Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, thuế thuốc lá của nước ta hiện nay là rất thấp (41%). Đây được xem là nguyên nhân khiến Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có tỉ lệ người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Do đó, nhiều đại biểu đồng tình với đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá từ ngày 1/1/2016 từ 65% lên 70% và từ 1/1 /2019 sẽ tăng từ 70% lên 75%.
Tuy nhiên không ít đại biểu lo ngại việc tăng thuế sẽ khiến kích thích hoạt động buôn lậu thuốc lá phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo Trưởng ban Kinh tế T.Ư Vương Đình Huệ: "Một điếu thuốc lá có in hình đầu lâu xương chéo mà có ông còn xơi 2 gói/ngày. Nhưng đằng sau mỗi điếu thuốc là hàng trăm nghìn người trồng thuốc lá". Ông đề nghị việc tăng thuế cần có bước đi cụ thể cho phù hợp thu ngân sách, bởi "tăng thuế lên cao chỉ dân buôn lậu cười sướng".
Ông Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh phân tích: "Việc tăng thuế phải đi kèm theo 1 đề án chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả thì mới có tác dụng. Hiện nay, nhiều nước áp thuế TTĐB đối với thuốc lá rất cao, nhưng rất tiếc là 3 nước có biên giới với nước ta là Trung Quốc, Lào và Campuchia mức thuế này lại rất thấp. Điều này khiến cho chúng ta càng tăng thuế lại càng tạo ra vùng trũng về giá dẫn đến việc kích thích buôn lậu ra tăng mạnh hơn".
Cùng chung quan điểm, Từ An Giang, địa bàn nóng bỏng về buôn lậu, đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết cho biết: Thuế thuốc lá tại Campuchia là 10%, Lào 35%, còn ở nước ta thuế tiêu thụ đặc biệt 65-75%. So sánh giữa 3 mức thuế, bà đề nghị cân nhắc việc tăng thuế bởi "không khéo tăng nguồn thu không lớn nhưng hậu quả xử lý rất là nhiều". Hơn nữa, thực tế cho thấy sau mỗi lẫn tăng thuế đối với thuốc lá cho thấy không giảm được người sử dụng.
Đại biểu Trần Tiến Dũng (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đồng tình với việc sửa đổi các luật thuế lần này, cho rằng, các sắc thuế có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt có vai trò quan trọng trong công tác quản lý, phát triển đất nước và doanh nghiệp. Theo ông Dũng, việc tăng thuế thuốc lá sẽ làm giá mặt hàng này tăng theo nhưng liệu có giảm người tiêu thụ? Mặt khác, quản lý không tốt sẽ để cho thuốc ngoại tràn vào, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và thất thu ngân sách quốc gia khi mà thuốc lá nội cạnh tranh không nổi với thuốc lá ngoại. Đây là bài toàn nan giải đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý và điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá. Nếu không quản lý tốt thì vô hình trung sẽ gây tác dụng ngược đối với mặt hàng này hiện nay.
Việt Nam hiện là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 ở châu Á. Năm 2013 lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam là 21,9 tỷ điếu, chiếm 20,7% thị phần, làm thất thu NSNN 6.500 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2014, thuốc lá nhập lậu tăng lên 30 - 40%, xuất hiện thêm nhiều nhãn mác mới, giá rẻ, và lan tràn khắp các tỉnh trên phạm vi cả nước.
Theo đại biểu Huỳnh Thành Lập, việc điều chỉnh thuế TTĐB thuốc lá phải hướng đến lợi ích sức khỏe của người tiêu dùng, góp phần hướng dẫn và định hướng tiêu dùng chứ không chỉ vì để tăng ngân sách. Bà Nguyễn Thanh Hải, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình lại cho rằng: "Nguy cơ rất lớn đó là hàng lậu sẽ tràn vào trong thị trường khi thuế TTĐB thuốc lá tăng lên. Do vậy, tôi đề nghị là cần phải có phân tích cụ thể và phương án phối hợp với Bộ Công Thương để ngăn chặn tình trạng buôn lậu".
Theo các đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) thì bên cạnh việc tăng thuế suất đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu, bia, cần tính đến biện pháp chống buôn lậu. "Thuế các mặt hàng càng cao, buôn lậu càng mạnh, triệt tiêu sản xuất trong nước. Bởi vậy, lộ trình tăng thuế cần gắn chặt với giải pháp chống buôn lậu, không khuyến khích sản xuất" - đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: "Logic của vấn đề này là không phải vì sợ buôn lậu gia tăng mà chúng ta không tăng thuế. Chúng ta vẫn phải tăng thuế. Nhưng tôi không đồng tình chuyện tái xuất thuốc lá lậu. Lấy gì bảo đảm là nó không quay trở về thị trường Việt Nam. Chúng ta cần phải tiêu hủy ngay hàng lậu".
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội), việc nâng thuế suất thuốc lá là điều rất bình thường nhưng nên làm rõ lộ trình tăng thuế. Ngoài ra, tình hình buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng được thể hiện qua số thu giữ và ngân sách thất thu khoảng 8 tỷ đồng do không kiểm soát được nhập lậu thuốc lá. Do đó, cần phải có giải pháp để tăng thuế nhưng không để ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp nội địa.
Như vậy, việc tăng thuế TTĐB không phải chỉ để thực hiện mục tiêu tăng ngân sách mà chính là biện pháp để định hướng tiêu dùng, hạn chế người dân sử dụng rượu, bia, thuốc lá. Song điều quan trọng nhất, đi đôi với tăng thuế tiêu thụ với các mặt hàng này, cần phải có biện pháp chống buôn lậu để tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách của Chính phủ.
Có thể thấy các đại biểu lo rằng Tăng thuế TTĐB trong tình hình buôn lậu như hiện nay sẽ tạo thêm lợi nhuận và kích thích thuốc lá lậu phát triển. Người tiêu dùng không bỏ thuốc mà sẽ chuyển sang dùng thuốc lá lậu, bao bì đẹp, không in cảnh báo sức khỏe và giá rẻ hơn, dẫn đến thuốc lá trong nước giảm, thuốc lá lậu tăng. Bên cạnh đó, do không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thuốc lậu nên có nguy cơ lớn, gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng.
Trước tình hình buôn lậu phát triển như hiện nay, dự kiến trong năm 2014, thuốc lá lậu sẽ làm thất thu NSNN 8.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp trong nước thực hiện nghiêm các quy định pháp luật thì bất lợi, trong khi thuốc lá lậu được hưởng lợi. NSNN giảm và mục tiêu giảm tiêu dùng thuốc lá cũng không đạt được do người dùng chuyển sang hút thuốc lá lậu. Do đó, việc tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá cần có lộ trình và mức tăng phù hợp, và gắn với các giải pháp chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả.