TÓM TẮT:
Bài viết phân tích thực trạng phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011-2020, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong phát triển kinh tế bền vững của địa phương. Từ đó, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.
Từ khóa: phát triển bền vững, tỉnh Trà Vinh, tốc độ tăng trưởng kinh tế.
1. Đặt vấn đề
Tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) là nền tảng của nhiều mối quan hệ góp phần tạo nên các mối quan hệ đa chiều của xã hội, nó phản ánh quy mô tăng lên hay giảm đi của nền kinh tế ở năm này so với năm trước đó hoặc của một thời kỳ này so với thời kỳ trước đó. Tăng trưởng GRDP không đồng nghĩa với việc phát triển bền vững.
Trà Vinh là một tỉnh duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở phần cuối cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu. Phía Nam của tỉnh là vùng đất thấp, bị các giồng cát hình cánh cung chia cắt thành nhiều vùng trũng cục bộ, không có nhiều tài nguyên, nhiều nơi chỉ ở độ cao 0,5 - 0,8m so với mực nước biển nên hằng năm thường bị ngập mặn 0,4 - 0,8m trong thời gian từ 3 - 5 tháng và chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.
Phát triển bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm để định hướng phát triển kinh tế nhằm sử dụng hợp lí tài nguyên, giải quyết thách thức về sinh thái sao cho không ảnh hưởng đến việc thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ sau, không làm hủy họa môi trường sống hoặc gây ra những thảm họa sinh thái về sau. Do vậy, bài viết nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển bền vững kinh tế tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.
2. Cơ sở lý thuyết
Phát triển bền vững là một loại hình phát triển toàn diện, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường sống. Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Phát triển bền vững là vấn đề được thế giới quan tâm, là định hướng chiến lược của các quốc gia trên thế giới.
Trên nguyên tắc, phát triển bền vững có thể hiểu là quá trình vận hành và có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa đồng thời ba bình diện, gồm: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, kinh tế tăng trưởng bền vững; xã hội tiến bộ, công bằng, văn hóa; môi trường trong lành, tài nguyên được khai thác đảm bảo duy trì bền vững.
Tiêu chí đánh giá phát triển bền vững:
(1) Về kinh tế: Cần phát triển nhanh và an toàn. Phát triển bền vững kinh tế cần tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người trong một giưới hạn cho phép của hệ sinh thái, không xâm phạm những quyền cơ bản của con người. Nền kinh tế bền vững cần đạt các yêu cầu như:
- Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao.
- Trong cơ cấu GDP: ngành công nghiệp và dịch phải phải cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới đạt được bền vững.
- Tăng trưởng kinh tế có hiệu quả cao, không phải tăng trưởng bằng mọi giá.
(2) Về xã hội: Cần đảm bảo đời sống xã hội hài hòa, có sự bình đẳng giữa các giai tầng xã hội, giữa các giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không quá lớn. Phát triển bền vững về xã hội chú trọng vào sự công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho con người phát triển, cần đạt các yêu cầu, như:
- Ổn định dân số, phát triển đời sống ở nông thôn.
- Nâng cao trình độ học vấn của người dân, xóa nạn mù chữ.
- Giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến quá trình đô thị hóa.
- Bảo vệ sự đa dạng văn hóa các vùng miền, dân tộc.
- Đảm bảo bình đẳng giới, bảo vệ nhu cầu và lợi ích của giới.
- Tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra các quyết định.
(3) Về môi trường: Phát triển bền vững môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên từ môi trường, chất lượng môi trường sống của con người phải được đảm bảo, như: không khí, nước, đất, trong sạch, không gian địa lý, cảnh quan được đảm bảo. Phát triển bền vững môi trường cần đạt các yêu cầu, như:
- Sử dụng hiệu quả các tài nguyên, đặc biệt là tái nguyên không tái tạo.
- Bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ tầng khí quyển Trái đất.
- Phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái Trái đất.
- Kiểm soát, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
- Bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm.
- Giảm xả thải, khắc phục và cải thiện tình trạng ô nhiễm.
3. Thực trạng phát triển kinh tế bền vững tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2011 - 2020
Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh Trà Vinh trung bình thời kỳ 2011 - 2020 là 9,96%, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,47%, giai đoạn 2015 - 2020 đạt 10,45% cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP chủ yếu là do tốc độ tăng trưởng khu vực II (Công nghiệp) cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng GRDP, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020, còn khu vực I (Nông nghiệp) và khu vực III (Thương mại - Dịch vụ) nằm dưới tốc độ GRDP. Tốc độ phát triển của khu vực I và khu vực III đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng GRDP.
