Vừa qua, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 30 năm chuyến tàu than Anthraxit Hòn Gai đầu tiên cung cấp cho các hộ sắt thép Nhật Bản.
Tham dự lễ, về phía các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Ngọc Điệp - Vụ Trưởng Vụ Công nghiệp - Văn phòng Chính phủ; Về phía Nhật Bản có ông Takehiro Tsuchiya - Tham tán Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng các đối tác thương mại và khách hàng sử dụng than đến từ Nhật Bản.
Cách đây 30 năm trước, vào những ngày đầu tháng 11/1989, chuyến tàu mang tên Phoenix - Phượng Hoàng xuất cảng, mang theo 10.000 tấn than cám Hòn Gai số 8, đến với nhà máy quặng thiêu kết của Công ty Thép Nhật Bản Kawasaki Steel Corp tại Philippines - một trong những công ty thành viên của Tập đoàn JFE Nhật Bản. Số lượng của chuyến hàng đầu tiên tuy không nhiều nhưng nó mang theo niềm hy vọng của cán bộ công nhân viên ngành Than Việt Nam lúc bấy giờ. Bởi thời điểm đó, tình hình sản xuất và tiêu thụ than trong nước gặp rất nhiều khó khăn.
Đến nay, sau 30 năm, các doanh nghiệp của Nhật Bản đã trở thành đối tác tin cậy và là khách hàng truyền thống của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong lĩnh vực thương mại than. Than Anthracite của Việt Nam - với chất lượng tốt, chủng loại phong phú. Không dừng ở việc cung cấp cho các hộ sắt thép Nhật Bản, mà than của Việt Nam còn được nhiều ngành công nghiệp tại Nhật Bản như xi măng, điện lực và các ngành công nghiệp khác tin tưởng lựa chọn.
Có thể nói, sự thành công của chuyến hàng đầu tiên năm 1989 và những thành quả tích cực giữa Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các nhà sử dụng, các công ty thương mại Nhật Bản trong những năm vừa qua là một minh chứng cho thấy quyết định đúng đắn của Vinacomin và ngành Than - Khoáng sản Việt Nam trong việc mở hướng vươn ra thị trường quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Minh Chuẩn - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Vinacomin nhấn mạnh, kỷ niệm 30 năm chuyến tàu than Anthraxit Hòn Gai đầu tiên cung cấp cho các hộ sắt thép Nhật Bản, một lần nữa khẳng định tinh thần hợp tác chặt chẽ cùng hướng đến những thành công lớn hơn trong tương lai giữa Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đối tác Nhật Bản.
Chặng đường 30 năm hợp tác và phát triển giữa Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các hộ sắt thép Nhật Bản đã đánh dấu một mốc phát triển đáng ghi nhớ cho sự hợp tác không chỉ riêng giữa các đối tác mà còn thể hiện sự hợp tác và tình hữu nghị thân thiết giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản.
Còn ông Hiroshi Daimon - Phó TGĐ Tập đoàn Thép JFE, đại diện hộ thép đầu tiên sử dụng than Anthraxit Hòn Gai thì cho rằng, từ rất sớm, thông qua việc tìm hiểu thị trường Việt Nam và chất lượng than Việt Nam, JFE đã quyết định tiếp nhận than Việt Nam phục vụ cho nhu cầu sản xuất thép của Tập đoàn.
Ông Hiroshi Daimon đã cảm ơn và mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương và Vinacomin tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Thép JFE cũng như các công ty thương mại của Nhật Bản nhập khẩu được nhiều than chất lượng cao của Việt Nam trong sản xuất thép của Tập đoàn trong tương lai. Ông Hiroshi Daimon cho rằng, Việt Nam có một số loại than chất lượng cao dùng cho công nghiệp luyện thép như than cám 1, cám 2, cám 3.
Tuy nhiên, các loại than này thị trường trong nước của Việt Nam ít đơn vị sử dụng. Có thể nói gần như loại than này Việt Nam không dùng, nên nếu xuất khẩu sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản rất cần loại than này, nhất là việc cung cấp cho các hộ sản xuất thép ở Nhật Bản.
“Do vậy, tôi mong muốn Chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam nên có cơ chế để xuất khẩu loại than cám 1, cám 2, cám 3 có giá trị này sang thị trường Nhật Bản. Chúng tôi rất mong muốn được hợp tác nhập nhẩu loại than chất lượng cao này từ Việt Nam. Việt Nam có thể vẫn nhập khẩu các loại than cám 5, cám 6 cho các nhà máy nhiệt điện.
Việc vừa nhập khẩu than trong nước có nhu cầu, vừa xuất khẩu các loại than chất lượng cao trong nước không dùng để mang lại hiệu quả kinh tế là điều bình thường trong nền kinh tế thị trường. Ở Nhật Bản việc này vẫn diễn ra với nhiều loại hàng hóa…” - ông Hiroshi Daimon chia sẻ.