Tăng trưởng khá, nhưng còn nhiều thách thức

Để nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 7,5 đến 8% năm 2004, khi mà một số ngành trọng điểm như nông- lâm- thủy sản đạt mức tăng trưởng khá thấp trong 3 tháng đầu năm, thì ngành Công nghiệp phải đóng mộ


Giá trị sản xuất tăng, nhưng giá trị tăng thêm chưa tương xứng
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, do tình hình giá nguyên liệu cho phục vụ sản xuất trên thị trường thế giới gia tăng đột biến, khiến cho tình hình sản xuất trong nước, đặc biệt là những ngành có sự phụ thuộc vào nguồn liệu nước ngoài lớn như thép, nhựa, hóa chất…gặp không ít khó khăn, nhưng ước tính, GTSXCN quý I của toàn Ngành vẫn đạt 84.976 tỷ đồng, bằng 23,6% kế hoạch năm và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2003 (trong đó, công nghiệp quốc doanh trung ương tăng 14,5%, khu vực quốc doanh địa phương tăng 7,1% và khu vực ngoài quốc doanh tăng 21,9% và các khu vực khác tăng khoảng 12,5%). Đây là quý có mức tăng trưởng vào loại cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
Điều đáng nói, trong số 24 tổng công ty, công ty và nhóm ngành thuộc Bộ Công nghiệp, quý I/2004, chỉ có 02 doanh nghiệp có GTSX thấp hơn so với cùng kỳ là tổng Công ty Điện tử- Tin học và Công ty Kỹ nghệ thực phẩm, còn lại đều có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, trong đó, có nhiều doanh nghiệp đạt trên mức bình quân của Bộ, như: Tổng công ty Điện lực Việt Nam tăng 15,3%; Tổng Công ty Than Việt Nam tăng 24,6%; Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam tăng 15,8%; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam tăng 28%... GTSXCN tăng, kéo theo giá trị xuất khẩu cũng tăng. Quý I/2004, kim ngạch xuất của cả nước ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ, trong đó các sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (Dầu thô đạt 1,81 tỷ USD, dệt - may đạt 878 triệu USD, giầy dép đạt 638 triệu USD, hàng điện tử và linh kiện đạt 183 triệu USD, thủ công mỹ nghệ ước 100 triệu USD, sản phẩm gỗ đạt 193 triệu USD, sản phẩm nhựa 42 triệu USD, dây điện và cáp điện ước đạt 81 triệu USD…)
Sở dĩ, có sự tăng trưởng về GTSX cao như trên trong bối cảnh mà hầu hết các doanh nghiệp đang lao đao về giá nguyên liệu đầu vào tăng, theo đánh giá của các chuyên gia, đó chính là kết quả của việc thực hiện Luật Doanh nghiệp, nhờ đó nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã được ra đời và nay đã đi vào hoạt động, góp phần vào sự tăng trưởng chung GTSXCN của toàn Ngành (quý I/2004, DNNQD có mức tăng trưởng lên đến gần 22% so với cùng kỳ). Đồng thời, nhiều DNNN đã được chuyển đổi từ sở hữu nhà nước sang hình thức công ty cổ phần, bán, khoán, cho thuê đã làm ăn tương đối hiệu quả, nên đã góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng chung. Bên cạnh đó, do những tháng cuối năm, mà đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng, kéo theo các sản phẩm tiêu dùng cũng tăng, càng góp phần đưa GTSXCN trong quý I/2004 tăng cao.
ở một góc độ khác liên quan đến hiệu quả sản xuất- kinh doanh của toàn ngành Công nghiệp, nếu so sánh giữa mức độ tăng trưởng GTSX và mức tăng GDP (giá trị tăng thêm), thì vẫn còn chưa tương xứng. Nếu như quý I/2003, GTSXCN của toàn Ngành có mức tăng trưởng 15,1%, thì GDP tăng thêm chỉ ở mức 9,24%. Còn quý I năm nay, GTSX tăng 15,6%, nhưng GDP tăng thêm cũng chỉ tăng ở mức 10,6%. Điều này cho thấy ngành Công nghiệp đã có bước phát triển về chất, tuy nhiên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng cũng như mức tăng trưởng chung về GTSX của toàn Ngành. Nguyên nhân chính khiến cho giá trị tăng thêm trong ngành Công nghiệp chưa cao, là do trong thời gian qua, giá nhập khẩu một số mặt hàng trọng yếu phục vụ cho sản xuất tăng cao hơn so với cùng kỳ, cụ thể: Dầu thô tăng 6%, phôi thép tăng 30%, chất dẻo tăng trên 18%, sợi dệt tăng 10,4% và bông tăng 29,5%... Và dự kiến trong thời gian tới, do tình hình kinh tế thế giới đạt tốc độ tăng trưởng cao (đặc biệt là Trung Quốc, hiện đang được mệnh danh là công trường của thế giới, đang có mức tăng trưởng nóng) kích thích nhu cầu sản xuất- xây dựng và tiêu dùng tăng cao, khiến giá một số nguyên liệu đầu vào khó có thể giảm, như thép, hóa chất... Vì thế, tình hình sản xuất kinh doanh của đại bộ phận doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, càng trở nên khó khăn… Đây cũng chính là thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp nói chung và ngành Công nghiệp nói riêng trong thời gian tới.
Làm thế nào để vượt qua thách thức, giữ vững và có thể nâng cao giá trị sản xuất kinh doanh của toàn Ngành để góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế trong năm nay đang là bài toán cần có lời giải đúng.
Đột phá bằng cách nào?
Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của toàn Ngành trong thời gian tới, Bộ Công nghiệp đã đưa ra một số giải pháp quan trọng:
Thứ nhất, ổn định sản xuất kinh doanh: Tập trung theo dõi sát sao tình hình biến động giá trên thị trường để có kế hoạch hành động trong 3 quý còn lại. Đồng thời, tiếp tục phấn đấu giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, nhất là các sản phẩm công nghiệp từ trước đến nay đang được bảo hộ ở mức cao, cũng như khai thác tối đa thị trường tiêu thụ trong nước…
Thứ hai, về đầu tư xây dựng cơ bản: Để đảm bảo tiến độ, Bộ yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục triển khai ngay các dự án, đồng thời, bóc tách phần chênh lệch giá giữa thực tế so với dự toán để có căn cứ xem xét điều chỉnh (Quý I/2004, tổng số vốn đầu tư thực hiện của các tổng công ty, công ty và ngành hàng doanh nghiệp trực thuộc Bộ cũng mới chỉ đạt khoảng 14,61% so với kế hoạch). Đối với các dự án mới, các đơn vị cần căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành và kế hoạch được được duyệt, nhanh chóng triển khai xây dựng các dự án đầu tư, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Trong đó, cần chú trọng đầu tư theo chiều sâu, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất…
Dẫu sao, đây cũng chỉ là những giải pháp mang tính tổng quát. Để ổn định tình hình sản xuất, góp phần nâng cao GTSXKD của toàn Ngành trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, cần phải “giải quyết triệt để” những vấn đề như:
Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Tài chính, cần có một chính sách thuế đối với các nguyên liệu đầu vào thích hợp, để (xét trong thời gian ngắn) doanh nghiệp dự trữ nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, tránh nguy cơ giá cả thị trường thế giới, bấp bênh, nhưng (xét chiến lược lâu dài) vẫn khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia vào xây dựng các dự án sản xuất nguyên liệu tại Việt Nam.
Riêng về phía Bộ Công nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng là phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương IX. Vì có làm tốt việc này, mới có thể gải quyết tận gốc hai vấn đề cơ bản, đó là vừa nâng cao được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo doanh nghiệp, gắn trách hiệm của người quản lý với năng lực kinh doanh của doanh nghiệp (tránh tình trạng cha chung không ai khóc như trước đây); Đồng thời, còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng huy động vốn, thông qua thị trường chứng khoán (cái mà lâu nay tất cả các DNNN hay kêu ca).

  • Tags: