Tết hoà bình đầu tiên trong mắt các nghệ sỹ

Tết Quý Sửu cách đây 47 năm là một cái Tết hòa bình đầu tiên sau leo thang ném bom để lại nhiều cảm xúc khó quên trong ký ức của những người dân miền Bắc.
Cố vấn Lê Đức Thọ và TS. Kissinger sau khi ký Hiệp định Paris tháng 1 năm 1973
Cố vấn Lê Đức Thọ và TS. Kissinger sau khi ký Hiệp định Paris tháng 1 năm 1973

Đêm 30, phục vụ đến 1-2 giờ sáng

Sáng ngày 27-1-1973, tức ngày 24 tháng chạp năm Nhâm Tý, Hiệp định Pa-ri đã được ký kết. Lúc này thì chẳng cần ai ra lệnh, dân Hà Nội từ nơi sơ tán ở Hà Tây, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Bắc... ùn ùn kéo về.

Lần đầu tiên trong 80 năm kể từ khi có tàu điện ở Hà Nội, tàu chạy cả đêm để đưa đón dân từ  bến ô-tô Kim Liên, bến Nứa, ga Hàng Cỏ, và cũng lần đầu, xe điện dừng giữa đường để trả và đón khách có nhiều hành lý hay con nhỏ. Đó là một đêm đáng nhớ.

Dù  túi hàng Tết chỉ có lạng miến, gói mì chính, hộp mứt, chai rượu mùi, bao thuốc lá Tam Đảo... nhưng không có coi như thiếu Tết, nên các gia đình đổ xô đến các bách hóa.

Ở cửa hàng cuối phố Huế, người xếp hàng dài đến tận đầu phố Bạch Mai, ở Bách hóa Kim Liên, dân xếp hàng qua cả đường tàu hỏa. Còn Bách hóa  Tổng hợp Tràng Tiền thì cửa đằng phố Hàng Bài, phố Hai Bà Trưng và cửa ở phố Tràng Tiền đông nghịt khách.

Sáng 25, chợ hoa Hàng Lược đông người chưa từng thấy. Các bà các cô ở  Ngọc Hà, Hữu Tiệp kĩu kịt gánh hoa chân chim, thược dược, cúc... hết chuyến này đến chuyến khác mà vẫn không đủ bán. Năm đó lại mất mùa đào vì trời nóng nên  hoa càng đắt hàng.

Tại một điểm bán hàng Tết năm 1973 tại Hà Nội
Một điểm bán hàng Tết năm 1973 tại Hà Nội

 

Chưa Tết nào các cửa hàng bách hóa bán hàng qua giao thừa mà Tết Quý Sửu các mậu dịch viên phải phục vụ đến một, hai giờ sáng. Bách hóa số 5 Nam Bộ hơn một giờ sáng nhân viên mới được về nhà. Bách hóa Tổng hợp thì hơn hai giờ mới đóng cửa.

Dưới đây là ghi nhận của một số nghệ sỹ trong cái Tết đáng nhớ ấy

Nhà thơ Anh Ngọc

Nhà thơ Anh Ngọc, Nguyên phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhớ lại: “Từ miền Tây Quảng Bình ra Hà Nội trong ba ngày đêm giá rét ấy là hình ảnh đoàn ô tô phủ bạt đi từ ngoài Bắc vào và nhân dân đổ ra đường mặc áo tơi, đội nón và cả một rừng cờ đỏ.

Nhà thơ Anh Ngọc
Nhà thơ Anh Ngọc

Ô tô nối đuôi nhau hàng chục km, người xe như nước chảy, đi suốt màu cờ đỏ, cờ đỏ bay trong mưa. Và có một chi tiết hôm đó Đài phát thanh phát bài hát vô cùng hùng tráng “Việt Nam trên đường chúng ta đi…”.

Cùng trở về Hà Nội như nhà thơ Anh Ngọc năm ấy là nửa triệu người dân đi sơ tán hối hả trở về nhà cho kịp đón năm mới Quý Sửu.

Nhạc sĩ Phú Quang

Theo nhạc sỹ, ca khúc “Em ơi Hà Nội phố” phỏng thơ Phan Vũ được ông sáng tác về sau này chính là sự tái hiện lại cảnh con phố Khâm Thiên bị san phẳng bởi bom B52, nên “người nhạc sĩ lang thang hoài trên phố, bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường”.

Nhạc sĩ Phú Quang
Nhạc sĩ Phú Quang

Gia đình người nhạc sĩ năm đó phải đón Tết ở một căn nhà tạm bởi 3 mảnh đất của 3 căn nhà 47, 48 và 51 phố Khâm Thiên.

“Ta còn em, cây bàng mồ côi mùa đông…”. Cả ngày tôi trở về sau 12 ngày đêm ấy nó đã bị hoặc đánh sập, hoặc tung hết nóc lên thì cái khái niệm... ta còn em có nghĩa là đã mất rồi - Nhạc sĩ Phú Quang tâm sự.

Họa sỹ Trường Sinh

Những năm kháng chiến chống Mỹ, họa sỹ công tác ở Phòng Sáng tác thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội.

Với họa sỹ, cái Tết năm 1973 là một cái Tết đáng ghi nhớ và đầy ý nghĩa. Lúc ấy mới thực sự là ăn Tết.

Họa sĩ Trường Sinh
Họa sĩ Trường Sinh

Mặc dù không ở nhà nhiều nhưng ông thấy rất vui, phấn khởi vì Hà Nội đã không còn tiếng bom đạn. Từ đây, trên chính mảnh đất Thủ đô yêu dấu này sẽ không còn lo lắng, sợ hãi.

Đó là lần đầu tiên đón Tết ông vận bộ complete. Nói thế để thấy rằng chiến tranh vô cùng khốc liệt, suốt mười mấy năm liền có nhiều khi mặc cả áo rách đến cơ quan.

Tết năm ấy anh em nghệ sỹ tập hợp nhau lại đón giao thừa tại Bờ Hồ, rồi về Nhà Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng mở rượu, chúc Tết nhau.

Sau đó ông về nhà xông đất. Hai bên đường, mọi người đốt pháo rất nhiều. Tiếng pháo nổ rầm rầm, thật là phấn chấn.

NSND Thanh Hoa

Cuối năm 1972, ca sỹ Thanh Hoa công tác ở Đài Phát thanh Giải phóng. Lúc này, cả cơ quan phải sơ tán về đóng tạm tại Khoa Chế tạo máy và Khoa Dệt kim của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

NSND Thanh Hoa
NSND Thanh Hoa

Tất cả thiết bị, máy móc làm việc, nơi ăn chốn ở, thậm chí cả nhà trẻ phục vụ con em cán bộ, nhân viên của đài cũng được chuyển cả về đây.

Cả cơ quan ở trọn trong hai dãy nhà, dãy A4 thì làm việc, dãy A5 làm nhà tập thể. Lúc đó gia đình các nhạc sỹ: Trần Thị Bích, Thanh Tùng, Trương Tuyết Mai cũng đều về sống và làm việc tại đây.

Trong 12 ngày đêm giặc Mỹ dùng B52 đánh phá Hà Nội, mỗi khi có báo động, tôi và các đồng nghiệp vẫn hăng say tập luyện dưới hầm trú ẩn của Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ).

Hết đợt ném bom các nghệ sỹ lại lên phòng thu, thực hiện thu ngày, thu đêm để lên chương trình phát sóng.

Sau Hiệp định Paris được ký kết, các nghệ sĩ không còn phải tập luyện dưới hầm, thiếu thốn thiết bị, mà được trở về cơ quan, đàng hoàng tập hát, thu âm, tất bật bắt tay vào thu thanh các chương trình phục vụ Tết Nguyên đán.

Lúc ấy, cán bộ, nhân viên cũng như con em trong cơ quan vẫn được ăn theo chế độ đi B. Những bữa cơm ngày Tết thật đầm ấm và tươm tất hơn nên rất vui.

Kiến An