Thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các cơ quan, hiệp hội, địa phương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trên cả nước trong việc ứng phó và xử lý các vụ việc điều tra về phòng vệ thương mại của nước ngoài và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, đặc biệt khi Việt Nam đã, đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Hơn 60% doanh nghiệp nắm vững các công cụ phòng vệ thương mại
Chia sẻ tại Hội nghị "Kỹ năng đàm phán trong thương mại quốc tế, hướng dẫn xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam" do Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức mới đây, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, đến thời điểm này đã có trên 220 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA….
Đáng chú ý thời gian qua, nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp của Hà Nội nói riêng đã có sự cải thiện đáng kể. Khi chúng ta mới ở giai đoạn hội nhập quốc tế ban đầu, các doanh nghiệp, ngành hàng còn hết sức bỡ ngỡ, thậm chí rất e ngại trước các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây của Bộ Công Thương có hơn 60% các doanh nghiệp đã nắm tương đối vững về các công cụ phòng vệ thương mại và sẵn sàng chủ động để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài cũng như sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Theo ông Dũng, yếu tố quan trọng nhất để các doanh nghiệp biết để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình kinh doanh, đàm phán, ký kết hợp đồng, là vấn đề nhận thức. Các quy định về phòng vệ thương mại là vấn đề phức tạp nhưng lại được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU… Chính vì vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương rất coi trọng việc cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp nắm và hiểu rõ các biện pháp phòng vệ thương mại.
Lan tỏa kinh nghiệm ứng phó và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thành công
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp có một số lợi thế để tiếp cận và nâng cao kiến thức phòng vệ thương mại như việc tiếp cận thông tin khá dễ dàng, các chuyên gia, cơ quan, tổ chức nắm vững về phòng vệ thương mại như Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI… sẵn sàng trao đổi thông tin khi doanh nghiệp cần. Nhiều doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu khá lớn nên có điều kiện, nguồn lực nắm bắt thông tin và tổ chức các hoạt động về ứng phó với phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng tập hợp gắn kết được nhiều doanh nghiệp như Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng rất tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
"Trên thực tế, chúng ta đã có kinh nghiệm của nhiều ngành, nhiều sản phẩm đã ứng phó thành công, tạo được lợi thế tại thị trường xuất khẩu như một số sản phẩm thủy sản tôm, cá tra, cá basa, thép, ván gỗ MDF… Trong quá trình này, kim ngạch xuất khẩu về cá tra, tôm… của chúng ta sang các thị trường, kể các thị trường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tăng nhanh trong thời gian vừa qua, hay là một số mặt hàng như thép, gỗ… là những ví dụ điển hình thành công của doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với phòng vệ thương mại", ông Lê Triệu Dũng chia sẻ.
Cùng quan điểm, ông Mạc Quốc Anh - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, sau những vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp, ngành hàng có ý thức hơn về vấn đề này. Nhiều doanh nghiệp đã sớm thích ứng, nhận diện các thách thức, chuẩn bị phương án, giải pháp với quan điểm chủ động ứng phó.
Liên kết, hợp sức giữa các doanh nghiệp, nguồn lực
Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, bên cạnh việc nâng cao nhận thức và các kỹ năng, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động liên kết, hợp sức với nhau để có những giải pháp nỗ lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Chúng ta chỉ có thể thành công nếu chúng ta có sự hợp sức của doanh nghiệp. Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã tập trung hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng là các đầu mối tổng hợp thông tin, tổng hợp nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cảnh báo sớm; tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành hàng có nguy cơ và/hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại nước ngoài để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp nắm được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với ngành hàng, doanh nghiệp...
Về phía các doanh nghiệp, các chuyên gia khuyến cáo cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, tránh tập trung khối lượng lớn vào một thị trường, có thể tạo cơ sở để các nước khởi kiện. Đồng thời, cần phát triển các chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu trong nước, giảm thiểu các tác động tiêu cực do những biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu.