Thanh long bán được giá nhờ có chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫnđịa lý giúp thanh long Bình Thuận xuất khẩu thuận lợi sang nhiều thị trường khótính điển hình như EU, Nhật Bản, Mỹ...

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bình Thuận cho biết, thanh long chính vụ tại tỉnh năm nay được giá hơn các năm là do hai yếu tố: chỉ dẫn địa lý và chất lượng trái thanh long tăng cao.

Tại các vựa trái cây ở Bình Thuận, giá thanh long đang được rao bán cao hơn nhiều so với các năm trước. Cụ thể, trung bình khoảng từ 17.000 - 20.000 đồng/kg. Đáng chú ý vào hồi đầu tháng 6, giá thanh long chính vụ mua tại vườn ở Bình Thuận đạt mức kỷ lục 30.000 đồng/kg, thậm chí có ngày tăng lên đến 32.000 đồng/kg.

Theo ông Tấn, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thanh long. Các doanh nghiệp được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý hiểu rõ chỉ dẫn địa lý nhằm phục vụ cho lợi ích doanh nghiệp, nhà sản xuất, góp phần giữ vững uy tín sản phẩm truyền thống của tỉnh. Đặc biệt, trên các thị trường xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý chính là yếu tố khẳng định vị thế của thanh long Việt Nam về chất lượng so với các nước khác trên thế giới.

Tỉnh Bình Thuận đã có chỉ dẫn địa lý cho trái thanh long với nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit và hình ảnh trái thanh long” sang 14 nước và vùng lãnh thổ có thị trường tiềm năng. Đến nay đã có 12 nước và vùng lãnh thổ đồng ý bảo hộ nhãn hiệu, dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể như: Mỹ, Anh, Hà Lan, Đức, Nhật Bản...

Thanh long bán được giá nhờ có chỉ dẫn địa lý - Ảnh 1.
Bình Thuận đẩy mạnh xuất khẩu trái thanh long sang nhiều nước khó tính.

 

Tỉnh Bình Thuận đã cấp chỉ dẫn địa lý “ Thanh long Bình Thuận ” cho 83 tổ chức, cá nhân sản xuất thanh long trên địa bàn. Đồng thời, Hiệp hội thanh long Bình Thuận còn hỗ trợ kinh phí cho sáu doanh nghiệp dán 40 triệu tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận lên trái thanh long khi lưu thông trên thị trường trong và ngoài nước.

Ông Tấn cho biết phần lớn sản lượng thanh long Bình Thuận tập trung cho xuất khẩu (80 - 85%) nên tỉnh đã quy hoạch diện tích trồng thanh long đến năm 2020 là 28.000 ha, năng suất đạt 28 tấn/ha, sản lượng đạt 750.000 tấn/năm. Quy mô đến năm 2025 sẽ mở rộng lên 30.000 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, sản lượng đạt trên 843.000 tấn/năm.

Theo định hướng quy hoạch của tỉnh là sẽ đẩy mạnh sản xuất an toàn để nâng tỉ lệ diện tích trồng thanh long an toàn (VietGAP, GlobalGAP) năm 2020 đạt trên 50% và đến năm 2025 đạt trên 70%.

Dự báo đến năm 2020, các doanh nghiệp của tỉnh sẽ xuất khẩu chính ngạch đạt 20 - 25 triệu USD. Định hướng đến năm 2025 sẽ đạt 50 - 60 triệu USD. Đồng thời, nâng giá trị sản xuất của ngành hàng thanh long chiếm 35 - 36% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

“Thu nhập của người nông dân 6 tháng đầu năm 2019 cao hơn năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng do Trung Quốc gia tăng tiêu thụ chính ngạch. Lợi nhuận trung bình là 200 triệu đồng/ha (với giá 15.000 đồng/kg). Đặc biệt, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở thị trường xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, New Zealand, Úc”, ông Tấn chia sẻ.