Thái Bình đón thêm 10.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư

Trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn khoảng 10.000 tỷ đồng, Lãnh đạo tỉnh Thái Bình cam kết hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện thuận lợi nhất các dự án trên địa bàn.

Ngày 5/3/2024, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Lãnh đạo tỉnh Thái Bình và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Thái Bình
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình. (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Đưa Thái Bình thành một trong những trung tâm công nghiệp, năng lượng vùng đồng bằng sông Hồng

Quy hoạch tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu đến năm 2030, Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao.

Quy hoạch tỉnh đã xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá, 4 không gian kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực và 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Quy hoạch tỉnh có nhiều điểm mới, đột phá như: Mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”, tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển; mở rộng không gian lấn biển tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ, cảnh quan sinh thái ven biển hấp dẫn.

Xây dựng hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại với thành phố Thái Bình là đô thị hạt nhân của tỉnh và là một trong những đô thị lớn của vùng, “trở thành đô thị xanh, hiện đại, có bản sắc riêng”, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, thương mại; thành phố cảnh quan hai bên bờ Trà Lý; phát triển mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi; phát triển công nghiệp dược - sinh học, sân bay chuyên dụng, đường sắt...

Về các lĩnh vực kinh tế, tỉnh Thái Bình sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá như: Năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản…

Đồng thời, tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, Thái Bình có 4 tiềm năng, lợi thế lớn để địa phương có thể có sự bứt phá trong thời gian tới: Vị trí địa lý và tiếp cận đất đai thuận lợi; từng là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới bài bản và nghiêm túc; nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng thời có nhiều doanh nhân người Thái Bình đã thành đạt và luôn hướng về quê hương; có sự đoàn kết, thống nhất, trước hết là trong tập thể lãnh đạo.

phó thủ tướng
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, Thái Bình có 4 tiềm năng, lợi thế lớn để địa phương có thể có sự bứt phá trong thời gian tới. (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Đối với việc triển khai quy hoạch của tỉnh, Phó Thủ tướng chia sẻ với địa phương 8 chữ: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu.

Theo Phó Thủ tướng, giá trị lớn lao nhất của quy hoạch là định hướng, mục tiêu phát triển và những giải pháp để hiện thực hóa những mục tiêu đó, vì thế về nguyên tắc trước hết phải "tuân thủ" quy hoạch.

Tỉnh cũng phải "linh hoạt" trong tổ chức thực hiện, trong các trường hợp cá biệt cụ thể. Bên cạnh đó, phải tổ chức thực hiện "đồng bộ" với các quy hoạch khác như Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành... Chính quyền phải "thấu hiểu" quy hoạch này thế nào để tổ chức thực hiện cho đồng bộ, linh hoạt; còn đối với người dân, doanh nghiệp cũng phải có sự thấu hiểu để đồng hành, chia sẻ thì việc triển khai Quy hoạch tỉnh hiệu quả.

Hỗ trợ tối đa để nhà đầu tư có thể triển khai các dự án thuận lợi nhất

Về phía Lãnh đạo địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, các định hướng lớn của Quy hoạch tỉnh để triển khai thực hiện cụ thể các giải pháp đã đề ra; xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng định hướng Quy hoạch tỉnh, từ đó phân bổ nguồn lực thực hiện phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt; quan tâm giải quyết tốt các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện dự án trên địa bàn.

bí thư Thái Bình
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm giải quyết tốt các thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư tổ chức triển khai thực hiện dự án trên địa bàn. (Ảnh: thaibinh.gov.vn)

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cũng kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu Quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó quan tâm đầu tư vào Thái Bình trong thời gian tới. Đồng thời, cam kết tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư có thể triển khai thực hiện thuận lợi nhất các dự án trên địa bàn.

Tại buổi lễ, Lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 9 nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

đầu tư Thái Bình
Lãnh đạo tỉnh Thái Bình trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư. (Ảnh: VGP/Hải Minh)

Trong khuôn khổ hoạt động công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình, sáng ngày 5/3, tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã tham dự phát lệnh khởi công Nhà máy sản xuất kính áp tròng của Công ty TNHH Pegavision Coporation Việt Nam.

khởi công Thái Bình
Các đại biểu bấm nút phát lệnh khởi công dự án nhà máy Pegavision Việt Nam tại khu công nghiệp Liên Hà Thái. (Ảnh: VGP/Hải Minh)

 

Dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam có quy mô 10ha với tổng vốn đầu tư 4.680 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2028. Pegavision Việt Nam chủ yếu tập trung thiết kế, nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh kính áp tròng cung cấp cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.

Khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ tạo việc làm cho hơn 1.140 lao động với doanh thu dự kiến khoảng 2.808 tỷ đồng/năm; hàng năm nộp ngân sách nhà nước trên 80 tỷ đồng.

Thanh Hà