Nhiên liệu sạch ETHANOL và lời giải cho bài toán mía đường ở Brasil

Với sự phát triển xã hội, nhu cầu của con người về năng lượng ngày càng to lớn. Những nguồn nhiên liệu hoá thạch sẽ cạn kiệt dần và từ lâu, các nhà khoa học đã quan tâm tìm kiếm những nguồn năng lượng

Vài nét về ngành công nghiệp Ethanol của Brasil:

Theo như cách nói của ông Sergio Amaral, Bộ trưởng Bộ phát triển Công nghiệp và Ngoại thương của Brasil thì ngày nay, Brasil đã trở thành đất nước dẫn đầu thế giới về bóng đá và Ethanol.

   Trong thực tế, Brasil là quốc gia sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Brasil đồng thời cũng là nước sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu Ethanol số một trên thế giới. Cả nước, có đến 60.000 đồn điền trồng mía, hơn 300 nhà máy sản xuất Ethanol. Hàng năm, nước này xuất khẩu chừng hơn nửa tỷ lít Ethanol trong tổng sản lượng 13 tỷ lít/năm- tức là tương đương với khoảng 200.000 thùng dầu/ngày. Đây thực sự là một con số khổng lồ.

   Năm 2001, Brasil bán ra thị trường thế giới 620 triệu lít Ethanol; trong đó; chủ yếu là cho thị trường Mỹ, và các nhà sản xuất cho biết, họ có khả năng xuất khẩu 1 tỷ lít/năm. Ngành công nghiệp sản xuất Ethanol mang lại lợi nhuận hàng tỷ USD cho đất nước và ước tính mang lại công ăn việc làm cho 1 triệu người lao động.

Hiện nay, ở Brasil ở 3 triệu xe hơi chạy nhiên liệu Ethanol và 17 triệu xe khác sử dụng xăng pha Ethanol (gasohol) hoặc dầu disesl pha Ethanol ( diesohol) với tỷ lệ pha trộn khoảng 20% Ehtanol. Nhờ vậy mà tình trạng ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố lớn của Brasil đã được cải thiện đáng kể. Số lượng xe hơi chạy nhiên liệu pha Ethanol được bán ra ngày càng tăng: năm 1999, 11.000 xe năm 2001,18.000 xe và năm 2002, 40.000 xe.

   Chính phủ cũng khuyến khích người tiêu dùng mua xe chạy loại nhiên liệu mới bằng cách giảm giá bán xe.

   Ngành công nghiệp Ethanol đạt được những thành tựu to lớn như vậy là kết quả của quá trình đầu tư phát triển lâu dài về giống mía, công nghệ chế biến… và nhất là nhờ những cơ chế chính sách hợp lý của chính phủ Brasil. Yếu tố quyết định sự thành bại của ngành công nghiệp Ethanol chính là giá của Ethanol.

   Cách đây 30 năm, khi giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng đột biến do cuộc chiến tranh ở Trung đông, Brasil nảy ra ý tưởng tận dụng ưu thế của mình là mía đường sản xuất Ethanol nồng độ cao thay thế cho xăng, dầu diesel để giảm đi sự lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ của nước ngoài. Giá dầu mỏ lên rất cao cũng là yếu tố thuận lợi cho Ethanol thâm nhập thị trường, và sự chênh giá đủ lớn làm cho người tiêu dùng vượt qua được sự nghi ngại, và làm quen dần với dạng nhiên liệu mới mẻ này.

   Nhiều Viện, Trung tâm nghiên cứu về giống cây trồng đã vào cuộc để lai tạo ra những giống mía mới cho năng suất cao, có hàm lượng đường cao. Chính điều này cũng là yếu tố góp phần tạo ra ưu thế cạnh tranh cho nhiên liệu Ethanol trên thị  trường. Hiện nay, Brasil có hơn 30 giống mía cao sản thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng…của từng vùng đất canh tác. Tổng diện tích trồng mía của Brasil lớn nhất thế giới, lên đến 6,5 triệu hạ và cũng có năng suất cao nhất thế giới, đạt tới 85 tấn mía/ha, so với ấn Độ là nước sản xuất mía đường lớn thứ 2 có diện tích trồng mía 4,6 triệu ha và năng xuất đạt 63 tấn/ha.

   Cũng nhờ phát triển công nghiệp Ethanol mà diện tích trồng mía đường của Brasil đã tăng lên 2 lần trong vòng 30 năm qua. Kết hợp với công nghệ sản xuất ngày càng được cải tiến đã cho phép Brasil có được sản phẩm Ethanol đạt năng xuất lên tới 85- 90 lít/tấn mía và có giá thành chỉ khoảng 0,23 USD/lít (trong khi Ethanol sản xuất từ ngô ở Mỹ giá thành 0,44 USD/lít). Ngày nay, ngành công nghiệp Ethanol của Brasil đã trở thành bộ phận quan trọng của kinh tế đất nước này, song cũng không kém phần quan trọng là nhờ có Ethanol và Brasil đảm bảo được vấn đề an ninh năng lượng.

Công nghiệp Ethanol của Brasil thâm nhập thế giới

Những người Brasil tiên phong với ý tưởng dùng Ethanol thay thế cho nhiên liệu truyền thống có lẽ cũng không tưởng tượng được một lúc nào đó, Ethanol lại trở thành một dạng nhiên liệu quan trọng như ngày nay. Ethanol chẳng những góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người, giúp cho Brasil đảm bảo vấn đề an ninh năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm ở những thành phố lớn, mà chính Ethanol đã đưa đất nước Brasil trở thành hình mẫu cho việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo được, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

   Brasil đã bán thiết bị sản xuất Ethanol cho nhiều nước trên thế giới như, Vênêzuêla, Costarica, Ecuador, ấn Độ, Pakistan… Mô hình sử dụng Ethanol cho xe hơi để giảm thiểu ô nhiễm đã được nhiều nơ học tập. Như  Mêxico đang có kế hoạch sử dụng rộng rãi dạng nhiên liêu mới này ở thủ đô.

   Trung Quốc đang thử nghiệm dùng Ethanol ở 5 thành phố lớn là Trịnh Châu, Lạc Dương, Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang và Triều Đông.

   Thái Lan, thành lập Uỷ ban Quốc gia về Ethanol để xúc tiến việc sản xuất, sử dụng Ethanol. Năm 1981, Thái Lan tiến hành nghiên cứu sản xuất thử nghiệm Ethanol và từ năm 1985 đã có một số điểm bán gasohol và diesohol ở Băng Cốc.

   Nhật Bản là quốc gia có số lượng xe hơi lên tới 17,2 triệu chiếc (chưa kể xe máy) và tiêu thụ xăng dầu với khối lượng rất khổng lồ, chỉ đứng sau Mỹ. Sắp tới Nhật Bản cũng có kế hoạch sử dụng Ethanol và gần đây Hãng Mitsui đã thoả thuận với Công ty Coimex của Brasil về việc mua Ethanol từ Brasil được chế biến theo công nghệ của Nhật.

   Nhiều quốc gia khác như ấn Độ, Malaysia… cũng đang khẩn trương xúc tiến triển khai chương trình Ethanol của mình.  

  Khối lượng Ethanol được sản xuất trên thế giới này càng tăng, năm 2002, đạt tới hơn 30 tỷ lít, trong đó có khoảng 70% dùng làm nhiêu liệu. Đối tượng sử dụng Ethanol cũng được mở rộng, không chỉ dùng là nhiên liệu cho xe hơi mà còn cho các loại động cơ khác, thậm chí dùng cho cả máy bay. Cuối năm 2002, tại bang Sao Paulo của Brasil người ta đã thử nghiệm chuyến bay đầu tiên cho loại máy bay phục vụ Nông nghiệp sử dụng nhiêu liệu Ethanol.

Lời kết

Chúng ta đều biết việc tìm đầu ra cho ngành mía đường của Việt Nam đang là vấn đề nan giải. Do nhiều nguyên nhân hiện nay, giá đường của ta có khi cao hơn giáp nhập khẩu, nhiều cơ sở càng sản xuất càng bị thua lỗ. Giải quyết vấn đề mía đường của Việt Nam không đơn thuần chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội, liên quan đến cuộc sống của hàng vạn gia đình nông dân, liên quan đến chính sách xoá đói giảm nghèo của Đảng… Những kinh nghiệm của đất nước Brasil trong việc tiêu thụ sản phẩm mía đường có thể là ví dụ để chúng ta tham khảo. Việt Nam muốn phát triển sản xuất, tiêu thụ Ethanol.. tuy không phải đi qua cả một quãng thời gian dài hơn 30 năm như Brasil, song chúng ta cũng phải trải qua nhiều giai đoạn như nghiên cứu (hoặc mua) công nghệ sản xuất, sử  dụng thí điểm ở một vài thành phố lớn và sau đó là nhân rộng ra toàn quốc. Trong cả quá trình như vậy, luôn luôn cần có những chính sách ưu đãi của Nhà nước cho phát triển nguồn nguyên liệu, đầu tư sản xuất và cơ chế khuyến khích giá để người tiêu dùng làm quen dần với dạng nhiên liệu mới này.

  • Tags: