PV: Thưa bà, năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng thành phố Trà Vinh vẫn đạt được những kết quả khả quan về phát triển kinh tế xã hội. Các chỉ tiêu về thu ngân sách và kêu gọi đầu tư đều đạt và tăng so với cùng kỳ. Đâu là yếu tố tạo nên những kết quả như vậy ?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XII, Nghị quyết HĐND thành phố về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 05 năm 2021-2025, trong bối cảnh những thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhưng UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo điều hành bộ máy nhà nước tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt yêu cầu nghị quyết đề ra.
Trong đó, thành phố đã đạt và vượt 28/32 chỉ tiêu, như thu ngân sách được 948,19 tỷ đồng, giá trị sản xuất kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo...; 03 chỉ tiêu đạt trên 50% (gồm tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, phát triển doanh nghiệm mới, thi hành án dân sự đối với các vụ việc có điều kiện thi hành).
Để đạt được những chỉ tiêu nêu trên, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị, quán triệt và triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương, của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, với mục tiêu chung của năm 2021 là: Tập trung các nguồn lực để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, với “mục tiêu kép ” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, vừa phát triển kinh tế - xã hội; Tập trung phát huy mạnh mẽ nội lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính…
Bên cạnh đó, UBND thành phố thường xuyên phối hợp với các sở ngành tỉnh để kêu gọi đầu tư và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố nhằm góp phần phát triển đô thị, giải quyết vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo.
PV: Xin bà cho biết, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, thành phố đã có giải pháp gì?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi: Thành phố Trà Vinh là một trong những đô thị có nhiều tài nguyên quý như sông, rạch, cây xanh, di tích tôn giáo, lễ hội văn hóa dân tộc Khmer và là một trong những đô thị nổi tiếng, có bản sắc riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Trà Vinh với vai trò là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh và rất gần với hai đô thị lớn là TP Hồ Chí Minh và Cần thơ, sẽ có nhiều thuận lợi trong thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.
Để nắm bắt thời cơ này, UBND thành phố đã chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng Đề án phát triển du lịch thành phố Trà Vinh giai đoạn 2021 đến 2025, tầm nhìn đến 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1437/QĐ-UBND ngày 21/4/2022. Từ đó tập trung mọi nguồn lực, lợi thế và cơ hội để triển khai các chương trình hành động cụ thể nhằm mục đích phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, phấn đấu đến năm 2030 du lịch sẽ đóng góp được từ 5-10% tổng sản phẩm của thành phố, góp phần vào việc phát triển ngành du lịch của tỉnh Trà Vinh, phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung quảng bá, tuyên truyền về các điểm du lịch như Ao Bà Om, du lịch tâm linh, du lịch miệt vườn sông nước, du lịch cộng đồng (Homestay) gắn với các sự kiện lễ hội đặc trưng của thành phố mang đậm nét riêng của vùng đồng bào dân tộc khmer trên địa bàn thành phố.
Thành phố cũng tổ chức kêu gọi đầu tư mới, cải tạo các điểm du lịch nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch lữ hành kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. như du lịch lữ hành tham quan thành phố cây xanh Trà Vinh bằng xe điện, du lịch trên sông Cổ Chiên từ thành phố Trà Vinh đến thị trấn Mỹ Long tham quan cồn nghêu, cồn bần, cồn Chim, cồn Hô…
PV: Trà Vinh có những chính sách ưu đãi đặc thù gì để huy động nguồn lực đầu tư phát triển thành phố, đặc biệt là thu hút những tập đoàn kinh tế lớn? Những lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên thu hút đầu tư, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhi: Thời gian qua, cùng với các chính sách của Trung ương, UBND tỉnh rất quan tâm đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa trên các lĩnh vực đầu tư.
Cụ thể như, Nghị quyết số 67/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND tỉnh ban hành quy định mức hỗ trợ về giá thuê mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, với mức hỗ trợ là 30% giá thuê mặt bằng sản xuất (không bao gồm phí sử dụng hạ tầng và chi phí liên quan) và không quá 50 triệu đồng cho 01 dự án trong 01 năm. Thời gian hỗ trợ là 05 năm kể từ ngày nhà đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mặt bằng (nhằm cụ thể hóa Luật Hỗ trợ DNNVV).
Hoặc, Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Nội dung hỗ trợ bao gồm: Hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (10% đối với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, 20% đối với dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp); hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông đến chân hàng rào của dự án; Hỗ trợ chi phí san lắp mặt bằng (50% đối với dự án nhà đầu tư tự san lấp mặt bằng trong cụm công nghiệp)…
Với lĩnh vực khoa học công nghệ, Nghị quyết số 82/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 của HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ thiết bị và phát triển thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Trong đó quy định: Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng công nghệ (chi phí mua bí quyết kỹ thuật, bí quyết công nghệ; phương án, quy trình công nghệ; giải pháp, thông số, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật; công thức, phần mềm máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ) và chi phí huấn luyện, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, kiểm tra, vận hành thử…
UBND thành phố Trà Vinh đang tập trung kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, cụm công nghiệp, nhà ở, ý tế, giáo dục, các loại hình phát triển hạ tầng phục vụ ngành kinh tế du lịch, nhằm phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, định hướng thành phố Trà Vinh phát triển lên đô thị loại I đến năm 2030.