Giải pháp nâng cao thu nhập cho hộ nghèo tại tỉnh Trà Vinh

PGS. TS. NGUYỄN HỒNG HÀ (Phó trưởng Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Trà Vinh) - KIÊN THỊ MINH NGUYỆT (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Bài báo nghiên cứu giải pháp nâng cao thu nhập cho hộ nghèo tỉnh Trà Vinh thông qua các dữ liệu thu thập trong giai đoạn 2016 - 2020 tại tỉnh Trà Vinh, từ đó đánh giá thực trạng thu nhập của hộ nghèo và các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ nghèo. Từ kết quả nghiên cứu, bài báo đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập bền vững cho hộ nghèo thời gian tới.

Từ khóa: hộ nghèo, thu nhập, giải pháp, tỉnh Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2019, toàn tỉnh Trà Vinh còn 9.214 hộ nghèo, chiếm 3,22% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh; trong đó, có 8.832 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập (chiếm 95,85% so với tổng số hộ nghèo), 382 hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (chiếm 4,15% so với tổng số hộ nghèo), 1.573 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội (chiếm 17,07% so với tổng số hộ nghèo); hộ nghèo dân tộc Khmer còn 5.394 hộ, chiếm 6,05% so với tổng số hộ dân cư dân tộc Khmer. Hộ cận nghèo còn 19.474 hộ, chiếm 6,80% so với tổng số hộ dân cư toàn tỉnh; trong đó, hộ cận nghèo dân tộc Khmer 10.181 hộ, chiếm 11,42% so với tổng số hộ dân cư dân tộc Khmer (chiếm 52,28% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh. Tỷ lệ giảm hộ nghèo chung toàn tỉnh hàng năm đã vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác giảm nghèo ở tỉnh Trà Vinh vẫn còn những tồn tại, hạn chế dẫn đến nguyên nhân nghèo, như: Lao động trong hộ nghèo chủ yếu là lao động giản đơn thu nhập không cao, thường là làm thuê làm mướn tại địa phương việc làm không ổn định. Ý thức tiết kiệm và tích lũy của hộ chưa cao, chi tiêu gia đình chưa hợp lý, thường là làm có tiền thì tiêu xài, hết sẽ làm tiếp. Cụ thể đến nay, hộ nghèo trong tỉnh ước tính còn khoảng 4.291 hộ, tương ứng chiếm 1,67% so với tổng số hộ trong tỉnh. Số hộ cận nghèo khoảng 13.749 hộ, tương ứng chiếm 4,8% so với tổng số hộ trong tỉnh, qua đó cho thấy tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trong tỉnh còn khá cao. Ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân luôn là thách thức lớn, bởi người nghèo còn muốn gia đình mình được công nhận hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ. Kết quả giảm nghèo trong thời gian qua cho thấy chưa thật sự bền vững, chưa có mô hình nào áp dụng có hiệu quả cho hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo có giảm theo từng năm nhưng không ổn định, tình trạng tái nghèo vẫn còn diễn ra. Đây là thách thức lớn đối với Đảng bộ và chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

2. Phân tích thực trạng nghèo và các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ nghèo tỉnh Trà Vinh

2.1. Thực trạng nghèo tại tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020

Với hiện trạng dịch Covid-19 kéo dài từ cuối năm 2019 đến nay, vấn đề an sinh xã hội cũng như việc làm và thu nhập của người dân tỉnh Trà Vinh nói riêng và cả nước nói chung gặp phải vô vàn khó khăn. Thu nhập không chỉ là vấn đề về kinh tế, chính trị, mà còn là vấn đề về xã hội và liên quan đến sự phát triển hội nhập quốc tế của tỉnh và cả nước. 

Bảng 1. Bảng tổng hợp hộ nghèo hộ cận nghèo toàn tỉnh
giai đoạn 2016 - 2020

Bảng tổng hợp hộ nghèo hộ cận nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020

Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, 2021

Bảng 1 cho thấy tỷ lệ hộ nghèo qua các năm đã có chuyển biến tích cực, liên tục giảm từ năm 2016 đến năm 2020 từ mức 11.16% trên tổng số hộ toàn tỉnh xuống chỉ còn 1.48%. Số hộ thoát nghèo đã tăng qua các năm và tỷ lệ hộ thoát nghèo của tỉnh chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng số hộ cận nghèo, giao động từ 22.59 - 35.87%. Điều này cho thấy công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh Trà Vinh đã có những chuyển biến tích cực.

2.2. Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập hộ nghèo tỉnh Trà Vinh

Quá trình khảo sát cho kết quả các nhóm nguyên nhân làm cho hộ nghèo vẫn chưa cải thiện được thu nhập của mình được thể hiện qua Hình 1.

Hình 1: Các nguyên nhân làm cho hộ nghèo vẫn chưa cải thiện
được thu nhập của mình

Các nguyên nhân làm cho hộ nghèo vẫn chưa cải thiện được thu nhập của mình

Nguồn: Tổng hợp từ Kết quả khảo sát thực tế 2021

Hình 1 cho thấy phần lớn các hộ nghèo trong tỉnh đều có tất cả các nguyên do trên, vì vậy thu nhập của hộ nghèo trong thời gian dài vẫn chưa được cải thiện để có mức sống cao hơn. Cụ thể trong tổng 202 phiếu khảo sát, có đến 102 hộ vẫn chưa cải thiện được thu nhập là do các nguyên nhân: Thiếu tư liệu sản xuất, Thiếu vốn, Thiếu trình độ, Thiếu đào tạo nghề, tương ứng chiếm 50,5% so với tổng số hộ nghèo; có 40 hộ trong 202 hộ tham gia khảo sát với nguyên nhân là thiếu vốn, tương ứng chiếm 19,8%. Ngoài ra, có 23 hộ vẫn chưa cải thiện được thu nhập với nguyên nhân do thiếu tư liệu sản xuất, tương ứng chiếm 11,4%. Có 27 hộ do thiếu trình độ nên đến nay vẫn chưa cải thiện được thu nhập, tương ứng chiếm 13,4%. Còn lại có 10 hộ tương ứng chiếm 5% so với tổng số với nguyên nhân là thiếu đào tạo nghề.

3. Giải pháp nâng cao thu nhập bền vững cho hộ nghèo tại tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới

3.1. Nhóm giải pháp đối với chủ hộ là người lớn tuổi

Thời gian tới, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Trà Vinh cần thực hiện một số nội dung sau đây:

- Rà soát lại các hộ nghèo trong tỉnh và những người cao tuổi, sau đó lập danh sách và gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để đảm bảo cho người nghèo được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định của Nhà nước.

- Tạo ra những mô hình việc làm, vừa tăng cường sức khỏe, vừa đem lại thu nhập cho người nghèo cao tuổi.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, Hội Người cao tuổi, đoàn thể liên quan và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các quy định của Luật Người cao tuổi; tham mưu cho Ủy ban xã theo quy chế làm việc tổ chức phối hợp liên ngành giải quyết những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách; đồng thời có phương án, chương trình cung cấp thông tin về thị trường lao động, tổ chức các sàn giao dịch việc làm với những công việc phù hợp người cao tuổi.

- Trong thời gian tới, UBND tỉnh Trà Vinh cần quan tâm nghiên cứu các chính sách để tạo điều kiện hơn nữa cho người cao tuổi tiếp tục làm việc. Điều này không chỉ khuyến khích những người cao tuổi đang gặp khó khăn, mà còn động viên người cao tuổi sống vui, giúp đất nước tận dụng được nguồn lao động có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm, đáp ứng được nhu cầu phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tế trong giai đoạn già hóa dân số hiện nay

3.2. Nhóm giải pháp đối với chủ hộ là người dân tộc

- Là địa bàn thuần nông, cần ưu tiên và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tiến hành chuyển đổi đất sản xuất các loại cây kém hiệu quả sang các cây, con có giá trị kinh tế cao, cho hiệu quả tăng gấp nhiều lần trên cùng vùng đất.

- Tuyên truyền, phổ biến nhiều mô hình cho lợi nhuận cao hơn từ 3 lần trở lên sau chuyển đổi, đang tiếp tục được nhân rộng tại địa phương, như nuôi lươn thương phẩm, nuôi tôm, trồng lúa hữu cơ, rau an toàn, khoai môn, lạc, ớt chỉ thiên,...

