Đông đảo doanh nghiệp và người dân tích cực ủng hộ
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG), sau gần hai năm thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trật tự, kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH đã từng bước được tăng cường. Các doanh nghiệp đã quan tâm đến nâng cao chất lượng và thực hiện tốt hơn các quy định về quy chuẩn kỹ thuật. Hiện tượng bày bán công khai các loại mũ nhập lậu, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa đã giảm đi đáng kể; ý thức đội MBH của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Chủ trương và công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg được đông đảo doanh nghiệp và người dân tích cực ủng hộ.
Hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông
Nhấn mạnh về các kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, giáo dục, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG cho biết, Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh phổ biến Chỉ thị số 04/CT-TTg; phát hành các sản phẩm truyền thông để tuyên truyền, phổ biến thống nhất trên phạm vi toàn quốc như TVC, CD, tờ rơi, áp phích, phóng sự về “ Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn bảo vệ chính mình".
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình từ Trung ương tới địa phương tổ chức tuyên truyền các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tác hại của việc không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách, đội MBH không đạt chất lượng quy định.
Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban ATGTQG, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa – Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các lực lượng chức năng liên quan và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp và người dân như hội thảo, hội nghị, triển lãm hàng thật – hàng giả,v.v… Bên cạnh đó, Ủy ban ATGTQG thông báo công khai chương trình đổi MBH không đạt chuẩn lấy MBH đạt chuẩn chất lượng, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất MBH tham gia chương trình này.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGTQG
Về công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH giả, kém chất lượng, từ tháng 4/2013 đến nay, thông qua công tác tuần tra kiểm soát lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra lập biên bản 6.856.089 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; Kho bạc nhà nước thu 3.958,1 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe 582.023 trường hợp; Tạm giữ 128.661 xe ô tô, 854.709 xe mô tô. Trong đó đã xử phạt 896.437 trường hợp không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách. Một số địa phương có kết quả xử phạt cao như: Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Điện Biên, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Phú Thọ, v.v…
Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện và xử lý đối với 03 cơ sở sản xuất kinh doanh giả mạo chứng nhận hợp quy và gắn dấu CR lên mũ không phải MBH, thu giữ các phương tiện sản xuất, xử lý theo quy định của pháp luật, xử phạt hành chính, tiêu hủy trên 1000 chiếc MBH giả mạo chứng nhận hợp quy và nhiều tem nhãn vi phạm; Chuyển hồ sơ sang các cơ quan chức năng xử lý 12 cơ sở. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 08 cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH, xử lý tiêu hủy trên 3000 MBH giả, không đảm bảo chất lượng, xử phạt trên 50 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, trong năm 2013 và 8 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan (Ủy ban ATGTQG, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa – Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Công an, chính quyền địa phương) triển khai công tác kiểm tra, xử lý vi phạm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng số vụ đã kiểm tra là 18.172 vụ, trong đó số vụ vi phạm là 2.995 vụ và số vụ đã xử lý là 2.592 vụ. Số hàng hóa tịch thu, tiêu hủy: 129.439 sản phẩm. Trị giá hàng hóa vi phạm: 3.478.055.000 đồng. Tổng số tiền phạt hành chính: 2.576.014.000 đồng. Các vi phạm chủ yếu là không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ hoặc vi phạm các quy định về ghi nhãn hàng hóa. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường đã chuyển cơ quan Công an xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự một số trường hợp sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.
Nâng cao ý thức người dân
Ông Nguyễn Trọng Tín cũng cho biết, công tác tuyên truyền, hướng dẫn của ngành giao thông, chính quyền địa phương và việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người tham gia giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông đã có tác động trực tiếp đến ý thức người đi mô tô, xe máy. Điều này được phản ánh qua số lượng người dân tham gia đổi MBH đạt chuẩn trên cả nước với hàng trăm nghìn chiếc MBH đã được đổi trong thời gian Ủy ban ATGTQG triển khai chiến dịch tuyên truyền về đội MBH sau khi Chỉ thị số 04/CT-TTg ban hành trong năm 2013. Qua đó, cho thấy ý thức của người dân trong việc mua MBH đạt chuẩn để tự bảo vệ cho mình đã được nâng lên, người dân đồng tình cao với việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh sản xuất MBH. Ý thức tự bảo vệ mình của người dân đã được chuyển biến rõ rệt. Mọi người đã ý thức và thấy được tác hại của việc đội MBH không đảm bảo chất lượng, nếu xảy ra tai nạn giao thông sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bản thân.
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công ThươngThực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGTQG, Tổng cục VII, Bộ Công an và lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, phong phú về nội dung, làm cho đông đảo nhân dân và người tham gia giao thông biết tác hại, hậu quả của việc không đội MBH, đội MBH không cài quai đúng quy cách…, qua đó góp phần tích cực vào nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông, làm cho mọi người có thói quen khi ngồi trên mô tô, xe máy tham gia giao thông là tự giác đội MBH theo đúng quy định, xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, việc chấp hành quy định đội MBH khi đi mô tô, xe máy của người tham gia giao thông có lúc, có nơi chưa tốt, nhất là tại một số tuyến giao thông nông thôn, đường liên xã, một số trường hợp ngang nhiên vi phạm, nhất là thanh thiếu niên hoặc là chấp hành theo kiểu chống đối.
Hiện tại, cả nước có khoảng trên 80 cơ sở sản xuất MBH (giảm 20% so với năm 2013). Tuy nhiên trong tổng số các doanh nghiệp sản xuất MBH hiện nay, số doanh nghiệp tự sản xuất toàn bộ linh kiện và lắp ráp MBH hoàn chỉnh không quá 10 doanh nghiệp, còn lại các doanh nghiệp chỉ sản xuất vỏ mũ và mua các linh kiện khác về láp ráp MBH, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ. Vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm rất khó khăn.
Mũ không phải là MBH nhưng có hình dáng giống MBH bán tràn lan gây khó khăn cho cho cơ quan chức năng
Đối với các trường hợp kinh doanh, sử dụng các loại mũ không phải là MBH nhưng có hình dáng bề ngoài giống như MBH, mũ giả mạo MBH…, nhưng không có đủ cấu tạo, bộ phận như quy định MBH, không đảm bảo an toàn nếu người điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng, căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành để xử lý vi phạm hành chính trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại mũ này hiện đang có nhiều bất cập.
Trong đó, kinh doanh MBH chủ yếu là các cơ sở, cá nhân nhỏ lẻ, bày bán trên lòng đường, vỉa hè, không kinh doanh cố định, bán lẫn với các loại hàng hóa khác…, nên công tác kiểm tra, kiểm soát đối với các đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trường hợp đối tượng không hợp tác. Việc kiểm tra chất lượng loại MBH tại các cơ sở bán nhỏ lẻ còn bất cập do các cơ sở này thường bán rất nhiều loại mũ, mỗi loại chỉ bán một vài chiếc trong khi giám định MBH phải lưu mẫu và thường có các chỉ tiêu như độ bền va đập và hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên, quai đeo.
Địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để tình trạng bày bán MBH, mũ nhựa trên lòng đường vỉa hè
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG, trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với các mục tiêu: tăng tỷ lệ đội MBH đạt chuẩn chất lượng; tăng tỷ lệ trẻ em đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện; quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh MBH theo quy định.
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG
Để thực hiện các mục tiêu này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp quan trọng như: Lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm theo đúng quy định của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý các trường hợp người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe máy, xe đạp máy không đội MBH cho người đi mô tô xe máy hoặc đội MBH cho người đi mô tô xe máy không cài quai đúng quy cách.
Tăng tỷ lệ trẻ em đội MBH khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, xe đạp điện
Phối hợp với các cơ quan đại chúng tuyên truyền rộng rãi quy định của pháp luật về đội MBH cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy và việc kiểm tra, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng theo đúng các quy định của pháp luật.
Lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn người dân phân biệt MBH thật - giả
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Tín cũng đề xuất những giải pháp để thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ một cách hiệu quả, thiết thực hơn nữa trong đó, đề nghị Chủ tịch Ủy ban ATGTQG chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố giao nhiệm vụ cho từng chính quyền quận, huyện, phường, xã, nếu để tình trạng bày bán MBH, mũ nhựa các loại trên lòng đường, vỉa hè thì chính quyền địa bàn đó chịu trách nhiệm. Lực lượng chức năng địa phương phải xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc kiểm tra, xử lý vi phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng MBH đối với người tham gia giao thông.
Ủy ban ATGTQG chủ trì phối hợp với các cơ quan truyền thông và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức các chương trình tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH; phổ biến cho người tiêu dùng các kiến thức phân biệt MBH và các loại mũ khác, khuyến cáo người tiêu dùng không được sử dụng khi đi xe máy tham gia giao thông các loại MBH chưa chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, không dán tem CR, các loại mũ không phải là MBH.
Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi không đội MBH khi điều khiển xe máy, xe đạp điện, đồng thời giải thích, nhắc nhở, xử phạt người đội mũ không phải MBH như hành vi không đội MBH. Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng triển khai công tác giám sát, kiểm định chất lượng định kỳ, thường xuyên đối với các loại MBH lưu thông trên thị trường.