![Ông Lê Khắc Bảo - Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/21/tang-cuong-vai-tro-cua-dia-phuong-trong-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro_678f7af8b09f5.jpg)
Theo ông Lê Khắc Bảo - Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng, trong thời gian gần đây, Thành phố Hải Phòng đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư lớn. Theo đó, Thành phố đã thu hút được những dự án có số vốn đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Đóng góp của các ngành công nghiệp hỗ trợ này đi kèm với sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong giai đoạn này chiếm tỉ trọng là 45-46%, và chỉ số phát triển công nghiệp giai đoạn 2019 đến nay luôn duy trì tăng trưởng hai con số. Có thể thấy ngành công nghiệp hỗ trợ Thành phố trong thời gian vừa rồi đã có những bước phát triển, đặc biệt là ngành điện tử có các nhà máy phụ trợ của Tập đoàn LG; ngành cơ khí ô tô của Tập đoàn VinFast,…
Những con số này cũng nói lên là phát triển công nghiệp thành phố đang phát triển đúng định hướng và theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố cũng như các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố được ban hành.
Nhìn chung, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã cơ bản tham gia tích cực vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố và cũng có những một số đề án đã xin được hỗ trợ. Tuy nhiên, do chương trình mới được ban hành nên các đề án này còn đang trong quá trình xem xét, chưa tham mưu được cho thành phố để thông qua.
Ông Lê Khắc Bảo cũng chỉ ra rằng, về thuận lợi, rõ ràng là với việc triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng với các chương trình khác của Thành phố, cũng như các giải pháp hỗ trợ về hạ tầng; về cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; về nhân lực; về công nghệ, đổi mới sáng tạo,… thì thúc đẩy các doanh nghiệp hình thành và triển khai một số ý tưởng để đẩy mạnh cải tiến quản trị doanh nghiệp, cải tiến công nghệ sản xuất.
![Ông Lê Khắc Bảo - Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/1/21/tang-cuong-vai-tro-cua-dia-phuong-trong-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro_678f7b08477e3.jpg)
Tuy nhiên, khó khăn chính của doanh nghiệp trong tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn mà Thành phố đã thu hút đầu tư trên địa bàn như LG, Bridgestone,… là: Thứ nhất, khả năng tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế. Thứ hai, công nghệ, thiết bị, công tác quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn gặp nhiều khó khăn. Thứ ba, thực tế các doanh nghiệp quy mô còn rất nhỏ, về cơ bản chưa làm chủ được máy móc, thiết bị để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp lớn yêu cầu, nên gần như là các doanh nghiệp Việt mình không thể tham gia được. Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ lãnh đạo cũng như là nhân sự, lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung là còn yếu.
Mặt khác, hiện giờ mặt bằng để sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng còn thiếu, vậy nên để triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố thì Sở Công Thương Hải Phòng cũng tham mưu Thành phố là tiếp tục phát triển các hỗ trợ như:
Thứ nhất, tiếp tục đầu tư phát triển các khu, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Thứ hai, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các công việc hành chính nâng lên cấp độ ba, cấp độ bốn.
Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực lực cao, quản trị doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng đang đề xuất một số nội dung để khi các doanh nghiệp lớn đến Thành phố thì phải có một số ràng buộc, ví dụ như về chuyển giao công nghệ, hay là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào một chuỗi nào đó ở trong sản xuất để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước lên, đảm bảo mục tiêu theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố đặt ra là 60% các sản phẩm công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn trong nước sản xuất.” - Ông Lê Khắc Bảo nhấn mạnh.
Để thu hút công nghiệp, Hải Phòng sẽ định hướng thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, có vai trò dẫn dắt và đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững và có chuyển giao công nghệ. Với những nội dung này, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước trong các lĩnh vực về chuyển đổi số, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực,…
Bên cạnh những giải pháp của Thành phố, ông Lê Khắc Bảo cũng đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ số nội dung cụ thể như:
Một là, nghiên cứu đề xuất cùng với Hải Phòng thành lập ra một trung tâm phát triển công nghiệp hoặc công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố.
Hai là, chúng tôi trong quá trình quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng đang có những định hướng về phát triển khu, cụm công nghiệp chuyên ngành hoặc các cụm liên kết ngành hoặc cụm công nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ.
“Vậy mong là trong các luật mà Bộ Công Thương đang tham mưu ban hành như lãnh đạo Cục Công nghiệp đã chia sẻ có thể tham mưu một số cơ chế chính sách cho các cụm liên kết ngành, cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.” - ông Lê Khắc Bảo bày tỏ.
Ba là, có thêm một số chính sách về việc đào tạo, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực để hỗ trợ cho Thành phố. Vì thực ra Hải Phòng về cơ bản là đến giai đoạn tới thì sẽ thiếu nguồn lực về con người. Vừa qua thành phố cũng đã chủ động ban hành các chính sách, xây dựng các nhà ở xã hội để thu hút được lao động, nhưng thực tế với sự phát triển như hiện nay thì trong tương lai gần cũng mong muốn có thêm một số cơ chế từ Trung ương để hỗ trợ thêm về nguồn lực.