- Tùy theo từng vùng, phụ thuộc vào đất đai, vào nguồn nước mà đưa ra những mô hình thâm canh sản xuất phù hợp với hộ, tạo điều kiện đầu vào và đảm bảo về đầu ra của nông sản giúp nâng cao thu nhập cho hộ nghèo.

3.3. Nhóm giải pháp đối với chủ hộ có trình độ văn hóa thấp

- Xóa nạn mù chữ, tạo điều kiện cho con em đủ tuổi đều được đến trường, chính quyền địa phương cần điều tra rà soát và nắm kỹ về số lượng gia đình có con em đến độ tuổi đi học, từ đó vận động, động viên gia đình cho con em đến trường.

- Xây dựng những lớp học tình thương gần khu vực nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho con em hộ nghèo được đến trường, không trở ngại về đường đi và giao thông.

- Chính quyền địa phương cần phối hợp với nhà trường tạo điều kiện cho những trường hợp học sinh nghèo hiếu học, khuyến khích và tạo điều kiện hết mức có thể giúp con em có điều kiện được tiếp tục đi học. Trao học bổng, miễn học phí cho học sinh nghèo và khó khăn.

- Hàng năm, đến mùa khai giảng, chính quyền địa phương cần kết hợp với nhà trường thông báo, tuyên truyền và tạo điều kiện cho con em được đi học. Tuyên truyền vận động, giáo dục làm chuyển biến nhận thức cho người nghèo trong việc tự học nâng cao trình độ học vấn, học bổ túc văn hóa, học chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất.

3.4. Nhóm giải pháp đối với chủ hộ là nữ giới

Đối với chủ hộ nghèo là nữ giới, cần có giải pháp "3 nắm, 3 giúp". "3 nắm" là nắm được hoàn cảnh sống của từng hộ nghèo, nắm được thu nhập của từng người trong hộ, nắm được nhu cầu hợp pháp, chính đáng của họ; từ đó, triển khai "3 giúp", đó là: giúp vốn để làm ăn, giúp giới thiệu học nghề hoặc tìm việc làm phù hợp với sức khỏe, điều kiện làm việc của người nghèo, giúp kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh hay kinh nghiệm nuôi dạy, giáo dục con cái. Kêu gọi "Tổ chức, cá nhân giúp hộ nghèo" với sự tham gia tích cực, thể hiện trách nhiệm quan tâm đến đời sống hộ nghèo của các ngành, đoàn thể hay các mạnh thường quân để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho chủ hộ là nữ giới vươn lên thoát nghèo bền vững.

3.5. Nhóm giải pháp đối với chủ hộ có số người phụ thuộc đông

Đối với hộ nghèo có đông số người sống phụ thuộc, nhân khẩu thường là những người chưa đến tuổi lao động, đang đi học hoặc quá tuổi lao động. Cần giới thiệu cho họ làm những việc nhẹ tại nhà, thông qua những giờ rảnh rỗi như nhận gia công bóc vỏ hạt điều, se lỏi lác, đan lụt bình, đan vỏ bẹ, làm nấm rơm, nấm bầu ngư và chăn nuôi. Đặc biệt, cần dạy cho họ kỹ năng tiết kiệm, hợp lý trong chi tiêu, làm thế nào để thay đổi cuộc sống nghèo khó. Đối với những trẻ em còn trong độ tuổi đi học, phải dạy kỹ năng kiếm tiền từ trong nhà trường.

3.6. Nhóm giải pháp đối với chủ hộ có nghề nghiệp không ổn định

Nghề nghiệp không ổn định cũng làm cho thu nhập của các hộ không ổn định. Cuộc sống khó khăn, cần thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho những người làm việc theo mùa vụ và không ổn định, nhằm tạo thu nhập đều đặn cho người dân. Đầu tư xây dựng các công xưởng vừa cải thiện nền kinh tế của tỉnh, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Bên cạnh đó, các công ty giới thiệu việc làm của tỉnh cần phối hợp cùng với chính quyền địa phương để tuyên truyền, quảng bá trên diện rộng giúp người dân có cơ hội được biết và tiếp cận, tìm ra việc làm phù hợp và cải thiện thu nhập của hộ. Có rất nhiều trường hợp người dân tìm đến tỉnh khác để có việc làm mưu sinh mà nguyên nhân chính là do tỉnh chưa đáp ứng đủ việc làm cho người dân. Vì vậy chính quyền địa phương cần đưa ra những phương án giải quyết việc làm cho người dân vào mỗi năm, tránh trường hợp người dân bị các công ty ảo lừa đảo, làm ảnh hưởng thiệt hại cả về người và của.

3.7. Nhóm giải pháp đối với chủ hộ không có đất hoặc có rất ít sản xuất

Việc thiếu đất sản xuất đang dần lấy đi cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của họ. Ủy ban nhân dân huyện cần xem xét đất công ở các xã để giao đất ở, đất sản xuất cho hộ dân nghèo, tránh lãng phí quỹ đất công không sử dụng; quản lý chặt chẽ quyền sử dụng đất theo đúng pháp luật; giai đoạn đầu đưa hộ vào "cánh đồng mẫu lớn", hướng dẫn hộ nghèo phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu nâng cao giá trị, hiệu quả trên đơn vị diện tích và tính đến phát triển bền vững; giai đoạn giữa hướng hộ nghèo giảm dần trồng trọt, tăng chăn nuôi để phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, quy mô trang trại, gắn với tiêm phòng dịch bệnh, nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Khuyến khích hộ nghèo tận dụng mặt nước mương vườn, ruộng lúa, đất bãi bồi ven sông để nuôi, nhử thủy hải sản nước ngọt.

3.8. Nhóm giải pháp đối với chủ hộ không tham gia công tác đoàn thể

Với tình hình kinh tế hội nhập hiện nay, Đảng và Nhà nước cần có những chính sách khuyến khích các hộ tham gia hoạt động đoàn thể cùng sản xuất, cùng phát triển. Tổ chức các buổi hội thảo, tạo điều kiện cho hộ được tiếp cận đến các phương thức sản xuất, các loại giống cây trồng mới, các phương thức sản xuất mới hoặc các loại thuốc phân bón mới và có lợi cho người nông dân đặc biệt là người nghèo. Tuyên truyền vận động các hộ tham gia đoàn thể để được hưởng các lợi ích chung. Bên cạnh đó, tham gia để học hỏi người có kinh nghiệm và nắm bắt được nhiều cơ hội nhằm nâng cao thu nhập.

3.9. Nhóm giải pháp đối với vấn đề thiếu tư liệu sản xuất của hộ nghèo

Thiếu tư liệu sản xuất sẽ ảnh hưởng đến thành quả đạt được cũng như thu nhập của hộ. Vì thế, Nhà nước cần tích cực triển khai các chương trình trợ giúp trực tiếp về giống cây, vật tư nông nghiệp cho hộ nghèo tại các địa phương tùy theo điều kiện thực tiễn. Từ đó giúp hộ nghèo mạnh dạn đầu tư trồng trọt, phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống và tích lũy lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất.

3.10. Nhóm giải pháp đối với vấn đề thiếu trình độ và thiếu đào tạo nghề

Vấn đề về thiếu trình độ cũng ảnh hưởng đến việc áp dụng kỹ thuật để nuôi trồng, sản xuất, từ đó tác động đến chất lượng năng suất lao động của hộ ảnh hưởng đến việc nâng cao thu nhập của hộ nghèo. Chính vì vậy, chính quyền các địa phương cần thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về gieo trồng cũng như phương thức canh tác hợp lí nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Mỗi năm đến mùa vụ, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn cần đưa ra những thông báo những dự đoán về độ mặn của nước nhằm hỗ trợ hết mức có thể, để người dân đạt năng suất gieo trồng cao, bên cạnh đó tổ chức các buổi gặp mặt giữa chuyên gia, kỹ sư và nông dân nhằm giải đáp những thắc mắc của hộ để tối đa hóa năng suất gieo trồng. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn hỗ trợ tuyên truyền vận động người dân tham gia học các lớp tập huấn luyện kỹ thuật gieo trồng và chăn nuôi, cách chăm sóc động vật, cũng như theo dõi quá trình phát triển của chúng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh nhằm đem lại lợi nhuận cao cho hộ.

3.11. Nhóm giải pháp đối với vấn đề thiếu vốn của hộ nghèo

Đối với chính quyền địa phương: Rà soát và nắm chắc danh sách hộ nghèo trong địa bàn theo từng thời gian cụ thể, để biết được những nhu cầu cần thiết trong quá trình sản xuất kinh doanh, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ hợp lý. Song hành theo đó là đưa ra những chính sách bình ổn giá trên thị trường, thu hút các nhà đầu tư, tuyên truyền vận động, quảng bá nhằm chia sẻ những kiến thức cần thiết trong việc chăn nuôi sản xuất, tạo điều kiện phối hợp với các đơn vị chức năng hỗ trợ vốn nhằm thúc đẩy tinh thần tăng gia sản xuất của hộ. Bên cạnh đó, phát huy tinh thần tự giác của hộ nghèo, cùng xây dựng các phương án, kế hoạch sản xuất cụ thể, tạo thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững. Cần hướng dẫn cho hộ nghèo cách chi tiêu hợp lý, tiết kiệm tích lũy để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình cải thiện đời sống vật chất. Chính quyền địa phương cần có những tuyên dương khi các hộ nghèo tăng gia sản xuất và thoát nghèo, nhằm làm động lực thúc đẩy sự đột phá vươn lên của các hộ nghèo trong tỉnh.

Đối với các tổ chức tín dụng trong địa bàn,  trong tình hình dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn, nhất là hộ nghèo, chính vì thế, các tổ chức tín dụng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận vay vốn một cách nhanh chóng và kịp thời nhất. Bên cạnh đó, có những chính sách ưu đãi lãi suất cho người nghèo, miễn lãi hoặc xóa nợ đối với các trường hợp không đủ khả năng trả nợ do những trường hợp khách quan (những trường hợp cần được suy xét nhiều khía cạnh), có thể nâng mức cho vay sát với thực tế, nhằm tạo điều kiện tối đa, giúp người nghèo phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao mức sống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh (2020). Báo cáo tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
  2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh (2021). Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
  3. Nguyễn Văn Khiêm (2015). Báo cáo tham luận đánh giá qua 3 năm quyết tâm thực hiệncông tác giảm nghèo bền vững ở Trà Vinh.
  4. Nguyễn Việt Khoa (2018). Nghiên cứu giải pháp giảm nghèo ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Trà Vinh.
  5. Nguyễn Hồng Hà, Hà Văn Dũng (2018). Giảm nghèo đa chiều cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/giam-ngheo-da-chieu-cho-ho-ngheo-tren-dia-ban-tinh-tra-vinh-302876.html
  6. Huỳnh Viết Chính (2017). Giải pháp giảm nghèo bền vững huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Trà Vinh.
  7. Huỳnh Quang Linh, Nguyễn Thị Hồng Xuyến (2018). Một số giải pháp giảm nghèo tại TP. Trà Vinh. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/mot-so-giai-phap-giam-ngheo-tai-tp-tra-vinh-315958.html
  8. Nguyễn Lan Phương (2019). Các xu hướng ảnh hưởng đến công tác giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay. Truy cập tại https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/cac-xu-huong-anh-huong-den-cong-tac-giam-ngheo-o-viet-nam-hien-nay-313045.html
  9. Nguyễn Thị Hồng Xuyến (2018). Giải pháp giảm nghèo tại Thành phố Trà Vinh. Luận văn Thạc sĩ kinh tế, Trường Đại học Trà Vinh.

SOLUTIONS TO IMPROVE THE INCOME

OF POOR HOUSEHOLDS IN TRA VINH PROVINCE

• Assoc.Prof.Ph.D NGUYEN HONG HA1

• KIEN THI MINH NGUYET2

1Vice Dean, Faculty of Economics - Law, Tra Vinh University

2Women's Union of Tra Vinh Province

ABSTRACT:

This paper proposes some solutions to sustainably improve the income of poor households in Tra Vinh Province. By analyzing data collected over the period from 2016 to 2020, the paper assesses the current income of poor households in Tra Vinh Province and investigates the factor affecting the poor households income.

Keywords: poor households, income, solutions, Tra Vinh Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]