Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công nghiệp, ngay từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2007 Cục Kỹ thuật An toàn Công nghiệp đã phối hợp với các Sở Công nghiệp Tuyên Quang, Thái Nguyên và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức đo kiểm tra các thông số cơ bản của đường dây như khoảng cách pha - đất, khoảng cách từ nhà đến dây dẫn điện, cường độ điện trường tại nhà của 35 hộ dân đang sinh sống trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, theo danh sách mà Sở Công nghiệp Thái Nguyên và Sở Công nghiệp Tuyên Quang lựa chọn (Thái Nguyên 28 hộ, Tuyên Quang 7 hộ).
Kết quả đo cho thấy, các thông số nêu trên đều nằm trong giới hạn cho phép được quy định tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP. Vì vậy, ngày 11 tháng 6 năm 2007, Cục Kỹ thuật An toàn Công nghiệp đã có thông báo kết quả đo đạc cho Sở Công nghiệp Thái Nguyên và Tuyên Quang làm cơ sở để UBND các tỉnh này trả lời kiến nghị của nhân dân (công văn số 235/KTAT-ATĐ). Tuy nhiên đến nay vẫn còn 7 hộ dân chưa đồng tình với kết luận của Đoàn khảo sát và vẫn tiếp tục có đơn kiến nghị.
Vì vậy, trong 2 ngày đầu tháng 8/2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tổ chức đo các thông số kỹ thuật liên quan đến điện từ trường tại một số hộ có đơn khiếu kiện thuộc xã Hùng Sơn và Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Thành phần đoàn công tác lần này gồm: Vụ Khoa học công nghệ (KHCN); Viện Khoa học Bảo hộ lao động; Sở Công nghiệp Thái Nguyên và đại điện chính quyền địa phương; các Ban của EVN như Thanh tra Bảo vệ, Khoa học công nghệ và Môi trường, Viện Năng Lượng. Theo báo cáo của EVN, kết quả đo lần này không khác biệt so với kết quả đo lần trước và thỏa mãn điều kiện để nhà ở, công trình tồn tại được trong hành lang lưới điện (HLLĐ):
- Về cường độ điện trường ngoài nhà đo được lớn nhất là 1,508 kV/m (tại sân tầng 2 nhà ông Đinh Sỹ Vinh, xã Hùng Sơn), trong nhà đo được lớn nhất là 0,0782kV/m (tại thềm nhà ông Nguyễn Văn Phi xã Tiên Hội).
- Về khoảng cách từ nhà, công trình đến dây dẫn: khoảng cách đo được nhỏ nhất là 8,1m tại nhà ông Đinh Sỹ Vinh xã Hùng Sơn.
Trong lần đo này, Đoàn công tác còn sử dụng thiết bị đo Fluke 87 (76010532) để đo điện áp cảm ứng và kết hợp với điện trở chuẩn R = 1k&! để đo dòng điện cảm ứng, kết quả đo như sau:
Tại ăngten nhà ông Vinh xã Hùng Sơn:
- Điện áp cảm ứng và dòng điện cảm ứng khi chưa tiếp đất tương ứng là: 236V; 39 mA;
- Điện áp cảm ứng và dòng điện cảm ứng khi tiếp đất là: 18V và 29 mA.
Tại dây phơi nhà bà Nguyễn Thị Hải xã Hùng Sơn:
- Điện áp cảm ứng và dòng điện cảm ứng khi chưa tiếp đất là 140V và 147 mA;
- Điện áp cảm ứng dòng điện cảm ứng khi tiếp đất là: 0,01V và 0 mA.
Theo yêu cầu của các hộ dân, vào lúc 19h30 ngày 01 tháng 8 năm 2007, tại sân nhà ông Nguyễn Văn Bình xã Hùng Sơn, Đoàn công tác đã đo điện áp và dòng điện cảm ứng trên người khi đứng trên ghế nhựa cao 40cm. kết quả cụ thể như sau:
- Kiểm tra bằng bút thử điện hạ áp: khi chạm vào người, bút sáng đỏ;
- Điện áp cảm ứng là: 30V;
- Dòng cảm ứng là: 4,1 kVA;
Về hiện tượng bút sáng đỏ khi chạm bút thử điện vào người, theo Cục KTAT công nghiệp thì do người dân sử dụng bút “thông mạch”, loại bút không được dùng để xác định điện áp, chỉ dùng để xác định mạch điện đang ở trạng thái kín hay trạng thái hở, chạm vào người làm đèn sáng đỏ rồi từ đó kết luận đang bị nhiễm điện là thiếu cơ sở khoa học. (Thực tế khi dùng bút loại này, cứ chạm vào người là đèn báo sáng đỏ dù ở nơi không có đường dây điện, hay nguồn điện).
Tại Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10 tháng 10 năm 2002 Ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, chỉ quy định giá trị cho phép của dòng tiếp xúc và cảm ứng ở dải tần số cao từ 30kHz trở lên (ở tần số 30kHz, dòng cực đại qua mỗi một chân người cho phép 30mA) còn đối với tần số công nghiệp 50Hz chỉ quy định về giá trị cho phép của cường độ điện trường (tối đa là 25kV/m) chứ không đề cập đến điện áp và dòng cảm ứng. Thực tế, với điện áp cảm ứng là 30V và dòng cảm ứng là 4,1 kVA (kết quả đo lần 2) ở tần số 50Hz không gây cảm giác gì cho con người.
Như vậy, qua hai lần đo kiểm tra, đối chiếu với các quy định hiện hành thì khoảng cách từ dây dẫn đến nhà, cường độ điện trường trong và ngoài nhà của các hộ dân có đơn khiếu kiện đều đáp ứng điều kiện được tồn tại trong HLLĐ, không phải di dời ra ngoài. Tuy nhiên, các hộ dân này không nhất trí với kết luận của Đoàn và đều kiến nghị được đền bù để di dời.
Ngoài ra, theo Cục KTAT Bộ Công Thương, tình hình khiếu nại liên quan đến đường dây 220kV Hà Giang – Tuyên Quang - Thái Nguyên ngày càng phức tạp vì:
- Chủ đầu tư và Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) chưa giải thích đầy đủ và chưa làm tốt công tác bồi thường. Đến thời điểm này, các hộ dân mới nhận được tiền tạm ứng, chưa được nhận đủ số tiền bồi thường theo quy định;
- Chủ đầu tư xây dựng công trình đã không thực hiện việc tiếp đất cho tất cả các kết cấu kim loại theo quy định tại điểm b khoản 1 điều 6 Nghị định 106/2005/NĐ-CP và Quy định thực hiện các biện pháp an toàn phòng tránh ảnh hưởng nguy hiểm điện từ của đường dây trên không và trạm điện áp cao được ban hành kèm theo Tiêu chuẩn ngành “Mức cho phép của cường độ điện trường tần số công nghiệp và quy định việc kiểm tra chỗ làm việc” theo Quyết định 183NL/KHKT ngày 12 tháng 4 năm 1994 của Bộ Năng lượng (quy định các kết cấu kim loại cách đường dây 220kV đến 50 mét phải được tiếp đất).
Cũng theo Cục Kỹ thuật An toàn, để giải quyết những bức xúc không chỉ của dân sống trong HLLĐ 220kV mà còn của dân sống gần sát hành lang tuyến đường dây dẫn điện trên không 500kV về hiện tượng cảm ứng điện từ, ngoài những việc EVN phải làm ngay như giải quyết dứt điểm công tác đền bù, thực hiện nối đất các kết cấu kim loại nhỏ như dây phơi, cột ăngten...; Tổ chức hội thảo khoa học về điện từ trường, cần khẩn trương thực hiện một số giải pháp cấp bách sau:
1. Rà soát lại tổng thể các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định về thiết kế các đường dây cao áp đến 500kV để có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh trong các vùng nông thôn hiện nay như tăng nhiều mạch trên cùng tuyến dây để tiết kiệm quỹ đất, tăng chiều cao cột để đảm bảo tiêu chuẩn cường độ điện trường, đặc biệt là đối với những đường dây cao áp và siêu cao áp trên không đi qua khu vực có dân cư... Thực tế, quy định chiều cao tối thiểu của đường dây 500kV qua khu đông dân cư là 14,0m, khu vực ít dân cư 10,0m đã được ban hành từ năm 1992 (Quy phạm Trang bị điện 500kV phần I Đường dây dẫn điện trên không 18 TCN-03.92) cho đến nay sau khi được bổ sung sửa đổi và ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BCN ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp vẫn chưa thay đổi và không đáp ứng được yêu cầu phải đảm bảo cường độ điện trường nhỏ hơn hoặc bằng 5kV/m tại mép ngoài hành lang đường dây.
2. Đề nghị các Vụ chức năng của Bộ Công Thương xem xét quy định lại phạm vi tiếp đất, kết cấu tiếp đất trong Quyết định 183NL/KHKT cho phù hợp với thực tế để áp dụng thống nhất (hiện nay EVN cho rằng, quy định phạm vi tiếp đất trong Quyết định 183NL/KHKT là quá rộng, kết cấu nối đất quá lớn, gây lãng phí không cần thiết, nên EVN không thực hiện được hoặc tự thu hẹp phạm vi tiếp đất các công trình, nhà cửa dọc tuyến đường dây).
3. Việc cho phép nhà cửa công trình được tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp đến 220kV như quy định trong khoản 1 điều 6 Nghị định 106/2005/NĐ-CP là cần thiết, do quỹ đất để xây dựng các tuyến đường dây rất hạn hẹp, hơn nữa thực tế nhiều nơi dân vẫn chung sống với đường dây cao áp. Tuy nhiên, cần đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xem xét sửa đổi lại quy định về bồi thường đất theo hướng tăng tiền bồi thường có lợi cho người dân để bù đắp lại những hạn chế và bất tiện khi phải sống trong HLLĐ, khuyến khích họ tự lựa chọn và quyết định sống trong HLLĐ.
Mục 8 Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quy định về việc bồi thường đối với đất thuộc hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn quy định tại khoản 2 điều 16 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP như sau: “Trường hợp nhà ở, công trình đủ điều kiện tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn của công trình, nhưng làm hạn chế khả năng sử dụng thì được bồi thường bằng tiền theo mức thiệt hại thực tế. Mức bồi thường bằng diện tích đất bị hạn chế sử dụng nhân với chênh lệch giá giữa giá đất tại thời điểm trước trừ giá đất tại thời điểm sau khi có quyết định thu hồi đất. Mức cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phù hợp với thực tế tại địa phương”. Theo quy định trên, đơn giá đền bù việc hạn chế khả năng sử dụng đất do UBND cấp tỉnh quy định và chỉ bồi thường phần diện tích bị hạn chế (thường là phần diện tích nằm trong hành lang bảo vệ an toàn công trình) là chưa thỏa đáng, vì nhiều khi đường dây chỉ đi qua 1 phần diện tích của mảnh đất mà người dân đang sử dụng, nhưng toàn bộ mảnh đất đó vẫn bị giảm giá trị. Hơn nữa, đơn giá đền bù thường rất thấp nên đa số dân không chấp nhận, dẫn đến những phức tạp trong GPMB, cản trở việc thi công công trình.