Tăng cường pháp luật nhằm ngăn chặn quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam

Bài báo “Tăng cường pháp luật nhằm ngăn chặn quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam”, do Nguyễn Trần Thục Uyên - Học viên ngành Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Tóm tắt:

Dựa trên dữ liệu từ các vụ vi phạm quảng cáo trước và sau khi Luật Canh tranh 2018 có hiệu lực, nghiên cứu này đánh giá hiệu quả của hệ thống pháp luật Việt Nam trong xử lý các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể, Việt Nam đã áp dụng Luật Cạnh tranh 2018, Luật Quảng cáo 2012, cùng các nghị định liên quan để điều chỉnh và quản lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng, việc học hỏi và tiếp cận các hệ thống pháp luật từ các quốc gia khác là cần thiết nhằm tìm ra các phương pháp áp dụng phù hợp với điều kiện trong nước. Nghiên cứu này không chỉ đánh giá hiệu quả hiện tại, mà còn đề xuất các kiến nghị và giải pháp nhằm nâng cao tính răn đe và cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật. Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một môi trường cạnh tranh quảng cáo lành mạnh hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường Việt Nam.

Từ khóa: vi phạm quảng cáo, cạnh tranh không lành mạnh, quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, pháp luật Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Trong nghiên cứu này, tác giả sẽ trình bày khung pháp lý hiện hành, phân tích thực trạng vi phạm, cung cấp số liệu cụ thể từ các vụ vi phạm trước và sau khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, cụ thể là từ năm 2009 - 2023, đồng thời đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Mục tiêu chính là phân tích khung pháp lý về các hành vi vi phạm quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam, đánh giá tính hiệu quả của các quy định hiện hành và đề xuất các biện pháp tăng cường hiệu quả thực thi. Qua đó, nghiên cứu đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của một khung pháp lý minh bạch và hiệu quả trong việc bảo vệ thị trường cạnh tranh lành mạnh. Việc tìm hiểu và đánh giá thực trạng cùng với đề xuất các giải pháp pháp lý sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

2. Tổng quan nghiên cứu

Trong những năm gần đây, vấn đề quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia pháp luật tại Việt Nam. Các nghiên cứu trước đây tập trung vào việc phân tích hệ thống pháp luật hiện hành, nhận diện những hạn chế và đề xuất các giải pháp cải thiện nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch hơn. Tuy nhiên, phần lớn các công trình nghiên cứu này chỉ tập trung vào các khu vực cụ thể hoặc đánh giá các quy định pháp luật trước khi Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực, dẫn đến việc thiếu hụt các phân tích toàn diện và cập nhật về hiệu quả của các quy định mới trong việc điều chỉnh các hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Một số công trình nghiên cứu liên quan đã được tác giả tìm hiểu như sau:

+ Luận án Tiến sĩ của Hồ Thị Duyên (2016)  đã phân tích pháp luật về quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam, tổng kết tình trạng thực tế và đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật dựa trên Luật Cạnh tranh 2004. Nội dung từ Luận án này được dùng để so sánh giữa Luật Cạnh tranh năm 2004 với Luật Cạnh tranh năm 2018.

+ Luận văn Thạc sĩ của Nguyễn Ngọc Tân (2019) đã nhận diện các hạn chế trong quy định pháp luật về quảng cáo, đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật.

+ Luận văn Thạc sĩ của Trần Thị Thúy Hằng (2023) đã làm rõ khái niệm, bất cập trong hành vi quảng cáo không lành mạnh tại Đà Nẵng, từ đó đề xuất các giải pháp cải thiện pháp luật.

+ Bên cạnh đó, các bài báo khoa học cũng phân tích thực trạng và đưa ra giải pháp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ như: Bài viết “Thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trong doanh nghiệp và một số kiến nghị” của Vũ Ngọc Tuấn (2019); “Giải pháp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế thị trường” của Nguyễn Hoàn Hảo  (2019).

Nhìn chung, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã mang lại nhiều cải tiến đáng kể so với Luật Cạnh tranh năm 2004, nhưng việc triển khai và thực thi luật vẫn gặp nhiều thách thức. Các hạn chế như sự chồng chéo giữa các quy định pháp luật, thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý và hạn chế về năng lực cũng như nguồn lực của các cơ quan chức năng vẫn tồn tại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh một cách hiệu quả. Ngoài ra, sự thiếu minh bạch trong quá trình xử lý các vụ vi phạm cũng là một vấn đề đáng chú ý, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp vào hệ thống pháp luật hiện hành. Thêm vào đó, trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, việc học hỏi và tiếp cận các hệ thống pháp luật từ các quốc gia khác trở nên vô cùng cần thiết. Các nghiên cứu quốc tế cho thấy, các quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả để kiểm soát quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh, từ việc sử dụng công nghệ mới trong giám sát đến thiết lập các cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các nghiên cứu tại Việt Nam vẫn còn thiếu sót trong áp dụng các kinh nghiệm và mô hình pháp luật từ nước ngoài vào thực tiễn trong nước. Điều này tạo ra một khoảng trống nghiên cứu cần được khắc phục để nâng cao tính răn đe và hiệu quả thực thi pháp luật về quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh.

3. Cơ sở lý thuyết

Cơ sở lý thuyết của nghiên cứu này dựa trên việc kết hợp các khung pháp luật về cạnh tranh và quảng cáo, nhằm tạo ra một nền tảng vững chắc để đánh giá hiệu quả thực thi và đề xuất các biện pháp cải thiện. Pháp luật cạnh tranh cung cấp các quy định chi tiết về các hành vi cấm và cơ chế xử lý vi phạm, trong khi pháp luật quảng cáo quy định rõ ràng các tiêu chuẩn về nội dung và hình thức quảng cáo, đảm bảo rằng quảng cáo không vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh công bằng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự kết hợp giữa hai khung pháp luật này giúp tạo ra một hệ thống pháp luật toàn diện và hiệu quả hơn trong việc điều chỉnh các hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, việc thiếu sự phối hợp hiệu quả giữa các quy định pháp luật về cạnh tranh và quảng cáo với các quy định liên quan khác như Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã được xác định là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả thực thi pháp luật còn hạn chế. Do đó, nghiên cứu này không chỉ tập trung vào việc đánh giá các quy định pháp luật hiện hành, mà còn xem xét cách thức cải thiện sự phối hợp giữa các quy định này để tăng cường hiệu quả trong việc xử lý các hành vi vi phạm quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Nhu cầu nghiên cứu trong lĩnh vực này càng trở nên cấp thiết hơn khi Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo cạnh tranh không chỉ góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường nội địa, mà còn nâng cao vị thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Nghiên cứu này nhằm khắc phục những hạn chế hiện tại bằng cách tiến hành phân tích quy mô toàn quốc, đánh giá các quy định pháp luật sau Luật Cạnh tranh năm 2018 và phân tích sự phối hợp giữa các quy định pháp luật liên quan, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam.

Thông qua việc xây dựng khung lý thuyết vững chắc và phân tích sâu rộng các công trình nghiên cứu liên quan, nghiên cứu này không chỉ đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật mà còn nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của một khung pháp lý minh bạch và hiệu quả trong bảo vệ thị trường cạnh tranh lành mạnh. Điều này đồng thời giúp cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

4. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng là phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp với phân tích nội dung và so sánh pháp luật. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá tính hiệu quả và những hạn chế của hệ thống pháp luật Việt Nam trong điều chỉnh các hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện dựa trên thực tiễn trong nước và so sánh với các quốc gia phát triển. Dưới đây là chi tiết từng bước nghiên cứu.

4.1. Phân tích nội dung các văn bản pháp luật

Đầu tiên, nghiên cứu thực hiện phân tích nội dung các văn bản pháp luật liên quan, bao gồm Luật Cạnh tranh 2018, Luật Quảng cáo 2012 và các nghị định hướng dẫn liên quan như Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh (gọi tắt là Nghị định 75/2019/NĐ-CP) và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (gọi tắt là Nghị định 38/2021/NĐ-CP). Phân tích nội dung là bước quan trọng nhằm hiểu rõ cách thức mà các quy định pháp luật điều chỉnh hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể:

+ Luật Cạnh tranh 2018 được phân tích để làm rõ các điều khoản liên quan đến hành vi quảng cáo không lành mạnh, các khái niệm về cạnh tranh không lành mạnh và các biện pháp xử lý vi phạm.

+ Luật Quảng cáo 2012 được xem xét để đánh giá mức độ chi tiết của các quy định về nội dung, hình thức quảng cáo và các hành vi bị cấm, bao gồm quảng cáo gây nhầm lẫn và sai sự thật.

+ Nghị định 75/2019/NĐ-CPNghị định 38/2021/NĐ-CP được phân tích để xác định các mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh và quảng cáo, cũng như các quy định về xử lý hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh.

Phân tích nội dung giúp xác định các lỗ hổng trong pháp luật hiện hành, như sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật hoặc sự thiếu chi tiết trong việc quy định mức xử phạt đối với các hành vi tinh vi hơn như quảng cáo trên các nền tảng số.

4.2. Thu thập dữ liệu thực tiễn

Tiếp theo, nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu thực tiễn từ Báo cáo thường niên của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (gọi tắt là Cục CT&BVNTD) trước khi Luật Cạnh tranh 2018 được ban hành và trong giai đoạn 2018-2023. Dữ liệu này bao gồm số lượng các vụ vi phạm quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh, mức độ xử phạt, và các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các báo cáo thường niên là nguồn thông tin quan trọng giúp nghiên cứu nắm bắt được tình hình thực tế của việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực này.

Các số liệu về vi phạm quảng cáo được phân loại theo từng năm, bao gồm các lĩnh vực như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, y tế và thương mại điện tử. Dữ liệu này được sử dụng để phân tích xu hướng vi phạm, xác định các loại vi phạm phổ biến, cũng như mức độ xử lý vi phạm qua từng năm. Phương pháp này giúp hiểu rõ hơn về thực trạng vi phạm quảng cáo và khả năng thực thi của các quy định pháp luật hiện hành.

4.3. Phân tích so sánh pháp luật quốc tế

Ngoài việc phân tích các văn bản pháp luật và thu thập dữ liệu thực tiễn từ Việt Nam, nghiên cứu cũng thực hiện phương pháp so sánh pháp luật quốc tế. Phương pháp này nhằm đưa ra một cái nhìn toàn diện về cách thức mà các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản điều chỉnh các hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Pháp luật của các quốc gia này được phân tích và so sánh dựa trên các tiêu chí sau:

+ Mức độ chi tiết trong quy định pháp luật: So sánh sự rõ ràng và chi tiết của các điều khoản về quảng cáo trong pháp luật của Việt Nam và các quốc gia phát triển.

+ Công nghệ hỗ trợ giám sát: Đánh giá việc các quốc gia phát triển áp dụng công nghệ tiên tiến trong việc giám sát và phát hiện vi phạm quảng cáo, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến.

+ Cơ chế xử phạt và mức độ răn đe: So sánh mức phạt và cơ chế xử phạt đối với hành vi vi phạm, nhằm đánh giá tính răn đe của các quy định pháp luật tại Việt Nam so với quốc tế.

4.4. Phân tích và đánh giá hiệu quả thực thi pháp luật

Dựa trên các dữ liệu thu thập được và kết quả phân tích văn bản pháp luật, nghiên cứu tiến hành đánh giá hiệu quả thực thi pháp luật. Quá trình đánh giá bao gồm việc phân tích các số liệu thực tế về việc xử lý các vụ vi phạm quảng cáo, từ đó rút ra các kết luận về:

+ Thời gian xử lý vi phạm: Nghiên cứu đánh giá mức độ kịp thời trong việc phát hiện và xử lý vi phạm, bao gồm thời gian từ khi phát hiện đến khi xử phạt.

+ Sự chồng chéo trong quy định: Nghiên cứu chỉ ra sự chồng chéo trong các quy định và thẩm quyền xử lý vi phạm giữa các cơ quan quản lý, làm giảm tính hiệu quả của việc thực thi pháp luật.

+ Tính răn đe của các biện pháp xử phạt: Dựa trên mức độ xử phạt được quy định trong các văn bản pháp luật và số liệu về các vụ vi phạm, nghiên cứu đánh giá liệu các biện pháp xử phạt có đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp hay không.

Quá trình phân tích và đánh giá này giúp đưa ra các nhận định khách quan về tính hiệu quả và những điểm còn hạn chế trong việc thực thi pháp luật về quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh tại Việt Nam.

5. Kết quả và thảo luận

5.1. Cơ sở pháp lý về quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh

a. Luật Cạnh tranh năm 2018

Luật Cạnh tranh năm 2018 là văn bản pháp lý chủ yếu điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có quảng cáo vi phạm. Điều 45 của Luật này quy định rõ các hành vi quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm việc cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về sản phẩm hoặc dịch vụ, hoặc so sánh không chính xác với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. [3]

Nghiên cứu cho thấy, Luật Cạnh tranh 2018 đã quy định tương đối chi tiết các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, mức độ xử lý của các cơ quan chức năng vẫn còn hạn chế, do đó khả năng răn đe chưa cao. Điều này được thể hiện rõ qua việc các doanh nghiệp lớn thường xuyên lặp lại các hành vi vi phạm mà không bị xử phạt tương xứng với quy mô và lợi ích kinh tế từ hành vi vi phạm.

b. Luật Quảng cáo năm 2012

Luật Quảng cáo năm 2012 bổ sung thêm các quy định về việc điều chỉnh nội dung quảng cáo và yêu cầu các quảng cáo phải chính xác, không gây nhầm lẫn về chất lượng, giá cả và nguồn gốc sản phẩm. Điều 8 của Luật này cấm các hành vi quảng cáo sai sự thật nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh. [2]

Qua phân tích, Luật Quảng cáo 2012 đã có nhiều điểm tiến bộ, đặc biệt trong việc đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thương mại. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các nền tảng truyền thông số, các quy định hiện hành còn thiếu sự linh hoạt để kiểm soát hiệu quả các quảng cáo trên mạng xã hội và các kênh trực tuyến. Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, khiến cho các doanh nghiệp dễ dàng lợi dụng những phương tiện này để thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh mà không bị phát hiện kịp thời.

c. Nghị định số 75/2019/NĐ-CP và Nghị định số 38/2021/NĐ-CP

Nghị định số 75/2019/NĐ-CP đưa ra các mức phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo gây nhầm lẫn. Tại Điều 20 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định mức phạt hành chính đối với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính nói chung và quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh nói riêng là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng [4], tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vi phạm. Tuy nhiên, mức phạt này vẫn được đánh giá là chưa đủ để răn đe các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh vi phạm.

Nghị định này nhằm tăng cường công tác quản lý và xử lý các vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo và các hoạt động văn hóa. Mức phạt có thể dao động từ cảnh cáo đến phạt tiền và trong một số trường hợp nghiêm trọng, có thể đi kèm biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ hoặc chỉnh sửa nội dung quảng cáo. Cụ thể tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định mức phạt từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng với hành vi quảng cáo có tính chất cạnh tranh không lành mạnh [5].

Hai nghị định này quy định về mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, sự chồng chéo giữa hai nghị định về thẩm quyền và mức phạt dẫn đến tình trạng thực thi pháp luật không nhất quán. Mặc dù các mức xử phạt đã được nâng lên, nhưng qua phân tích, các mức phạt này vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, cần có sự thống nhất trong việc áp dụng các mức phạt để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và nâng cao hiệu quả răn đe.

5.2. Thực trạng và số liệu về hành vi vi phạm quảng cáo

Thực trạng vi phạm quảng cáo tại Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2023 cho thấy một bức tranh toàn cảnh về những vi phạm phổ biến và các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.

5.2.1. Số liệu vi phạm qua các năm

Từ báo cáo thường niên của Cục CT&BVNTD qua các năm, các vi phạm quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh đã có những biến động qua từng năm. Dưới đây là tóm tắt một số xu hướng quan trọng:

+ Từ trước năm 2018: Báo cáo thường niên của Cục CT&BVNTD năm 2015 và năm 2017 cho thấy, các hành vi vi phạm quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh luôn chiếm số lượng cao nhất trong các loại hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh, đỉnh điểm là năm 2012 lên đến 37/41 hành vi được ghi nhận. (Xem Bảng).

Bảng thống kê số lượng hành vi cạnh tranh không lành mạnh năm 2009 - 2017

Các loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh

2009

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Quảng cáo nhằm cạnh trnh không lành mạnh

5

20

33

37

2

6

24

15

9

Khuyến mại nhằm cạnh trnh không lành mạnh

2

2

-

-

-

-

-

-

-

Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác

-

-

-

1

-

-

-

-

-

Gièm pha
doanh nghiệp khác

4

1

2

-

-

-

-

-

-

Chỉ dẫn gây nhầm lẫn

-

1

-

-

-

1

-

-

-

Bán hàng đa cấp bất chính

3

4

1

3

1

-

4

5

3

Tổng cộng

14

28

36

41

3

7

28

20

13

Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2015 và năm 2017 của Cục Cạnh tranh                           và Bảo vệ người tiêu dùng

 

+ Năm 2018: Ghi nhận sự giảm dần về số vụ vi phạm với 5 vụ vào năm 2018.

+ Năm 2019: Xử phạt 4 vụ việc được tiến hành điều tra trong năm 2018 và tiếp nhận 22 khiếu nại tuy nhiên không đủ chứng cứ.

+ Năm 2020-2021: Sau khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, số vụ vi phạm tăng lên với 11 vụ được xử lý, chủ yếu liên quan đến việc quảng cáo sản phẩm y tế không đúng sự thật để đánh vào tâm lý người tiêu dùng về sức khỏe sau dịch bệnh.

+ Năm 2022: Số vụ vi phạm được ghi nhận là 8 vụ, chủ yếu trong lĩnh vực mỹ phẩm và thực phẩm chức năng. Đây là những lĩnh vực dễ bị lạm dụng quảng cáo không trung thực để lôi kéo khách hàng, đặc biệt là nếu dùng hình ảnh của những người nổi tiếng hoặc KOLs (hay còn gọi là "người có sức ảnh hưởng” truyền thông).

+ Năm 2023: UBCTQG đã xem xét và xác minh 40 trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh. Trong đó: 8 hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh, 21 phản ánh từ các tổ chức và cá nhân kinh doanh về vi phạm liên quan đến kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, tập trung kinh tế và 11 trường hợp do UBCTQG tự phát hiện. Trong 40 trường hợp, có 25 trường hợp liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chủ yếu trong các lĩnh vực như sữa, hàng không, mỹ phẩm và điện lạnh. UBCTQG đang tiếp tục xác minh và sẽ điều tra, xử lý theo quy định nếu phát hiện vi phạm. [1]

Dữ liệu trên cho thấy, các doanh nghiệp thường lặp lại hành vi vi phạm và sử dụng các chiêu thức quảng cáo phức tạp hơn để đối phó với các biện pháp kiểm soát hiện hành. Điều này cho thấy tính răn đe của các quy định pháp luật hiện tại chưa đủ mạnh.

5.2.2. Phân tích các loại hành vi vi phạm

Dựa trên số liệu thực tế, các hành vi vi phạm quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh có thể chia thành các loại chính sau:

+ Quảng cáo sai sự thật: Đây là hành vi quảng cáo cung cấp thông tin không đúng hoặc phóng đại về chất lượng, nguồn gốc, hoặc công dụng của sản phẩm hoặc dịch vụ. Các quảng cáo này thường tạo ra ấn tượng sai lệch, lừa dối người tiêu dùng và có thể gây ra hậu quả tiêu cực cho sức khỏe hoặc tài chính của họ. Ví dụ, theo báo cáo năm 2021 của Cục CT&BVNTD, nhiều sản phẩm dược phẩm và điện tử đã được quảng cáo với công dụng ngăn ngừa, ức chế, hoặc tiêu diệt Covid-19 trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, các sản phẩm như máy lọc không khí, máy điều hòa và máy phun khử khuẩn chủ yếu dựa trên kết quả kiểm nghiệm trong điều kiện phòng thí nghiệm giới hạn, chưa được thử nghiệm thực tế. Thông tin này thường không được trình bày rõ ràng hoặc đầy đủ, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Cục CT&BVNTD đã cảnh báo các doanh nghiệp và yêu cầu chỉnh sửa thông tin sản phẩm để tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng khi mua các sản phẩm liên quan đến Covid-19 [1].

+ So sánh không đúng sự thật: Đây là hành vi phổ biến trong quảng cáo cạnh tranh không lành mạnh, khi doanh nghiệp đưa ra những so sánh không chính xác giữa sản phẩm của mình và sản phẩm của đối thủ. Những quảng cáo này thường gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, khiến họ tin rằng sản phẩm của doanh nghiệp vượt trội hơn mà không có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào để chứng minh. Ví dụ: Theo báo cáo năm 2018 của Cục CT&BVNTD, Công ty Cổ phần Ô tô Đô Thành đã nộp đơn khiếu nại Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ An Sương về hành vi quảng cáo được cho là nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Theo nội dung khiếu nại, Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ An Sương đã phát hành một video clip có tiêu đề "So sánh xe tải Tera 230 và IZ49" trên kênh YouTube “Ô tô An Sương - Chìa khóa trao tay” từ cuối năm 2017. Nội dung video so sánh trực tiếp giữa sản phẩm ô tô tải Tera 230 của An Sương và xe tải IZ49 của Công ty Cổ phần Ô tô Đô Thành. Sau quá trình điều tra, Cục CT&BVNTD kết luận,  Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ An Sương đã thực hiện hành vi quảng cáo không lành mạnh bằng cách so sánh trực tiếp hàng hóa của mình với hàng hóa của doanh nghiệp khác, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Cạnh tranh. Hành vi này đã dẫn đến việc Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ An Sương bị xử phạt với số tiền 60 triệu đồng [1].

+ Sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm kém chất lượng: Việc sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm kém chất lượng là một chiêu thức tiếp thị gây nhiều tranh cãi, thường gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Bằng cách tận dụng danh tiếng và uy tín của những người có ảnh hưởng, các công ty dễ dàng thu hút sự chú ý và lòng tin của khách hàng, ngay cả khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Điều này có thể dẫn đến việc người tiêu dùng mua phải sản phẩm không đáp ứng mong đợi hoặc có thể gây hại đến sức khỏe và tài chính. Hơn nữa, nó làm suy giảm uy tín của người nổi tiếng khi tham gia vào các chiến dịch quảng cáo không đáng tin cậy, ảnh hưởng đến lòng tin của công chúng. Trong nhiều trường hợp, cơ quan chức năng đã phải can thiệp để xử lý và yêu cầu dừng các quảng cáo sai lệch này, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ, trong năm 2022 và 2023, mạng xã hội tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, với nghệ sĩ và KOLs nắm giữ sức mạnh truyền thông, tạo ra ảnh hưởng lớn đến xã hội. Bên cạnh những người có tác động tích cực, một số nghệ sĩ và KOLs đã lợi dụng uy tín để quảng cáo sản phẩm kém chất lượng, đặc biệt là mỹ phẩm, sữa và thực phẩm chức năng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh và trật tự. Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng, 80% các quảng cáo gây bức xúc trên mạng xã hội là quảng cáo trá hình, với gần 19.000 sản phẩm vi phạm được phát hiện vào năm 2023. Trong quý I/2024, gần 200 sản phẩm vi phạm đã được phát hiện [7]. Việc quảng cáo gian dối, đặc biệt trong lĩnh vực y tế, không chỉ gây thiệt hại tài chính mà còn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh rằng các quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã rõ ràng, yêu cầu các nhà sản xuất phải tuân thủ nội dung đã được thẩm định, nghiêm cấm sử dụng hình ảnh của cơ quan y tế để quảng cáo sai lệch.

Các hành vi vi phạm trong quảng cáo không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm mất đi sự công bằng trong môi trường kinh doanh. Việc xử lý và ngăn chặn các hành vi này cần phải được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo rằng quảng cáo luôn trung thực, chính xác và không gây nhầm lẫn cho công chúng.

6. Đánh giá hiệu quả thực thi pháp luật và giải pháp hoàn thiện

Mặc dù Việt Nam đã có những cải tiến quan trọng trong xây dựng hệ thống pháp luật về cạnh tranh và quảng cáo, nhưng hiệu quả thực thi vẫn gặp nhiều thách thức. Các vấn đề chính bao gồm mức phạt chưa đủ răn đe, sự phối hợp không hiệu quả giữa các cơ quan chức năng, và hạn chế về năng lực thực thi tại các địa phương.

6.1. Mức phạt và tính răn đe chưa đủ mạnh

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất là mức phạt đối với các hành vi vi phạm quảng cáo vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn các doanh nghiệp vi phạm. Hiện tại, mức phạt từ 100 đến 400 triệu đồng cho các hành vi quảng cáo sai lệch chỉ là một phần nhỏ so với lợi nhuận mà các công ty thu được từ các chiến dịch quảng cáo vi phạm. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm vì họ biết rằng mức phạt sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp lớn, mức phạt này hầu như không có tác động răn đe. Việc này làm giảm hiệu quả của pháp luật trong việc đảm bảo tính công bằng và minh bạch trên thị trường quảng cáo.

Cách giải quyết cho vấn đề này là mức phạt cần được điều chỉnh dựa trên quy mô doanh thu của các công ty vi phạm. Để tăng cường tính răn đe, mức phạt có thể được tính theo tỷ lệ phần trăm doanh thu từ các chiến dịch quảng cáo vi phạm, thay vì giới hạn ở mức cố định. Điều này sẽ làm tăng sức ép tài chính đối với các công ty lớn và khiến họ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành các hành vi vi phạm.

6.2. Hạn chế trong việc phối hợp giữa các cơ quan và các quy định hiện hành

Sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng là một yếu tố cản trở quá trình xử lý vi phạm. Các cơ quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương và Ủy ban Cạnh tranh quốc gia có các quy định và phương pháp tiếp cận khác nhau đối với việc xử lý các hành vi vi phạm. Điều này không chỉ gây ra sự chậm trễ trong việc đưa ra biện pháp xử lý, mà còn dẫn đến việc không nhất quán trong đánh giá mức độ nghiêm trọng của các vi phạm. Bên cạnh đó, pháp luật về quảng cáo và cạnh tranh không lành mạnh cần có sự liên kết chặt chẽ với các luật khác như Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các quy định về xử phạt hành chính. Việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và quy định chồng chéo giữa các luật đang gây khó khăn trong việc thực thi và giám sát. Do đó, cần đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định pháp luật liên quan để tránh hiện tượng mâu thuẫn và chồng chéo. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và giám sát hiệu quả hơn.

Ví dụ, một chiến dịch quảng cáo vi phạm có thể bị xử lý khác nhau tùy thuộc vào cơ quan tiếp nhận vụ việc, dẫn đến việc xử lý không công bằng giữa các doanh nghiệp vi phạm cùng loại. Giải pháp là thiết lập một quy trình phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời định ra các tiêu chuẩn thống nhất trong việc đánh giá mức độ và biện pháp xử phạt.

6.3. Năng lực thực thi còn hạn chế

Một vấn đề khác là năng lực thực thi tại các địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh và thành phố nhỏ, vẫn còn nhiều hạn chế. Việc thiếu hụt nhân lực và tài chính khiến các cơ quan địa phương không thể tiến hành kiểm tra và giám sát thường xuyên. Điều này dẫn đến việc nhiều hành vi vi phạm không được phát hiện và xử lý kịp thời. Thực tế cho thấy, chỉ các vụ vi phạm tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mới thường xuyên được chú ý, trong khi các khu vực nhỏ lẻ lại dễ bị bỏ qua.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần học hỏi từ các quốc gia phát triển trong việc quản lý quảng cáo và cạnh tranh không lành mạnh. Chẳng hạn, Hoa Kỳ có quy định nghiêm ngặt về tính minh bạch và trung thực trong quảng cáo, với sự giám sát chặt chẽ từ Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), hay Liên minh châu Âu có quy định cụ thể về quảng cáo so sánh để đảm bảo tính chính xác và công bằng. Úc và Hàn Quốc đều áp dụng công nghệ để giám sát và phát hiện các hành vi vi phạm. Cụ thể, Úc đã thiết lập một hệ thống hợp tác quốc tế hiệu quả trong việc quản lý và giám sát quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh thông qua cơ quan Cạnh tranh và Tiêu dùng Úc (ACCC), thường xuyên phối hợp với các cơ quan cạnh tranh quốc tế để trao đổi thông tin và kinh nghiệm, điều này giúp nâng cao khả năng xử lý các hành vi vi phạm. Hàn Quốc đã triển khai công nghệ cao trong việc giám sát và phát hiện các hành vi quảng cáo không lành mạnh thông qua cơ quan Tiêu dùng Hàn Quốc (KCA), sử dụng các công cụ giám sát trực tuyến và phần mềm phân tích dữ liệu lớn để theo dõi quảng cáo trên internet, nhằm phát hiện kịp thời các quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn [6]. Việt Nam có thể áp dụng các bài học trên, đặc biệt trong việc nâng cao tính minh bạch trong quảng cáo và sử dụng công nghệ hiện đại để theo dõi và quản lý các chiến dịch quảng cáo.

Để giải quyết vấn đề này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào công tác giám sát và thực thi tại địa phương, bao gồm tăng cường đào tạo nhân lực và cung cấp các nguồn lực kỹ thuật cần thiết. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, như hệ thống theo dõi quảng cáo trực tuyến tự động, cũng có thể giúp phát hiện vi phạm nhanh chóng và hiệu quả hơn.

7. Kết luận

Mặc dù Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về cạnh tranh và quảng cáo, nhưng hiệu quả thực thi vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Việc cải thiện mức phạt, nâng cao năng lực phối hợp giữa các cơ quan và tăng cường năng lực thực thi tại các địa phương là những yếu tố cốt lõi cần được chú trọng. Nếu không có những biện pháp điều chỉnh kịp thời, các vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo sẽ tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và người tiêu dùng. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý về hành vi vi phạm quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh là cần thiết để tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường. Tăng cường chế tài xử phạt, cải thiện quy định pháp lý và nâng cao nhận thức về pháp luật là những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

[1] Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (2023). Báo cáo thường niên các năm 2015 - 2023.

[2] Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2012). Luật Quảng cáo năm 2012 - Luật số 16/2012/QH13, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013.

[3] Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2018). Luật Cạnh tranh năm 2018 - Luật số 23/2018/QH14, hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

[4] Chính phủ (2019). Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2019.

[5] Chính phủ (2021). Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2021. 

[6] Phạm Tố Uyên (2023). Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo trên truyền hình ở Việt Nam hiện nay. Luận văn Thạc sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội.

[7] Phương Anh (2024). Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Truy cập tại https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/chan-chinh-hoat-dong-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-tren-mang-xa-hoi-225806.html.

[8] Hồ Thị Duyên (2016). Pháp luật về hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh ở Việt Nam hiện nay. Luận văn Tiến sĩ Luật học, Đại học Luật Hà Nội.

[9] Nguyễn Ngọc Tân (2019). Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo thương mại theo pháp luật Việt Nam hiện nay. Luận văn Thạc sĩ Luật kinh tế, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàm lâm khoa học xã hội Việt Nam.

[10] Trần Thị Thúy Hằng (2023). Pháp luật về quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, qua thực tiễn tại Thành phố Đà Nẵng. Luận văn Thạc sĩ Luật kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

[11] Vũ Ngọc Tuấn (2019).  Thực trạng cạnh tranh không lành mạnh trong doanh nghiệp và một số kiến nghị. Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 12, trang 77.  Truy cập tại https://epaper.tapchitaichinh.vn//2019/2019TCTCK2T12/mobile/index.html

[12] Nguyễn Hoàn Hảo (2019). Giải pháp hạn chế cạnh tranh không lành mạnh trong nền kinh tế thị trường. Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10, trang 48. Truy cập tại https://epaper.tapchitaichinh.vn//2019/2019TCTCK1T10/mobile/index.html.

Strengthening Legal Measures to Prevent Unfair Competition in Advertising in Vietnam

Nguyen Tran Thuc Uyen

Ho Chi Minh University of Banking (HUB)

Abstract:

Based on data from advertising violations before and after the Competition Law 2018 came into effect, this study assesses the effectiveness of the Vietnamese legal system in addressing advertising practices aimed at unfair competition. Specifically, Vietnam has applied the Competition Law 2018, the Advertising Law 2012, and related decrees to regulate and manage violations. However, in the context of increasingly deep global economic integration, it is necessary to learn from and adopt legal systems from other countries to find appropriate methods applicable to domestic conditions. This study not only evaluates the current effectiveness but also proposes recommendations and solutions to enhance deterrence and improve law enforcement effectiveness. The ultimate goal is to create a healthier advertising competition environment, contributing to the sustainable development of the Vietnamese market.

Keywords: advertising violations, unfair competition, advertising for unfair competition, Vietnamese law.