Điểm hẹn của các nhà đầu tư

Cả nước hiện có 15 khu kinh tế (KKT), với tổng diện tích hơn 662.000 ha và 260 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích 72.000 ha, trong đó 174 KCN đã đi vào hoạt động. Trong bối cảnh kinh tế thế giớ

Thành quả…


Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, các KCN của cả nước đã thu hút được 143 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký mới hơn 2.281 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 129 lượt dự án, với hơn 1.033 triệu USD. Đông Nam Bộ là khu vực dẫn đầu về thu hút FDI với tổng vốn hơn 2.210 triệu USD, chiếm hơn 67% tổng vốn FDI vào KCN cả nước. Lũy kế đến hết tháng 7/2011, các KCN đã thu hút được 4.045 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 56.860 triệu USD, tổng vốn đã thực hiện đạt hơn 22.000 triệu USD, bằng 38% tổng vốn đăng ký. Hiện nay đã có hơn 3.078 dự án đang sản xuất kinh doanh, 450 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án còn lại đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị triển khai. Trong 143 dự án được cấp giấy phép trong 7 tháng đầu năm 2011, có một số dự án lớn đáng chú ý là: dự án Công ty TNHH sản xuất First Solar Việt Nam, với tổng vốn hơn 1 tỷ USD tại KCN Đông Nam, TP.Hồ Chí Minh; dự án Công ty TNHH Kính chuyên biệt NSG, với tổng vốn đầu tư hơn 323 triệu USD tại KCN Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; dự án Công ty TNHH Wintek Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD tại KCN Quang Châu, tỉnh Bắc Giang… Tỷ suất vốn đầu tư các dự án FDI/ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt 2,55 triệu USD (tương đương 50 tỷ đồng). Vùng đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ suất đầu tư trung bình của các dự án cao hơn mức trung bình của cả nước, lần lượt là 3,29 và 3,22 triệu USD. Đây cũng là hai vùng có tỷ lệ tạo công ăn việc làm/ha đất công nghiệp đã cho thuê cao hơn các địa phương khác, lần lượt là 83 và 87 lao động/ha.
Về thu hút FDI, 7 tháng qua, các KCN đã thu hút được 157 dự án, với tổng vốn đăng ký 17.406 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 42 dự án, với 4.603 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2010. Tính lũy kế đến hết tháng 7, các KCN cả nước đã thu hút được 4.461 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 360.000 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện đạt 176.000 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 50% tổng vốn đăng ký. 

Với các KKT ven biển, 7 tháng đã thu hút được 33 dự án FDI (kể cả các dự án tăng vốn, mở rộng sản xuất) với tổng vốn đầu tư đạt hơn 500 triệu USD và 38 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn gần 66.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2010. Tính lũy kế, các KKT cả nước hiện đã thu hút được 128 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD và 648 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn 536,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có một số dự án lớn và quan trọng được đặt tại các KKT: Nghi Sơn, Vũng Áng, Dung Quất, với hàng loạt nhà máy và công trình lớn, như: Nhà máy Lọc dầu số 1 và số 2, Nhà máy Đóng tàu Dung Quất, Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương, Nhà máy Cơ khí nặng Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Vũng Áng, cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong… 

Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn do lạm phát, mặt bằng lãi suất ở mức cao, diễn biến khó lường của kinh tế thế giới, nhưng trong 7 tháng đầu năm 2011, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tập đoàn trong các KCN, KKT vẫn đạt được mức tăng trưởng khá, đáng khích lệ. Cụ thể, (a) Với KCN, tổng doanh thu đạt gần 17 tỷ USD và trên 82.000 tỷ đồng, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD, tăng 29%. Đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 9.600 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ 2010. (b) Với các KKT, các số liệu đó là: hơn 4 tỷ USD, 14%; 340 triệu USD, 20%; và 10.960 tỷ đồng (trong đó Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nộp gần 8.000 tỷ đồng), tăng 18% so với cùng kỳ 2010. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động của các KCN, KKT vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế (có thể do cơ chế hoặc do tổ chức thực hiện) cần tiếp tục giải quyết. Trước hết đó là quá tải về số lượng KKT và KCN. Đã thế, công tác quy hoạch còn nặng về lợi ích, nguyện vọng của địa phương. Ít có sự cộng tác, phối hợp khai thác, phát huy lợi thế khu vực, vùng miền để cùng phát triển; cơ cấu vốn đầu tư cho các dự án trong các KCN, KKT chưa thật hợp lý, tính liên ngành chưa thật chặt chẽ, trong khi thị trường đã và đang cần nhiều loại sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao thì lại chưa đáp ứng. Ở nhiều địa phương, mục tiêu “hàng đầu” đối với KCN, KKT trên đất quê mình là lấp đầy diện tích, ít chú trọng đến cơ cấu đầu tư phát triển ngành nghề trước mắt cũng như lâu dài và bảo vệ môi trường… dẫn đến sản phẩm làm ra chưa có chỗ đứng vững trên thương trường cạnh tranh và hội nhập. Theo đó, sự phân cấp quản lý, phối hợp giữa các ban, ngành và địa phương ở nhiều nơi làm chưa tốt, kết quả việc thanh tra, kiểm tra cơ sở thực hiện nghĩa vụ cũng như các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với KCN, KKT (nhất là đối với người lao động) chưa được như ý muốn, bởi đâu cũng nghĩ mạnh ai nấy làm, “lợi nhà trước, lợi nước sau” là được. 

…Và dự báo


Trên cơ sở xem xét, đánh giá những yếu tố khó khăn, thuận lợi còn diễn biến ở trong nước, ngoài nước và những kết quả đã đạt được trong 7 tháng qua, theo dự báo của Cục Quản lý KKT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2011, các KCN cả nước sẽ thu hút được từ 6,5-7 tỷ USD vốn FDI và 40-45 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án đến cuối 2011 lên 8.900 dự án, trong đó có 4.200 dự án có vốn FDI và 4.700 dự án trong nước, với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 58-60 tỷ USD và 400 nghìn tỷ đồng; về doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN (kể cả trong nước và nước ngoài) ước đạt 40-42 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 20-22 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 2% so với năm 2010; nộp ngân sách nhà nước từ 22-24 nghìn tỷ đồng; thu hút thêm khoảng 100.000 lao động, nâng tổng số lao động đến cuối năm 2011 lên 1,7 triệu người. Đối với các KKT, dự kiến dự kiến thu hút khoảng 1-1,2 tỷ USD vốn FDI và khoảng 90-95 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; tổng doanh thu năm đạt từ 8-8,5 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu khoảng 800 triệu USD; đóng góp NSNN từ 16.000-18.000 tỷ đồng… 

Nhìn chung, các KCN, KKT đang được phân bố trên khắp 57 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó nhiều nhất là ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm tới 48%. Trong nền kinh tế quốc dân, các KCN, KKT luôn giữ vai trò hết sức quan trọng - là những chiếc cầu nối, những điểm hẹn thương mại, đầu tư hiệu quả của tất cả các ngành, nghề, địa phương, nhất là tài chính, tín dụng, công nghiệp; là những nơi khởi xướng, ứng dụng tiến bộ công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, khai thác, chế biến các loại nguyên vật liệu quý, trực tiếp góp phần làm giàu đất nước… Từ bức tranh kết quả hoạt động 7 tháng đầu năm 2011, chúng ta tin tưởng vào các KCN, KKT nước ta sẽ tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.