Văn bản pháp luật

1. Nghị định số 102/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức

Nghị định quy định thời hạn không được kinh doanh đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sau khi thôi giữ chức vụ trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp của nhà nước; quy định trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề.

Mục tiêu quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với người thôi giữ chức vụ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa người thôi giữ chức vụ lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực trước đây được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giao quản lý để vụ lợi cho bản thân và gia đình, làm thất thoát tài sản nhà nước, gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.

Theo quy định tại Nghị định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ chối cấp phép cho người thôi giữ chức vụ vi phạm các quy định về lĩnh vực và thời hạn không được kinh doanh; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi phát hiện lĩnh vực kinh doanh và thời hạn không được kinh doanh của người thôi giữ chức vụ được cấp phép không đúng quy định trong Nghị định.

2. Nghị định số 103/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

            Nghị định quy định, người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu phải đề ra các biện pháp, tổ chức thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định tại Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới về việc để cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Người đứng đầu cấp trên trực tiếp, nếu để cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc xảy ra vụ vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tuỳ theo tính chất và mức độ của vụ vi phạm cũng có thể phải chịu trách nhiệm liên đới.

Cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Trường hợp vụ việc vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thì ngoài cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra vụ việc, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có người trực tiếp vi phạm và người liên quan vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới theo quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.   

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật.            

Đối với trường hợp vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Quyết định số 1968/QĐ-BTC ngày 6 tháng 6 năm 2007 của Bộ Tài chính về cơ chế quản lý, điều hành giá bán xăng.

Theo quy định tại Nghị định, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối căn cứ vào giá nhập khẩu từng chủng loại xăng, các loại thuế, phí theo quy định, chi phí kinh doanh thực tế và lợi nhuận hợp lý để tái đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tính mức giá cụ thể theo các hướng dẫn về tính giá thành sản xuất, chi phí lưu thông và tính giá hàng hóa, dịch vụ hiện hành để quyết định giá bán lẻ xăng phù hợp với từng thời điểm, chất lượng của từng loại xăng. Trước khi ban hành Quyết định giá bán xăng, doanh nghiệp có trách nhiệm đăng ký mức giá bán với liên Bộ Tài chính – Thương mại, sau đó tổ chức bán hàng theo giá đã đăng ký, niêm yết giá bán đã đăng ký công khai trong toàn hệ thống và không được bán cao hơn giá niêm yết, đồng thời phải chấp hành các biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật khi thị trường có những biến động bất thường.

  • Tags: