Phân tích ảnh hưởng của dịch vụ tài chính vi mô tới thu nhập của hộ nghèo: Nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

LÊ HUY CHÍNH - THS. LÊ THỊ BÌNH (Khoa Kinh tế - QTKD, Trường Đại học Hồng Đức)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu nhằm phân tích ảnh hưởng của dịch vụ tài chính vi mô (TCVM) tới thu nhập của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sử dụng phân tích hồi quy đa biến, kết quả cho thấy trong số các yếu tố thuộc dịch vụ TCVM, lãi suất và kỳ hạn có tác động ngược chiều đối với thu nhập của hộ nghèo. Ngược lại, giá trị của khoản cho vay có mối quan hệ thuận chiều với thu nhập. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy số người phụ thuộc trong hộ và rủi ro từ môi trường cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập. Trong khi đó, thời gian sử dụng dịch vụ TCVM, việc làm của chủ hộ và yếu tố thuộc về chính sách phi tài chính của các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM có ảnh hưởng tích cực đến thu nhập của đối tượng này. Căn cứ vào kết quả phân tích, một số khuyến nghị được đề xuất nhằm nâng cao thu nhập cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Từ khóa: tài chính vi mô, ảnh hưởng, thu nhập, hộ nghèo, tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề

Sự ra đời của các tổ chức TCVM, các loại hình dịch vụ TCVM trên thế giới và Việt Nam trong những năm qua đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách như một hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo nói riêng.

Trên thế giới, nhiều nghiên cứu cho thấy dịch vụ TCVM có tác động tích cực đối với việc tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập đối với các nhóm khách hàng có sử dụng dịch vụ này (Ahmed và cộng sự, 2011; Rukiye, 2012; Ayen, 2016).

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Trọng Hoài (2005) cũng cho thấy nếu hộ nghèo được vay vốn từ các tổ chức TCVM thì xác suất nghèo của một hộ gia đình giảm xuống. Một nghiên cứu khác tại khu vực Đồng bằng Sông cửu Long bởi Phan Đình Khôi (2013) cũng chỉ ra bằng chứng ảnh hưởng của dịch vụ TCVM đối với thu nhập của người dân nông thôn tại khu vực này. Những ảnh hưởng tích cực của TCVM đến việc tăng thu nhập, thoát nghèo cũng tìm thấy trong nhiều nghiên cứu khác tại các tỉnh thuộc phía Nam và Tây Bắc của đất nước (Lê Việt Phương, 2012; Bùi Văn Trịnh và Nguyễn Thị Thùy Phương, 2014; Nguyễn Hoài Nam, 2015).

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cùng với hệ thống ngân hàng làm nhiệm vụ cung cấp tín dụng cho kinh tế địa phương, các tổ chức TCVM cũng góp phần mạnh mẽ vào việc gia tăng mức độ tiếp cận tài chính cho các hộ nghèo. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào về ảnh hưởng của dịch vụ TCVM đối với thu nhập của hộ nghèo trên địa bàn để từ đó làm cơ sở cho định hướng chính sách trong công cuộc giảm nghèo tại địa phương.

2. Phương pháp nghiên cứu

Tại Thanh Hóa, số hộ nghèo được phân bố khắp 27 huyện, thị của tỉnh nhưng tập trung chủ yếu tại các huyện miền núi và một số huyện ven biển. Để thu thập thông tin, đề tài chọn phương pháp chọn mẫu thuận tiện kết hợp với chọn mẫu theo cụm để điều tra, phỏng vấn trực tiếp các hộ nghèo sử dụng dịch vụ TCVM thông qua bảng câu hỏi đã chuẩn bị sẵn. Sau khi rà soát, 466 bảng câu hỏi đáp ứng yêu cầu được đưa vào phân tích. Để phân tích ảnh hưởng của dịch vụ TCVM đến thu nhập và tiêu dùng của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nghiên cứu sử dụng hàm hồi quy đa biến với mô hình như sau:

Y = b0 + b1X1 + b2 X2 + …. + b11X11 + ei

Trong đó:

Y: Biến phụ thuộc, thu nhập của hộ nghèo sử dụng dịch vụ tài chính vi mô.

Xi (i = 1 - 11): Các biến độc lập.

bi: Hệ số hồi quy.

ei: Phần dư.

Việc lựa chọn các biến độc lập (Xi) cùng với kỳ vọng về dấu và cơ sở chọn biến được trình bày ở Bảng 1.

Bảng 1. Các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu

Tên biến độc lập (Xi)

Ký kiệu

Kỳ vọng

Mô tả biến

Nguồn

Tuổi (X1)

Tuoi

+

Số tuổi của chủ hộ (năm)

Nghi &̀ Trịnh (2011)

Giới tính (X2)

Gtinh

+

Biến giới tính của chủ hộ (Nam = 1, nữ = 0)

Trịnh & Phương (2014)

Quy mô hộ gia đình (X3)

Qmo

-

Số nhân khẩu trong hộ (người)

Nguyễn Trọng Hoài (2005)

Số phụ thuộc (X4)

Pthuoc

-

Số người phụ thuộc trong hộ (người)

Nguyễn Trọng Hoài (2005)

Việc làm của hộ (X5)

Vlam

+

Việc làm của người quyết định/chủ hộ, nhận giá trị 1= có việc làm (trong vòng 6 tháng) và ngược lại = 0

Phan Đình Khôi (2013)

Thời gian sử dụng dịch vụ TCVM (X6)

Tgian

+

Tổng thời gian hộ sử dụng các dịch vụ TCVM (năm)

Lê Việt Phương (2012)

Kỳ hạn vay (X7)

Kyhan

-

Khoảng thời gian từ khi vay đến khi trả (tháng) hoặc từ khi cho vay đến khi thu nợ

Nghi & Trịnh (2011); Trịnh & Phương (2014)

Lãi suất cho vay (X8)

Ls

-

Lãi suất vay/năm tại các tổ chức TCVM mà chủ hộ có vay vốn (%/năm)

Trịnh & Phương (2014)

Giá trị khoản vay (X9)

Gtri

+

Giá trị/qui mô của các khoản được vay (triệu đồng)

Nghi & Trịnh (2011); Trịnh & Phương (2014)

Rủi ro (X10)

Rro

-

Nhận giá trị 1 khi hộ gặp rủi ro trong quá trình sử dụng vốn, và nhận giá trị 0 khi không gặp rủi ro

Đinh Phi Hổ & Đồng Đức (2015)

Các chính sách phi tài chính (X11)

Csptc

+

Nhận giá trị = 1 có được chính sách hỗ trợ và ngược lại = 0

Nhật & cộng sự (2013); Tùng & cộng sự (2013)

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Một số đặc điểm của dịch vụ tài chính vi mô trong mẫu khảo sát

Lãi suất cho vay, theo kết quả khảo sát, các tổ chức TCVM hầu hết cho hộ nghèo vay với lãi suất thấp hơn hơn so với các đối tượng khác trên thị trường. Trong đó có Tổ chức tài chính vi mô TNHH 1 thành viên Tình Thương (TYM) và Tổ chức TCVM Thanh Hóa cho vay lãi suất tương đồng và thấp nhất 5,5%/năm tùy vào mức thời gian vay, nếu vay ngắn hạn dưới 1 năm mức lãi suất cho vay là 9,5%/năm. Các tổ chức khác dao động từ 9 đến 12%/năm. Đối với Ngân hàng CSXH, lãi suất vay được áp dụng cho hộ nghèo là 6.6%/năm - mức lãi suất vay áp dụng cố định không phân theo thời gian vay. Giá trị khoản vay, chủ yếu là từ 10-50 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 79% trên tổng số khách hàng vay vốn. Các khoản vay có giá trị trên 50 triệu đồng chiếm tỷ lệ 12%, Các khoản vay dưới 10 triệu đồng là rất ít, chỉ chiếm khoảng 9% trên tổng số khách hàng vay vốn của các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM. Kỳ hạn vay vốn, kỳ hạn 12 tháng (chiếm 63%), 15 tháng (chiếm 32%), kỳ hạn 18 tháng (chiếm 5%). Sau kỳ vay vốn ban đầu, nhiều khách hàng đã tiếp tục vay ở các chu kỳ sau.

3.2. Kết quả kiểm định

Bảng 2 cho thấy mức ý nghĩa quan sát có giá trị P_value = 0,00 < 0,05 chứng tỏ mô hình hồi quy có ý nghĩa thống kê, tức là mô hình hồi quy tuyến tính được thiết lập phù hợp với dữ liệu. Mô hình có R2= 0,687 và R2 hiệu chỉnh = 0,679. Kết quả này cho thấy các nhân tố đưa vào mô hình giải thích được 67,9% sự thay đổi của thu nhập của các hộ nghèo sử dụng dịch vụ TCVM và hệ số Durbin-Watson = 1,825 >1 chứng tỏ mô hình không có hiện tượng tự tương quan.

Trong 11 biến giải thích đưa vào mô hình, có 3 biến không có ý nghĩa thống kê là Tuoi (Tuổi của chủ hộ nghèo), Gtinh (Giới tính của chủ hộ nghèo), và Qmo (Quy mô hộ nghèo) vì giá trị P tương ứng > 0,05. Còn lại, 8 biến bao gồm: Pthuoc (số người phụ thuộc), Vlam (việc làm của chủ hộ), Tgian (thời gian sử dụng dịch vụ TCVM), Kyhan (kỳ hạn vay vốn), Ls (lãi suất vay vốn), Gtri (giá trị khoản vay), Rro (rủi ro từ môi trường), Csptc (chính sách hỗ trợ phi tài chính từ các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM) đều có ý nghĩa thống kê (giá trị P <0,05). (Bảng 2)

Bảng 2. Kết quả ước lượng mô hình hồi quy

Tên biến

Hệ số hồi quy

Thống kê t

Giá trị P

C

-1,512

-7,225

0,000

Tuoi (X1)

0,035

1,040

0,299

Gtinh (X2)

0,044

1,285

0,199

Qmo (X3)

-0,030

-0,921

0,357

Pthuoc (X4)

-0,204

-5,750

0,000

Vlam (X5)

0,122

3,679

0,000

Tgian (X6)

0,113

3,312

0,001

Kyhan (X7)

-0,075

-1,981

0,048

Ls (X8)

-0,209

-5,466

0,000

Gtri (X9)

0,199

5,608

0,000

Rro (X10)

-0,269

-7,153

0,000

Csptc (X11)

0,160

4,555

0,000

Số quan sát

 

 

466

P_value

 

 

0,000

F

 

 

90,73

R2

 

 

0,687

                                          Nguồn: Kết quả xử lý số liệu điều tra năm 2019

Từ kết quả ước lượng của mô hình tại Bảng 2, phương trình hồi quy biểu diễn mối quan hệ giữa thu nhập của hộ nghèo sử dụng dịch vụ TCVM và các yếu tố ảnh hưởng được viết lại như sau:

Y = -1,512 – 0,204*Pthuoc + 0,122*Vlam+ 0,113*Tgian  - 0,075*Kyhan -0,209*Ls + 0,199*Gtri – 0,269*Rro  + 0,160*Csptc

Căn cứ vào kết quả ước lượng mô hình và thực trạng kinh tế - xã hội địa phương, phương trình hồi quy được giải thích như sau: Số người phụ thuộc trong gia đình (Pthuoc): trong mô hình, hệ số ước lượng của biến này, b4 = - 0,204 thể hiện ảnh hưởng của số người phụ thuộc trong hộ nghèo đối với thu nhập theo mối quan hệ nghịch; Thực trạng việc làm của chủ hộ nghèo hoặc người quyết định (Vlam): trong mô hình, hệ số ước lượng của biến này, b5 = 0,122 thể hiện ảnh hưởng của thực trạng việc làm của chủ hộ nghèo hoặc người quyết định trong hộ nghèo đối với thu nhập theo mối quan hệ thuận chiều; Thời gian sử dụng dịch vụ TCVM (Tgian): trong mô hình, hệ số ước lượng của biến này, b6 = 0,113 thể hiện ảnh hưởng của thời gian sử dụng dịch vụ TCVM đối với thu nhập theo mối quan hệ thuận chiều, thời gian sử dụng dịch vụ TCVM càng tăng lên thì thu nhập của hộ nghèo càng tăng thêm; Kỳ hạn vay (Kyhan): trong mô hình, hệ số ước lượng của biến này, b7 = - 0,075 thể hiện ảnh hưởng của số người phụ thuộc trong hộ nghèo đối với thu nhập theo mối quan hệ nghịch.

Kỳ hạn tăng lên một bậc, thu nhập của hộ nghèo giảm xuống 0,075 triệu đồng trong một năm; Lãi suất vay (Ls): trong mô hình, hệ số ước lượng của biến này, b8 = - 0,209 thể hiện ảnh hưởng của số người phụ thuộc trong hộ nghèo đối với thu nhập theo mối quan hệ nghịch; Giá trị của khoản vay (Gtri): trong mô hình, hệ số ước lượng của biến này, b9 = 0,199 thể hiện ảnh hưởng của giá trị khoản vay đối với thu nhập theo mối quan hệ thuận chiều, giá trị khoản vay tăng lên thì thu nhập của hộ nghèo sẽ tăng lên; Rủi ro từ môi trường (Rro): trong mô hình, hệ số ước lượng của biến này, b10 = -0,269 thể hiện ảnh hưởng của rủi ro từ môi trường đối với thu nhập theo mối quan hệ nghịch và Chính sách phi tài chính từ các nhà cung cấp dịch vụ TCVM (Csptc): trong mô hình, hệ số ước lượng của biến này, b11 = 0,160 thể hiện ảnh hưởng của các chính sách phi tài chính từ các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM đối với thu nhập theo mối quan hệ thuận chiều.

4. Kết luận

Kết quả phân tích mô hình hồi quy chỉ ra 8 yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của hộ nghèo sử dụng dịch vụ TCVM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cụ thể: số người phụ thuộc trong hộ, lãi suất vay, kỳ hạn vay, rủi ro từ môi trường có ảnh hưởng ngược chiều đối với thu nhập. Ngược lại, thực trạng việc làm của chủ hộ, thời gian sử dụng dịch vụ TCVM, giá trị khoản vay, yếu tố thuộc về chính sách phi tài chính của các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM có ảnh hưởng thuận chiều đến thu nhập. Như vậy, để nâng cao thu nhập của hộ nghèo cần có giải pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực cũng như phát huy, khuếch đại ảnh hưởng tích cực đối với từng yếu tố:

Thứ nhất, để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của số người phụ thuộc, chính quyền địa phương cần có giải pháp về đào tạo nghề, tạo việc làm phù hợp cho người có khả năng lao động để giảm tỷ lệ thất nghiệp, sống phụ thuộc trong các hộ nghèo;

Thứ hai, để giảm thiểu ảnh hưởng ngược chiều của kỳ hạn tới thu nhập của hộ nghèo, các hộ nghèo đi vay nên vay chọn các khoản vay với kỳ hạn ngắn và hết chu kỳ vay vốn đầu tiên hãy tiếp tục vay cho đến khi những khoản vay này phát huy tác dụng, không nên chọn vay kỳ hạn dài;

Thứ ba, để giảm ảnh hưởng của rủi ro từ môi trường, chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tác động từ thiên tai, dịch bệnh như làm tốt công tác dự báo thiên tai, lũ lụt;

Thứ , các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô cũng như các nhà hoạch định chính sách nên nghiên cứu tăng giá trị các khoản vay cho các hộ nghèo.

Thứ năm, các tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM cần phát triển hơn nữa các chính sách phi tài chính như truyền thông tư vấn về sức khỏe, nâng cao kiến thức vệ sinh môi trường, bình đẳng giới, di cư an toàn,… giúp nâng cao kiến thức, bảo vệ sức khỏe, tránh bệnh nhiễm khuẩn phổ biến của người dân.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ahmed, F.,Siwar. C, Idris. N. A. H. and Begum, R.A. Microcredit’s contribution to the socio-economic development amongst rural women: A case study of Panchagarh District in Bangladesh. African Journal of Business Management Vol. 5(22), pp. 9760-9769, 30 September, 2011.
  2. Ayen, Y.W. Impact of Microcredit Programs on Female Headed Households in Jimma Zone, Ethiopia. International Journal of Scientific and Research Publications, Volume 6, Issue 1, 546, ISSN 2250-3153, January 2016.
  3. Nguyễn Trọng Hoài, Nghiên cứu ứng dụng các mô hình kinh tế lượng phân tích các nhân tố tác động đến nghèo đói và đề xuất xóa đói giảm nghèo ở các tỉnh Đông Nam bộ, đề tài cấp Bộ, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, mã số B2004-22-60TĐ, 2005.
  4. Đinh Phi Hổ & Đông Đức, Tác động của tín dụng chính thức đến thu nhập của nông hộ ở Việt Nam. Tạp chí Phát triển kinh tế, số 26 (2), tháng 2/2015.
  5. Phan Đình Khôi, Các nhân tố ảnh hưởng đến tiếp cận tín dụng chính thức và phi chính thức của nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Đại học Cần Thơ, 28, 2013.
  6. Nguyễn Hoài Nam, Đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của chương trình chính sách tín dụng đối với hộ nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội, Tạp chí Ngân hàng, 23, 2015.
  7. Nguyễn Đức Nhật, P.Q.Trung, T.T.Mai & P.P.Hồng, Nghiên cứu các mô hình giảm nghèo của các đối tác quốc tế tại Việt Nam. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2013.
  8. Nguyễn Quốc Nghi & Bùi Văn Trịnh, Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người dân tộc thiểu số ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Tạp chí Khoa học, 18a, 2011.
  9. Lê Việt Phương, Tác động của tài chính vi mô đến khả năng thoát nghèo của hộ gia đình nghèo tại huyện Bình Chánh, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Mở TP.HCM, 2012.
  10. Bùi Văn Trịnh & Nguyễn Thị Thùy Phương, Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay của hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, 19, 2014.
  11. Phùng Đức Tùng, N.V. Cường, N.H. Thủy, P.T.T. Thu, Đ.T. Trang, L.H.Châu & N.T.Nga, Impact of Ho Chi Minh City’s Poverty Reduction Policies on the Poor and Near-poor Households in 2009 - 2013, Chương trình phát triển liên hợp quốc (UNDP), Mekong Development research institute, 2013.
  12. Yayla, Effects of Microcredit Programs on Income Levels of Participant Members: Evidence From Eskişehir, Turkey. A Thesis Submitted to The Graduate School of Social Sciences of Middle East Technical University, 2012.

* Bài báo này là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp Bộ, mã số B2018-HDT-14 của Trường Đại học Hồng Đức.

 Analyzing the impacts of microfinance services on the income of poor households living in Thanh Hoa Province

Ph.D Le Huy Chinh

Master. Le Thi Binh

Faculty of Economics - Business Administration, Hong Duc University

ABSTRACT:

This study is to analyze the impact of microfinance services on the income of the poor households living in Thanh Hoa province. By using the multivariate regression analysis, this study finds that among microfinance variables, the interest rate and the term of loan negatively affects the poor households’ income. Meanwhile, the loan amount positively affects the poor households’ income. In addtion, the study’s findings show that the number of household’s dependents and environmental risk also have negative impacts on the poor household’s income. The lenght of microfinance services, the employment of the household’s head and non-financial factors of microfinance institutions positively affect the household’s income. Based on the study’s findings, some recommendations are proposed to increase the poor households’ income living in Thanh Hoa Province.

Keywords: Microfinance, influence, income, the poor household, Thanh Hoa Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]