Mối liên hệ giữa tài chính vi mô tới xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam

ThS. LÊ MINH TRANG (Khoa Tài chính ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Tài chính vi mô đã giúp xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam một cách tích cực. Nhờ các chương trình của Chính phủ, phần lớn hộ nghèo đã được vay vốn từ nhiều nguồn khác nhau, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân… Bài viết bàn về mối liên hệ giữa tài chính vi mô tới xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp.

Từ khóa: Tài chính vi mô, xóa đói giảm nghèo, vay vốn.

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, đa số người nghèo sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với năng suất lao động thấp và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và kiến thức. Tổ chức tài chính vi mô (TCVM) có khả năng cung cấp các loại hình dịch vụ và sản phẩm tài chính cho cộng đồng người nghèo nhằm giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và đóng góp cho xã hội. Mặc dù vốn vay của TCVM không lớn như ngân hàng thương mại hay ngân hàng chính sách nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi những khoản vay này đến được với người nghèo và nghèo nhất vào đúng thời điểm cần thiết nhất, giúp họ khởi tạo sản xuất kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định chỉ tiêu và bảo vệ họ khỏi nghèo đói mặc dù việc này cần thời gian.

Nhờ các chương trình của Chính phủ mà phần lớn hộ nghèo đã được vay vốn từ nhiều nguồn . Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu tìm đến nguồn vốn của người nghèo vẫn còn rất lớn và chưa được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; đòi hỏi chương trình TCVM cần nỗ lực hơn nữa.

Hiện nay, Việt Nam cơ bản vẫn là nước nông nghiệp (trên dưới 70% dân số) cư trú ở khu vực nông thôn với lực lượng lao động trẻ, dồi dào; chủ yếu sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn sẽ diễn ra quá trình phân công lại lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Chính vì vậy, nhu vầu về vốn và dịch vụ tài chính đòi hỏi ngày càng lớn, đặc biệt đối với hộ nghèo, vốn cho sản xuất - xóa nghèo trở thành yêu cầu cấp bách. Thực tế đã chứng minh đa số hộ nghèo nhờ tiếp cận nguồn vốn - phát triển sản xuất được cải thiện rõ rệt.

2. Cơ sở lý luận

2.1. Khái niệm

Khái niệm TCVM xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976, khi Muhammad Yunus, người thành lập nên Ngân hàng Grameen, như là một thử nghiệm, ở vùng ngoại ô của Bangladesh. Kể từ khi đó, một vài tổ chức TCVM đã ra đời và đạt được thành công khi đến gần với những người nghèo nhất trong xã hội. Tài chính vi mô đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là công cuộc giảm nghèo đói và phát triển xã hội tại các quốc gia đang phát triển. Vai trò của tài chính vi mô đối với giảm nghèo cũng được khẳng định thông qua các nghiên cứu lý thuyết (Legerwood, 1999; ADB, 2000; Morduch and Haley, 2002; Khandker, 2003). Tuy nhiên, phải đến khi Ủy ban Nobel trao cho Ngân hàng Grammen Bank và người sáng lập Muhammad Yunus Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2006: “Vì những nỗ lực của họ trong việc tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội”, tài chính vi mô mới thực sự thu hút được sự chú ý của thế giới và niềm tin vào khả năng chống lại đói nghèo.

Alex Counts (2008) đã phát hiện thực tế rằng: Nghèo đói được nhìn nhận không phải là sản phẩm tạo ra bởi người nghèo, nhưng chắc chắn họ được xem như nhân tố chính trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, vai trò của TCVM và doanh nghiệp xã hội có thể là chìa khóa mở rộng tiềm năng này; trong đó cần công nhận “tín dụng” như một quyền cơ bản của con người.

Khái niệm tổ chức TCVM bao hàm chủ thể cung cấp các dịch vụ TCVM khác nhau về tính pháp lý; chức năng nhiệm vụ; phương thức hoạt động; khả năng bền vững... Tổ chức TCVM còn có thể được hiểu với nghĩa rộng hơn nữa là bất cứ tổ chức nào như: ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng và tiết kiệm, tổ chức tài chính phi chính phủ, hợp tác xã tín dụng - thực hiện việc cung cấp tài chính cho người nghèo.

2.2. Mối quan hệ giữa TCVM với xóa đói giảm nghèo

Trong cuộc sống người nghèo cần một khoản tiền nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu như: (i) Nhu cầu cơ bản: Ăn, ở, mặc, học hành, đi lại; (ii) Nhu cầu xã hội: Hiếu, hỷ, tiêu dùng cho các phong tục tập quán; (iii) Nhu cầu khẩn cấp mang tính cá nhân như: Điều trị ốm đau, mất việc, bị trộm cắp; (iv) Nhu cầu có tính cơ hội: Đầu tư kinh doanh, mua thêm đất sản xuất, tích trữ nông sản, (v) Nhu cầu khác: dịch bệnh, thiên tai... Để có số tiền đó, người nghèo chuyển tài sản thành tiền bằng một trong những cách như: (i) Bán tài sản họ đã có (đất, tài sản trong nhà...) và hy vọng sẽ có (lúa non, bán xanh hoa quả...); (ii) Vay tiền bằng cách thế chấp, cầm cố tài sản; (iii) Tiết kiệm tích cóp, chuyển khoản tiết kiệm nhỏ thành khoản lớn hơn. Tuy nhiên, trên phương diện tài chính, người nghèo tiêu dùng phần lớn thu nhập cho cuộc sống hàng ngày của họ và gia đình; người nghèo vẫn mong muốn tiếp tục tiết kiệm - dù ít ỏi, để dự phòng cho tương lai. TCVM được phát triển với mục tiêu trọng tâm ban đầu là hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, số người nghèo không phải là một nhóm cố định, vì có những người thoát nghèo, người tái nghèo; trong đó không ít hộ thường xuyên “ra”,“vào” nhóm này.

3. Thực trạng

Gần 30 năm sau khi tổ chức TCVM đầu tiên được thành lập, thị trường TCVM vẫn còn trong quá trình tiến hóa, TCVM dần mở rộng trong những năm 1980 cho vay đối với người nghèo nông thôn tạo ra thu nhập. Kể từ đó, TCVM cải tiến công cụ ngày càng toàn diện hơn; mục đích chính là cung cấp dịch vụ cho nhiều người chưa tiếp cận ngân hàng tại thị trường mới nổi, đang phát triển. TCVM chú trọng đến dịch vụ thanh toán, tài khoản tiết kiệm, bảo hiểm và dịch vụ tài chính khác.

Theo Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng thì tổ chức TCVM là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Hệ thống hoạt động của các tổ chức TCVM chủ yếu trải dài từ miền núi Tây Bắc tới duyên hải miền Trung. Đặc biệt là những vùng khó khăn, núi cao, kinh tế kém phát triển, vùng dân tộc thiểu số cũng có sự xuất hiện của các tổ chức TCVM như Tổ chức TCVM Tình Thương (TYM) với 57 chi nhánh ở 9 tỉnh, thành phố: Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội, Phú Thọ… Mạng lưới TCVM M7 với 7 thành viên hoạt động trên địa bàn 5 tỉnh nghèo miền núi phía Bắc và duyên hải miền Trung: Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên… Tổ chức TCVM Thanh Hóa có địa bàn hoạt động 12 huyện thị, 36 xã phường tại tỉnh Thanh Hóa…

Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh xã hội, cả nước có hơn 2,31 triệu hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 9,79% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,24 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 5,27%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Theo kết quả điều tra, khu vực miền núi Tây Bắc có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước với 34,52%; tiếp theo là Tây Nguyên và miền núi Đông Bắc với 20,74%. Đông Nam bộ có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với 1,23%; tỉ lệ hộ nghèo của Đồng bằng sông Hồng cũng chỉ 4,76%.

Điện Biên (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%)... là những tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Trong khi đó, Bình Dương là địa phương duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo mới. TP. Hồ Chí Minh cũng có tỉ lệ hộ nghèo (0,02%) và cận nghèo (0,2%) rất thấp. Đây là những địa phương có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.

Một số chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội chung của Chính phủ và của các tổ chức TCVM cho đối tượng hộ nghèo trên toàn quốc như các chính sách hỗ trợ tạo sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi... vẫn sẽ được duy trì để các hộ gia đình có điều kiện bảo đảm cuộc sống, nâng cao thu nhập, từ đó có thể tự nâng cao khả năng tiếp cận của hộ gia đình với các dịch vụ xã hội cơ bản.

4. Giải pháp

Thứ nhất, phát triển các tổ chức TCVM chính thức trên nhiều khía cạnh. Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) hiện được xem như một ngân hàng TCVM - Nhà nước bao cấp, nên không hoạt động theo cơ chế thị trường. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng tỷ trọng chương trình TCVM rất nhỏ. Do đó, cần có giải pháp, chính sách trợ giúp phát triển TCVM tại các tổ chức này lớn mạnh hơn, đem lại lợi ích cho cả hai phía.

Thứ hai, các tổ chức TCVM cần đảm bảo hoạt động minh bạch và trang trải toàn bộ chi phí . Đây là tiêu chí quan trọng nhất, là mục tiêu phải hướng đến đầu tiên của mọi tổ chức TCVM muốn hoạt động lâu dài.

Thứ ba, vấn đề tuyển dụng và chính sách nhân sự của tổ chức TCVM cần được quan tâm trên nhiều mặt; mức lương, phúc lợi, hệ thống khuyến khích khen thưởng nhân viên đúng mức.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Robert Chambers (1991), Phát triển nông thôn, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp.

2. Alex Counts (2008), Small Loans, Big Dreams, John Wiley & Sons, Inc.

3. http://vneconomy.vn/tai-chinh/tai-chinh-vi-mo-cho-nguoi-ngheo-69645.htm

4. http://www.microfinance.vn/category/tai-chinh-vi-mo-viet-nam/tai-chinh-vi-mo-viet-nam-tai-chinh-vi-mo-viet-nam/?lang=vi

http://www.vietnamplus.vn/tai-chinh-vi-mo-cho-nguoi-ngheo-chiec-can-cau/25759.vnp

THE RELATIONSHIP BETWEEN PROVIDING MICROFINANCE AND POVERTY REDUCTION IN VIETNAM

MA. LE MINH TRANG

Faculty of Banking and Finance, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Microfinance has significantly alleviated the poverty rate in Vietnam. Most poor households in Vietnam could borrow loans from various financial sources, such as Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development (Agribank), Vietnam Bank for Social Policies (VBSP) and People's Credit Funds thanks to Vietnamese government’s credit programs. This study analyzes the relationship between providing microfinance and the poverty reduction in Vietnam. The study also proposes some solutions to accelerate the poverty reduction in Vietnam.  

Keywords: Microfinance, poverty reduction, lending.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây