- Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp chiếm 48% (trong đó, tai nạn do lắp dựng, sửa chữa anten tivi chiếm 20,7% tổng số tai nạn); Vi phạm các quy định, quy trình an toàn điện (xây lắp, sửa chữa thiết bị không cắt điện đúng quy định, không có biện pháp đảm bảo an toàn v.v…) chiếm 33%; Sử dụng thiết bị không an toàn chiếm 14%; Sử dụng điện trái phép (bẫy chuột, đánh cá, chống trộm) chiếm 3,7%.
Một số vụ tai nạn điển hình trong 6 tháng đầu năm 2005 là:
- Vụ tai nạn ngày 27/3/2005 tại tỉnh Kiên Giang (xã Sóc Sơn, huyện Hòn Đất): Trong lúc một nhóm người dựng anten TV, dây chằng anten chạm vào đường dây điện hạ thế do dân tự kéo. Vì dây điện hạ thế đã bị tróc vỏ, điện truyền ra dây chằng và cột anten, làm 3 người bị chết và 1 người bị thương.
- Vụ tai nạn ngày 03/4/2005 tại tỉnh Quảng Ngãi (xã Bình An, huyện Bình Sơn): 2 người khoan giếng trong hành lang an toàn đường dây 15kV và cách đường dây này 5,9m, khi rút ống sắt f34 dài 7,35m lên, chạm phải đường dây đang vận hành, gây phóng điện, làm 1 người đang đứng trên giàn giáo bị bỏng nặng, 1 người ở dưới đất giữ ống sắt bị chết tại chỗ.
- Vụ tai nạn ngày 05/4/2005 tại tỉnh Bắc Giang, khoảng cột 198-199 đường dây 35kV Bắc Giang - Sơn Động: Nhóm bộ đội công tác dựng cột kéo cáp quang mạng viễn thông Viettel dưới đường dây, không đăng ký cắt điện, không có phương án thi công đảm bảo an toàn, nên khi nâng cột, đỉnh cột chạm phải đường dây gây phóng điện làm 3 người chết và 4 người bị thương nặng.
- Vụ tai nạn ngày 25/4/2005 tại tỉnh Đồng Tháp (ấp Phú Thạnh, xã Phú Thuận, huyện Hồng Ngự): Nhóm người hạ cột anten bằng tre dài 15m xuống để sửa chữa. Cột anten có 3 dây chằng, mắc liên kết với nhau bằng 1 vòng sắt. Khi cột được hạ xuống, 1 dây chằng vướng vào dây nhánh hạ thế, 1 người trong nhóm kéo mạnh dây chằng, làm tróc vỏ dây dẫn điện, điện truyền ra các dây chằng làm những người tiếp xúc bị nạn, làm 2 người chết và 2 người bị thương.
- Gần đây là vụ tai nạn ngày 23/6/2005 tại Hải Phòng: 2 người lắp đặt máy điều hoà cho Trung tâm HN&DN2 đã trèo sang mái nhà số 53b/285 Đà Nẵng, vi phạm khoảng cách an toàn đường dây 6kV, bị phóng điện và cả 2 người bị chết.
- Cùng ngày 23/6/2005 tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội: Nhóm công tác của Công ty Liên doanh KINDEN-ABB-VINAINCON thi công công trình xây dựng đường dây và trạm 110kV Bắc Thăng Long-Vân Trì, khi kéo dây đã để dây thi công văng lên đường dây 110kV đang vận hành (lộ 177E6-172E1), gây phóng điện, làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng.
Ngoài các vụ trên, còn rất nhiều vụ thương tâm tương tự, xảy ra do các nguyên nhân trùng lặp như đã nêu trên. Một điều đáng lưu ý là tai nạn do điện cao áp (trên 1.000V) chiếm tỷ lệ ngày càng cao và chủ yếu do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp trong khi lắp đặt, sửa chữa anten tivi, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, công trình trong và gần hành lang; các vụ này thường làm nhiều người cùng bị nạn. Số liệu phân tích cách đây 5 năm cho thấy, tỷ lệ người bị tai nạn do điện cao áp so với tổng số người bị tai nạn điện vào khoảng 15-20%, trong khi tỷ lệ này trong năm 2004 là 54% và trong 6 tháng đầu năm 2005 lên đến 59,8%.
Một câu hỏi đươc đặt ra là: Đứng trước thực trạng trên, các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này đã làm gì?
Trong 5 năm qua, Chính phủ đã ban hành một loạt các Nghị định quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc đảm bảo an toàn điện như: Nghị định số 54/1999/NĐ-CP về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2003 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực; Nghị định số 169 /2003/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2003 về an toàn điện; Nghị định số 103/2004/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2004 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra điện lực và mới đây là Nghị định số 118/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/1999/NĐ-CP, trong đó đã quy định việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định này ở các địa phương và trách nhiệm của Chính quyền địa phương trong công tác “kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Nghị định của Chính phủ về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình”.
Về phía Bộ Công nghiệp, thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình, ngoài việc biên soạn trình Chính phủ ban hành các Nghị định trên, đã triển khai thực hiện một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn điện như: ban hành các thông tư, quyết định và các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, cơ quan liên quan thực hiện; tổ chức nhiều đợt kiểm tra công tác quản lý an toàn điện tại nhiều Sở Công nghiệp và các đơn vị ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; phát hiện các vấn đề vướng mắc, tồn tại và hướng dẫn khắc phục; tổ chức tập huấn và trực tiếp tập huấn đội ngũ kiểm tra viên điện lực cho nhiều sở Công nghiệp và các đơn vị hoạt động điện lực, góp phần nâng cao năng lực cán bộ chuyên môn cho các đơn vị này; tổ chức các hội nghị, hội thảo với các đối tượng tham gia là đại diện các sở Công nghiệp, các Điện lực, các công ty điện lực để rút kinh nghiệm và thảo luận giải quyết các vướng mắc trong việc tổ chức phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương và các đơn vị hoạt động điện lực trên địa bàn, trong nhiệm vụ quản lý các vấn đề về điện và an toàn điện; tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Bộ Công nghiệp cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN)- đơn vị hoạt động điện lực lớn nhất hiện nay, chủ động thực hiện và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các cấp trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn điện. Mới đây, Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp-Bộ Công nghiệp đã có Công văn số 198/CV-ATĐ ngày 25/5/2005 gửi các sở Công nghiệp, thông báo tình hình tai nạn điện trong dân và hướng dẫn, chỉ đạo các sở Công nghiệp tăng cường công tác quản lý an toàn điện tại địa phương. Tiếp đó, ngày 30/6/2005, Bộ Công nghiệp lại có Công văn số 3439/CV-KTAT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với trích yếu “phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp”, nhằm đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc quyền quản lý, đặc biệt là UBND các cấp huyện, xã, tích cực hơn trong việc phối hợp với các Điện lực trên địa bàn để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn điện trong nhân dân, hỗ trợ các Điện lực giải quyết các vụ việc vi phạm... để chủ động phòng tránh tai nạn điện.
Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền trong ngành Điện, cũng như trong nhân dân (xây dựng các chương trình truyền hình, in ấn, phát hành hàng vạn cuốn tài liệu hướng dẫn, phổ biến công tác an toàn điện), đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, nhằm giảm thiểu các vi phạm an toàn điện (cải tạo, nâng cấp lưới điện, chỉ đạo các công ty điện lực cũng như các Điện lực ở các tỉnh, phối hợp chặt chẽ với địa phương xử lý các vi phạm hành lang an toàn lưới điện (vi phạm) nhằm giảm số điểm vi phạm theo các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn).
Tại địa phương, nhìn chung các tỉnh đều đã có bộ máy quản lý an toàn điện và chính quyền cũng đã quan tâm đến công tác này, cũng như công tác bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Đến nay có 49/64 tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 54/1999/NĐ-CP (Ban chỉ đạo), để phối hợp các ban, ngành liên quan cùng với các Điện lực, các công ty điện lực xử lý các vi phạm. Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2005, số vụ vi phạm trong phạm vi quản lý của EVN trên toàn quốc đã giảm được 10,2% so với cuối năm 2004.
Tuy nhiên, số điểm vi phạm còn tồn tại nhiều, tai nạn điện còn xảy ra thường xuyên. Nguyên nhân do việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật tại các địa phương còn chưa được đồng đều, ở nhiều tỉnh, chính quyền địa phương chưa thực sự ra tay trong công tác quản lý an toàn điện. Nhiều nơi, Ban chỉ đạo được thành lập rất hình thức và chưa thực sự hoạt động hoặc hoạt động chưa hiệu quả. (Có nơi, chức danh Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh giao cho Phó giám đốc Sở Công nghiệp đảm nhiệm). Thực tế cho thấy, khi chính quyền địa phương quan tâm thích đáng, tổ chức và phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, xử lý nghiêm minh các vi phạm thì sẽ ngăn chặn được các vụ vi phạm phát sinh và giải quyết dần các vi phạm tồn tại. Theo số liệu thống kê của EVN, trong 6 tháng đầu năm 2005, các tỉnh, thành phố giảm được đáng kể các vi phạm là: Hải Phòng, Hoà Bình, Đồng Tháp, Kiên Giang…, trong khi đó, một số tỉnh lại để phát sinh thêm khá nhiều vụ, điển hình là thành phố Hồ Chí Minh (số vụ vi phạm tăng 13% so với cuối năm 2004 và vẫn chưa thành lập được Ban chỉ đạo, mặc dù đã có ý kiến của Bộ Công nghiệp tại Công văn số 5018/CV-KTAT ngày 27/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc này).
Tình hình tai nạn điện nghiêm trọng xảy ra với cùng một số nguyên nhân lặp đi lặp lại, trên cùng một địa bàn, trong suốt nhiều năm cũng cho thấy, công tác tuyên truyền đến người dân của các địa phương còn kém hiệu quả, người dân chưa được phổ cập kiến thức tối thiểu về an toàn điện, không được phổ biến, rút kinh nghiệm từ các vụ tai nạn đã xảy ra, nên đã không biết cách tự phòng tránh cho mình.
Từ một số thực tế nêu trên, chúng ta thấy, chính quyền địa phương các cấp cần chú trọng hơn nữa đến công tác quản lý an toàn điện trên địa bàn của mình, tích cực triển khai thực hiện các văn bản pháp quy liên quan đến an toàn điện đã được Chính phủ và Bộ Công nghiệp ban hành, thì mới có thể khắc phục và ngăn ngừa các vụ tai nạn điện tiếp tục xảy ra.