Tháng 2: Gía cả thị trường hàng hóa ít biến động

Nhìn chung tốc độ tăng giá một số nhóm hàng thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm 2009 thấp hơn cùng kỳ năm 2008. Đặc biệt, sau thời gian nghỉ Tết, các doanh nghiệp bắt đầu đi vào sản

Lúa gạo: Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sau một thời gian đình trệ do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, tình hình xuất khẩu gạo nửa đầu tháng 2-2009 đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại. Giá gạo 25% tấn trên thị trường trong nước tăng gần 13%, lên 350 USD/tấn nhờ các hợp đồng lớn được ký kết với Nigeria và Philippines. Ngoài ra, hiện có nhiều doanh nghiệp châu Phi cũng đang tìm mua gạo của Việt Nam.   

Theo dự báo, năm 2009 xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do lương thực thế giới sẽ khan hiếm, khủng hoảng tài chính đang đẩy thêm nhiều người vào cảnh thiếu đói và người dân ở các nước đang phát triển tăng lượng gạo tiêu thụ để thay thế cho các loại thực phẩm khác. Do đó, đây sẽ là cơ hội cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là gạo - sản phẩm nông nghiệp có sản lượng xuất khẩu lớn nhất. Nhu cầu gạo của các nước tăng cao trong khi nguồn cung không tăng sẽ khiến giá gạo ổn định ở mức cao.

Gần đây, Thái Lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, lần đầu tiên nhất trí thiết lập giá gạo xuất khẩu chung. Nếu thỏa thuận này được thông qua, thì nó sẽ mang lại lợi ích cho nông dân Việt Nam nhiều hơn. Nông dân Việt Nam sẽ có thu nhập cao hơn do trước đây giá gạo Việt Nam thấp hơn nhiều so với giá gạo Thái Lan (100-200 USD/tấn).Thỏa thuận này bao gồm 4 mức hợp tác: giữa chính phủ, các nhà xuất khẩu, nông dân và các chuyên gia. Thỏa thuận này nhằm ổn định giá gạo và tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thức ăn chăn nuôi: Từ giữa tháng 2 đến nay, giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đột ngột tăng mạnh, nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng, giảm thất thường, nhiều nhà nhập khẩu Việt Nam không dám gom hàng, vì sợ bị thua lỗ nên dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước. Nhiều đơn vị chăn nuôi trong nước cho rằng, không những giá tăng mà việc thu mua nguyên liệu, nhất là đậu nành, bắp, bột thịt, cá, những loại nguyên liệu chính trong chăn nuôi cũng rất khó khăn, nhiều nơi cung cấp trước đây, đến nay cũng liên tục báo hết hàng. Giá nguyên liệu đầu vào tăng ngay lập tức tác động giá bán thực phẩm lập tức kéo theo giá thực phẩm tại một số thị trường cũng tăng theo.

Cao su: Theo số liệu thống kê, những ngày đầu tháng 2/2009 cả nước đã xuất khẩu trên 9 ngàn tấn cao su các loại, đạt kim ngạch 13,4 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình đạt 1.466 USD/T, tăng 154 USD/T so với cùng kỳ tháng trước. Trước tình hình biến động thất thường của giá cao su tháng 2 vừa qua, ngay từ đầu năm, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đồng thuận với giải pháp được ba nước thành viên trong Hội đồng cao su quốc tế ba bên (gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia) thống nhất áp dụng và đề xuất của Hiệp hội Cao su Indonesia yêu cầu các Hội viên không bán cao su dưới 1.35 USD/kg (1.350 USD/tấn). Hiệp hội cũng khuyến khích đẩy nhanh chương trình tái canh trong năm 2009-2010 để cắt giảm sản lượng cao su nhằm giảm bớt áp lực cung cao hơn cầu làm đẩy giá xuống sâu, đồng thời tạo nguồn thu nhập bổ sung cho doanh thu từ mủ cao su bị giảm vì giá còn thấp. Nếu giá cao su xuống dưới 1.000 USD/tấn, Hiệp hội sẽ khuyến khích Hội viên mua cao su của tiểu điền để dự trữ nhằm giảm bớt khó khăn tài chính cho tiểu điền và hạn chế giá cao su tụt giảm thêm.

Phân bón: Mặc dù giá phân bón trên thị trường thế giới đã tăng trở lại, cụ thể urea tăng từ 265-270USD/tấn lên tới 330-340USD/tấn, cũng là thời điểm nhu cầu phân bón tăng mạnh, nhưng giá phân bón ở thị trường trong nước cho đến nay ít xảy ra biến động mạnh. Nguyên nhân là do lượng phân bón tồn khá lớn.

Đến nay, mặc dù đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào vụ Đông Xuân, nhưng do giá phân bón thế giới tiếp tục xu hướng giảm nên đã khiến giá phân bón trong nước có xu hướng giảm nhẹ.

Dự báo, giá phân urea trong thời gian tới sẽ tăng nhẹ, cùng với đà tăng của nhu cầu phân bón cho vụ đông xuân. Tuy nhiên, sẽ không có hiện tượng khan hiếm nguồn cung, gây sốt giá.

Xi măng: Theo Bộ Xây dựng, năm 2009, dự kiến cả nước sẽ có 18 dự án xi măng hoàn thành xây lắp và đưa vào sản xuất với tổng công suất 20,47 triệu tấn. Như vậy đến hết năm 2009, tổng công suất các nhà máy xi măng đạt gần 60 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ xi măng khoảng 44 - 45,5 triệu tấn, tăng 10 - 11% so với năm 2008, nên Bộ Xây dựng dự báo, năng lực sản xuất xi măng trong nước  đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ, không còn hiện tượng thiếu về nguồn.

Tuy nhiên, do việc phát triển các dự án xi măng mất cân đối nên thị trường phía Nam vẫn sẽ bị thiếu hụt. Bộ Xây dựng đã yêu cầu các DN chủ động kế hoạch, phương tiện vận chuyển clinker và xi măng vào phía Nam ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ, đưa công trình vào hoạt động đúng kế hoạch.

 Sự sôi động trở lại của xây dựng và bất động sản trong tháng 2 cũng khiến cho lượng tiêu thụ xi măng tăng nhẹ trở lại. Tuy nhiên, giá xi măng vẫn ở mức của những tháng cuối năm 2008, ít có biến động, giao động trong khoảng 65.000- 85.000 đ/tạ tuỳ loại.

Sắt thép: Bước sang năm 2009, nhất là các tháng đầu năm, thị trường thép xây dựng trong nước được đánh giá là có mức độ cạnh tranh cao do dư thừa công suất. Cụ thể, thị trường thép cán nguội cũng gặp nhiều khó khăn. Do nhu cầu thép cán nguội cả nước chỉ khoảng 800.000 tấn/năm. Hoạt động tiêu thụ của một số công ty, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn

Bộ Công Thương cũng dự báo năm 2009 nhu cầu thép các loại khoảng 11 - 12 triệu tấn, trong đó thép xây dựng khoảng 5,5 - 6 triệu tấn; còn lại là thép hình, thép chế tạo, thép dẹt. Để bình ổn thị trường, trong tháng 2, ngành thép đã phấn đấu đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất thép trong nước, đáp ứng nhu cầu thép xây dựng, ống thép hàn, thép lá mạ đảm bảo 100%, cuộn cán nguội 35 - 40%; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất phôi thép vuông trong nước, phấn đấu lớn hơn 60% nhu cầu.

Để đạt được kết quả này, Bộ Công Thương yêu cầu ngành Thép tập trung rà soát lại quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất phôi và cán đang triển khai, đảm bảo cân đối nguyên liệu cho sản xuất, phù hợp với yêu cầu thị trường, trong đó có khai thác quặng, thu mua và nhập khẩu thép phế, củng cố và phát triển, đổi mới hệ thống phân phối để đảm bảo kiểm soát nguồn hàng và giá cả, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Xăng dầu: Theo Bộ Công thương, dự kiến mức tiêu dùng xăng dầu trong năm 2009 khoảng 14 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với năm trước.

Từ ngày 10/2, các mặt hàng xăng nhập khẩu sẽ đồng loạt áp dụng thuế suất mới 25%, thay cho mức 35% hiện hành. Việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu lần này được tính toán trên cơ sở giá thế giới đang giữ ở mức ổn định. Trong tháng 2, giá dầu cập cảng đang dao động trên ngưỡng 42 USD một thùng.

Đây được coi là động thái hỗ trợ cho các nhà nhập khẩu trong bối cảnh hoạt động kinh doanh gặp khó khăn và giá dầu được dự báo nhích dần lên.

Trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng bình thường, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tạm thời chưa trích để hoàn trả khoản tạm ứng Ngân sách Nhà nước trong tháng 2 và tháng 3-2009 và xem xét việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu.

Ô Tô: Ngay từ đầu tháng 2 năm 2009, sau thông tin giảm 50% thuế VAT, một số hãng sản xuất và nhà phân phối ô tô nhập khẩu tại VN đã chủ động giảm giá bán xe cho người tiêu dùng. Không chỉ đưa ra mức giá giảm sau thuế mới, một số hãng xe còn nhân cơ hội này để giảm giá khuyến mại kích cầu. Cho đến nay, tổng cộng có 9 hãng xe là Honda, Toyota, Euro Auto (BMW), Automotive Asia (Audi), Ford, Vidamco (GM-Daewoo), Porsche, Suzuki và Trường Hải (Kia) công bố bảng giá mới với thuế VAT 5%.

Việc các hãng xe đồng loạt điều chỉnh giá theo thuế VAT 5% cùng quy luật đi xuống của thị trường trong 2 tháng sau Tết trên thực tế đang là điều kiện tốt giúp những người có nhu cầu mua được xe dễ dàng với giá ưu đãi.

Giấy viết: Ngay từ cuối năm 2008, giá giấy in viết sản xuất trong nước biến động giảm hết sức phức tạp. Các đơn vị kinh doanh tranh nhau giảm giá nhằm giải quyết hàng tồn kho nhằm mục tiêu thu hồi vốn nhanh và nhập khẩu nguyên liệu mới với giá thấp.

Do áp lực về tồn kho cao, giá giấy nhập khẩu đang ở mức thấp, nên giá giấy in viết sản xuất trong nước đã đồng loạt giảm giá. Trong thời điểm hiện tại, giá giấy tiếp tục giảm nhưng đã dần ổn định (giảm có kiểm soát).