Thông tin đầy đủ
Cuộc Tổng điều tra đã tiến hành điều tra 96,2 triệu người, 26,9 triệu hộ trên phạm vi toàn quốc, trải trên 11.160 xã/phường/thị trấn, 713 huyện/quận/thị xã, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Công nghệ thông tin đã được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu của quá trình Tổng điều tra, góp phần nâng cao chất lượng số liệu, rút ngắn thời gian xử lý, công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tham gia tích cực của cơ quan thường trực là Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), ngành Thống kê từ Trung ương đến địa phương, các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, các bộ, ban, ngành, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương;
Sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; sự tham gia tích cực của các giám sát viên, tổ trưởng điều tra và điều tra viên thống kê; sự ủng hộ, hợp tác của toàn thể nhân dân đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) giữ gìn và bảo quản an toàn, quản lý chặt, có giải pháp dự phòng cho Cơ sở dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
Trên cơ sở dữ liệu này, tổ chức biên soạn, cung cấp số liệu đến các cơ quan Đảng, Nhà nước để phục vụ việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách ngành và lĩnh vực.
Đồng thời, tổng hợp dữ liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 để cung cấp số liệu chính thức, cập nhật và chính xác cho các tiểu ban chuẩn bị tài liệu Đại hội Đảng bộ các cấp, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào áp dụng phương thức cập nhật số liệu dân số hàng năm từ Cơ sở dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và các nguồn dữ liệu của các Bộ, ngành liên quan, đảm bảo cung cấp dữ liệu về dân số hàng năm để năm 2029 không phải tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở quy mô lớn như năm 2019.
Có thể tổ chức Tổng điều tra 10 năm tới nhưng với quy mô và phương thức phù hợp, đảm bảo có thông tin đầy đủ về tình hình dân số và nhà ở của đất nước.
Khai thác sử dụng số liệu
Tiếp tục khai thác số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, biên soạn và xuất bản các báo cáo chuyên đề, chuyên sâu, phân tích và đánh giá chi tiết làm cho số liệu thống kê “biết nói” và có giá trị gia tăng không những cho cán bộ lãnh đạo các cấp mà còn cho chính người dân.
Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi chiếm 68,0%. Chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009 và tăng hơn hai lần so với năm 1999.
Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới. Yếu tố dân số có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước.
Tổng cục Thống kê cần phân tích kỹ các nét đặc trưng, các điểm lợi thế để tận dụng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, phát triển bứt phá, vượt qua bẫy “thu nhập trung bình” lên mức “thu nhập trung bình cao” và “thu nhập cao”, khắc phục tình trạng “chưa giàu đã già”.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương thông tin truyền thông rộng rãi kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đến đông đảo người dùng tin trong xã hội.
Nhất là công chúng và người dân, sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách, ban hành những quyết định đúng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.