Tập trung vào bán lẻ và nhóm SME, Ngân hàng VPBank (VPB) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 25%

Lãnh đạo Ngân hàng VPBank (mã cổ phiếu VPB) đánh giá việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém GPBank mở ra dư địa tăng trưởng tín dụng và đặt mục tiêu tăng trưởng năm nay ở mức từ 20-25%.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 từ 20 - 25%

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) vừa tổ chức hội nghị nhà đầu tư nhằm cập nhật kết quả kinh doanh năm 2024 và triển vọng năm 2025.

Kết thúc năm 2024, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 20.013 tỷ đồng, tăng 85% so với năm 2023 với sự tăng trưởng của đa số các mảng kinh doanh chính.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng gần 29%, đạt 49.080 tỷ đồng; lãi thuần từ mua bán chứng khoán đầu tư đạt 470 tỷ đồng, so với mức lỗ 806 tỷ đồng trong năm 2023. Khoản lãi thuần từ hoạt động khác cũng tăng xấp xỉ 19%, đạt 5.378 tỷ đồng.

Ngân hàng VPBank
Việc tiếp nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng GPBank được kỳ vọng mở ra dư địa tăng trưởng tín dụng lớn cho Ngân hàng VPBank.

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng VPBank cho biết, mở rộng hệ sinh thái VPBank tiếp tục là định hướng lớn sẽ được ngân hàng tập trung trong năm nay. Với bối cảnh vĩ mô hiện tại, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng trong khoảng 20 - 25%. Nếu kinh tế thuận tiện tích cực hơn, kịch bản sẽ tham vọng hơn.

Bà Lưu Thị Thảo cũng đánh giá, việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém GPBank mở ra dư địa tăng trưởng tín dụng lớn cho Ngân hàng VPBank nhưng vấn đề cốt lõi là làm sao để duy trì tăng trưởng bền vững. Tính đến cuối năm 2024, quy mô tín dụng hợp nhất của ngân hàng đã cán mốc 710.000 tỷ đồng.

Ngân hàng VPBank xác định bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn là 2 phân khúc chiến lược, đặt mục tiêu tăng trưởng 30 - 40% cho 2 phân khúc này trong năm nay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tìm kiếm cơ hội cho vay bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội,…

Đáng chú ý, bà Lưu Thị Thảo cho biết, Ngân hàng VPBank đã có hơn 500 khách hàng FDI tính đến cuối năm 2024 với quy mô huy động khoảng 9.000 tỷ đồng và quy mô cho vay gần 4.000 tỷ đồng. Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu nâng số lượng khách hàng này lên gấp đôi, đạt 1.000 đơn vị.

Bên cạnh đó, Ngân hàng VPBank đặt mục tiêu tiếp tục đa dạng hoá và tăng trưởng huy động trên 30%. Ngân hàng kỳ vọng NIM sẽ được duy trì trong năm 2025.

Giảm tỷ lệ nợ xấu, tiếp tục chia cổ tức

Ngân hàng VPBank
Bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp tục là 2 phân khúc chiến lược của Ngân hàng VPBank.

Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về vấn đề chất lượng tài sản, Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng VPBank cho biết, khi Ngân hàng Nhà nước ngừng giãn hoãn nợ vào cuối năm 2024, quy mô nợ cơ cấu của Ngân hàng VPBank còn khoảng 10.000 tỷ đồng.

Hầu hết khoản vay sau thời kỳ tái cấu trúc trở về bình thường, chỉ còn 3 - 4% cần tái cấu trúc tiếp. Trong năm 2025, ngân hàng sẽ cải thiện chất lượng dư nợ cho vay mới, tồn đọng cũ cũng được đưa vào xử lý nợ, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%.

Các công ty con trong hệ sinh thái VPBank như chứng khoán VPBankS, bảo hiểm OPES, tài chính tiêu dùng FE Credit cũng đã hoàn thiện kế hoạch tái cấu trúc, theo lãnh đạo Ngân hàng VPBank.

Trong đó, riêng FE Credit đã triển khai tái cấu trúc được hơn 1,5 năm qua với nhiều kết quả tích cực trong năm 2024, gồm: dư nợ tín dụng tăng trưởng 10% đạt hơn 62.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân mới tăng 40% so với năm 2023… Công ty cũng đã số hoá xong quy trình bán hàng, nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa bộ máy quản trị điều hành, hướng đến tiết giảm chi phí hoạt động.

Về triển vọng thời gian tới, bà Lưu Thị Thảo cho rằng dư địa tăng trưởng quy mô tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn khá nhiều, mới trên 10%, so với mức 40% của Hàn Quốc, 20% của Hồng Kông (Trung Quốc)… Với các nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế, năm 2025 dự kiến sẽ có nhiều tín hiệu tích cực, mở ra giai đoạn tăng trưởng mới của tài chính tiêu dùng.

FE Credit
Trong năm 2024, doanh số giải ngân mới của FE Credit tăng 40% so với năm 2023.

Xem thêm: "Quỹ đầu tư Trung Quốc gom mua hơn 91 triệu cổ phiếu Ngân hàng VPBank (VPB)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đối với vấn đề tiếp nhận ngân hàng yếu kém GPBank, Phó Tổng Giám đốc thường trực Ngân hàng VPBank cho biết, trong nhóm ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu thì nợ xấu của GPBank là tương đối nhỏ. Theo đề án Luật Các tổ chức tín dụng mới, khi nhận chuyển giao bắt buộc, không hợp nhất báo cáo tài chính và không tính đến tỷ lệ an toàn. Do vậy, không ảnh hưởng đến tình hình tài chính hợp nhất của Ngân hàng VPBank.

Cuối cùng với vấn đề cổ tức, mặc dù không đưa ra con số chi tiết, bà Lưu Thị Thảo cho biết với tình hình tài chính hiện nay và thực hiện cam kết với cổ đông, Ngân hàng VPBank sẽ trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra vào tháng 4/2025.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, HĐQT Ngân hàng VPBank đã đề xuất việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liền. Dự kiến dành ra 30% lợi nhuận để lại hàng năm để chia cổ tức cho các cổ đông. Trong năm 2024, ngân hàng này đã chi gần 8.000 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 10%.

Lan Anh