Đối phó với tình hình
Như một con thoi đi đi về về giữa các trung tâm ngành nhựa quốc tế: Singapore - Bắc Mỹ - châu Âu, Chủ tịch Trần Công Hoàng Quốc Trang (HH.Nhựa) đã khuyên các doanh nghiệp hội viên đừng buông sản xuất, cố gắng kìm giữ giá sản phẩm nhựa cho đến tháng 3/2004 vì Hiệp hội dự kiến là vào quý II/2004, giá nguyên liệu sẽ giảm dần như mức bình thường, quý IV/2003.
Để đối phó với tình hình, ông Trang cho hay, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã ủng hộ đề nghị của Chủ tịch Hiệp hội Nhựa thành phố Hồ Chí Minh (VSPA), cần thành lập các đầu mối nguyên liệu nhựa “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Theo kế hoạch này, VSPA sẽ nối lại các đầu mối sản xuất nguyên liệu của thế giới qua sự giới thiệu của Liên đoàn Nhựa các nước ASEAN, giới thiệu các đầu mối, có các ngân hàng Việt Nam tài trợ để ký kết hợp đồng phân phối nguyên liệu với các nhà sản xuất cho thị trường Việt Nam. Bộ Thương mại sẽ hướng dẫn và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhựa thành phố Hồ Chí Minh, thành lập các đầu mối, nhằm giảm các áp lực mất cân đối cung cầu, nảy sinh hiện tượng đầu cơ nguyên liệu nhựa tại thị trường Việt Nam.
Nguyên nhân do đâu ?
Theo thống kê của tổ chức CIPAD, giá nguyên liệu của từng thị trường quốc gia của hơn 30 nước tiêu biểu trên toàn thế giới, có tăng nhưng không quá 10%. Vào dịp Tết âm lịch vừa qua, một số nhà máy sản xuất nhựa của một số khu vực châu á có nghỉ định kỳ, nhưng qua Tết đã sản xuất bình thường, không ảnh hưởng gì đến nguồn nguyên liệu cung cấp cho thị trường Việt Nam. Giá dầu thô trên thế giới không biến động lớn, giá ngoại tệ, USD giao động tăng giảm bình thường… càng không ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả thị trường nguyên liệu Việt Nam như hiện nay. Điều này chứng tỏ, giá nguyên liệu tại thị trường Việt Nam biến động không phải do khan hiếm nguyên liệu từ các nhà cung cấp đầu nguồn, mà do đầu cơ quốc tế tại thị trường nguyên liệu nhựa Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều năm qua, nguyên liệu nhựa là một mặt hàng nhập khẩu có tổng giá trị nhập tăng mỗi năm từ 25% đến 30% trong hơn thập niên qua, nguyên liệu nhựa có sức hút mạnh mẽ về giá trị chuyển đổi nhanh và chênh lệch giá cao nếu có đầu cơ. Trước đây, hàng nhập khẩu được nhập theo giấy phép XNK trực tiếp, có hơn 1.000 đơn vị XNK trực tiếp của cả nước đều có nhập nguyên liệu nhựa để xoay vòng vốn nhanh. Đến nay, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam đều có quyền nhập khẩu, khiến đầu vào nhập khẩu nguyên liệu trở nên manh mún không kiểm soát nổi giá cả, dẫn đến tình trạng biến động liên tục về giá và thị trường nguyên liệu nhựa Việt Nam trở thành thị trường tác động mạnh đến khu vực.
Mạng lưới phân phối nguyên liệu nhựa tại Việt Nam với khối lượng 900 ngàn tấn/năm, được chia 3 cấp:
- Cấp 1 do các công ty đa quốc gia kinh doanh nguyên liệu chi phối.
- Cấp 2 là các đại lý Việt Nam của các nhà cung cấp nguyên liệu nước ngoài, hoặc các công ty XNK Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu nhựa, hoặc là các nhà máy nhựa lớn nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài.
- Cấp 3 là các đại lý doanh nghiệp bán lẻ nguyên liệu nhựa cho các nhà máy.
Thẩm tra lại hệ thống phân phối nguyên liệu nhựa cho thấy khả năng làm biến động giá nguyên liệu tại thị trường Việt Nam trong thời điểm đột biến này, cao nhất từ cấp 1 và một phần do cấp 2 ăn theo.
Giải pháp
Theo Câu lạc bộ Giám đốc ngành Nhựa Cao su Việt Nam (VPDC), tại Việt Nam đã có 7 ngân hàng quốc doanh và cổ phần ủng hộ ý tưởng lập đầu mối nhập nguyên liệu nhựa “mua tận gốc, bán tận ngọn” có sự tài trợ của ngân hàng và có sự ủng hộ của các nhà sản xuất, cung cấp nguyên liệu nhựa của một số nhà máy nguyên liệu nhựa lớn trên thế giới. Ngày 16/2/2004, lãnh đạo Liên đoàn nhựa các nước ASEAN (AFPI) đã sang Việt Nam khảo sát tình hình và khuyên giới chức Việt Nam cần có giải pháp lâu dài (long term solution) để có nguồn cung cấp ổn định và giá ổn định trước tình hình mất cân đối cung cấp trong phạm vi toàn thế giới và không có hệ thống phân phối được kiểm soát tại Việt Nam. Hiệp hội Nhựa thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị:
1. Giao cho Hiệp hội lập các đầu mối lớn ở Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu nhựa cho thị trường Việt Nam, có sự điều tiết của Nhà nước về kế hoạch. Bằng cách chia các doanh nghiệp thành đầu mối của từng nhóm nguyên liệu, làm việc trong tinh thần doanh nghiệp tự nguyện sắp xếp với nhau.
2. Triển khai sớm các dự án xây dựng các nhà máy sản xuất nguyên liệu nhựa tại Việt Nam, để chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành nhựa Việt Nam và tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia (hơn 600 triệu USD/năm).
Ngoài ra, trước đây, tại công văn số 12/2004/CV-HHN ngày 7/1/2004, Hiệp hội Nhựa thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ không thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lợi nhuận tái đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, để nuôi dưỡng nguồn thu cho Nhà nước và khuyến khích doanh nghiệp phát triển, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập./.