Động lực tham gia phát triển kinh tế của hộ nghèo tại Thành phố Cần Thơ - Gợi ý cải thiện chính sách giảm nghèo bền vững

BÙI TRƯỜNG GIANG (Chuyên viên Bệnh viện Y học Cổ truyền Thành phố Cần Thơ) và PGS.TS. MAI NGỌC KHƯƠNG (Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm phân tích ảnh hưởng của các nhân tố nhu cầu đến việc tham gia phát triển kinh tế của hộ nghèo thành phố Cần Thơ. Kết quả cho thấy, có 3 nhân tố tác động chính gồm: (1) Nhu cầu phát triển, (2) Nhu cầu kết nối và (3) Nhu cầu tham gia hội, đoàn thể. Từ đó, tác giả đưa ra các hàm ý chính sách nhằm giúp lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ có sự xem xét, đánh giá đúng trong quá trình xây dựng, thực thi chính sách để xem đâu là động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Từ khóa: Phát triển kinh tế, động lực giảm nghèo, hộ nghèo, Thành phố Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ có tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Mặc dù Đảng và chính quyền địa phương đã hết sức quan tâm, chăm lo cho việc thoát nghèo, thế nhưng các quận, huyện của vùng tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều. Theo Báo cáo số 3869/BC-SLĐTBXH ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, năm 2019 tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn 0,66%, toàn thành phố đã giúp 2.550 hộ vươn lên thoát nghèo, giảm số hộ nghèo xuống còn 2.401 hộ, chiếm 2,89%, ngoài ra thành phố còn 10.292 hộ cận nghèo. Qua đây cho thấy. TP. Cần Thơ đã rất cố gắng trong quá trình giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Thành phố đã tận dụng lợi thế địa hình cụ thể từng quận, huyện để phát triển các mô hình thoát nghèo có hiệu quả, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn nhiều và phân hóa chưa đồng đều, người nghèo vẫn còn tập trung nhiều ở vùng sâu, vùng xa. Việc xóa đói giảm nghèo vẫn luôn là một thách thức, các hộ cận nghèo xuống đến nghèo, thoát nghèo rồi lại tái nghèo, người dân luôn luẩn quẩn trong chuỗi nghèo, nghèo đa chiều, nghèo truyền thống, nghèo do sự cố đột xuất… Xuất phát từ thực tế trên, việc nghiên cứu “Động lực tham gia phát triển kinh tế để thoát nghèo của hộ nghèo tại Thành phố Cần Thơ, từ đó gợi ý cải thiện chính sách giảm nghèo bền vững” là rất cần thiết.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm về động lực

Có thể hiểu, động lực là những yếu tố tạo ra lý do hành động cho con người và thúc đẩy con người hành động một cách tích cực, có năng suất, chất lượng, hiệu quả; có khả năng thích nghi và sáng tạo cao nhất trong tiềm năng của họ.

Động lực có thể ở dạng có ý thức (khi trả lời được câu hỏi tại sao con người lại làm như vậy) hay vô thức (do bản năng, tính cách). Động lực là sự thôi thúc khiến người ta hành động, vì thế nó có một ảnh hưởng rất mạnh mẽ, ảnh hưởng này có thể tốt hoặc xấu. Một yếu tố giúp tạo động lực sẽ khơi dậy và định hướng hành động. Điều này có nghĩa, khi một người có động lực (được tạo), họ sẽ bị thôi thúc và hành động theo một cách thức nào đó để đạt được mục đích. Tuy nhiên, không nên đánh giá động lực tất yếu dẫn đến năng suất và hiệu quả công việc bởi thực hiện công việc không chỉ phụ thuộc vào động lực mà còn phụ thuộc vào khả năng của người lao động, phương tiện và các nguồn lực để thực hiện công việc. Trong trường hợp các nhân tố khác không thay đổi, động lực sẽ dẫn tới năng suất, hiệu quả công việc cao hơn.

2.2. Khái niệm về hộ nghèo

Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19 tháng 11 năm 2015 về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 [6] quy định như sau:

 Khu vực nông thôn: Là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Khu vực thành thị: Là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống;

- Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

2.3. Khái niệm kinh tế hộ gia đình

Kinh tế hộ gia đình là một tổ chức kinh doanh thuộc sở hữu của hộ gia đình, trong đó các thành viên có tài sản chung cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định. Sự tồn tại của kinh tế hộ chủ yếu dựa vào lao động gia đình để khai thác đất đai và các tài nguyên khác nhằm phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Các hoạt động chủ yếu ở các hộ gia đình tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tại thành phố Cần Thơ nói riêng là sản xuất nông nghiệp và các tiểu thương, trong đó đối tượng sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nước, làm vườn và chăn nuôi.

2.4. Khái niệm phát triển tập thể

Tập thể là nhóm chính thức có tổ chức cao, thống nhất, thực hiện mục đích chung, phù hợp với lợi ích xã hội. Hiện nay, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng mô hình nông dân cùng nhau làm giàu, các hợp tác xã với việc phát triển kinh tế hợp tác là xu hướng chung của quốc tế, với những định hướng cụ thể để phát triển kinh tế tập thể phù hợp.

Luật Hợp tác xã năm 2012 đã ban hành và từng bước đi vào cuộc sống. Nông dân tham gia vào kinh tế tập thể hoàn toàn tự nguyện với mục đích cùng nhau hợp tác sản xuất và bình đẳng, có tiếng nói chung, cùng nhau thực hiện để cùng có lợi, nhân rộng các mô hình tiêu biểu phù hợp với địa phương. Chỉ có tham gia vào kinh tế tập thể thì mọi sự hỗ trợ của Nhà nước mới đến được với nông dân một cách công bằng. Chỉ có kinh tế hợp tác doanh nghiệp mới đến hỗ trợ nông dân, liên kết và cùng nông dân hưởng lợi một cách công bằng.

2.5. Mô hình và giả thuyết nghiên cứu

Kết quả tìm hiểu nhiều nghiên cứu về tạo động lực cho thấy, thuyết E.R.G (Existence - Relatedness - Growth) của Clayton P. Alderfer là phù hợp với đối tượng trong nghiên cứu là các hộ nghèo. Vì vậy, có nhiều tác giả lựa chọn và sử dụng mô hình thuyết E.R.G của Clayton P. Alderfer để làm nền tảng cho nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó, sự tham khảo mô hình nghiên cứu của Mã Bình Phú và Lê Trần Thiên Ý [4], Anitha Chennamaneni và James T.C. Teng, Hồ Thị Kiều Oanh cũng đóng vai trò quan trọng trong đề xuất các nhân tố ảnh hưởng đến động lực của người nghèo tham gia phát triển kinh tế để thoát nghèo.

Trên cơ sở đó, mô hình nghiên cứu dự kiến đưa ra 3 yếu tố tác động đến động lực của các hộ nghèo trong việc thoát nghèo, gồm: (1) Nhu cầu tồn tại; (2) Nhu cầu kết nối; (3) Nhu cầu phát triển.

Với các giả thuyết nghiên cứu của đề tài gồm:

H1: Nhu cầu tồn tại có tác động cùng chiều đến động lực tham gia phát triển kinh tế thoát nghèo của hộ nghèo.

H2: Nhu cầu kết nối có tác động cùng chiều đến động lực tham gia phát triển kinh tế thoát nghèo của hộ nghèo.

H3: Nhu cầu phát triển có tác động cùng chiều đến động lực tham gia phát triển kinh tế thoát nghèo của hộ nghèo.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng và phương pháp lấy mẫu tỷ lệ. Các dữ liệu sau khi được thu thập sẽ được phân tích bằng cách sử dụng phần mềm SPSS phiên bản 20. Thang đo được thiết kế theo thang đo Likert 5 điểm với 21 biến quan sát của 3 biến độc lập và 8 biến quan sát của 1 biến phụ thuộc. Nghiên cứu đã thu thập được tổng cộng 454 hộ nghèo tại 9 quận, huyện tại thành phố Cần Thơ, gồm: Quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, huyện Ô Môn, huyện Thới Lai, huyện Vĩnh Thạnh và huyện Cờ Đỏ để đưa vào phân tích số liệu.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Thống kê mẫu nghiên cứu

Đối tượng khảo sát là các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Cần Thơ (khảo sát điều tra phỏng vấn trực tiếp 1 đại diện thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo). (Bảng 1)

Bảng 1. Thống kê mô tả mẫu nghiên cứu

thong_ke_mo_ta_mau_nghien_cuu

Nguồn: Dữ liệu khảo sát, 2019

4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA của các biến độc lập và phụ thuộc

Phân tích nhân tố khám phá được thực hiện 2 lần. Kết quả phân tích lần 1 đối với biến phụ thuộc cho thấy, Sig = 0.000 (<0,05), hệ số KMO = 0,878 (0,5 < 0,878 < 1) nên phân tích nhân tố EFA là phù hợp và phương sai trích tích lũy được là 55,056 (> 50%), giá trị Eigenvalue bằng 4,404 (> 1). Đồng thời, hệ số tải nhân tố (Factor loading) của 8 biến là khá cao (> 0,5). Như vậy, các biến quan sát của thang đo này đạt yêu cầu cho các phân tích tiếp theo.

Kết quả EFA lần 2 được thực hiện với 3 biến độc lập. Kết quả cho thấy, Sig = 0.000 (< 0,05), hệ số KMO = 0,859 (0,5 < 0,859 < 1), với phương pháp trích nhân tố Principal Component, phép quay Varimax, trích được 4 nhân tố (Nhu cầu kết nối được tách ra thành 2 nhân tố: Nhu cầu kết nối và Nhu cầu tham gia hội, đoàn thể) với 16 biến quan sát được trích rút (Bảng 2).

4.3. Kiểm tra độ tin cậy của thang đo

Kết quả cho thấy, hệ số Cronbach’s Alpha của các yếu tố trong mô hình nghiên cứu đều đạt chuẩn và được đưa vào phân tích hồi quy tiếp theo (Bảng 2).

Bảng 2. Bảng mô tả tóm tắt mức độ tin cậy của các nhân tố

bang_mo_ta_tom_tat_muc_do_tin_cay_cua_cac_nhan_to

4.4. Phân tích tương quan

Ma trận tương quan cho thấy, mức ý nghĩa của các hệ số rất nhỏ (Sig = 0.000 < 0,05) nên các biến phù hợp và có thể phân tích hồi quy.

4.5. Phân tích hồi quy đa biến

Từ kết quả phân tích hồi quy, ta có R2 = 0,526 và R2 điều chỉnh = 0,522. Có nghĩa là, khoảng 52,2% sự thay đổi của biến phụ thuộc “động lực tham gia phát triển kinh tế của hộ nghèo” có thể được giải thích bởi sự thay đổi của 4 thành phần, gồm: Nhu cầu phát triển, nhu cầu kết nối, nhu cầu tham gia hội, đoàn thể và nhu cầu tồn tại. Kết quả phân tích cho thấy, mô hình là phù hợp, có mối tương quan giữa biến phụ thuộc với các biến độc lập.

4.6. Kết quả phân tích hồi quy

Trong 4 biến đưa vào, có 3 biến được chấp nhận do có hệ số Sig < 0,05, cụ thể: Biến Nhu cầu phát triển có hệ số (B = 0,259; Sig = 0.000), biến Nhu cầu kết nối có hệ số (B = 0,445; Sig. =0.000), biến Nhu cầu tham gia hội, đoàn thể có hệ số (B = 0,138; Sig = 0.000); biến Nhu cầu tồn tại có hệ số Sig = 0,719 > 0,05 nên bị loại.

Phương trình hồi quy được xác định như sau:

ĐLTGPTKT = 0.483 + 0.445 * NCKN + 0.259 * NCPT + 0,138 * NCTGDH

Phương trình hồi quy chuẩn hóa cho thấy, động lực tham gia phát triển kinh tế của hộ nghèo chịu tác động của 3 nhân tố và cả 3 nhân tố đều thể hiện chiều tỷ lệ thuận với động lực tham gia phát triển kinh tế của hộ nghèo.

Trong 3 nhân tố nêu trên, nhân tố “Nhu cầu kết nối” là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến động lực tham gia phát triển kinh tế, nhân tố ảnh hưởng kế tiếp là “Nhu cầu phát triển” và nhân tố “Nhu cầu tham gia hội, đoàn thể” có ảnh hưởng yếu nhất.

Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy

ket_qua_phan_tich_hoi_quy

Nguồn: Xử lý số liệu của nhóm tác giả

5. Kết luận và hàm ý chính sách

5.1. Kết luận

Trên cơ sở lý luận nghiên cứu, đề tài xây dựng ban đầu với 4 nhân tố độc lập: Nhu cầu tham gia hội, đoàn thể (NCTGHD); Nhu cầu tồn tại (NCTT); Nhu cầu phát triển (NCPT); Nhu cầu kết nối (NCKN). Qua phân tích các nhân tố khám phá và tiến hành phân tích hồi quy đa biến, có 3 nhân tố của biến độc lập có ý nghĩa thống kê: (1) Nhu cầu tham gia hội, đoàn thể (NCTGHD); (2) Nhu cầu phát triển (NCPT) và (3) Nhu cầu kết nối (NCKN).

Phương trình hồi quy chuẩn hóa cho thấy, nhu cầu kết nối là yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến động lực tham gia phát triển kinh tế, yếu tố ảnh hưởng kế tiếp là nhu cầu phát triển và yếu tố nhu cầu tham gia hội, đoàn thể có ảnh hưởng yếu nhất.

5.2. Hàm ý chính sách

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù thành phố Cần Thơ là thủ phủ Đồng bằng sông Cửu Long nhưng tính đến năm 2016 có khoảng 11.993 hộ nghèo - chiếm tỷ lệ 3,75%, và 10.274 hộ cận nghèo - chiếm tỷ lệ 3,21%. Năm 2018 có tổng số hộ dân 323.712 hộ, với 1.282.274 khẩu, hộ nghèo: 4.951 hộ với 17.683 khẩu (chiếm tỷ lệ 1,53%). Trong đó, hộ nghèo về thu nhập có 3.461 hộ với 11.950 khẩu; hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản có 1.490 hộ với 5.733 khẩu, hộ cận nghèo có 11.421 hộ với 44.817 khẩu (chiếm tỷ lệ 3,53%). Cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở Cần Thơ khá cao.

Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là từ ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân cho thấy tỷ lệ hộ nghèo đã vượt kế hoạch đề ra. Năm 2019, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 76.311 lao động, đạt 152,6% kế hoạch năm 2019, tăng 26,6% so với năm 2018, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã đạt 73,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 58%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn 0,66%. Toàn thành phố đã giúp 2.550 hộ vươn lên thoát nghèo; giảm số hộ nghèo xuống còn 2.401 hộ, giảm 0,87% tỷ lệ hộ nghèo so với đầu năm và đạt 111,5% kế hoạch đề ra. Thành phố còn 10.292 hộ cận nghèo và tỷ lệ hộ cận nghèo năm 2019 của thành phố Cần Thơ là 2,89%.

Đối với “Nhu cầu kết nối”: Nhân tố này cho thấy, người dân có nhu cầu kết nối cao và đó cũng là động lực chính của các hộ nghèo phát triển kinh tế thoát nghèo, đối tượng nghiên cứu cũng ý thức trong quá trình hội nhập cần có sự kết nối trong quá trình phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình thoát nghèo đều có sự kết nối, kết nối từ người dân với chính quyền địa phương, nhà khoa học, nhà sản xuất giống cây trồng, nhà tiêu thụ và ngay cả kết nối giữa người dân với nhau. Ngoài ra, các hộ nghèo có ý thức trong trong sự thoát nghèo, vì khi kết nối họ có nhiều điều kiện thuận lợi trong sự phát triển thoát nghèo. Trong nhu cầu kết nối, việc tiếp cận nguồn vốn rất quan trọng, vốn để cải tạo, để tăng gia sản xuất tái cơ cấu, đầu tư trang thiết bị trong quá trình sản xuất - đây là yếu tố rất quan trọng trong quá trình thoát nghèo của các hộ dân.

Đối với “Nhu cầu tham gia phát triển”: Nhân tố cũng ảnh hưởng mạnh đến động lực tham gia phát triển đó là nhu cầu phát triển. Thực tế khi có ý thức tham gia phát triển, việc thoát nghèo của người dân được tốt hơn, họ có ý thức trong việc thoát nghèo, không ỷ lại hay trông chờ vào chính sách tập trung cho giáo dục thế hệ sau và phấn đấu thoát nghèo.

Đối với “Nhu cầu tham gia hội, đoàn thể”: Nhu cầu tham gia hội, đoàn thể cũng là yếu tố tạo động lực cho việc tham gia phát triển kinh tế thoát nghèo. Việc tham gia hội, đoàn thể giúp gắn kết giữa chính quyền địa phương với người dân hơn, được khuyến khích đôi khi cũng là động lực cho việc thoát nghèo.

5.3. Hạn chế và gợi ý hướng nghiên cứu tiếp theo

Hạn chế của đề tài: Nghiên cứu này đã có những đóng góp tích cực cho động lực tham gia phát triển để thoát nghèo của các hộ nghèo tại thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn còn những điểm hạn chế: Cỡ mẫu của nghiên cứu chỉ là 454 hộ nghèo trên tổng số 2.401 hộ và 10.292 hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến cuối năm 2019, dẫn đến việc đánh giá các nhân tố quan sát còn hạn chế.

Hướng nghiên cứu tiếp theo: Để hoàn thiện mô hình nghiên cứu, cần bổ sung thêm các hộ có mức sống bình thường, khá giả đến giàu có tại thành phố Cần Thơ, từ đó mẫu nghiên cứu có thể hiểu sâu hơn đâu là động lực để phát triển kinh tế. Số mẫu được tiến hành lớn hơn thì độ tin cậy sẽ càng chắc chắn hơn. Hướng tiếp theo của đề tài là xây dựng chính sách thu hút người dân thoát nghèo.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Việt Anh, Trần Thị Thu Thủy và Nguyễn Xuân Khoát (2010), Những nhân tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ nông dân có vốn vay ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Tạp chí Khoa học, Đại học Huế. 62, tr. 5-13.
  2. Võ Thành Khởi (2015), Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ gia đình ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Trà Vinh. 18, tr. 59-65.
  3. Chu Thị Kim Loan và Nguyễn Văn Hướng (2015), Ảnh hưởng của nguồn lực đến thu nhập của nông hộ tỉnh Thanh Hóa: Nghiên cứu điển hình ở huyện Thọ Xuân và Hà Trung, Tạp chí Khoa học và Phát triển 13(6), tr. 1051-1060.
  4. Mã Bình Phú và Lê Trần Thiên Ý (2014), Động lực tham gia phát triển kinh tế của phụ nữ nghèo Thành phố Cần Thơ, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 14, tr. 17-23.
  5. Nguyễn Đình Thọ (2013), Giáo trình pương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, Nhà xuất bản Tài chính, Thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 về việc Ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020.
  7. Bùi Văn Trịnh, Nguyễn Thị Thùy Phương (2014), Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay: Trường hợp của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, Số 19 (29), tháng 11-12/2014: tr. 87-94.
  8. Hoàng Trọng, Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008), Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS (tập 1 và 2), Nhà xuất bản Hồng Đức, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh.
  9. CP Alderfer (1969). An empirical test of a new theory of human needs. Organizational behavior and human performance. 10. Arnstein SR (1969). A Ladder of Citizen Participation. Journal of the American Institute of Planners, 35(4), 216-224. 11. JF Jr Hair và các cộng sự. (2010). Multivariate Data Analysis (Seven edition). Pearson Prentice Hall.
  10. Herzberg F, Bernard Mausner và Barbara B Snyderman (2010)/ The Motivation to Word. New Brunswick, New Jersey, USA.13. Maslow AH (1943). A theory of human motivation. Psychological Review, 50(45), 370-396. 14. Victor Vroom (1964). Expectancy Theory: Motivation and Management. 15. Harold Koontz and Heinz Weihrich (2010). Essentials of Management - An international perspective. Tata McGraw Hill Education Private Limited.

 

THE POVERTY REDUCTION MOTIVATION OF POOR HOUSEHOLDS LIVING IN CAN THO CITY: POLICY IMPLICATIONS FOR SUSTAINABLE POVERTY REDUCTION

BUI TRUONG GIANG

Official, Can Tho City Traditional Medicine Hospital

Assoc. Prof. Ph.D MAI NGOC KHUONG

International University, Vietnam National University Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The study analyzes the influence of demand factors on the economic development of poor households living in Can Tho City. The study finds out that there are key three factors affecting the poverty reduction motivation of poor households, including: (1) Growth needs, (2) Networking needs and (3) Needs to join associations and unions. Based on these findings, policy implications are given to help leaders of the People's Committee of Can Tho City effectively make, implement and assess poverty reduction policies targeted at the city’s poor households.

Keywords: Economic development, poverty reduction motivation, poor households, Can Tho City.