Huấn luyện viên của Man United, Erik ten Hag sẽ hy vọng rằng sau chiến thắng của đội bóng trước Burnley vào ngày 23/7 vừa qua, ông sẽ bắt đầu cuộc đua giành kết quả ở Premier League mùa này. Tuy nhiên, ngoài sân cỏ, nhà cầm quân người Hà Lan vẫn đang chiến đấu chống lại điều mà ông tin rằng nó khiến tính chuyên nghiệp của đội bóng đang sa sút.
Phát biểu sau quyết định loại Jadon Sancho khỏi đội một sau sự rạn nứt công khai của họ, đơn thuần là cuộc đối đầu mới nhất của ten Hag với một cầu thủ. Ten Hag cho biết ông đã thừa hưởng một đội hình “không có văn hóa” khi đến sân Old Trafford vào mùa hè năm 2022. Cách hành xử của ten Hag với Sancho là nối các biện pháp kỷ luật được áp dụng cho cả Cristiano Ronaldo, Marcus Rashford và Alejandro Garnacho, để cho tiền đạo người Anh thấy ai là ông chủ và nếu không đưa ra lời xin lỗi thì sẽ không được phép quay lại.
"Đừng gây sự với người quản lý". Giải thích về quyết định trục xuất Sancho, Ten Hag nói rằng điều đó không phải vì lợi ích của người quản lý mà là "vì đội bóng" – ngụ ý rằng mặc dù sự vắng mặt của Sancho có thể khiến ông thiếu các lựa chọn, nhưng điều đó mang lại lợi ích lâu dài cho đội bóng. Theo quan điểm của Ten Hag, nếu không có thái độ đúng đắn trong phòng thay đồ thì đội bóng không thể thành công, do đó, hành trình giành các danh hiệu của nhà cầm quân người Hà Lan bắt đầu từ đó.
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát phòng thay đồ là cuộc chiến mà mọi HLV bóng đá đều quen thuộc, đặc biệt là những HLV tiền nhiệm của Ten Hag tại Man United. Vào tháng 9 năm 2015, Michael Carrick và Wayne Rooney đã tự mình ngồi lại với huấn luyện viên của họ, Louis van Gaal, sau khởi đầu mùa giải không mấy suôn sẻ bởi vì, như Carrick đã nói vào thời điểm đó, “mọi người đều muốn trở nên tốt hơn”.
Mourinho là HLV nổi tiếng trong làng bóng vì những mâu thuẫn với học trò. Vào cuối giai đoạn Jose Mourinho dẫn dắt Man United, HLV người Bồ Đào Nha liên tục đụng độ với tiền vệ Paul Pogba. Tháng 9 năm 2018, Mourinho tước băng đội phó của Pogba sau khi cầu thủ người Pháp công khai đặt câu hỏi tại sao Man United không thể chơi thứ bóng đá tấn công. Cặp đôi thầy trò này cũng dính líu đến một vụ ẩu đả trên sân tập, diễn ra trước sự chứng kiến của giới truyền thông, khi Mourinho tin rằng tiền vệ này đã chế nhạo trận thua ở League Cup của Man United trước Derby County trong một bài đăng trên mạng xã hội. Sau ba tháng căng thẳng, vào ngày Mourinho bị sa thải, một phần vì ông không còn nhận được sự ủng hộ của đa số cầu thủ, Pogba đã đăng một tin nhắn khó hiểu trên mạng xã hội, bao gồm cả bức ảnh nhếch mép cười của mình, trước khi nhanh chóng bị xóa.
Việc Mourinho bị Man United sa thải vào tháng 12 năm 2018 là lần thứ hai trong ba năm ông bị một CLB sa thải giữa những câu chuyện về việc các cầu thủ sử dụng quyền lực tập thể để chống lại ông. Huấn luyện viên người Bồ Đào Nha đã bị Chelsea sa thải vào năm 2015 khi giám đốc kỹ thuật của Chelsea, Michael Emenalo giải thích quyết định này được đưa ra vì "sự bất hòa" giữa huấn luyện viên và các cầu thủ. Sau khi Mourinho ra đi, đội trưởng John Terry buộc phải bảo vệ các đồng đội của mình trước những thông tin đội bóng đã âm mưu để khiến huấn luyện viên bị sa thải.
“Chúng tôi biết đã có tin đồn về quyền lực của các cầu thủ ở CLB, nhưng tôi muốn nói rõ rằng không phải vậy,” Terry viết trong chuyên mục trong chương trình Ngày thi đấu. “Chúng tôi để mọi quyết định cho ông Abramovich và hội đồng quản trị, đồng thời biết rằng công việc của chúng tôi, với tư cách là cầu thủ, là tập trung vào việc đạt được kết quả trên sân.”
“Quyền lực của cầu thủ” – một cụm từ phổ biến dùng để mô tả phòng thay đồ, nơi tập thể đội bóng dường như có nhiều quyền lực hơn HLV, là lời cáo buộc thường xuyên được đưa ra ở Chelsea, đặc biệt là trong thời kỳ Roman Abramovich là ông chủ, đội bóng trải qua 13 huấn luyện viên trong 19 năm. Cựu tiền vệ Chelsea, John Obi Mikel từng cho rằng các cầu thủ có quyền nói lên ý kiến của mình nếu mọi việc không suôn sẻ với HLV. Phát biểu vào năm 2019 sau khi rời Man United, Mourinho nhấn mạnh rằng thái độ như vậy trong đội là một vấn đề lớn.
Ông nói: “Trong bóng đá hiện đại, có vấn đề giữa HLV và cầu thủ. “Chúng ta không còn ở thời kỳ mà một mình HLV đủ quyền lực để đối phó và có mối quan hệ mang tính giáo dục, và đôi khi là đối đầu với những cầu thủ không phải là chuyên gia giỏi nhất.”
Trở lại với câu chuyện bên trong phòng thay đồ của Man United. Về cơ bản, đây là nơi Ten Hag tìm thấy chính mình. Nhà cầm quân 53 tuổi nói rằng ông được đưa về Man United từ Ajax vì "Đội bóng yêu cầu tôi đặt ra một số tiêu chuẩn và đó là những gì tôi đã làm. Công việc của tôi là kiểm soát các tiêu chuẩn đó." Cho đến nay, ten Hag được sự ủng hộ của Giám đốc điều hành Man United, Richard Arnold và giám đốc bóng đá, John Murtough.
Ten Hag là trung tâm của quyết định chấm dứt hợp đồng với Ronaldo vì tin rằng, quyền lực của HLV bị tiền đạo người Bồ Đào Nha làm lung lay. Giờ đây, theo các nguồn tin, CLB đã sẵn sàng bán Sancho. Bản hợp đồng trị giá 73 triệu bảng vào năm 2021 này còn 2 năm rưỡi và Sancho ngồi không hưởng mức lương 350.000 bảng một tuần. Nếu không còn đường quay lại, quyết định được đưa ra là Sancho phải rời đi.
Đó là kỷ luật của đội bóng, đã được áp dụng bởi cựu huấn luyện viên tiền nhiệm, Sir Alex Ferguson, người đã tạo điều kiện cho David Beckham chuyển đến Real Madrid vào năm 2003 bởi vì, như ông viết trong cuốn tự truyện của mình: "David nghĩ rằng anh ấy lớn hơn Alex Ferguson."
Ferguson viết: “Ngay khi một cầu thủ Man United nghĩ rằng anh ấy lớn hơn HLV, anh ấy phải ra đi. Bạn không thể để một cầu thủ tiếp quản phòng thay đồ. Đó là hồi chuông báo tử cho anh ta."
Năm 2010, Ferguson đã tiến thêm một bước nữa trong việc thể hiện quyền lực đối với học trò. Ông đồng ý một hợp đồng với Man United với điều kiện ông sẽ luôn được trả lương cao hơn bất kỳ cầu thủ nào, củng cố vị trí hàng đầu của ông trong các bảng xếp hạng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Ferguson đã giành được 11 chức vô địch Premier League và hai lần vô địch Champions League. Ngược lại, Ten Hag đã có một khởi đầu tương đối thành công trong nhiệm kỳ của mình với một lần vô địch Carabao Cup, nhưng vẫn chưa đạt được, cũng như chưa giành được, mức độ quyền lực và tầm ảnh hưởng tương tự.
Theo một nguồn tin, Ten Hag vẫn lo ngại về thái độ của một số cầu thủ của mình và ít nhất, hình phạt dành cho Sancho được đưa ra như một lời cảnh báo rằng sẽ không có chỗ cho những người “nổi loạn”.
Và trong khi Sancho vẫn chưa đưa ra lời xin lỗi, cuộc chiến của Ten Hag với phòng thay đồ không có dấu hiệu dừng lại.