Vào ngày 24 tháng 12 năm 2020, Anh và EU thông báo đã đạt được một thỏa thuận cho phép hàng hóa có xuất xứ tiếp tục lưu thông theo các điều kiện miễn thuế và hạn ngạch sau khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm 2020. Dù các doanh nghiệp rất hào hứng với tin tức này, nhưng vẫn còn đó rất nhiều thách thức về tuân thủ thương mại hậu Brexit.
Những bất ổn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu
Các doanh nghiệp ở khắp nơi đang phải “vật lộn” với những tác động của thỏa thuận thương mại Anh - EU, đặc biệt là các công ty ở Anh và EU có chuỗi cung ứng và tuyến đường thương mại kết nối mật thiết với nhau. Các công ty đa quốc gia có cơ sở sản xuất tại Anh lo ngại rằng các nguyên vật liệu có xuất xứ từ EU có thể đột ngột bị trì hoãn cung cấp, đắt hơn hoặc không có sẵn.
Ngoài ra, những tác động khác có thể phát sinh như thời gian kiểm tra hải quan dài hơn và các cảng bị quá tải, cũng như tình trạng thiếu lương thực, thuốc men, nhiên liệu và các hàng hóa khác.
Những bất ổn đó là nỗi ám ảnh cho các chuỗi cung ứng được kết nối toàn cầu ngày nay. Mỗi công ty bị ảnh hưởng phải tự quyết định cách tốt nhất để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” hậu Brexit.
Thủ tục hải quan mới đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
Khi Anh thuộc EU, thương mại giữa hai thực thể tuân theo quy định của “liên minh thuế quan” và “thị trường đơn nhất” của EU. Quy định này cho phép hàng hóa và dịch vụ di chuyển giữa Anh và EU mà không cần thông qua thủ tục kiểm tra hải quan hoặc biên giới khác. Tuy nhiên, kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2021, Anh phải tuân thủ các quy định của “liên minh thuế quan” cho hoạt động biên giới giữa hai thực thế giống như bất kỳ quốc gia nào bên ngoài EU.
Trên thực tế, EU đã cảnh báo tất cả các công ty kinh doanh với Anh rằng họ sẽ phải chịu sự giám sát hành chính khắt khe hơn và chậm trễ do thay đổi thủ tục tại các cảng nhập cảnh của EU. EU cũng dự đoán rằng chuỗi cung ứng chạy qua các cảng của EU và Anh có thể bị gián đoạn nghiêm trọng.
Đòi hỏi chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Trước Brexit và trong quá trình chuyển đổi, hàng hóa đi lại giữa Anh và EU không phải chịu bất kỳ thuế quan hoặc hạn ngạch nào. Do đó, không cần xác định “xuất xứ hàng hóa” đang được giao dịch vì Anh được hưởng quy chế “đối xử ưu đãi” theo các quy định của Liên minh Thuế quan EU.
Theo thỏa thuận mới giữa Anh-EU, hàng hóa có xuất xứ sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường tự do hóa miễn là chúng đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ mới. Hàng hóa không có xuất xứ từ Anh hoặc EU vẫn phải chịu thuế quan.
Các công ty hiện phải tính toán xuất xứ hàng hóa của họ nếu họ giao dịch giữa EU và Anh. Các công ty bị ảnh hưởng bởi các thủ tục mới này có thể phải chịu một gánh nặng hành chính đáng kể, tùy thuộc vào mức độ phức tạp và quy mô chuỗi cung ứng của họ. Những rào cản thương mại xuất phát từ các yêu cầu về nội dung xuất xứ hàng hóa mới có thể khiến các công ty xem xét thay đổi nhà cung cấp hoặc thậm chí di dời các cơ sở sản xuất đi nơi khác.
Cần phải thích ứng với những quy định mới
Hầu hết mọi người đều đổ dồn sự chú ý đến ảnh hưởng của các loại thuế và biểu thuế mới đến chi phí và tính sẵn có của hàng hóa và dịch vụ sau Brexit. Tuy nhiên, phần tốn kém nhất của hoạt động kinh doanh xuyên biên giới lại nằm ở thời gian để vượt qua các thủ tục kiểm tra ở biên giới, tuân thủ các quy tắc hải quan vtiêu chuẩn và quy định sản phẩm riêng của từng quốc gia.
Một trong những giải pháp là các công ty nên đầu tư vào nhân sự và công nghệ quản lý thương mại toàn cầu để duy trì việc tuân thủ những quy định mới. Ban lãnh đạo công ty cũng cần liên tục đánh giá lại các chuỗi cung ứng để hiểu được mức độ ảnh hưởng của những thay đổi trong tuân thủ thương mại do Brexit gây ra đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.