Các sản phẩm này là kết quả từ nỗ lực của tập đoàn trong việc tiên phong ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, dám nghĩ dám làm trong việc tổ chức sản xuất quy mô lớn theo quy trình canh tác tiên tiến theo hướng bền vững để không ngừng thực hiện cam kết “Cùng nông dân phát triển bền vững”.
Tiếp nhận bản quyền giống lúa OM 5451 từ Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long từ năm 2011 và quyền khai thác thương mại giống lúa OM 18 năm 2018, bên cạnh việc nghiên cứu sâu về khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp cho từng loại giống, tập đoàn và đội ngũ nhân viên hùng hậu của mình đã liên tục tổ chức các hoạt động giao lưu với bà con nông dân khắp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, Tây nguyên… để thuyết phục nông dân trồng và mở rộng diện tích của hai giống lúa này.
Đồng thời với việc mở rộng vùng trồng, Lộc Trời cũng tiên phong trong việc giới thiệu hai loại gạo này tại thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, với thế mạnh về năng suất ổn định, ít sâu bệnh, chịu phèn, dễ thích nghi môi trường và có thể gieo trồng quanh năm, theo dữ liệu từ Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn, OM 18 - giống lúa cho ra gạo thơm hạt dài chất lượng cao, vị cơm thơm dịu đậm đà - có diện tích gieo trồng lớn nhất cả nước, lên đến gần 260.000 hecta vụ Đông Xuân 2020-2021 chỉ tính riêng Đồng Bằng Sông Cửu Long, chiếm 20% diện tích gieo trồng toàn vùng.
Trong phân khúc gạo trắng, OM 5451 nổi bật với tỉ lệ hạt nguyên cao khi xay xát giúp giá thành cạnh tranh hơn, cho gạo hạt dài, trắng trong, cơm mềm được thị trường xuất khẩu ưa chuộng. Theo số liệu của Viettraders 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn OM 5451, chiếm gần 20% sản lượng xuất khẩu cả nước và có tỉ trọng cao nhất trong phân khúc gạo trắng hạt dài.
Thành tích này là sự phối hợp rất chặt chẽ giữa các mảng hoạt động sản xuất và kinh doanh chủ lực nằm trong hệ sinh thái nông nghiệp của tập đoàn. Sự khởi đầu của ngành Giống non trẻ và và giàu triển vọng của Lộc Trời trong việc tổ chức sản xuất lúa giống chuyên nghiệp, làm việc với các hộ nông dân giỏi nhất để chăm sóc theo hướng dẫn riêng của qui trình sản xuất giống Lộc Trời nhằm cung ứng mỗi năm hơn 60 ngàn tấn lúa giống các loại đạt độ thuần cao và chất lượng tốt đến nông dân. Giống được sản xuất tại 5 nhà máy và phân phối trong hệ thống đại lý độc quyền của Lộc Trời tại nhiều tỉnh thành cả nước.
Ngành Dịch vụ nông nghiệp của tập đoàn với 1.200 kỹ sư nông nghiệp (đội ngũ 3 Cùng – cùng trồng, cùng chăm sóc, cùng bán) đang sát cánh cùng bà con nông dân để tư vấn về giống, tổ chức sản xuất quy mô lớn các loại lúa hàng hoá thông qua các hợp tác xã, sử dụng quy trình tối ưu hoá các khâu giống – canh tác – thu hoạch và vận chuyển với các dịch vụ cơ giới hoá và drone sạ giống, rải phân, phun thuốc giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí, đội ghe vận chuyển và hệ thống 25 nhà máy lương thực của riêng tập đoàn và các đối tác liên kết tiêu thụ.
Ngành Nông sản Lộc Trời đang hợp tác chặt chẽ với các đơn vị mua lúa gạo, trong đó đội ngũ phụ trách xuất khẩu không ngừng giới thiệu sản phẩm và đưa lúa gạo Việt Nam đi khắp thế giới, chinh phục các thị trường khó tính nhất như châu Âu và Nhật … để hỗ trợ đầu ra, mua lúa kịp thời tránh việc “được mùa mất giá” đảm bảo lợi nhuận ổn định cho bà con nông dân.
Ngành Vật tư Nông nghiệp được vinh danh trong Festival Lúa Gạo Việt Nam lần này với sản phẩm Trico ĐHCT, một sản phẩm sinh học đa công dụng, vừa phòng ngừa hiệu quả bệnh lúa von, khô vằn trên cây lúa vừa giúp tăng tốc độ phân huỷ rơm rạ sau thu hoạch, trực tiếp trên đồng ruộng thành chất hữu cơ nuôi dưỡng đất cho những mùa vụ bội thu.
Với thành phần chính là bào tử các chủng nấm Tricoderma có vách dày giúp thời gian sống của bào tử và gia tăng thời gian hiệu quả so với các loại khác, Trico ĐHCT được Đại Học Cần Thơ chuyển giao công nghệ, phân phối đến nông dân thông qua hệ thống phân phối độc quyền của Lộc Trời.
Viện Nghiên Cứu Nông Nghiệp Lộc Trời đang xây dựng giải pháp phù hợp để sử dụng Trico ĐHCT tại các vùng tổ chức sản xuất lúa gạo quy mô lớn của tập đoàn, nhằm chuyển đổi lượng rơm rạ rất lớn sau thu hoạch thành chất hữu cơ để giảm đáng kể lượng phân bón vô cơ, giảm giá thành sản xuất, đồng thời có tiềm năng giúp đất tăng lưu giữ carbon và giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo. Đây cũng là cam kết của Lộc Trời về việc xây dựng sản phẩm sinh học chiếm 30% tổng sản phẩm chăm sóc mùa vụ của Lộc trời.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời phát biểu: “Chúng tôi đã và đang nỗ lực thực hiện các cam kết của tập đoàn với bà con nông dân, với người mua nông sản và sâu rộng hơn nữa là với ngành nông nghiệp và với đất nước Việt Nam thông qua những hoạt động tưởng chừng rất nhỏ bé như tìm từng loại giống phù hợp nhất cho từng vùng thổ nhưỡng, khí hậu, với tập quán canh tác của nông dân đến quy trình sản xuất phù hợp nhất, đáp ứng các tiêu chí cao nhất của các thị trường tiêu thụ.
Chúng tôi ghi ơn Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long và Đại Học Cần Thơ đã dày công nghiên cứu các sản phẩm có tầm quan trọng lớn cho nông nghiệp Việt Nam, cảm ơn bà con nông dân đã tin tưởng Lộc Trời cũng như nỗ lực của 3.600 cán bộ nhân viên Lộc Trời trong suốt nhiều năm qua đã giúp OM 18, OM 5451 và Trico ĐHCT được ghi nhận xứng đáng.
Thay mặt tập đoàn, tôi xin cảm ơn chương trình Festival Lúa Gạo Việt Nam lần thứ 5 đã vinh danh 3 sản phẩm quan trọng này. Vinh dự này là niềm vui và sự khích lệ chung của toàn thể đội ngũ nhân viên tập đoàn, các đối tác nghiên cứu khoa học, các đối tác phân phối sản phẩm, của các hộ nông dân và các đối tác tiêu thụ nông sản luôn sát cánh cùng chúng tôi.”
Festival Lúa Gạo Việt Nam lần thứ 5 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 7/1 đến ngày 10/1 năm 2022 tại thành phố Vĩnh Long, với nhiều hoạt động quảng bá nền nông nghiệp và nông sản chất lượng cao từ Việt Nam ra thế giới.