Vai trò của hệ thống tài chính vi mô với công tác giảm nghèo bền vững hiện nay

ThS. BÙI THỊ THÚY HẰNG (Trường Đại học Hải Phòng)

TÓM TẮT:

Tài chính vi mô đóng vai trò hết sức quan trọng đối với công cuộc giảm nghèo và phát triển, đặc biệt là tại khu vực nông nghiệp nông thôn, nơi có đến 90% người nghèo trong cả nước. Sự hoạt động hiệu quả của hệ thống tài chính vi mô ở Việt Nam trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Từ khóa: Tài chính vi mô, giảm nghèo bền vững, khu vực nông nghiệp nông thôn, an sinh xã hội.

1. Đặt vấn đề

Sau gần 30 năm mở cửa và hội nhập, giảm nghèo vẫn là một chủ trương lớn và quan trọng phát triển kinh tế - xã hội ở từng khu vực nói riêng và ở bình diện quốc gia nói chung. Trong đó, bên cạnh việc xóa đói giảm nghèo cùng cực, việc giảm nghèo bền vững cũng là một yêu cầu trọng tâm, then chốt.

Không có khái niệm cụ thể về giảm nghèo bền vững, nhưng ta có thể hiểu giảm nghèo bền vững là việc Nhà nước và các cơ quan chức năng cung cấp cho người nghèo cũng phương thức phát triển mới mà tự họ không thể tự tiếp cận và duy trì, bên cạnh đó là hỗ trợ trong việc ngăn ngừa và loại trừ các yếu tố gây rủi ro, chứ không chỉ khắc phục hậu quả sau rủi ro. Để họ có thể tự lập trong tăng thu nhập và tăng mức độ hưởng thụ trong các dịch vụ xã hội khác, mà không phải dựa vào các biện pháp thoát nghèo nhanh như tặng nhà, tặng phương tiện sống… Và đặc biệt, sự hỗ trợ giảm nghèo này phải được xác lập trên nguyên tắc ưu tiên các vùng có khả năng, điều kiện thoát nghèo nhanh và có thể lan tỏa ra các vùng lân cận.

Công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn: 1998-2000; 2001-2005; 2006-2010; 2011-2015 và đang hướng đến công cuộc mới giai đoạn 2016-2020. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã đạt được nhưng thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng trong các thành tựu đó thì không thể không kể đến công tác của hệ thống tài chính vi mô.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Khái niệm hệ thống tài chính vi mô

Tài chính vi mô được coi là phương pháp phát triển kinh tế cho nhóm dân cư có thu nhập thấp, là một trong những công cụ hiệu quả của xóa đói giảm nghèo. Ngoài việc cung cấp dịch vụ tài chính, tài chính vi mô còn cung cấp các dịch vụ trung gian xã hội. Mặt khác, nó không chỉ cung cấp các dịch vụ đến các khách hàng cá thể, mà nó còn cung cấp đến các doanh nghiệp nhỏ.

Khái niệm về tài chính vi mô được rất nhiều nhà kinh tế và các tổ chức đưa ra, nhưng tổng hợp lại ta có thể hiểu tài chính vi mô là một cách thức phát triển kinh tế thông qua việc cung cấp các dịch vụ tài chính như tín dụng, gửi tiết kiệm, lương hưu, bảo hiểm và các dịch vụ khác cho những đối tượng có thu nhập thấp trong xã hội để phục vụ nhu cầu chi tiêu và đầu tư.

Thuật ngữ tài chính vi mô cũng được đề cập phổ biến ở Việt Nam, trong Nghị định số 28/2005/NĐ-CP đã dùng một khái niệm khác thay thế cho thuật ngữ này là tài chính quy mô nhỏ và còn đề cập tại Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12, điểm 5, điều 4: “Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ”.

2.2. Vai trò của hệ thống tài chính vi mô

Hệ thống tổ chức tài chính vi mô giữ vai trò quan trọng quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Về bản chất, tổ chức tài chính vi mô có vai trò song song về cả tài chính và xã hội.

Về khía cạnh tài chính, các tổ chức tài chính vi mô là các trung gian điều hòa giữa người dư thừa tiền mặt (là người gửi tiết kiệm) với người cần tiền mặt (là người đi vay), họ thông qua các tổ chức này để thỏa mãn nhu cầu của mình mà vẫn đảm bảo chi phí thấp nhất. Thông qua quá trình cung cấp các dịch vụ tài chính, các tổ chức tài chính vi mô thực hiện chức năng huy động tiết kiệm; tái tiết kiệm phân bổ cho đầu tư; và tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thương mại hàng hóa và dịch vụ, trở thành một công cụ đắc lực để giảm nghèo đói và tăng thu nhập.

Về khía cạnh xã hội, các tổ chức tài chính vi mô tạo ra cơ hội cho người nghèo - người có thu nhập thấp tiếp cận được với dịch vụ tài chính, tăng cường năng lực xã hội, hỗ trợ và cũng là động lực khuyến khích sự tham gia của họ vào việc nâng cao sản xuất, tự lập tài chính và nỗ lực vươn lên, loại bỏ sự ỷ lại, trông chờ vào các chính sách ưu đãi “cho không” của Nhà nước.

3. Thực trạng hoạt động của hệ thống tài chính vi mô trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở Việt Nam

Tổ chức tài chính vi mô ngày càng phổ biến và rộng rãi trên khắp cả nước, tính đến nay Việt Nam có trên 100 tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô thuộc 3 khu vực: Khu vực chính thức (gồm, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); khu vực bán chính thức (gồm, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và chương trình của các tổ chức xã hội) và khu vực phi chính thức. Tài chính vi mô cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng (cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm, giáo dục tài chính cho khách hàng lập ngân sách và tiết kiệm, hỗ trợ tài chính kịp thời cho khách hàng gặp khó khăn), giúp người nghèo hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, góp phần giúp người nghèo tránh, giảm rủi ro về kinh tế và cuộc sống, từ đó, tăng thu nhập hộ gia đình.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân thông qua việc thực hiện đồng loạt các chương trình trọng điểm, duy trì mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo…

Cụ thể trong giai đoạn 2005-2010: Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từ 22% vào năm 2005, xuống còn 9,45% vào năm 2010 với chuẩn nghèo tương ứng. Trong giai đoạn 2011- 2015: áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,5% (năm 2015).

Biểu đồ 1: Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2010 - 2015

Biều đồ 1 cho thấy những con số đáng được ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo quốc gia cũng như tốc độ và hiệu quả của quá trình giảm nghèo bền vững, bên cạnh đó công tác tài chính vi mô cũng là yếu tố quang trọng góp phần không nhỏ để tạo nên những thành tựu trên.

Biểu đồ 2: Tổng nguồn vốn và dư nợ cho vay tín dụng hộ nghèo của NHCSXH
Đơn vị tính: Tỷ đồng

(Nguồn: Báo cáo thường niên của NHCSXH)

Số liệu bảng 1 và biểu đồ 2 cho thấy tổng dư nợ và tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng lớn và tăng đều đặn với tốc độ ổn định trong nhiều năm. Năm 2014, tổng dư nợ cho vay đạt 129.456 tỷ đồng, gấp trên 18 lần so với thời điểm thành lập (năm 2003), tốc độ tăng trưởng bình quân năm đạt trên 20%.

Đồng thời vốn tín dụng chính sách trong 13 năm qua đã góp phần giúp trên 25,6 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn và tiếp cận với hệ thống tài chính vi mô. Giúp đỡ hơn 3,8 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo vượt khó được vay vốn học tập; thu hút, tạo việc làm cho trên 11 triệu lao động. Và đáng kể là việc góp phần giúp 3,8 triệu hộ nghèo vượt ngưỡng nghèo.

Mặc dù có những thành tựu đóng góp đáng kể nhưng hệ thống tài chính vi mô ở nước ta vẫn còn chậm phát triển, chưa thực sự thu hút được nhiều sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước chính quyền địa phương, các nhà tài trợ và các tổ chức liên quan. Hành lang pháp lý vẫn còn nhiều khoảng trống, một số quy định vẫn chưa thực sự phù hợp (như về quản trị điều hành, lãi suất, tỉ lệ đảm bảo an toàn, bảo hiểm vi mô…) cũng phần nào cản trở khả năng hoạt động của hệ thống tài chính vi mô. Ngoài ra, cũng do những nhân tố nội tại trong hệ thống, như việc thực hiện các đề án còn chậm trễ, tính liên kết nội bộ giữa các tổ chức tài chínhvi mô còn lỏng lẻo, thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả.

4. Biện pháp trong việc tổ chức, hoạt động cho hệ thống tài chính vi mô ở Việt Nam

Thứ nhất, về nâng cao nhận thức

Tài chính vi mô có rất nhiều hoạt động, không chỉ cung cấp dịch vụ tín dụng mà còn các dịch vụ thanh toán, bảo hiểm, các dịch vụ xã hội… vậy nhưng đến nay, rất nhiều người vẫn còn nhầm lẫn tài chính vi mô với tín dụng vi mô. Mặt khác, việc cung cấp các dịch vụ tài chính và dịch vụ xã hội không phải là một hoạt động từ thiện. Đặc trưng của tài chính vi mô là thực hiện hai chức năng: Chức năng xã hội là giúp đỡ những người nghèo; chức năng kinh tế là phải thu đủ bù chi, tự nuôi sống mình để tồn tại và phát triển. Từ đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tài chính vi mô cũng như tăng cường phổ biến kinh nghiệm và các mô hình hoạt động tài chính vi mô hiệu quả.

Thứ hai, về hệ thống chính sách

Xây dựng môi trường pháp lý đồng bộ, phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính vi mô như: Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp; chính sách thuế, phí phù hợp; phát triển hoạt động bảo hiểm vi mô theo hướng chuyên nghiệp;

Xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô thuận lợi cho tài chính vi mô phát triển, trọng tâm là chính sách lãi suất, lãi suất phải đủ bù đắp được chi phí hoạt động, tình trạng mất vốn, lạm phát của tài chính vi mô trong quá trình mới thành lập. Còn trong quá trình hoạt động, khi các tổ chức tài chính vi mô theo đuổi các mục tiêu xã hội, Chính phủ xem xét miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần phải bổ sung điều chỉnh những chính sách tài chính vi mô cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn sao cho phù hợp thiết thực hiệu quả và khả thi;

Kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tài chính vi mô, chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Thứ ba, về phương thức hoạt động

Lồng ghép các hoạt động tài chính vi mô vào các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các hoạt động của các hội, đoàn thể;

Các tổ chức tài chính vi mô cần có sự trợ giúp ban đầu của Chính phủ và các nhà tài trợ, khi mà các tổ chức tài chính vi mô chưa có khả năng huy động tiết kiệm;

Cần phải minh bạch, công khai về tài chính: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người nghèo bị tính lãi suất quá cao khi vay vốn, là do các tổ chức tài chính vi mô đưa ra các khoản phí được tính thêm làm cho lãi suất các khoản vay tăng cao.

Thứ tư, về tổ chức thực hiện

Chính phủ và các cơ quan ban ngành chức năng cần thúc đẩy hơn nữa cơ chế hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô; đồng thời, tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng và minh bạch hoạt động cho các tổ chức này như: Sớm hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức hoạt động của hệ thống tài chính vi mô; áp dụng mức lệ phí cấp giấy phép hợp lý trong mối tương quan với Quỹ tín dụng nhân dân. Xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ở cấp độ cao nhất đối với tài chính vi mô; đẩy mạnh hoạt động của hệ thống tín dụng vi mô tài chính vi mô là nơi nào các ngân hàng thương mại không với tới thì các tổ chức tài chính vi mô sẽ tiếp cận và giúp đỡ người dân.

Xây dựng hệ thống giám sát kiểm tra cho hoạt động tài chính vi mô. Cần có một tổ chức như hiệp hội tiến hành thống kê toàn diện về các chương trình tài chính vi mô ở Việt Nam nhằm cải thiện thông tin về tài chính vi mô. Đồng thời, giám sát hoạt động và đưa ra các chuẩn mực so sánh. Thông tin thu nhập được sẽ góp phần hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính trong việc soạn thảo các thông tư hướng dẫn.

Các tổ chức tài chính vi mô cần tăng cường đầu tư các hoạt động nghiên cứu và phát triển; Đào tạo nhân lực có chuyên môn về tài chính ngân hàng, quản lý tài chính, chuyên nghiệp hóa cán bộ; Nâng cao khả năng quản lý vốn và điều hành tổ chức; Tối ưu hóa việc sử dụng thông tin và hệ thống thông tin quản lý, quản lý rủi ro; Mở rộng các hoạt động quảng bá sản phẩm tín dụng...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo giảm nghèo năm 2015 và kế hoạch năm 2016 của Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020;

2. Báo cáo về tài chính vi mô năm 2014, 2015 của Ban Công tác tài chính vi mô;

3. Đào Văn Hùng (2005), Phát triển hoạt động Tài chính vi mô ở Việt Nam, NXB Lao Động - Xã hội;

4. Đặc san Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam từ số 46 đến số 67;

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2015), Hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, tính đến ngày 01/12/2016;

6. Các website: giamngheo.molisa.gov.vn, thuvienphapluat.vn, gso.gov.vn, vietnamplus.vn, vneconomy.vn, microfinance.vn, vbsp.org.vn…

7. Lê Xuân Bá, Một số vấn đề phát triển lao động Việt Nam, NXB Lao động.

8. Đình Đăng Định, Một số vấn đề lao động việc làm và đời sống người lao động ở Việt Nam hiện nay.

9. Vũ Thị Vân, Thực trạng và giải pháp cho xuất khẩu lao động ở Việt Nam.

10. Lê Đặng Khánh Hoàng, Thực trạng xuất khẩu lao động ở Việt Nam. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả.

11. Tổng cục Thống kê.

12. Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg

13. Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg

14. Quyết định số 18/2007/QĐ-BLĐTBXH

15. Quyết định số 19/2007/QĐ-BLĐTBXH

16. Quyết định số 20/2007/QĐ-BLĐTBXH

17. Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH

18. http://www.wikipedia.org

19. http://dolab.gov.vn

20. http://www.vamas.com.vn

THE ROLE OF THE MICROFINANCE SYSTEM

IN SUSTAINABLE POVERTY REDUCTION

MA. BUI THI THUY HANG

Hai Phong University

ABSTRACT:

Microfinance plays a very important role in poverty reduction and development in the country, especially in rural agriculture where 90% of the poor are. The effective operating of the microfinance system in Vietnam in recent years has made important contributions to the realization of the Party and State's policy of ensuring social security and sustainable poverty reduction.

Keywords: microfinance, sustainable poverty reduction, rural agriculture, social security.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây