Tăng 10-25% lượng hàng dự trữ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025

Bộ Công Thương dự báo, sức mua cuối năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ...

Bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tình hình thị trường hàng hóa tháng 11/2024 không có biến động bất thường. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm có nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG.

Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm, cùng với hiệu quả từ những giải pháp đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ. Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước, ngày 27/8/2024, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Thực hiện Chỉ thị nêu trên, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2888/QĐ-BCT ngày 01 tháng 11 năm 2024 về việc ban hành Kế hoạch của ngành Công Thương triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg.

Tăng 10-25% lượng hàng dự trữ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025
Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%)

Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đang tích cực triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, chính sách nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, hoạt động khuyến mại để kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước..., từng bước thúc đẩy thị trường trong nước phát triển bền vững.

Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2024 ước tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2023 tăng 7,0%).

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 11 tháng năm 2024 ước đạt 4.487,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,1% tổng mức và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,9%; may mặc tăng 8,1%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 7,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 5,6%. Trong đó, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hải Phòng tăng 9,5%; Quảng Ninh tăng 9,3%; Đà Nẵng tăng 7,4%; Hà Nội tăng 6,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 5,2%.

Cùng với đó, để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Thực hiện Chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận... đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024, trong đó giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân phối hàng hóa chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay mọi người dân với giá cả ổn định.

Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết. Sở Công Thương các địa phương như Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng đã nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng - phối hợp các tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong các dịp cao điểm lễ, Tết

Nhận định về những thuận lợi và thách thức trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, ở trong nước, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về tăng trưởng GDP, về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), về chỉ số quản trị mua hàng (PMI), về đơn hàng xuất khẩu, FDI giải ngân,… cũng cho thấy bức tranh xuất khẩu khả quan trong những tháng cuối năm 2024 (một số tổ chức quốc tế và ngân hàng nước ngoài liên tiếp điều chỉnh dự báo về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 theo hướng tích cực hơn).

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm tận dụng đà tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối của năm với lợi thế về thị trường, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong khi, nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cuối năm có xu hướng tăng nhằm đáp ứng tiêu dùng dịp lễ Tết, đặc biệt nhu cầu đối với nhóm hàng may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản…

Tuy nhiên, sức cầu tiêu dùng phục hồi chậm, có xu hướng chậm dần tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2024 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015-2019 ).

Tăng 10-25% lượng hàng dự trữ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá

Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2024, trong thời gian tới ngành Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể:

(i) Tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

(ii) Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động, tạo chuyển biến mạnh trong toàn hệ thống. Đồng thời, tập trung triển khai quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo chủ trương lớn của Đảng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đình trệ, tâm lý cầm chừng khi có thay đổi về tổ chức.

(iii) Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm, khơi thông rào cản về thủ tục hành chính để triển khai các dự án sản xuất, khai khoáng mới, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

(iv) Tiếp tục tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là tập những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng của các cơn bão, đặc biệt là cơn bão số 3 và số 6 để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ cho sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

(v) Phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

(vi) Tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

(vii) Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế; tăng cường hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, cạnh tranh không bình đẳng. Triển khai Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... nhằm bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng.

Huyền My