Tỷ trọng khu vực I luôn biến động giảm, có lợi cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh từ 59,94% năm 2010 xuống 32,95% (-26,93%). Cùng thời kỳ này, khu vực II tăng dần từ 14,66% năm 2010 lên 31,59% (+16,93%) và dịch vụ tăng từ 25,4% năm 2010 lên 35,46% (+10,06%). Xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế này phù phợp với xu thế chung chuyển dịch cơ cấu ngành, đúng định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh.
Cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp: chưa có sự chuyển dịch đáng kể, ngành Trồng trọt tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, tỷ trọng của ngành này tăng từ 68,8% năm 2010 lên 74,10% năm 2020. Chăn nuôi giảm từ 19,23% năm 2010 còn 12,10% năm 2020; dịch vụ nông nghiệp tăng từ 11,95% năm 2010 lên 13,8% năm 2020. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao; lĩnh vực thủy sản chưa thật sự có đột phá, chuyển dịch chưa đủ mạnh.
Cơ cấu nội ngành Công nghiệp: Ngành Công nghiệp chế biến chế tạo mặc dù quy mô giá trị tuyệt đối vẫn tăng đáng kể; song tỷ trọng chiếm trong GRDP giảm mạnh từ 96,22% năm 2010, xuống còn 37,97% năm 2020, thay vào đó tỷ trọng ngành chế biến điện, khí đốt và nước tăng từ 2,5% năm 2010 lên 61,16% năm 2020; ngành xử lý môi trường tăng và chuyển dịch chậm từ 0,64% năm 2010 lên 0,79% năm 2020.
Cơ cấu nội ngành Thương mại - Dịch vụ: Khu vực dịch vụ, xu hướng dịch chuyển tăng dần tỷ trọng của nhóm ngành Thương mại. Tốc độ tăng trưởng của ngành Thương mại cao hơn so với bình quân chung của nhóm ngành Thương mại dịch vụ, nên tỷ trọng của thương mại trong tổng GRDP cũng như GRDP của khu vực III cũng tăng lên. Năm 2019, GRDP của ngành Thương mại chiếm 7,3% vào GRDP toàn Tỉnh theo giá hiện hành; và chiếm 20,4% GRDP của khu vực III.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đặc biệt chú trọng giảm cơ cấu nông nghiệp và tăng cơ cấu ngành thủy sản nhằm phù hợp với định hướng tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Trong khi đó, khu vực II đạt mức tăng khá cao do giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Trà Vinh có thêm công nghiệp sản xuất điện (nhiệt điện, điện mặt trời) đi vào hoạt động, một số ngành công nghiệp chế biến phát triển khá. Bên cạnh đó, khu vực III cũng phát triển khả quan, các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, phát triển thương mại điện tử; các lĩnh vực lưu trú, ăn uống, thông tin truyền thông, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế,… chất lượng cao ngày càng phát triển.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Trà Vinh tập trung kêu gọi đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế phát triển của Tỉnh, như: Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Điện mặt trời Trung Nam, dự án xây dựng khu nhà ở của Tập đoàn Hoàng Quân, Trung tâm thương mại Vincom Plaza, Trung tâm thương mại và siêu thị GO Trà Vinh, Co.op Mart,… đã có những tác động tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Tổng thu ngân sách của tỉnh Trà Vinh trong giai đoạn này đạt trên 59,8 nghìn tỷ đồng, vượt 29,5% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 19,3 nghìn tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán, tăng bình quân 18,89%/năm nhờ thực hiện công tác quản lý, điều hành ngân sách đảm bảo đúng quy định, chú trọng bồi dưỡng các nguồn thu. Cũng trong giai đoạn này, tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển tại Trà Vinh đã ghi nhận thành tựu đáng khích lệ. Vốn đầu tư tăng khá cao, cụ thể: Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 123,1 nghìn tỷ đồng, vượt 36,8% mục tiêu đề ra cho giai đoạn, gấp 1,5 lần giai đoạn trước.
3.1. Những tồn tại và hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được trên, kinh tế tỉnh Trà Vinh còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế sau:
- Tỉnh tập trung chú trọng việc tăng trưởng nhanh mà thiếu quan tâm đến chất lượng tăng trưởng; quản lý phát triển các ngành, lĩnh vực không chặt chẽ, bám sát vào quy hoạch, kế hoạch, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, người dân phát triển tự phát khá phổ biến, khó kiểm soát về vấn đề môi trường.
- Về nông nghiệp chủ yếu là sản xuất nhỏ, lẻ, thiếu tính liên kết, thiếu tính bền vững, sản xuất chưa gắn với chế biến và chế biến sâu, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, sử dụng quá nhiều tài nguyên (đất, nước,…), và các loại phân bón, thuốc trừ sâu,… dẫn đến hệ quả nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, suy giảm độ phì nhiêu đất, ô nhiễm môi trường đất, nước. Từ đó đã tạo ra khí thải nhà kính làm ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người nhưng năng suất không cao, giá trị gia tăng thấp, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, mô hình ứng dụng cải tiến kỹ thuật trong nông nghiệp theo hướng kinh tế xanh, sản xuất VietGap, GlobalGap còn rất hạn chế.
- Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp, chất lượng lao động nông nghiệp còn hạn chế, trình độ khoa học công nghệ còn nhiều yếu kém. Việc tái sử dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp còn rất hạn chế.
- Trong những năm qua, Tỉnh cũng chịu nhiều tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn kéo dài, triều cường, xâm nhập mặn vào sâu; khai thác quá mức tài nguyên nước ngầm; việc xả thải trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, chất thải sinh hoạt ra các dòng sông, kênh rạch gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững.
- Dịch vụ du lịch sinh thái “homestay” và du lịch cộng đồng - loại hình du lịch mới hình thành và phát triển còn chậm, chưa thúc đẩy để thu hút người dân phát triển du lịch; cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ còn nhiều mặt hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển phục vụ du khách. Hoạt động tiếp thị, quảng bá và truyền thông nhằm thúc đẩy tiềm năng du lịch cần được cải thiện hơn để huy động thêm một số nguồn lực quan trọng cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng.
- Sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, sử dụng vật liệu mới, năng lượng mới còn ích; hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chưa quan tâm đúng mức các ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới.
- Doanh nghiệp chậm đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao để làm tăng năng suất lao động. Năng lực, kinh nghiệm quản trị, điều hành và tính năng động của chủ doanh nghiệp thấp; khả năng tiếp cận thị trường còn yếu. Doanh nghiệp thực hiện chủ trương hướng tới nền công nghiệp xanh, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế thấp nhất sản xuất gây ô nhiễm môi trường còn nhiều mặt hạn chế; rất ít các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới công nghệ; do đó sản phẩm công nghiệp có tính cạnh tranh thấp; các doanh nhỏ và vừa sản xuất còn phát thải nhiều chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
3.2. Nguyên nhân
Những tồn tại, hạn chế trên do một trong những nguyên nhân sau:
- Nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về ô nhiễm và bảo vệ môi trường còn hạn chế. Việc lạm dụng phân bón, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc kháng sinh, các chất cấm,... trong sản xuất nông nghiệp đang diễn ra là thực trạng đáng báo động trong vấn đề an toàn thực phẩm.
- Công tác tuyên truyền, truyền thông về thực hành kỹ thuật xanh trong cộng đồng còn nhiều mặt hạn chế; công tác đào tạo sản xuất sạch cho cán bộ địa phương, doanh nghiệp và nông dân chưa được chú trọng; triển khai ứng dụng cá hoạt động kỹ thuật xanh vào sản xuất còn phân tán, dàn trải và thiếu sự phối hợp.
- Thiếu sự liên kết và liên kết thiếu tính cam kết giữa các tác nhân từ quá trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản xuất nông nghiệp xanh.
- Doanh nghiệp và người dân chậm áp dụng các quy trình công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả,…; áp dụng tái xử lý phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chưa nhiều.
- Công tác quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, bền vững còn chậm, chưa quyết liệt. Quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất đảm bảo môi trường của doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ, còn nhiều yếu kém.
- Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh mà trọng tâm là tăng trưởng xanh, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng xã hội các bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn giảm nghèo và phục hồi môi trường là vấn đề lớn đặt ra đối với Tỉnh.
- Phát triển thiếu các ngành kinh tế hỗ trợ, kinh tế công nghệ cao sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, kinh tế môi trường, như: Công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái sử dụng và tái chế chất thải, sản xuất năng lượng từ chất thải, năng lượng tái tạo,…
- Nền kinh tế nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, sản xuất tự phát còn xảy ra phổ biến.
4. Một số giải pháp đề xuất
Để phát triển bền vững kinh tế tỉnh Trà Vinh thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế bền vững để sử dụng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; chuyển đổi phương thức sản xuất và phương thức tiêu dùng bền vững.
Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bển vững kinh tế tỉnh Trà Vinh từ quy hoạch tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, quy hoạch tỉnh phải cơ cấu tái cấu trúc lại nền kinh tế trên các lĩnh vực năng lượng, nguồn nước, công nghiệp, hạ tầng kĩ thuật, xây dựng và đô thị, du lịch, giao thông vận tải theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững gắn ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch được duyệt, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thực hiện không theo quy hoạch, kế hoạch làm ảnh hưởng đến môi trường; quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; quản lý chất thải bền vững; lồng ghép triển khai hiệu quả lập quy hoạch sử dụng đất với cách chính sách và các mục tiêu quản lý tài nguyên thiên nhiên gắn với chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh.
Ba là, thúc đẩy sản xuất xanh, phát triển đô thị tăng trưởng xanh nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế tỉnh Trà Vinh.
- Khuyến khích và thúc đẩy nghiên cứu, sử dụng công nghệ mới, ít tiêu hao nhiên liệu, giảm phát thải khí nhà kính và thân thiện với môi trường; thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi công nghệ cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường bằng công nghệ mới với năng suất và hiệu quả cao.
- Đẩy mạnh thực hiện xanh hóa sản xuất, hạn chế phát triển các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Phát triển ngành kinh tế sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên. Thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh. Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững, đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến quy trình sản xuất sạch hơn. Thực hiện hiệu quả Chiến lược “Công nghiệp hóa sạch”, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường.
- Phát triển đô thị hóa theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh và cạnh tranh cao, tăng cơ hội việc làm, giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuốc sống, cải thiện môi trường.
- Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ,… ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên; đẩy mạnh liên kết để phát triển nông nghiệp xanh, phát triển bền vững; xây dựng, phát triển và tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Trồng rừng, phát triển diện tích trồng rừng theo quy hoạch của tỉnh; chăm sóc, bảo vệ, bảo tồn và sử dụng bền vững rừng và đất lâm nghiệp hiện hữu; phục hồi rừng phòng hộ.
- Phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp sạch, kiến tạo công nghệ xanh. Xây dựng và phát triển mạnh các doanh nghiệp phát triển bền vững.
- Đẩy mạnh chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu truyền thống sang nhiên liệu sinh học, khí thiên nhiên và năng lượng điện; cải tiến, phát triển và áp dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và áp dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh trong lĩnh vực nhà ở và thương mại.
- Phát triển các loại hình du lịch sinh thái; chuyển đổi phương thức vận chuyển hàng hóa; tái cơ cấu thị trường vận tải; chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của các phương tiện giao thông.
- Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn: Vốn đầu tư trung hạn đầu tư các dự án trọng điểm, dự án đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh; các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thực hiện theo quy định hiện hành. Xã hội hóa nguồn vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, phát triển nhà máy xử lý rác thải đủ công suất xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh; nước thải đô thị, hạ tầng kỹ thuật giao thông, logistic,… có khả năng thu hồi vốn.
- Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững phù hợp trong giai đoạn mới.
5. Kết luận
Tóm lại, để phát triển kinh tế nhanh và bền vững kinh tế tỉnh Trà Vinh, cần phải thúc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế nhanh theo hướng tăng xanh các ngành và lĩnh vực, thay đổi mô hình tiêu dùng; thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển đô thị tăng trưởng xanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và quản bảo vệ môi trường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh (2011). Niêm giám thống kê tỉnh Trà Vinh từ năm 2011 đến năm 2020. Tỉnh Trà Vinh: NXB Thống kê.
- UBND tỉnh Trà Vinh (2015). Báo cáo thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Tỉnh Trà Vinh.
- UBND tỉnh Trà Vinh (2020). Báo cáo thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020. Tỉnh Trà Vinh.
- Đảng bộ tỉnh Trà Vinh (2015). Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Tỉnh Trà Vinh.
- Đảng bộ tỉnh Trà Vinh (2020). Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020. Tỉnh Trà Vinh.
- Lê Thùy Dương. (2017). Tăng trưởng kinh tế xanh thành phố Đà Nẵng. Luận văn thạc sĩ Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
- Nguyễn Hồng Nhung. (2016). Phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng kinh tế xanh. Luận án tiến sĩ Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
SOME SOLUTIONS TO SUPPORT
THE SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT
OF TRA VINH PROVINCE
• Master. NGUYEN VAN QUOC BINH
Vice Dean, Faculty of Political Theory, Tra Vinh University
• Master. PHAM VAN BE SAU
Vice Director, Center for Investment Promotion and Business Support
of Tra Vinh province
ABSTRACT:
This paper analyzes the economic growth of Tra Vinh Province, points out the shortcomings and causes in the provincial economic development over the period from 2011 to 2020. The paper also proposes some solutions to support the sustainable economic development of Tra Vinh Province in the coming time.
Keywords: sustainable development, Tra Vinh Province, gross product growth rate.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2021]