Hội thảo, với một phiên họp toàn thể và 2 phiên họp tiểu ban chuyên môn, đã thu hút hơn 700 đại biểu tham gia trên nền tảng trực tuyến và tại các điểm cầu cả nước, với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, các giảng viên, đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp. Đặc biệt, trong đó có 232 tác giả tham gia xây dựng nội dung, gửi bài viết cho Hội thảo đều là những nhà khoa học uy tín đang công tác tại 42 cơ quan là các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm công nghệ,…
Đối với các nhà khoa học, Hội thảo là diễn đàn chia sẻ, thảo luận ý kiến và trao đổi về thực tiễn, qua đó đề xuất các giải pháp, chính sách góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển bền vững tại Việt Nam và trên toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Mặt khác, đối với các cơ quan quản lý nhà nước, Hội thảo là cơ hội để lắng nghe, hiểu rõ hơn các kết quả nghiên cứu, các nội dung thảo luận, trao đổi học thuật, cũng như các đề xuất về chính sách trong thời gian tới từ các diễn giả để xây dựng những định hướng hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian tới được phù hợp, thiết thực và hiệu quả hơn.
Khoa học và công nghệ là động lực then chốt
Theo ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, khoa học và công nghệ đóng vai trò tích cực cho quá trình hoàn thiện các định hướng, chính sách phát triển ngành Công Thương.
Trong bối cảnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo có ảnh hưởng ngày càng rõ nét đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương trong thời gian qua đã có những bước điều chỉnh trong định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện.
Các nhiệm vụ đã tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao. Các thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội chính là sự khẳng định về vai trò quan trọng của việc áp dụng, cách tiếp cận khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp trong thực hiện phát triển bền vững ngành Công Thương.
Cụ thể, giai đoạn đoạn 2011-2020, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai đồng bộ 9 chương trình/Đề án khoa học công nghệ cấp quốc gia, 2 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ, thu được những thành tựu lớn về nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, đào bào bồi dưỡng nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học chất lượng cao. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế; nhiều sản phẩm ứng dụng mang tầm khu vực và quốc tế, góp phần phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Các chính sách khoa học và công nghệ cùng nhiều hoạt động hỗ trợ của nhà nước đã tạo ra những đóng góp quan trọng của khoa học và công nghệ cho phát triển của ngành, lĩnh vực cũng như từng doanh nghiệp. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao.
Năm 2010, mức đóng góp của tốc độ tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) là 44.74%, đến năm 2018, con số này đã lên mức 50,99% cao hơn mức đóng góp của TFP của toàn nền kinh tế. Hoạt động nghiên cứu và phát triển đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp, tạo đột phá trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường; trong đó nhiều lĩnh vực có hoạt động tích cực như sản xuất thiết bị điện, máy móc, thiết bị khai khoáng...
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cũng đã được đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ. Tại Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, phát triển khoa học công nghệ gắn kết chặt chẽ với phát triển đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ và mở rộng cơ hội việc làm, phục vụ việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học.
Bên cạnh đó, Trường cũng thúc đẩy hoạt động ứng dụng kết quả nghiên cứu cơ bản, các công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh phục vụ nhu cầu đa dạng của con người; tìm kiếm đa dạng nguồn đầu tư khoa học công nghệ từ ngân sách nhà nước và các hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước, quốc tế; hỗ trợ các hoạt động khoa học công nghệ có khả năng mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế cao.
Nhờ vậy, từ năm 2019 đến nay, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã thực hiện thành công 2 đề tài cấp Bộ; 1 đề tài cấp Sở; 10 sáng kiến, cải tiến trong hoạt động quản lý, hành chính chuyên môn; giao triển khai 191 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở và 247 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Hiện Trường đang thực hiện 1 đề tài cấp quốc gia; 3 đề tài cấp Bộ; 2 đề tài cấp Sở.
Đặc biệt, trong việc nghiên cứu và công bố khoa học, Trường đã chú trọng triển khai các hoạt động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia bên ngoài để tạo ra các sản phẩm khoa học chất lượng, công bố nhiều bài báo quốc tế trong danh mục ISI, Scopus uy tín. Sự kết hợp này bước đầu đã tạo ra sức mạnh chung về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Trường, đồng thời cũng là yếu tố đẩy mạnh các hoạt động phục vụ, kết nối cộng đồng.
Về thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp sinh viên, năm học 2019-2020, Trường đã xây dựng kế hoạch, phát động và tổ chức thường niên cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên UNETI”, thu hút được 45 ý tưởng tham gia. Đến năm học 2020-2021, thu hút được 51 ý tưởng với hơn 250 cá nhân tham gia Cuộc thi. Đặc biệt, Nhà trường có 1 dự án “Trường học số 4.0” lọt vào vòng chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với các ý tưởng khởi nghiệp” quốc gia năm 2020.
GS.TSKH Bành Tiến Long - Nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tính đến năm 2020, có 38.526 nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được đăng ký và thực hiện tại Việt Nam, trong đó 4.705 đề án đang tiếp tục triển khai. Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam có 300.178 báo cáo khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước và 56.558 bài đăng trên các tạp chí quốc tế. Trong đó, riêng năm 2020 ghi nhận số lượng bài đăng gấp 4 lần năm 2016, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong các mặt của kinh tế xã hội.
Hướng tới phát triển bền vững
Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt - Nguyên Hiệu trưởng, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 1987, trong Báo cáo Tương lai chung của chúng ta, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc định nghĩa “phát triển bền vững” là “phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Ngày nay, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách, vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển xã hội, không chỉ là sự lựa chọn mà là sự bắt buộc đối với các quốc gia trên thế giới.
Về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện gồm phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hóa đa dạng và môi trường trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn chỉnh các nguyên tắc đạo đức cho phát triển bền vững là trong cả ba thế “chân kiềng”: kinh tế, xã hội, môi trường.
Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững, thông qua ban hành chương trình quốc gia về phát triển bền vững, với chiến lược được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cơ bản.
Về kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Về xã hội, tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; tạo việc làm bền vững; cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hóa hài hòa với phát triển kinh tế. Về tài nguyên và môi trường, khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia cho rằng, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với mục tiêu tăng trưởng bền vững. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ, xác định khoa học và công nghệ phải là động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó vấn đề đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, tín dụng xanh tiếp tục là những từ khóa quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ có những tác động hết sức mạnh mẽ tới nền sản xuất của mỗi quốc gia, quá trình ứng dụng các công nghệ mới, chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn. Kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng trong quá trình phát triển, song song với phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước và vai trò phù hợp của khu vực FDI.
Trên hết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế xã hội của Việt Nam và thế giới và tác động của thay đổi đó đến doanh nghiệp cần được nghiên cứu, từ đó có những giải pháp phù hợp để thích nghi, phục hồi và tăng tốc lại vào giai đoạn hậu dịch bệnh.
Riêng đối với ngành Công Thương, để đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu trong tình hình mới, trong giai đoạn tới, các hoạt động khoa học và công nghệ của ngành sẽ được triển khai tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Trong đó, tiếp tục bám sát và thực hiện triệt để, quyết liệt và đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đối với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong các lĩnh vực của ngành Công Thương; xây dựng và quyết liệt triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2011-2030 cũng như phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Đồng thời, tập trung nguồn lực rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phát triển bền vững, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, Bộ ngành trong công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, định hướng và xây dựng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đồng bộ với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030.
Một trong những điểm nổi bật được các chuyên gia đánh giá tại Hội thảo lần này là nội dung báo cáo phủ rộng trên nhiều lĩnh vực, có tính khoa học cao, giá trị và hiệu quả trong thực tiễn lớn, đặc biệt mang tính thời đại, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ưu tiên các lĩnh vực khoa học công nghệ của đất nước, đặc biệt các ý kiến thảo luận và phản biện tại 2 tiểu ban chuyên môn mang tính chuyên sâu và định hướng.
Đây là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện và đưa nghiên cứu vào triển khai trong thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững các mặt của đời sống kinh tế xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới.