chuyên đề phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên, học sinh.
Cách đây 3 năm (năm 2004), Trường đã có trên 200 phòng học, 60 phòng thí nghiệm, 17 xưởng thực hành và hàng trăm tấn thiết bị được trang bị mới, nhiều phòng thí nghiệm ngang tầm các trường trong khu vực và quốc tế. Thư viện với trên 40.000 đầu sách đã được kết nối với hệ thống thư viện của các trường đại học trong nước và quốc tế; thư viện điện tử và cơ sở đào tạo từ xa cũng được hình thành, có hàng trăm máy vi tính phục vụ cho việc truy cập Internet. Môi trường giáo dục khang trang hiện đại, đủ đảm bảo đào tạo hàng chục ngàn sinh viên theo học hàng ngày.
Đến tháng 6/2006, bằng nguồn vốn tự có, Trường đã có 390 phòng học và giảng đường, 194 phòng thí nghiệm, thư viện đã có 104.000 cuốn sách, diện tích sử dụng 134.000 m2, ký túc xá sinh viên 4.800 chỗ ở. Trong đó:
- Cơ sở chính (tại quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) có: 320 phòng học, 150 xưởng trường và phòng thí nghiệm, 86.943 cuốn sách, diện tích sử dụng 110.000 m2, ký túc xá 4.500 chỗ ở.
- Cơ sở Biên Hòa: 25 phòng học, 11 xưởng trường và phòng thí nghiệm, 8.760 cuốn sách, diện tích sử dụng 8.600 m2.
- Cơ sở Bà Rịa – Vũng Tầu: 15 phòng học, 8 xưởng trường và phòng thí nghiệm, hơn 2.000 cuốn sách, diện tích sử dụng 5.600 m2
- Cơ sở Thái Bình: 30 phòng học, 25 xưởng trường và phòng thí nghiệm, diện tích sử dụng 10.000 m2, ký túc xá 300 chỗ ở.
Để có được những cơ sở vật chất kể trên là nhờ hoàn toàn vào sự nỗ lực tự thân của Trường. Cụ thể, đầu tư thiết bị trong năm học 2005-2006, đạt 45 tỷ đồng và đầu tư xây dựng đạt giá trị 53,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước năm 2005 cấp 3 tỷ đồng và năm 2006 là 0 tỷ đồng.
2 - Công tác tài chính
Hàng năm, nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước chỉ từ 5 đến 7 tỷ đồng, nhưng Nhà trường đã tạo ra thêm khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm từ nguồn thu học phí chính quy, đào tạo ngắn hạn, đào tạo liên kết, đào tạo chuyển giao công nghệ, các dịch vụ hợp tác quốc tế về đào tạo, các nhà công nghiệp đóng góp, đào tạo lại, đào tạo kèm cặp, nâng bậc thợ, đào tạo nâng tay nghề...và từ các nguồn dịch vụ khác như: dịch vụ thư viện, ấn phẩm, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm kết hợp với thực tập, thu từ các trung tâm đào tạo ngoại ngữ và tin học, internet, giới thiệu việc làm...Nhờ có nguồn thu thêm mà Nhà trường đã có khả năng bù đắp 80% kinh phí thiếu hụt vì kinh phí Nhà nước cấp chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.
Nghị định 10 của Chính phủ đã góp phần thúc đẩy công tác tài chính của Trường có hiệu quả hơn.
Tính tới tháng 6/2006, Ngân sách nhà nước cấp 7,5 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch, nhưng kế hoạch tổng doanh thu của Trường là 154 tỷ đồng.
Từ một trường yếu kém về cơ sở vật chất, máy móc thiết bị lạc hậu, đội ngũ giáo viên thiếu, yếu năng lực trình độ, nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng của mình, Trường đã phấn đấu đổi mới phương thức giáo dục đào tạo, mạnh dạn đi trước đón đầu một số lĩnh vực, thực hiện từng bước chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Chính phủ. Trường đã tháo gỡ những cơ chế kìm hãm sự phát triển, xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào cấp trên, chú trọng mở thêm một số ngành nghề mới với nhiều hình thức đào tạo, bước đầu đã gắn kết được đào tạo với các cơ sở công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã gửi cán bộ, công nhân đến đào tạo và đào tạo lại, thi nâng bậc và đào tạo nhiều khóa cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ cho các Bộ, các ngành và nhiều địa phương ở khu vực phía Nam.
3 - Đổi mới nội dung chương trình đào tạo
Được biết, trong năm học 2006-2007, Trường tập trung chuyển mạnh sang đào tạo theo học chế tín chỉ, sẽ tập trung vào khối Đại học, Cao đẳng và hoàn thành nhanh việc xây dựng các chương trình khung, đảm bảo chuẩn tối thiểu theo mô hình quốc tế để hướng tới hội nhập quốc tế trong lĩnh vực đào tạo.
Trường còn khuyến khích các khoa và trung tâm sử dụng các chương trình đào tạo tiên tiến ở các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đẩy mạnh liên kết với các trường có uy tín của nước ngoài để đẩy nhanh hội nhập với giáo dục đại học thế giới.
Ngoài ra, Trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, cụ thể, tăng thời gian thảo luận thực hành, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đặc biệt, tiến hành thử nghiệm một số môn học, ngành học khối Đại học dạy và học bằng tiếng Anh.
Được biết, quyết tâm của Trường là đẩy mạnh các hoạt động đào tạo và dịch vụ có thu để tập trung đầu tư vào các công trình trọng điểm, tiếp tục nâng cấp các cơ sở đào tạo ngang tầm với các trường trong nước và quốc tế.
Có thể nói, những thành thích mà Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đạt được, trước hết là nhờ công lao đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên và công nhân viên và học sinh toàn Trường, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Anh hùng Lao động, Hiệu trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Tạ Xuân Tề, người đã đưa Trường phát triển không ngừng.