Ô nhiễm làng nghề: Cần chế tài xử lý mạnh

Sáng 4-3, Đoàn giám sát của Quốc Hội về thực hiện chính sách, pháp luật môi trường tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc

45/46 làng nghề bị ô nhiễm không khí

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 1.350 làng có nghề với tổng số lao động tham gia sản xuất là hơn 670 nghìn người. Năm 2010, giá trị sản xuất của các làng nghề trên địa bàn ước đạt 8.663 tỷ đồng, chiếm 8,3% giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, làng nghề phát triển, sản xuất kinh doanh mở rộng khiến cho lượng chất thải gây ô nhiễm phát sinh ngày càng nhiều, trong khi việc quản lý môi trường làng nghề còn nhiều bất cập, chồng chéo, đầu tư xử lý chất thải làng nghề chưa được chú trọng.

Tuy chưa có được một nghiên cứu đầy đủ về môi trường làng nghề song theo kết quả quan trắc môi trường tại các vùng này cho thấy, hiện trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng theo từng năm. Theo kết quả quan trắc năm 2009, có 9/23 làng nghề có từ một đến bốn chỉ tiêu quan trắc nồng độ khí thải gây ô nhiễm vượt mức cho phép từ 1,1 lần đến 3,1 lần. Năm 2010, có 45/46 làng nghề có từ một chỉ tiêu quan trắc chất lượng không khí vượt chuẩn cho phép từ 1,1 lần đến 4,3 lần. Đặc biệt các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm như bún, miến, đậu phụ …có chỉ tiêu hữu cơ quan trắc chất lượng nước thải vượt chuẩn cho phép cao nhất từ 10-14 lần.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, nguyên nhân của tình trạng này là do các hộ sản xuất làm nghề trong làng nghề đều tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất. Quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, việc sản xuất xen lẫn khu dân cư nên gây nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT), thu gom và xử lý chất thải. Trình độ công nghệ tại các làng nghề còn đơn giản, mới ở giai đoạn đầu chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất cơ giới. Thêm vào đó, công tác quản lý về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chồng chéo. Tại hầu hết các xã chưa có cán bộ chuyên môn về môi trường mà chủ yếu làm kiêm nhiệm. Nguồn vốn đầu tư cho việc xử lý môi trường tại các làng nghề rất hạn chế. Đa phần các hộ sản xuất trong làng nghề không có đủ kinh phí để đầu tư các hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng của làng nghề. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thoát nước thải còn kém. Trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT làng nghề còn thiếu, mới chỉ thể hiện trong điều 38 của Luật Bảo vệ môi trường 2005 mà chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, thi hành cụ thể.

Ông Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội cho hay, trong đợt đi kiểm tra giám sát lần này về tình hình môi trường làng nghề mới thấy, làng nghề theo đúng nghĩa là rất ít, có làng chẳng thấy nghề đâu cả. Chúng ta cần có thiết chế quản lý, thiết chế xã hội như thế nào cho phù hợp để khi chi ngân sách hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng. Điều quan trọng là nên rà soát lại các làng nghề, bỏ những cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đại biểu này cũng băn khoăn không hiểu các cán bộ địa phương cấp huyện, xã đã có kỹ năng đánh giá Báo cáo tác động môi trường hay chưa hay chỉ làm cho đủ về thủ tục, hồ sơ.

Một thành viên khác của đoàn giám sát của Quốc Hội cho rằng, mục tiêu chính là phát triển bền vững cải thiện môi trường sống tại các làng nghề nhưng thực tế lại chưa đạt được. Ô nhiễm tại các làng nghề không chỉ là khí thải, nguồn nước mà còn ô nhiễm tiếng ồn….Công tác quy hoạch được tiến hành không hiệu quả khi mà khu vực sản xuất gắn liền với khu dân cư, gây ô nhiễm nguồn nước sạch. Hệ thống cống rãnh thì quá tải, ô nhiễm. “Chúng ta đã có Luật BVMT, UBND TP Hà Nội cũng ban hành nhiều VBQPPL, chế tài khả đẩy đủ nhưng vấn đề là xử lý chưa mạnh tay, còn nể nang, nặng về doanh thu kiểu “sống chết mặc bay” hay xử phạt kiểu “bỏ từ túi này sang túi khác”. Riêng về vấn đề phí cũng phải nghiên cứu thêm vì phí hiện quá thấp. Họ làm sản xuất kinh doanh, gây tác động xấu đến môi trường thì phải có trách nhiệm với Nhà nước, với xã hội”.

Quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp làng nghề để giảm ô nhiễm

Đó chính là một trong các giải pháp được UBND TP Hà Nội đưa ra nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn. Các giải pháp khác bao gồm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tập huấn về BVMT tại các làng nghề; xây dựng và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), các quy định về BVMT làng nghề trên địa bàn TP; tăng cường kiểm soát ô nhiễm, thanh tra, kiểm tra và xử lý VPPL về BVMT tại các làng nghề; Huy động nguồn lực đầu tư cho BVMT; tăng cường chất lượng cán bộ làm công tác quản lý môi trường …

Để giảm thiểu ô nhiễm tại các làng nghề, di chuyển việc sản xuất ra khỏi làng đảm bảo thuận lợi trong việc đầu tư hệ thống xử lý môi trường, trên địa bàn TP Hà nội đã và đang triển khai xây dựng 47 cụm công nghiệp trên tổng diện tích 2648,9 ha, thu hút tổng số 2361 dự án đầu tư. Trong năm 2010, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện giám sát chất lượng môi trường tại hai cụm công nghiệp làng nghề tại huyện Thường Tín và kết quả cho thấy, có nước thải xả ra ngoài môi trường vượt quy chuẩn cho phép.

Ông Lương Duy Dần – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng, các cụm công nghiệp làng nghề hiện nay phát triển chưa trúng với tiêu chí ban đầu mà đang bị biến dạng, chủ yếu để nhằm giãn dân là chính. Thực tế nhiều địa phương cũng đang còn lúng túng về vấn đề này nên chúng ta cần có giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Có ý kiến cho rằng, nhiều nơi được coi là làng nghề nhưng không có nghề hay đơn giản chỉ là chế biến sắn, liệu có nên bỏ hay không. Nhưng thực tế, nhiều nghề đang tạo công ăn việc làm cho các đối tượng chính sách, người tàn tật… Nếu chúng ta không tạo ra nhiều làng nghề mới thì người dân ở đó biết làm gì trong khi quá trình đô thị hóa quá mạnh. Rõ ràng Hà Nội là nơi có nhiều làng nghề, phố nghề nhất cả nước nhưng cũng đang báo động cao về tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu như các làng nghề này áp dụng ngày càng nhiều công nghệ cao vào sản xuất thì sẽ giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm. Trên thực tế, đã có luật và nhiều văn bản chính sách về vấn đề BVMT, tuy nhiên chúng ta cần xem xét lại là liệu có sát với thực tế hay không?

Theo ông Nguyễn Huy Tưởng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc xử lý các cơ sở vi phạm tại các làng nghề là rất khó vì chủ yếu họ làm trong khuôn khổ hộ gia đình, cũng chẳng đi đăng ký kinh doanh thì chế tài xử phạt thế nào. Trước đây, Hà Tây cũng đã làm thí điểm áp dụng chế tài xử phạt tại ba làng nhưng cũng không làm được vì dân họ bảo “Tháng làm có ba triệu, nộp phạt một triệu thì lấy gì mà sống”. Trong thời gian tói, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp xử lý môi trường làng nghề, đưa những hộ gia đình làm nghề nặng về tính chất sản xuất kinh doanh ra các cụm công nghiệp làng nghề để cải thiện môi trường sống cho người dân nơi đây.

  • Tags: