Phải giải quyết dứt điểm tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ...

Để Việt Nam cơ bản sẽ trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đề ra, bên cạnh một số vấn đề liên quan đến luật pháp cũng như cơ chế, chính sách... thì công tác
  PV. Xin thứ trưởng cho ý kiến nhận xét và đánh giá một cách tổng quan về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong ngành Công nghiệp nói chung và  trong các phân ngành nói riêng  hiện nay?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Trong 5 năm qua, ngành Công nghiệp đã có những bước tiến vượt bậc trong công tác quy hoạch, bản thân đồng chí Bộ trưởng trực tiếp quan tâm chỉ đạo công việc này. Tính đến nay, ngoại trừ ngành công nghiệp thực phẩm đang trong quá trình hoàn thiện, thì tất cả các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp đều lập xong chiến lược quy hoạch và đã trình Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là những ngành quan trọng như Điện, Hoá chất, Than, Thép... Đặc biệt, với việc Đảng ta đề ra chủ trương CNH, HĐH đất nước, thì việc ra đời bản chiến lược phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 không những là tiền đề quan trọng cho việc định hướng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp riêng lẻ, mà quan trọng hơn đã được cụ thể hoá trong Nghị quyết của Đại hội IX về phát triển của từng ngành công nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới. Ngoài ra, Bộ cũng đã hoàn thành bản quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng kinh tế đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Song song với công việc chung, Bộ còn chỉ đạo Viện Nghiên cứu chiến lược Chính sách Công nghiệp giúp các địa phương trong cả nước lập quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Nhờ có các bản quy hoạch này, tình hình đầu tư các dự án mới đã đi vào nề nếp và màn lại hiệu quả tăng trưởng cao của công nghiệp địa phương trong cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được trong thời gian qua đối với công tác quy hoạch, thực tế vẫn còn không ít nhược điểm cần phải khắc phục ngay, như tình trạng phê duyệt chậm cũng như chất lượng quy hoạch vẫn chưa cao, nhiều bản quy hoạch trước năm 2000, vẫn chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình hình mới.

PV. Thực tế hiện nay cho thấy, trong công tác quy hoạch vẫn còn có sự thiếu đồng bộ giữa các ngành và lĩnh vực với nhau... hậu quả, có những dự án ra đời nhưng hoạt động không hiệu quả vì thiếu sự liên kết trong quy hoạch giữa các ngành, xét trên góc độ tổng thể), Thứ trưởng suy nghĩ gì về vấn đề này?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Đúng là như vậy. Hiện trong khâu quy hoạch chúng ta vẫn còn có sự chồng chéo và sự phối hợp thiếu đồng bộ giữa các bộ, ngành với nhau. Chẳng hạn,  trong lĩnh vực đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, ngành Giấy là một ví dụ điển hình. Trong khi, Bộ Công nghiệp đã hoàn thành quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bột giấy, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại chưa hoàn thành quy hoạch chiến lược phát triển trồng cây nguyên liệu, dẫn đến thực trạng có khi nhà máy xây dựng theo đúng quy hoạch phát triển ngành đã ra đời, nhưng lại thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất... Bên cạnh đó, trong công tác quy hoạch phát các khu công nghiệp, một vấn đề cực kỳ quan trọng là phải kết hợp với ngành Xây dựng để quy hoạch phát triển các khu đô thị đi kèm, nếu không làm tốt công tác này thì không những quy hoạch vẫn còn mang bóng dáng thời bao cấp mà còn để lại hiệu quả khó giải quyết. Khu công nghiệp Cao- Xà- Lá, rồi KCN Việt Trì trước đây vì không có quy hoạch đô thị đi kèm nên hậu quả bây giờ nhà máy phải tính đến chuyện di dời để nhường chỗ cho dân cư; Hoặc như kiểu quy hoạch hiện tại ở một số KCN tập trung, chỉ biết quy hoạch và phát triển các nhà máy sản xuất, mà không hề quan tâm đến quy hoạch chỗ ở và các dịch vụ khác cho người lao động. Hậu quả là dẫn đến một số vấn đề xã hội phát sinh chưa thể giải quyết được. Các KCN ở Bình Dương, Đồng Nai là những ví dụ tiêu biểu.

Còn việc hoạt động không hiệu quả, không phải lỗi do khâu quy hoạch, mà do tính khả thi của dự án kém, chưa lường hết các yếu tố vốn, thị trường, khả năng cạnh tranh và trình độ quản lý dự án của chủ đầu tư.

PV:  Làm thế nào để khắc phục được tình trạng trên? Đặc biệt, là địa phương nào, ngành nào hiện nay cũng đều làm quy hoạch... mà theo nhận xét của nhiều chuyên gia là đã vô tình phá vỡ quy hoạch tổng thể ở tầm quốc gia, gây ra sự manh mún trong khâu quy hoạch, dẫn đến việc khó quản lý về mặt nhà nước, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Rõ ràng không còn cách nào khác là phải có sự phối, kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau trong việc lập quy hoạch và quản lý quy hoạch. Một khi, công tác này được làm tốt, thì chắc chắn hiệu quả kinh tế của quy hoạch sẽ rất cao. Tôi lấy ví dụ, ngành công nghiệp dệt, từ khi đưa công tác quản lý và phát triển cây bông (nguyên liệu) và cây thuốc lá về Bộ Công nghiệp, thì các ngành này đang tiến triển tốt. Còn đối việc phát triển đàn bò sữa, phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến sữa hiện vẫn chưa thuộc Bộ quản lý, nên giữa công tác phát triển đàn bò với việc chế biến sữa hiện đang có một số vấn đề... Đây mới chỉ là vấn đề phối, kết hợp trong việc quy hoạch phát triển giữa sản xuất và nguồn nguyên liệu đi kèm. Còn ở bậc vĩ mô, theo tôi, dứt khoát phải có sự kết hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương với nhau, dựa trên cơ sở của Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội tổng thể đã được Nhà nước và Chính phủ thông qua.

Riêng đối với các tỉnh, khi lập quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn phải phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của cả vùng, lãnh thổ và của cả quốc gia. Điều quan trọng, khi tiến hành triển khai đầu tư các dự án, phải trách được sự trùng lắp (nghĩa là phải làm sao phát huy được lợi thế so sách của từng địa phương) dựa trên vị trí địa lý, vùng nguyên liệu đi kèm... chứ không nhất thiết tỉnh nào cũng phải “đòi” xây dựng nhà máy sản xuất bia, xi măng, hay lắp ráp ô tô cho bằng được. Đồng thời, phải tuân thủ các chức năng về phân cấp quản lý trong công tác đầu tư của Thủ tướng. Nghĩa là, khi một tỉnh muốn đầu tư một dự án nào đó, thuộc các nhóm đã được Thủ tướng phân cấp, nhưng lại thuộc ngành, lĩnh vực mà Bộ chuyên ngành quản lý về mặt nhà nước, thì nhất thiết dự án đó phải được sự thoả thuận đồng ý của Bộ chủ quản để xem xét (không phải về mặt hành chính), mà về phương diện quy hoạch để tránh tình trạng trùng lắp trong đầu tư.

 PV: Xung quanh vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế và quy hoạch ngành, không ít ý kiến cho rằng “Cách tốt nhất trong công tác quy hoạch là không nên quy hoạch gì cả”, mà  chỉ nên đề ra chiến lược phát triển trong một khoảng thời gian nhất định (trung hạn hoặc dài hạn) dựa trên sự phát triển của nền kinh tế trong nước nói riêng và kinh tế thế giới nói chung là đủ. Và họ còn cho rằng, có những bản quy hoạch phát triển ở một số ngành hiện nay, thực tế cũng chỉ là hình thức cục bộ, tạo ra sự độc quyền của một số DNNN lớn mà thôi. Theo Thứ trưởng, nhận định trên có xác đáng không? Và, để công tác quy hoạch đi vào cuộc sống cũng như sự quản lý sau quy hoạch thực hiện đúng kỷ cương, mấu chốt quan trọng cần phải làm bằng được trong thời gian tới là gì?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Theo tôi, nhận định này là hoàn toàn không chính xác. Như chúng ta đã biết, thể chế kinh tế nước ta là kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của nhà nước, trong đó, lấy kinh tế nhà nước làm xương sống cho sự phát triển. Và thực tế, trong cấu trúc của nền kinh tế hiện tại, nguồn vốn nhà nước vẫn chiếm phần lớn. Do đó, để phát triển nền kinh tế, nhất thiết không thể thiếu khâu quy hoạch. Song, quy hoạch ở đây, không phải là nhằm tạo ra sự độc quyền cho các DNNN như một số người nhận định, mà quy hoạch ở đây chỉ mang tính định hướng cho sự phát triển. Bên cạnh đó, hiện nay, trong công tác đầu tư phát triển, chúng ta cũng đang trong tình trạng thiếu vốn, nên thông qua quy hoạch, Nhà nước có cơ sở để phân bổ vốn hoặc kêu gọi đâu tư từ mọi nguồn trong và ngoài nước để đầu tư cho những ngành, lĩnh vực trọng điểm, nhằm đẩy nhanh công cuộc CNH, HĐH đất nước. Và trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư bình đẳng như những DNNN khác, nghĩa là quy hoạch không có tính độc quyền.

Và như vậy, để công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đi vào cuộc sống, mấu chốt của vấn đề cần phải thực hiện trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, Phải công khai hoá quy hoạch, để không những mọi thành phần kinh tế được biết mà toàn dân cũng phải được biết để tham gia đầu tư.

Thứ hai,  Phải tiến hành, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, cương quyết loại bỏ những dự án đầu tư mà không nằm trong quy hoạch hoặc đã có trong quy hoạch nhưng không có tính khả thi cao. Đồng thời, bản thân quy hoạch phải có định hướng rõ ràng, nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư.

Thứ ba, Không khuyến khích các địa phương chạy theo phong trào, đầu tư vào những lĩnh vực mà địa phương không có lợi thế và cũng không nằm trong tổng thể Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội chung của quốc gia... Bên cạnh đó, phải tiến hành khẩn trương và thực hiện đào tạo từ khâu lập dự án đến quản lý dự án để đến khâu phê duyệt dự án không phải tốn quá nhiều thời gian chờ thẩm định... Sao cho quá trình này diễn ra một cách nhanh nhất, để doanh nghiệp không mất đi cơ hội đầu tư, vì “thời gia cũng là tiền bạc”. Thiết nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải chấn chỉnh lại công tác lập chiến lược và quy hoạch theo hướng dẫn mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng thời, phải đổi mới tư duy và phương pháp lập quy hoạch cho phù hợp với tình hình đổi mới hiện nay.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc lập quy hoạch vốn đã mất quá nhiều thời gian, nhưng việc duyệt quy hoạch lại còn lâu hơn, do đó doanh nghiệp mất thời cơ đầu tư, dẫn đến tính khả thi của quy hoạch đã được duyệt kém, Thứ trưởng nhận định về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Đỗ Hữu Hào: Thực tế hiện nay, kể cả cơ quan lập quy hoạch và cơ quan phê duyệt quy hoạch vẫn chưa làm tốt công tác chuyên môn của mình. Thành thử có những dự án, có khi bên quy hoạch làm rất tốt, song bên phê duyệt quy hoạch, vì một lý do nào đó, kéo dài thời gian, nên thành ra, khi dự án đã được phê duyệt xong, thì cơ hội kinh doanh đối với dự án đã không còn. Và ngược lại.

Còn tính khả thi của dự án đã được quy hoạch cũng như hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi thực hiện dự án hoàn toàn không phụ thuộc vào quy hoạch, mà còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như nguồn vốn, tình hình giải phóng mặt bằng, công tác tư vấn xây dựng, công tác xây dựng và quản lý xây dựng thế nào....

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi này

  • Tags: