Hoạt động sản xuất và kinh doanh điện của Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1 (mã cổ phiếu: PC1 - sàn: HoSE) được nhận định sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn, chủ yếu do sản lượng thuỷ điện sụt giảm mạnh. Hiện đang sở hữu và vận hành 10 nhà máy điện, bao gồm 7 nhà máy thuỷ điện và 3 nhà máy điện gió, với tổng công suất 313 MW.
Cụ thể, trong quý 1/2023, sau khi kết thúc 3 năm ảnh hưởng của La Nina, sản lượng và doanh thu từ thuỷ điện của Tập đoàn PC1 đạt 40 triệu kWh và 105 tỷ đồng, lần lượt giảm 59,2% và giảm 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo gần nhất của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), pha ENSO trung tính sẽ có xu hướng chuyển sang pha El Nino trong giai đoạn tháng 5 – tháng 7/2023, khả năng cao sẽ kéo dài đến năm 2024 với xác suất trên 90%. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng thủy điện trong nước nói chung và khu vực Đông Bắc Bộ nói riêng - nơi đặt các nhà máy thuỷ điện của Tập đoàn PC1.
Mực nước thượng lưu (Htl) và lưu lượng đến hồ thủy điện (Qve) trong tháng 6 năm 2023 tại khu vực Đông Bắc Bộ cũng như các hồ thủy điện trên cả nước đã giảm đáng kể so với giai đoạn tháng 11/2022 (thuộc pha La Nina) và thấp hơn giai đoạn tháng 12/2019 (thuộc pha El Nino).
Dựa trên so sánh Qve và sản lượng thủy điện của Tập đoàn PC1 trong pha La Nina năm 2022 với pha El Nino trước đó vào năm 2019, MB Securities (MBS) ước tính sản lượng thủy điện trong năm 2023 của Tập đoàn PC1 sẽ giảm 25% so năm 2022, xuống còn 503 triệu kWh.
Theo dõi tình hình lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện mới nhất trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tuy nhiên, doanh thu thuỷ điện của tập đoàn này được kỳ vọng sẽ tăng trở lại từ năm 2025 khi pha El Nino kết thúc và dự án Nhà máy Thủy điện Bảo Lạc A với công suất 30MW chính thức đi vào hoạt động, nâng tổng công suất thuỷ điện lên 199 MW. Ngoài ra, Tập đoàn PC1 cho biết đang lên kế hoạch bổ sung 3 dự án thuỷ điện với tổng công suất 51 MW trong giai đoạn 2024 – 2025.
Trái ngược với mảng thuỷ điện, mảng điện gió đang đem lại doanh thu ổn định cho Tập đoàn PC1. Trong quý 1/2023, sản lượng điện gió của Tập đoàn PC1 là 253 triệu kWh, tăng 96,1% so với quý 1/2022 và tăng 67,5% so với quý 4/2023, chủ yếu do mức nền thấp vì công suất vận hành nhà máy điện gió trong năm đầu chưa được tối ưu.
Theo đánh giá của MBS, ngoài các dự án kịp hưởng giá FiT, khu vực Quảng Trị (vị trí 3 nhà máy điện gió của Tập đoàn PC1) hiện chỉ có 2 nhà máy với tổng công suất 42,9 MW đã ký hợp đồng bán điện giá chuyển tiếp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Hướng Linh 7 và Hướng Hiệp 1), do đó khả năng cắt giảm công suất các nhà máy điện gió hiện tại ở khu vực này không lớn.
Như vậy, trong giai đoạn 2023 – 2024, thời điểm diễn ra El Nino và sản lượng thuỷ điện sụt giảm, ba nhà máy điện gió của Tập đoàn PC1 nhiều khả năng sẽ được huy động mức sản lượng ổn định để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng.
Tuy nhiên, tỷ lệ lợi ích của Tập đoàn PC1 tại ba nhà máy điện gió: Liên Lập, Phong Huy và Phong Nguyên chỉ lần lượt ở mức 55,54%, 54,73% và 54,7%, do đó phần lợi ích của cổ đông thiểu số sẽ chiếm tỷ lệ khá cao.
Theo đó, MBS dự báo doanh thu từ hoạt động sản xuất và kinh doanh điện của Tập đoàn PC1 trong năm 2023 đạt 1.615 tỷ đồng giảm 5,8% so với năm 2022.
Tuy nhiên, tổng doanh thu từ các mảng hoạt động của Tập đoàn PC1 trong năm 2023 dự báo đạt 9.546 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2022 nhờ doanh thu từ các mảng mới như khai thác, vận hành khu công nghiệp và khai khoáng sẽ bù đắp lại sự sụt giảm doanh thu của mảng điện.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 23/6, giá cổ phiếu PC1 của Tập đoàn PC1 đạt 28.000 đồng/cổ phiếu.