Ngành May mặc Việt Nam với nỗi ám ảnh ngày 1.1.2005

Ngành May mặc thế giới sẽ thay đổi ở mức độ toàn cầu khi quota chấm dứt vào đầu năm 2005. Đó là nhận định của bài phân tích trên báo Financial Times số ra mới đây. Ngành Dệt-May thế giới tuyển dụng kh

Các chuyên gia cho rằng, các nước lấy may mặc làm ngành xuất khẩu chủ chốt phải có những thay đổi lớn, nếu còn muốn cạnh tranh chứ chưa kể duy trì khả năng tồn tại. Người ta dự kiến, Trung Quốc sẽ là nơi sản xuất và xuất khẩu tới 50% hàng may mặc trên thế giới trong thời gian tới, đứng sau Trung Quốc là ấn Độ. Từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, xuất khẩu hàng may mặc của nước này đã chiếm 25% tổng số hàng may mặc toàn cầu và Trung Quốc không còn phụ thuộc vào cái gọi là hạn ngạch do Hoa Kỳ và Liên hiệp Âu châu áp đặt từ trước tới nay, bởi họ là thành viên của tổ chức này. Do đó, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ là nước thống lãnh thị phần thế giới bởi không chỉ Trung Quốc có qui mô sản xuất, giá thành thấp và tính cách hiệu quả mà còn do yếu tố bãi bỏ quota vừa nói. Ngoài ra, người ta cũng nói tới thế mạnh của Trung Quốc ở khả năng phản hồi nhanh cho đơn đặt hàng cũng như uy tín của ngành này tại Trung Quốc, hơn nữa, tập quán kinh doanh của người Trung Quốc luôn cho thấy, họ sẵn sàng lắng nghe nhu cầu của khách hàng.
Việt Nam hiện chưa là thành viên của WTO và do đó, đang và sẽ vẫn chịu sự khống chế quota khi Mỹ và Liên hiệp Âu châu bãi bỏ vào đầu năm 2005. Hơn nữa, khung thuế cao cho các hàng rào thương mại cũng là cản trở đáng kể đối với hàng may mặc xuất khẩu đi các nước. Những nhận định mới đây cho rằng, nếu Việt Nam không gia nhập WTO kịp vào tháng 1 năm 2005 theo mục tiêu đề ra, thì đó sẽ là cản trở đối với ngành May mặc. Chi phí cao từ cơ chế quota và cái gọi là phí quota, cũng như không biết cụ thể thời hạn nào Việt Nam sẽ được gia nhập WTO đang làm mất dần đi các đơn đặt hàng.
Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam nở rộ từ tháng 12 năm 2001, khi Hà Nội và Washington ký Hiệp định Thương mại song phương. Doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này đã tăng từ 49 triệu USD vào năm 2001 lên tới 2,5 tỷ USD vào năm 2003. Hàng dệt may của Việt Nam sang Liên hiệp Âu châu trị giá tới 600 triệu USD và sang Nhật Bản ở mức 500 triệu USD vào năm 2003. Và Việt Nam hiện đã tuyển dụng khoảng 2 triệu lao động trong ngành Dệt May, với khoảng 2000 nhà máy.
Việt Nam cũng đã và đang đàm phán với Liên hiệp Âu châu để hy vọng họ bỏ cơ chế quota đối với Việt Nam, nhằm duy trì và tạo thêm thị phần cho Ngành trong giai đoạn chuyển tiếp. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, Việt Nam hy vọng Liên hiệp Âu châu sẽ bỏ quota cho Việt Nam, nhưng Mỹ thì khó thực hiện được. Ngành May mặc Việt Nam đang lo lắng về khả năng sống còn của Ngành này vào năm 2005. Tại Mỹ, nơi nhập nhiều hàng may mặc nhất thế giới, Hiệp hội Nhập khẩu cho rằng, các nhà nhập khẩu hàng may mặc sẽ chỉ mua hầu hết hàng từ khoảng 5 hoặc 6 nước, chứ không nhập từ khoảng 50 nước như hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng, ngoài Trung Quốc và ấn Độ thì khu vực Trung Mỹ và Đông Âu cũng có lợi thế, bởi họ vốn đã có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang và có địa thế gần thị trường Mỹ và Tây Âu, nên có thể chuyển các lô hàng tới đây nhanh hơn. Thái Lan, nước đứng đầu sản xuất lụa cũng được xem là trung tâm thời trang mới tại á châu với các kỹ năng thiết kế mẫu thời trang đang phát triển mạnh.
Rào cản bằng quota ra đời từ năm 1974 khi Mỹ, châu Âu và các nước giàu chính thức bảo hộ ngành này, thông qua cái gọi là Hiệp định đa sợi (MFA). Theo đó, các nước đang phát triển bị giới hạn bởi hạn ngạch. Trên thực tế, cơ chế quota có thể coi là một hình thức thuế đánh vào mặt hàng này và nó đã làm méo mó bức tranh may mặc cả về giá thành, cũng như quy trình sản xuất. Việc bãi bỏ quota, thỏa thuận được chấp nhận cách đây 10 năm trong vòng đàm phán Uruguay theo dự kiến sẽ làm hạ giá các mặt hàng may mặc, nhưng cũng sẽ đưa ra các thách thức lớn đối với các nước giàu, lẫn những nước đang phát triển.
Đối với những nước nghèo khác, lấy may mặc làm mũi nhọn xuất khẩu như Bangladesh (chiếm 75% doanh thu xuất khẩu), thì việc bãi bỏ quota may mặc là một thảm họa đối với họ. Tại Liên minh châu Âu, nơi có tới 2,7 triệu lao động trong Ngành thì bãi bỏ quota cũng có nghĩa là các nước như Anh và Đức cũng bị mất lao động trong khoảng từ 13 đến 15%. Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới cho rằng, cơ chế quota làm các nước đang phát triển mất đi 40 tỷ USD và 27 triệu lao động mỗi năm.
Ngày 1/1/2005 sẽ là thời điểm mà phía Mỹ loại bỏ quota cho ngành Dệt-May với một số nhà cung cấp nước ngoài đã tham gia WTO. Sau thời hạn này, Việt Nam có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nếu các nhà cung cấp phía Việt Nam không có những cố gắng thiết thực để đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài.

  • Tags: