Công đoàn công nghiệp Việt Nam đổi mới để hội nhập

Công đoàn Công nghiệp Việt Nam thành lập đến nay vừa tròn 10 năm (1997-2007). 10 năm qua, CĐCNVN đã không ngừng vươn lên trong công tác xây dựng tổ chức, chỉ đạo phong trào, động viên CNVCLĐ toàn Ngàn

 

Năm 2007 là năm thứ 2 triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006 – 2010, năm đầu tiên chúng ta chính thức bước vào hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới sẽ có những tác động cả về mặt thuận lợi và khó khăn cho hoạt động CĐ. Đó là:

- WTO tạo ra những thay đổi nhất định về điều kiện và môi trường hoạt động công đoàn bởi về nguyên tắc, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, nhất quán, minh bạch và giảm dần khoảng cách không tương thích với luật pháp và thông lệ quốc tế. Điều này đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; hoạt động có hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động và doanh nghiệp. Có như vậy mới có thể thu hút được đông đảo người lao động gắn bó với tổ chức công đoàn.

- WTO đưa đến sự tăng nhanh số lượng lao động, tăng nhanh các doanh nghiệp, thuộc các thành phần kinh tế, đặc biệt là thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Đây chính là mảnh đất giàu tiềm năng để công đoàn vận động phát triển CĐCS và đoàn viên.

Để giảm áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ thường xuyên cắt giảm lao động, giảm lương, giảm trợ cấp phúc lợi; các vi phạm về điều kiện lao động, thời gian làm việc, nghỉ ngơi sẽ xảy ra thường xuyên hơn, dẫn đến tranh chấp lao động nhiều hơn về số lượng, lớn hơn về quy mô, phức tạp hơn về tính chất. Điều này dẫn đến người lao động sẽ có nhu cầu được tổ chức công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và họ sẽ tìm đến công đoàn nhiều hơn. Yếu tố này tạo ra sự tác động tích cực cho tổ chức công đoàn, công đoàn sẽ gắn bó hơn với người lao động, đồng thời đòi hỏi công đoàn phải nhanh chóng đổi mới để có thể bảo vệ người lao động một cách hiệu quả.

Về mặt pháp lý, khi hệ thống pháp luật nước ta được bổ sung, hoàn thiện theo tinh thần của WTO, nhiều quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động, của doanh nghiệp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước; những cơ chế, biện pháp để công đoàn thực hiện chức năng của mình cũng sẽ minh bạch hơn và được đảm bảo thực thi nghiêm túc, hiệu quả hơn.  

- WTO tạo cơ hội gia tăng các quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và công đoàn. Điều này giúp Công đoàn Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đối ngoại, góp phần trao đổi kinh nghiệm hoạt động và tranh thủ sự hỗ trợ về mọi mặt của công đoàn các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh những tác động tích cực trên, việc Việt Nam gia nhập WTO cũng tạo ra những tác động tiêu cực đối với tổ chức công đoàn, đó là:

- Cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Lực lượng lao động tăng nhanh. Các quan hệ lao động sẽ trở nên phức tạp hơn, trong khi điều kiện hoạt động của công đoàn sẽ ngày càng khó khăn do tổ chức bộ máy, cán bộ chưa được đổi mới và đào tạo kịp thời. Kinh phí hoạt động cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

- Việc nhiều doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh phải thu hẹp sản xuất, phá sản, giải thể làm cho một bộ phận lao động, trong đó có đoàn viên công đoàn mất việc làm sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định tổ chức công đoàn, ảnh hưởng tới hoạt động của công đoàn cơ sở và niềm tin, sự gắn bó của đoàn viên, công nhân lao động với tổ chức công đoàn.

- Khi hội nhập kinh tế quốc tế, công nhân lao động Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với nhiều luồng thông tin do đó dễ bị ảnh hưởng bởi những luồng thông tin lệch lạc, nhất là thông tin về tư tưởng.

Những thuận lợi và khó khăn trên đặt ra cho CĐCNVN những thách thức và nhiệm vụ to lớn đó là: ổn định tổ chức, giữ vững phong trào CNVC và hoạt động CĐ, đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Trong đó, phát triển đoàn viên và bảo vệ người lao động là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của các cấp CĐ trong ngành. Để thực hiện nhiệm vụ đó, năm 2007, CĐCNVN sẽ tập trung đầu tư mọi nguồn lực cho việc thành lập công đoàn cơ sở và vận động phát triển đoàn viên. Bên cạnh đó, nhanh chóng đổi mới tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức tổ chức hoạt động phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, xứng đáng là người đại diện quyền và lợi ích chính đáng của CNLĐ toàn ngành Công nghiệp (bao gồm cả CNLĐ ngành Dầu khí, Điện lực, Than và Khoáng sản Việt Nam…). Hội nghị lần thứ 8 BCH CĐCNVN khoá II đã xác định tập trung đổi mới một số nội dung  hoạt động sau:

1. Đổi mới  công tác tư tưởng, tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ và nhận thức đúng đắn về những cơ hội, thách thức đối với chính bản thân họ khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO. Từ đó, hành động thống nhất và nhất quán phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thực hiện pháp luật, chế độ chính sách có liên quan đến người lao động. Chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện thoả ước lao động tập thể và quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm làm tốt trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

3. Đổi mới nội dung phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVCLĐ, nhằm đem lại lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội trong hội nhập kinh tế quốc tế.

4. Đổi mới và đẩy mạnh công tác phát triển công đoàn cơ sở và đoàn viên, đặc biệt là công đoàn cơ sở và đòan viên trong khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

5. Thực hiện tốt việc tham gia xây dựng qui chế phối hợp giữa CĐ với cơ quan đồng cấp, khẩn trương xây dựng mô hình tổ chức và nội dung hoạt động CĐ theo ngành nghề phù hợp với tình hình mới. Đổi mới công tác đào tạo, xây dựng bộ máy cán bộ có đủ năng lực tổ chức hoạt động và bảo vệ người lao động trước pháp luật.

Đó là những nội dung cơ bản nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng, trách nhiệm của CĐCNVN trước đoàn viên và người lao động trong Ngành. Một mùa xuân mới với khí thế và vận hội mới, đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn ngành Công nghiệp tin tưởng rằng, trên biển lớn WTO, con thuyền  CĐVN sẽ căng buồm lướt sóng thẳng tiến ra khơi khẳng định vị thế của mình trong đời sống xã hội.
  • Tags: