"Phép màu" tự động hóa...

Trên những nẻo đường... tự động hoá Công nghệ tự động hoá (TĐH) là tập hợp các phương pháp và kỹ thuật tiên tiến làm ra các thiết bị, hệ thống thiết bị và quá trình sản xuất được điều khiển tự động đ

Như đã biết, nền công nghiệp nước ta được hình thành và phát triển từ một nước nông nghiệp lạc hậu, lại phải trải qua nhiều năm chiến tranh nên mặc dù trong những năm qua đã được sự quan tâm đầu tư, đổi mới và gần đây đã có những sự thay đổi rõ rệt, nhưng nhìn chung vẫn còn là một nền công nghiệp chậm phát triển với công nghệ sản xuất lạc hậu. Gần đây, chúng ta đã có một số các dây chuyền sản xuất bán tự động hoặc TĐH, nhưng vẫn ở trình độ thấp và còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Nhằm tạo sự chuyển biến trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năm 1990, Chính phủ ra quyết định thành lập Ban Điều hành Nhà nước về TĐH. Đến năm 1994, Hội Khoa học Công nghệ tự động Việt Nam được thành lập nhằm tập hợp và phát huy tiềm lực của đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên gia khoa học- kỹ thuật trong lĩnh vực này. Và điểm nhấn cho TĐH là ngày 20/6/1997, với Quyết định thành lập Ban Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về TĐH, ngay sau khi Nghị quyết số 27/CP với nội dung "ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hoá phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước" được Chính phủ ban hành vào ngày 28/3/1997.

Với vai trò tổ chức và chỉ đạo thực hiện Chương trình Quốc gia về TĐH, giúp Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 27/CP,  nhiệm vụ của Ban Chủ nhiệm là phải phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định, duyệt và phân bổ kinh phí cho các dự án của Chương trình theo quy định hiện hành, đồng thời theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các dự án này của các Bộ, ngành, địa phương. Ban Chủ nhiệm cũng có quyền kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương về việc tổ chức thực hiện các dự án của Chương trình, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm còn phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng các chính sách, chế độ, biện pháp để triển khai Chương trình Quốc Gia về TĐH, ban hành các văn bản hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định của Chính phủ.

Quyết định này cũng bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp làm Chủ nhiệm, Thứ trưởng Bộ Khoa học, công nghệ và Môi trường làm Phó Chủ nhiệm chương trình. Ngày 10/9/1997, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ra quyết định số 1514/QĐ-TCCB thành lập văn phòng Ban Chủ nhiệm Chương trình đặt tại Bộ Công nghiệp gọi tắt là Văn phòng TĐH. Văn phòng TĐH cũng đảm nhiệm công việc tổ chức thực hiện các dự án về TĐH đã được Chính phủ phê duyệt cho các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm từ khâu thẩm định, xét duyệt, phân bổ kinh phí, quyết toán, nghiệm thu dự án, chương trình. Với những nhiệm vụ quan trọng đó, Văn phòng TĐH như một chiếc cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với Ban Chủ nhiệm Chương trình, nhằm phối hợp tốt hơn nữa hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, triển khai có hiệu quả Chương trình Quốc gia về TĐH.

Và những thành công "sờ" thấy

Trong khoảng thời gian từ năm 2000- 2002, chương trình TĐH đã đi được những bước tiến đáng khâm phục. Có thể kể đến công trình đầu tiên là Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tự động trong lĩnh vực sản xuất máy công cụ và thiết bị công nghiệp, chủ đầu tư là Công ty Cơ khí Hà Nội, với tổng kinh phí là 156 tỷ đồng. Đó là ứng dụng công nghệ CAD/CAM trong thiết kế chế tạo cơ khí, là việc triển khai trang bị các thiết bị, phần mềm thiết kế kỹ thuật đúc, trang bị phần mềm quản lý điều hành sản xuất theo ISO9002, thực hiện nối mạng giữa Công ty Cơ khí Hà Nội với Tổng công ty Máy và TBCN. ứng dụng này đã tăng cường năng lực chế tạo sản phẩm cơ khí phục vụ cho nhu cầu trong nước, thay thế được một số sản phẩm nhập ngoại, tạo điều kiện cho Công ty mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, đem lại uy tín, hiệu quả thiết thực trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Cũng qua quá trình thực hiện các dự án mà năng lực làm việc của đội ngũ kỹ sư trong công nghệ TĐH ngày càng chuyên sâu hơn.

Giờ đây, Công ty Giầy An Lạc đã khá "ung dung" trong công tác tìm kiếm mẫu mã giầy, đó là nhờ thành công của nghiên cứu ứng dụng TĐH trong thiết kế, tạo mẫu mốt trong ngành Giầy với trị giá đầu tư là 9,5 tỷ đồng. Tạo ra nhiều mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, giảm định mức tiêu hao về vật tư, thời gian trong sản xuất, giảm 16 lần thời gian về nhân ni số rập mẫu, giảm 10 lần thời gian về chỉnh sửa thiết kế mẫu... đó là những giá trị thiết thực mà chỉ có TĐH và những ứng dụng tuyệt vời của nó là có thể đem đến cho doanh nghiệp Giầy An Lạc. 

Tiếp theo là các công trình khác như: TĐH hệ thống điều hành sản xuất Xí nghiệp Dệt Quân đội thuộc Công ty 28, TĐH ở các xí nghiệp Thuốc sát trùng, ứng dụng công nghệ TĐH trong nghiên cứu, chế tạo phương tiện tác chiến nghiệp vụ của lực lượng CAND ở Cục Kỹ thuật điện tử và Cơ khí nghiệp vụ, TĐH hệ thống điều khiển lò nhiệt luyện ở Công ty Cơ khí Đông Anh... Tất cả những nghiên cứu và ứng dụng này đã một lần nữa nói lên một điều: chúng ta đã đi đúng hướng khi đầu tư cho công nghệ TĐH.

Trong báo cáo quá trình hoạt động triển khai của Chương trình Kỹ thuật- Kinh tế về TĐH năm 2000-2002, ông Lê Minh Sơn, Phó Văn phòng Chương trình Kỹ thuật- Kinh tế về TĐH đã đưa ra những con số, nói lên một phần sự gian truân của những người "theo đuổi" công nghệ TĐH: năm 1998, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã nhận được gần 100 đề cương dự án của các Bộ, ngành, địa phương đề nghị tham gia Chương trình. Sau quá trình làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã lựa chọn được 18 dự án đưa vào kế hoạch triển khai năm 2000. Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chủ đầu tư được Văn phòng Chương trình hướng dẫn hoàn thành 18 hồ sơ đó gửi các cơ quan chức năng Nhà nước xem xét để triển khai. Đáp lại quá trình "chọn mặt gửi vàng" đầy trách nhiệm đó của Văn phòng, các cơ quan chức năng có thẩm quyền và Chính phủ đã phê duyệt cho Chương trình Kỹ thuật- Kinh tế về TĐH được triển khai các dự án như sau: năm 2000 có 11 dự án được hỗ trợ 6,802 tỷ đồng, năm 2001 là 10 dự án và 11,8 tỷ đồng, năm 2002 là 5 dự án và 15,5 tỷ đồng.

Những thành công của dự án còn đưa lại một cuộc "cách tân" trong những "cái đầu bướng bỉnh" ở các chủ doanh nghiệp. Như có phép mầu, thành công của công nghệ TĐH đã tác động mạnh đến nếp nghĩ, nếp làm của họ. Mạnh dạn áp dụng công nghệ này vào sản xuất và họ đã không nhầm, khi năng suất lao động được nâng lên, chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, tỷ lệ sản phẩm hư hỏng giảm đáng kể. Ngoài ra còn giảm được các chi phí về vật tư, năng lượng, thời gian, từ đó góp phần làm hạ giá thành sản phẩm. Cũng nhờ TĐH, môi trường lao động được trong lành hơn và sức khoẻ người lao động được đảm bảo hơn. Doanh nghiệp có thể toàn tâm, toàn ý với việc kinh doanh, sản xuất của mình.

Đến cuối năm 2003, Văn phòng TĐH sẽ tiếp tục theo dõi, triển khai 13 dự án mới và tiến hành nghiệm thu các dự án đã hoàn thành từ giai đoạn 2000- 2002 cũng như tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai các dự án của năm 2004. Quan trọng và cần thiết không kém, đó là tiếp tục khảo sát tình hình ứng dụng và nhu cầu phát triển công nghệ TĐH trong các lĩnh vực, các ngành kinh tế, các địa phương để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai các dự án TĐH các năm tiếp theo, nhất là hoàn thiện kế hoạch tổng thể Chương trình Kỹ thuật- Kinh tế về TĐH giai đoạn 2000- 2010.

  • Tags: