Làm ăn trực tiếp với Mỹ chưa lâu, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với vụ kiện cá tra và cá basa nhiều tranh cãi, trong khi bóng ma vụ kiện tôm vẫn lẩn khuất đâu đây. Vụ kiện cá tra và cá basa tại thị trường Mỹ đã đem đến sự bất lợi không nhỏ cho doanh nghiệp và người nuôi cá tra, cá basa Việt Nam. Trước lạ sau quen, còn kinh doanh với Mỹ, những xung đột tương tự còn xảy ra, vì chống phá giá là biện pháp khắc phục thương mại được sử dụng nhiều nhất ở quốc gia này. Theo thống kê, tại Mỹ, khoảng 90% hồ sơ xử lý thuế quan bảo vệ sản xuất trong nước có liên quan đến chống phá giá.
Hiện đã có một số lời khuyên rằng, các doanh nghiệp không nên quá tập trung vào thị trường Mỹ, nên đa dạng hóa thị trường, tránh rủi ro. Nhưng làm theo lời khuyên này không dễ gì, vì khó có ngành công nghiệp nào trong cùng một lúc có thể đáp ứng được nhiều thị trường. Hơn thế nữa, thị trường Mỹ quả là hấp dẫn những nhà xuất khẩu, vì mỗi năm, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ là hơn 1.200 tỷ USD. Cho nên, các chuyên gia pháp luật trong và ngoài nước đã khuyên các doanh nghiệp Việt Nam là: Làm quen với Luật Chống bán phá giá (của Mỹ) trước khi thâm nhập vào thị trường Mỹ. Tạp chí Công nghiệp xin cung cấp cho bạn đọc về hệ thống pháp luật của Mỹ trong việc giải quyết các tranh chấp chống bán phá giá... để chúng ta lường trước những khó khăn và thuận lợi khi quyết định thâm nhập vào thị trường Mỹ.
Các cơ quan điều tra: Một cuộc điều tra chống bán phá giá ở Mỹ sẽ do hai cơ quan Chính phủ đảm nhiệm. Đó là Bộ Thương mại (Department of Commerce – DOC) và ủy ban Thương mại Quốc tế (International Trade Committee – USITC)
Trong vòng 20 năm (1980-2000). Mỹ đã tiến hành 896 vụ điều tra chống bán phá giá (anti-dumping investigation), trung bình 44 vụ/năm... Kết quả: 196 vụ bị ngừng lại do không đủ bằng chứng, 33 vụ có kết luận không bán phá và không gây tổn tại, 375 vụ có kết luận bán phá giá và áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
- DOC: Phụ trách việc xác định liệu hàng nhập khẩu có được bán phá giá, tức là bán thấp hơn giá trị hợp lý (less than fair value) hay không.
- USITC: Phụ trách việc xác định liệu ngành sản xuất Mỹ có chịu những thiệt hại vật chất hoặc đe doạ gây thiệt hại vật chất do hàng nhập khẩu bán phá giá hay không.
Đây là hai hoạt động diễn ra song song trong quá trình điều tra, cũng là một điểm khác biệt giữa luật Mỹ và luật của các nước khác, vì đa số các nước chỉ có một cơ quan đảm nhiệm cả hai công việc. Thực tế này một phần do lịch sử để lại, một phần cũng là do người Mỹ muốn USITC hoạt động một cách độc lập.
Thủ tục điều tra:
Nộp đơn: Nguyên nhân sẽ nộp đơn cho DOC và USITC vào cùng một thời điểm (trong một ngày), trong đó có bằng chứng rằng đang xảy ra hiện tượng bán phá giá. Nguyên đơn có thể là nhà sản xuất nội địa, liên đoàn lao động hoặc các hiệp hội thương mại.
Bắt đầu điều tr; USITC như ngay lập tức bắt đầu điều tra và không áp đặt bất kỳ điều kiện nào đối với người nộp đơn, vì mọi vấn đề đã được giải quyết trong lần tham cấn trước khi nộp đơn. Thủ tục của DOC có khác. Trong vòng 20 ngày, kể từ khi nộp đơn, DOC sẽ xét liệu đơn đó có đáp ứng các yêu cầu để có thể tiến hành điều tra hay không.
Quyết định sơ bộ về thiệt hại của USITC. Trong vòng 45 ngày kể từ khi nộp đơn USITC phải đưa ra quyết định sơ bộ xem liệu có bằng chứng về thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hay không.
Quyết định sơ bộ của DOC: Ngay sau khi quyết định tiến hành điều tra, DOC sẽ gửi một Bản câu hỏi chi tiết cho các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài, nội dung bao gồm: Thông tin cơ bản về công ty và thực iễn bán hàng, thông tin về bán hàng nội địa, xuất khẩu sang các nước khác, chi phí sản xuất, giá tính toán... Thời gian trả lời Bảng câu hỏi từ 30-45 ngày. Sau khi thẩm tra, luật sư của hai bên sẽ chuẩn bị một bản báo cáo ngắn gọn trình bày quan điểm vể những vấn đề nổi lên trong quá trình thẩm tra.
- Quyết định cuối cùng của DOC: Thời hạn để ra quyết định cuối cùng là trong vòng 75 ngày sau khi có quyết định sơ bộ, hoặc từ 235-285 ngày kể từ khi nộp đơn, cụ thể như sau:
* Nếu quyết định sơ bộ là có phá giá, các nhà sản xuất/xuất khẩu nước ngoài chiếm một tỷ lệ lớn trong khối lượng xuất khẩu sang Mỹ bị điều tra có quyền yêu cầu kéo dài thêm 60 ngày.
* Nếu quyết định sơ bộ là không phá giá, chỉ có ngành sản xuất Mỹ được yêu cầu kéo dài 135 ngày sau khi có quyết định sơ bộ hoặc 295-345 ngày kể từ khi nộp đơn.
- Quyết định cuối cùng của USITC: Nếu quyết định sơ bộ của DOC là có bán phá giá, USITC sẽ ra quyết định cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ đó, hoặc trong vòng 45 ngày kể từ quyết định cuối cùng của DOC. Nếu quyết định của DOC là không bán phá giá, USITC sẽ ra quyết định cuối cùng trong vòng 75 ngày.
Thủ tục xác định tổn thất ở giai đoạn này rất phức tạp. USITC thu thập thông tin qua các câu trả lời ở Bảng câu hỏi và những thông tin khác thu được từ báo cáo sơ bộ, rồi cung cấp cho các bên. USITC sẽ tổ chức một buổi điều trần để lắng nghe ý kiến các bên liên quan. Sau đó, họ sẽ đưa ra bản báo cáo cuối cùng gồm những dữ liệu tóm tắt được khi điều tra và bản trình bày ngắn gọn của các bên. Đây là cơ sở thông tin của cuộc bỏ phiếu.
7 ngày sau khi có quyết định cuối cùng về phá giá và tổn thất, DOC sẽ ra lệnh áp dụng thuế chống bán phá giá và gửi cho cơ quan Hải quan.
Xét đến giới hạn điều tra, về nguyên tắc, DOC sẽ điều tra tất cả các nhà xuất khẩu sản phẩm bán phá giá. Nhưng trên thực tế, không phải lúc nào điều này cũng có thể thực hiện được. Lúc đó, DOC sẽ giới hạn bằng việc lựa chọn 2-3 nhà sản xuất lớn nhất. Con số chính xác phụ thuộc vào số lượng các quốc gia liên quan, số lượng các nhà nhập khẩu trong nước. Thường thì DOC lựa chọn các nhà xuất khẩu chiếm trên 60% khối lượng xuất khẩu.
Xác định biên độ phá giá
Biên độ phá giá = Giá trị thông thường – Giá xuất khẩu để tính toán được biên độ phá giá, DOC thường sử dụng phương pháp chọn mẫu tương tự (model match methodology), tức là xác định xem những sản phẩm nào được bán trên thị trường nước xuất khẩu được so sánh với sản phẩm bán trên thị trường Mỹ. DOC sẽ ưu tiên cho các sản phẩm tương tự (identical), rồi mới đến sản phẩm gần giống nhất (most similar) với một số điều chỉnh về giá. Những điều chỉnh này có thể gồm việc bổ sung hoặc trừ đi sự khác biệt trong chi phí sản xuất (variable cost), với điều kiện là sự khác biệt này nhỏ hơn 20% tổng chi phí sản xuất của Mỹ.
Xác định thiệt hại
Trong các cuộc điều tra tổn hại, trước tiên USITC phải xác định được phạm vi điều tra, tức là phải xác định được “ngành sản xuất trong nước” và “sản phẩm tương tự”.
Sản phẩm tương tự: Khái niệm này có ảnh hưởng rất quan trọng đến việc phân tích tổn hại, nên các bên liên quan thường đưa ra các định nghĩa có lợi cho mình nhất.
Sản phẩm tương tự (identical product): là sản phẩm giống hệt, tức là sản phẩm có tất cả các đặc tính giống với sản phẩm đang được xem xét. Trong trường hợp không có sản phẩm nào như vậy thì là sản phẩm khác tuy không giống ở mọi đặc tính, nhưng có đặc điểm gần giống với sản phẩm đang xem xét.
Thu thuế chống bán phá giá
Việc thu thuế chống bán phá giá của Mỹ rất khác so với các nước khác. Mức thuế xác định được tại quyết định cuối cùng của điều tra không phải là mức thuế chính thức mà mức thuế chính thức chỉ được đưa ra khi có quyết định về rà soát hành chính.
Một điểm đáng chú ý trong luật của Mỹ là mức phá giá tối htiểu (de minimis) trong quá trình rà soát là 0,5%, không phải 2% như trong quá trình điều tra. Quy định này của Mỹ đã gây nên rất nhiều bất bình cho các nước khác.
Về thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá (điều khoản hoàng hôn): Đây là bổ sung quan trọng nhất của Luật Chống bán phá giá của Mỹ sau kết quả của bòng urugoay. DOC và USITC sẽ rà soát lại xem việc chấm dứt áp dụng thuế có gây hại hoặc nguy cơ gây hại không. Quyết định đánh thuế có thể được thu hồi nếu một trong hai quyết định điều tra của DOC và USITC là phủ định. Quá trình này diễn ra trong vòng một năm.
Điều tra phá giá đối với các nước có nền kinh tế phi thị trường.
Một trong những công việc phức tạp nhất của vụ kiện chống bán phá giá là tính toán biên độ phá giá liên quan đến các nước, mà theo Mỹ, có nền kinh tế phi thị trường (NME – non-market economy). Trọng tâm của việc tính toán biên độ phá giá lại là xác định giá thông thường.
Theo Luật chống bán phá giá của Mỹ, DOC sẽ xây dựng giá trị thông thường bằng phương pháp tính toán các yếu tố sản xuất. DOC sẽ gửi bảng câu hỏi cho các nhà xuất khẩu ở các nước NMes về các yếu tố đầu vào (linh kiện, lao động, chi phí didều hành).
Sau đó, DOC sẽ chọn một quốc gia đại diện. Quốc gia đại diện này phải là quốc gia có định hướng thị trường, với trình độ phát triển kinh tế tương đương với mức NME, và là nhà sản xuất tương đối quan trọng những sản phẩm đang bị kiện là bán phá giá.
DOC sẽ xác định giá của những yếu tố đầu vào tại thị trường quốc gia đại diện. Dựa vào thông tin này, họ tính được toàn bộ chi phí cấu thành, và với một số điều chỉnh, định ra giá trị thông thường để so dánh với giá xuất khẩu. Ví dụ, trong vụ kiện cá tra, cá basa của Việt Nam, Mỹ đã chọn Bangladesh là quốc gia đại diện. Nếu là kiện Trung Quốc thì Mỹ và EU thường chọn ấn Độ.