Phối hợp, triển khai nhiều chương trình hợp tác
Ngày 11/10, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, UBND các tỉnh: Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ và triển khai Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2024 - 2025.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, vùng Duyên hải Trung bộ là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; đặc biệt có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển.
Năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh cùng với 6 tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023 – 2025, qua đó triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương phát triển trên nhiều phương diện như: lĩnh vực công thương, du lịch, nông nghiệp, lao động - thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục, truyền thông, y tế và xúc tiến thương mại đầu tư; và đóng góp nhất định cho sự phát triển chung của cả nước. Đồng thời tạo nhu cầu kết nối để doanh nghiệp các tỉnh Vùng Duyên hải Trung bộ và doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh liên kết, hợp tác; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển của mỗi bên; trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, quá trình hợp tác, phát triển vừa qua cũng cho thấy những tồn tại, điểm nghẽn trói buộc tiềm năng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của Vùng, cần sự hỗ trợ của những đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.
Bình Định đề xuất 5 nội dung nâng cao chất lượng trong hợp tác, liên kết
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, giai đoạn năm 2024 - 2025 là giai đoạn quan trọng, có ý nghĩa quyết định hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng và toàn bộ Chương trình hợp tác phát triển KT-XH giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ. Chính vì thế, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh quan tâm phối hợp, hỗ trợ vùng Duyên hải Trung bộ một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác, liên kết.
Một là, tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ; trong đó tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của TP. Hồ Chí Minh, như: Công nghệ thông tin, kinh tế số, dịch vụ, xây dựng hệ thống logistics cho các địa phương.
Hai là, quan tâm giới thiệu các doanh nghiệp lớn của TP. Hồ Chí Minh tham gia đầu tư tại các tỉnh vùng duyên hải Trung bộ, tạo động lực đồng hành của chính quyền đối với doanh nghiệp trong hợp tác song phương và đa phương với các tỉnh. Tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp từ vùng Duyên hải Trung bộ tham gia vào các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.
Ba là, nghiên cứu, tổ chức các hội nghị xúc tiến chuyên đề, đẩy mạnh quảng bá, thu hút doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào các Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp của vùng như: Khu kinh tế Nhơn Hội, Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định; Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi); Khu Kinh tế Nam Phú Yên; Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa); KCN Du Long, KCN Phước Nam (Ninh Thuận), KCN Hàm Kiệm I, KCN Hàm Kiệm II (Bình Thuận).
Bốn là, tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chiến dịch quảng bá du lịch chung giữa các địa phương, tập trung vào các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội để thu hút du khách trong và ngoài nước; thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, cách làm, mô hình trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế; thúc đẩy thực hiện các chương trình hợp tác, trao đổi y, bác sĩ giữa bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng.
Năm là, thúc đẩy, tăng cường các chuyến bay đến và đi giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trong Vùng, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, khách du lịch, nhân dân di chuyển thuận lợi, từ đó mở ra các cơ hội hợp tác, phát triển, đầu tư mới.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia và các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều kết quả đạt được thông qua thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung Bộ.
Cần tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải cho biết, để tiếp tục phát huy hiệu quả việc triển khai thỏa thuận hợp tác, TP. Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng lòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của địa phương tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025.
Với 11 sự kiện cấp vùng và 11 nội dung hợp tác song phương, thời gian tới sẽ tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như: Thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu; liên kết phát triển lĩnh vực du lịch; hỗ trợ phát triển lĩnh vực y tế; phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo các địa phương quan tâm tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thành phố và các tỉnh của vùng vì đây là lực lượng triển khai hiệu quả liên kết nhất.
TP. Hồ Chí Minh cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tăng cường kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, công nghệ trong quản lý và sản xuất để cùng phát triển.