Tăng cường giáo dục pháp luật về quyền sở hữu tài sản cho sinh viên các trường đại học trong giai đoạn hiện nay

Bài báo Tăng cường giáo dục pháp luật về quyền sở hữu tài sản cho sinh viên các trường đại học trong giai đoạn hiện nay do ThS. Trần Thị Thu Hằng (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

TÓM TẮT:

Công tác giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật về quyền sở hữu trong trường đại học đã giúp sinh viên có ý thức tốt trong việc bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu tài sản. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn có một số sinh viên thiếu ý thức trong việc bảo vệ của công, hoặc có thể có nguy cơ thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Thực trạng trên bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật sở hữu, do tác động ngoại cảnh và do những hạn chế của công tác giáo dục pháp luật về quyền sở hữu. Chính vì vậy, cần có những giải pháp căn bản nhằm nâng cao công tác giáo dục pháp luật về quyền sở hữu, giúp sinh viên ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản và nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp sau này.

Từ khóa: giáo dục pháp luật, quyền sở hữu tài sản, sinh viên, trường đại học. 

1. Đặt vấn đề

Quyền sở hữu là một quyền cơ bản của công dân luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ thể chưa nhận thức được việc bảo vệ tài sản thuộc quyền sở hữu, cũng như chưa có ý thức tôn trọng quyền sở hữu tài sản của người khác. Trong môi trường giáo dục, sinh viên là đối tượng có nhận thức khá đầy đủ các quy định pháp luật về sở hữu tài sản, nhưng bởi nhiều lý do đôi khi họ vẫn tỏ ra lúng túng trong việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản hoặc xâm hại quyền sở hữu tài sản của chủ thể khác bằng các hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, giáo dục pháp luật về quyền sở hữu tài sản trong nhà trường là vấn đề cấp thiết nhằm hình thành ý thức tuân thủ pháp luật về sở hữu tài sản cho sinh viên, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng công tác giáo dục pháp luật về quyền sở hữu tài sản trong các trường đại học hiện nay

Công tác giáo dục pháp luật về quyền sở hữu hiện nay đã góp phần quan trọng trong việc trang bị cho sinh viên những kiến thức pháp luật cơ bản, giúp từng bước hình thành ý thức pháp luật, niềm tin pháp luật cho giới trẻ và hạn chế những hành vi xâm phạm quyền sở hữu. Tuy vậy, công tác này còn bộc lộ một số vấn đề cần xem xét:

- Về chương trình đào tạo: trong các trường đại học không chuyên Luật, nội dung tài sản và quyền sở hữu được bố trí giảng dạy và học tập trong học phần Pháp luật đại cương và một số học phần liên quan đến pháp luật. Do thời lượng ít (đa số được bố trí 2/30 tiết lý thuyết hoặc 3/45 tiết, thậm chí một số trường bố trí 1/30 tiết), nên hầu như trong quá trình giảng dạy học tập chế định quyền sở hữu đều có những hạn chế, như: nội dung nặng lý thuyết, không có thời gian trao đổi, thảo luận về tình huống thực tế, sinh viên hầu như chỉ được tiếp cận với kiến thức lý thuyết mà khó có khả năng, kỹ năng giải quyết tình huống pháp luật.

- Về giáo trình; tài liệu học tập: quyền sở hữu được biên soạn trên cơ sở lấy nguyên mẫu các điều luật trong Bộ luật Dân sự mà chưa có sự phân tích, giải thích đưa ví dụ cụ thể, một số tài liệu giảng dạy pháp luật về quyền sở hữu viện, dẫn rất ít điều luật về quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản; không đưa vấn đề người không phải là chủ sở hữu tài sản trong một số trường hợp cũng có quyền định đoạt đối với tài sản; thiếu nội dung căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sở hữu hoặc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu trong một số trường hợp cụ thể, thậm chí một số tài liệu Pháp luật đại cương của trường đại học không giảng dạy nội dung quyền sở hữu. Bên cạnh đó, có giáo trình biên soạn phần bài tập vận dụng (rất ít bài tập) có giáo trình thì không có bài tập vận dụng.

- Về người phụ trách giảng dạy: đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật ở các trường đại học hiện nay phần lớn được đào tạo đúng chuyên ngành, có phương pháp giảng dạy tích cực đã đưa ra những tình huống cụ thể và sáng tạo những phương pháp mới nhằm tăng cường tính tích cực, sáng tạo của sinh viên trong học tập, tạo hứng thú và nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều giảng viên chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp thuyết trình, truyền thụ một chiều, thụ động, ít vận dụng phương pháp giảng dạy tương tác hai chiều kiểu thảo luận, tranh luận nêu các tình huống pháp luật thực tế[1]. Cho nên, sinh viên hầu như chỉ tiếp cận được kiến thức lý thuyết mà chưa có cơ hội giải quyết tình huống thực tế.

- Về nhu cầu hiểu biết và thực hiện pháp luật về sở hữu tài sản của sinh viên: Việc giảng dạy và học tập quyền sở hữu tài sản trong nhà trường giúp sinh viên có kiến thức pháp luật về quyền sở hữu, từ đó họ có ý thức bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu tài sản của bản thân và của các chủ thể khác trong xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có một số trường hợp sinh viên thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản, như: mượn xe của bạn đi cầm cố, nhặt được tài sản đánh rơi, bỏ quên không giao nộp, gian dối trong giao dịch hợp đồng dân sự...; hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn, một số sinh viên bị lôi kéo vào con đường kiếm tiền không lương thiện, thậm chí có hành vi trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chính những người sống xung quanh. Cũng có một số sinh viên tuy có hoàn cảnh kinh tế khá nhưng bản thân thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện, đua đòi theo những người xấu đi vào con đường phạm tội như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, đòi nợ thuê bất hợp pháp, cướp giật tài sản…

Bên cạnh đó, có nhiều sinh viên bị xâm phạm quyền sở hữu, các em bị trộm cắp, cướp giật tài sản và đa số bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đôi khi có sinh viên bị chiếm đoạt tài sản do đánh rơi, bỏ quên hoặc chuyển tiền nhầm tài khoản. Trong những trường hợp này, đa số sinh viên vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng quy định pháp luật về sở hữu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Điều này cho thấy công tác giáo dục pháp luật về quyền sở hữu tài sản trong các trường đại học chưa thực sự có hiệu quả. Thêm nữa, sinh viên được học pháp luật về quyền sở hữu tài sản chưa bài bản nên hiểu biết còn nông cạn, chung chung nhưng do nhu cầu cuộc sống và họ có tình cảm với nội dung này nên muốn được tăng cường giáo dục pháp luật về quyền sở hữu trong trường đại học. Họ cho rằng, ngoài nắm kiến thức chuyên môn, việc học pháp luật về sở hữu là cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc, cần hiểu các kiến thức căn bản về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản để bảo vệ, đồng thời tôn trọng quyền sở hữu của bản thân, gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, việc đưa nội dung giáo dục pháp luật về quyền sở hữu vào các chương trình ngoại khóa còn hạn chế, đa số kết hợp với các nội dung khác, nên thời gian thực hành không nhiều nên chỉ có sinh viên được đào tạo chuyên ngành luật hứng thú với việc tham gia học tập ngoại khóa do yêu cầu bắt buộc của các môn học, còn sinh viên không chuyên luật lại coi đây là hoạt động phong trào nên chủ yếu tham gia mang tính hình thức.

3. Các giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật về quyền sở hữu tài sản cho sinh viên

- Thứ nhất, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần quy định bắt buộc bố trí thời lượng tối thiểu để giảng dạy học phần Pháp luật đại cương đối với tất cả các chương trình đào tạo đại học các ngành là 45 tiết, từ đó nâng số tiết giảng dạy chế định quyền sở hữu là 6 tiết, trong đó phải có ít nhất 3 tiết thảo luận, thực hành giải quyết tình huống thực tế. Đồng thời, cần quy định số tiết giảng dạy pháp luật về quyền sở hữu đối với từng ngành đào tạo chuyên ngành phù hợp tối thiểu là 30 tiết.

- Thứ hai, giảng viên giảng dạy pháp luật cần không ngừng trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học thực sự, cập nhật những nội dung văn bản mới nhằm củng cố kiến thức pháp luật để vừa đóng vai trò là người thầy, vừa là “nhà tư vấn” cho sinh viên về các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu tài sản. Qua đó, giáo viên thực hiện giải thích, hướng dẫn, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến từng vụ việc cụ thể đang trợ giúp, tư vấn cho sinh viên, giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, tự điều chỉnh hành vi xử sự phù hợp với quy định của pháp luật, tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

- Thứ ba, để đạt được mục tiêu đào tạo con người toàn diện cần có sự kết hợp giữa giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức. Mục đích của việc kết hợp giữa giáo dục pháp luật và đạo đức nhằm giúp cho sinh viên có ý thức bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu tài sản của công dân, đồng thời thấy được hậu quả của hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản, như: bị xử phạt, bồi thường thiệt hại hoặc bị kết án thì không những bản thân họ, gia đình họ bị thiệt hại về vật chất mà còn bị tổn thương nghiêm trọng về tinh thần bởi dư luận xã hội. Từ đó hình thành nên đạo đức nghề nghiệp của sinh viên - dù làm việc trong lĩnh vực nào họ cũng có ý thức bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu tài sản của mình và các chủ thể khác. Điều này sẽ tạo cho họ có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, đồng thời tránh được những sai lầm cho bản thân.

- Thứ tư, tăng cường các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa, đa dạng các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa để tạo sự hứng khởi, động lực cho sinh viên tham gia hoạt động này. Cần có các hình thức tổ chức giáo dục pháp luật ngoại khóa chuyên nghiệp hơn như thành lập các trung tâm tư vấn pháp luật ở các trường đại học, nhằm mục đích tư vấn cho cán bộ, giáo viên, sinh viên các vụ việc liên quan đến pháp luật và hướng tới tư vấn pháp luật trong cộng đồng.

4. Kết luận

Công tác giáo dục pháp luật nói chung và giáo dục pháp luật về quyền sở hữu cho sinh viên nói riêng còn lý thuyết chung chung, nên chưa xây dựng được ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, cũng như thái độ tích cực trong việc bảo vệ và tôn trọng quyền sở hữu tài sản. Chính vì vậy, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục pháp luật về quyền sở hữu bằng các hình thức khác nhau và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội đối với sinh viên. Cùng với giáo dục pháp luật về quyền sở hữu trong nhà trường, cần sử dụng đồng bộ các hình thức, các phương tiện tuyên truyền như đài, báo, mạng internet... để hỗ trợ cho việc giáo dục pháp luật về quyền sở hữu đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo con người toàn diện trong giai đoạn hiện nay.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Vũ Thị Hồng Vân (2016), “Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học - Một yêu cầu cấp bách hiện nay”, Tạp chí Dân chủ và pháp luật - số tháng 3/2016

Tài liệu tham khảo:

[1] Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.

[2] Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2013). Hiến pháp 2013.

[3] Đinh Xuân Thảo (1996), Giáo dục pháp luật trong các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (không chuyên luật) ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

[4] Nguyễn Tất Viễn (2005), Một số biện pháp tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong tình hình mới, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề 60 năm ngành Tư pháp, Hà Nội.

[5] Vũ Thị Hồng Vân (2016), Giáo dục pháp luật cho sinh viên các trường đại học - Một yêu cầu cấp bách hiện nay, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số tháng 3/2016.

Strengthening property ownership law education for university students

Master. Tran Thi Thu Hang

University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

General law education in general and property ownership law education in particular for university students aim to help them get better awareness of protecting and respecting property ownership. However, some students still have a bad attitude toward protecting public properties, or they can infringe property rights. These problems stem from the narrow understanding of property legislation, external impacts, and limitations of legal education in property ownership. Therefore, it is essential to enhance the property ownership law education to help students prevent infringement of property rights and increase their ethical awareness for future careers.

Keywords: legal education, property ownerships, students, university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]

Tạp chí Công Thương