Sau gần 6 năm triển khai, Chương trình KH&CN cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Cung cấp đầy đủ các luận cứ khoa học để nhận diện các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số; Các sản phẩm nghiên cứu của Chương trình có giá trị lý luận, thực tiễn; Đã đề xuất được phương hướng và các giải pháp đổi mới chính sách dân tộc toàn diện nhằm phát triển bền vững đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam; Góp phần quan trọng trong xây dựng và hoạch định chính sách dân tộc thời gian qua.
Bên cạnh đó, Chương trình cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân tộc thiểu số và các chính sách dân tộc phục vụ cho việc hoạch định và thực hiện chính sách cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, thu hút sự quan tâm và tham gia của các tổ chức, cá nhân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trong cả nước mà nòng cốt là đội ngũ các nhà lãnh đạo, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương.
Hiện nay, Ủy ban dân tộc đang tích cực chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN xây dựng, đề xuất Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn II (2021 - 2025) để triển khai thực hiện các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030” .
Thời gian qua, hoạt động đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt, luôn được Chính phủ quan tâm. Nhiều Chương trình KH&CN cấp quốc gia có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc, vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng và triển khai như: Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển KT - XH nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế (giai đoạn 2016-2020) và đặc biệt là Chương trình “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” do UBDT chủ trì thực hiện.
Trên thực tế, kết quả của các đề tài nghiên cứu đã kịp thời chuyển giao cho UBDT và các Ban, Bộ, ngành liên quan trong việc tham mưu xây dựng và ban hành chính sách phục vụ phát triển dân tộc. Tiêu biểu như: Cung cấp luận cứ khoa học trong việc xây dựng dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (phần nội dung về công tác dân tộc); Đánh giá tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/03/2002 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa IX về Công tác Dân tộc và ban hành Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới; Đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2011-2020 và Đề xuất nội dung Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030…
Trong giai đoạn 2016-2020, Chương trình đã xây dựng được 2.324 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, quy mô phù hợp với điều kiện sinh thái cho 34 tỉnh/thành phố vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó: thực hiện được 30 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 14 mô hình ứng dụng công nghệ thông tin; 27 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hỗ trợ tạo việc làm cho trên 2.000 lao động thường xuyên và 5.000 lao động thời vụ, tạo sinh kế cho đồng bào; đã chuyển giao được 1.106 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực DTTS&MN; hỗ trợ đào tạo trên 1.000 cán bộ quản lý KH&CN, 2.484 cán bộ kỹ thuật, kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn cho 45.328 lượt nông dân các địa phương vùng DTTS&MN.
Nhìn chung các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho vùng DTTS&MN khá đa dạng về loại hình, cấp độ; tăng trưởng về quy mô kinh phí và địa bàn thực hiện không ngừng được mở rộng; tạo ra hiệu quả và tác động tích cực đến sự phát triển vùng DTTS&MN trong phạm vi cả nước.
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong việc triển khai Chương trình như: Công tác quản lý nhất là ở giai đoạn đầu triển khai còn nhiều lúng túng; Còn một số vấn đề trong thực tiễn công tác dân tộc đã đề ra nhưng chưa được đánh giá, tổng kết, nghiên cứu thấu đáo; Một số đơn vị chủ trì, cá nhân chủ nhiệm còn có nhiều hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện... Do vậy, một số vấn đề cần tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp khắc phục.
Cụ thể, Ủy ban Dân tộc đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo và dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực công tác dân tộc, nhất là hoạt động KH&CN nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trong giai đoạn tới.
Theo các chuyên gia, các Chương trình cần tập trung đúng mục tiêu, tránh dàn trải, chú trọng nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, phát minh sáng chế, kinh phí phù hợp với nhu cầu và tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo quy mô cấp cộng đồng, huy động nguồn lực, liên kết đặt hàng với các viện, tổ chức doanh nghiệp để bổ sung thêm nguồn lực, thực hiện cho Chương trình, làm thế nào phát huy được những nhân tố tiên tiến, nòng cốt trong từng vùng đồng bào dân tộc, từng giai đoạn phù hợp với thực tiễn...