Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp của hộ nghèo ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk

DƯƠNG THỊ ÁI NHI (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên)

TÓM TẮT:

Phát triển nông nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đặc biệt là góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam nói chung cũng như Tây Nguyên và đặc biệt trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Trên cơ sở khái quát thực trạng sản xuất nông nghiệp của hộ nghèo trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, bài viết tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng phát triển sản xuất nông nghiệp của hộ nghèo trên địa bàn nghiên cứu, bao gồm: (i) Yếu tố điều kiện tự nhiên; (ii) Yếu tố nguồn lực sản xuất cho nông nghiệp của nhóm hộ nghèo; (iii) Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; (iv) Thị trường các yếu tố đầu vào và đầu ra; (v) Kết cấu hạ tầng nông thôn và (vi) Chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bài viết đã đề xuất được một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển kinh tế phát triển sản xuất nông nghiệp của nhóm hộ nghèo trong thời gian tới.

Từ khóa: Hộ nghèo, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, phát triển, sản xuất nông nghiệp.

1. Khái quát về thực trạng sản xuất nông nghiệp của nhóm hộ nghèo

Huyện Lắk là một huyện miền núi nằm về phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 52 km. Đây là một huyện vùng xa còn rất nhiều khó khăn, với 16 dân tộc anh em sinh sống, chiếm 57,68% dân số của huyện phân bổ chủ yếu ở các xã vùng III của huyện. Về cơ bản, đây là một huyện thuần nông với 82,56% tổng diện tích đất tự nhiên là đất nông nghiệp (Phòng Thống kê huyện Lắk, 2019). Phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lắk những năm qua đã góp phần làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện, các lĩnh vực văn hóa, y tế và giáo dục cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15,2 triệu đồng/người/năm (năm 2018). Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lắk vẫn là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh 21,11% (năm 2018). Trong những năm gần đây, hàng loạt các chính sách giảm nghèo của Trung ương và địa phương đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 25,33% (năm 2013) xuống còn 21,11% (năm 2018). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn khá cao, phần lớn hộ nghèo là ở các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến năm 2018, số hộ nghèo của toàn Huyện là 7.224 hộ (chiếm 40,58%), tỷ lệ thoát nghèo là 16,49%, tỷ lệ hộ tái nghèo là 0,18% và tỷ lệ hộ nghèo phát sinh là 6,84%. Sản xuất nông nghiệp của các nhóm hộ nghèo ở huyện Lắk chủ yếu là chuyên canh cây hằng năm, trong đó lúa nước là cây trồng có diện tích lớn nhất với diện tích bình quân là 0,56 ha/hộ (Kết quả phỏng vấn nông hộ, 2019). Năng suất và sản lượng các loại cây trồng chưa cao do nhiều nguyên nhân, như: thiếu các nguồn lực để đầu tư sản xuất, chất lượng đất ngày càng xuống cấp làm cho năng suất cây trồng thấp. Các loại vật nuôi đa dạng với số lượng đàn gia súc, gia cầm khá lớn, góp phần phát triển kinh tế của hộ. Không có sự chênh lệch lớn về kết quả sản xuất nông nghiệp giữa nhóm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm hộ nghèo người Kinh trên địa bàn nghiên cứu.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp của hộ nghèo

2.1. Các yếu tố về điều kiện tự nhiên

Hộ nghèo ở huyện Lắk thường sinh sống ở những vùng có độ dốc cao, vùng sâu vùng xa, cách rất xa các trung tâm của xã, thị trấn, huyện. Đất đai bị chia cắt nhỏ lẻ, manh mún. Đồng thời, chất lượng đất xấu do bị rửa trôi và các đặc tính lý hóa học khác.

Khí hậu mang tính chất khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm và đặc thù của thung lũng, mỗi năm có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Lượng mưa trung bình từ 1.800-1.900mm, phù hợp cho việc trồng cho nhiều loại cây nông nghiệp khác nhau. Biến đổi khí hậu những năm gần đây đã làm cho hiện tượng hạn hán, thiếu nước về mùa khô và lũ lụt, ngập úng về mùa mưa thường xuyên diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn huyện Lắk, đặc biệt là ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất nông nghiệp của nông hộ.

2.2. Các yếu tố nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp về nguồn lực lao động

Nguồn lao động của nhóm hộ nghèo khá dồi dào, bình quân là 5 lao động/hộ (Kết quả phỏng vấn nông hộ, 2018). Trong sản xuất nông nghiệp, lao động và nhân khẩu tác động rất lớn đến tình hình sản xuất - kinh doanh của nông hộ. Các nông hộ có thể tận dụng nguồn lao động tại chỗ trong chăm sóc, quản lý, thu hoạch, từ đó góp phần giảm bớt chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, về chất lượng lao động của nhóm hộ nghèo còn nhiều hạn chế, số lượng lao động được qua đào tạo chỉ chiếm 11% và trình độ học vấn của chủ hộ chủ yếu là mù chữ và cấp 1 (trên 70%).

- Về nguồn lực đất đai  

Hoạt động sản xuất nông nghiệp gắn liền với đất đai. Kết quả phỏng vấn nông hộ cho thấy diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân hộ là 0,56 ha với bình quân mỗi mảnh đất từ 0,2 - 0,3 ha. Riêng đối với nhóm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, với có phong tục chia đất khi con cháu lập gia đình nên diện tích đất cho mỗi hộ ngày càng ít đi (bình quân 0,45 ha/hộ). Giá đất cao, người dân không có vốn để mua đất sản xuất, nên phần lớn (83% số hộ nghèo thuê đất) phải thuê thêm đất với diện tích đất thuê bình quân 0,52 ha/hộ (Kết quả phỏng vấn nông hộ, 2019). Sản xuất nông nghiệp không chỉ gặp khó khăn về quy mô đất sản xuất, mà chất lượng đất ngày càng bị giảm, dẫn đến chất lượng nông sản không đạt hiệu quả cao, năng suất thấp. Nguyên nhân chính là do nông hộ ngày càng lạm dụng việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất. Do đó, chất lượng đất ngày càng bị bạc màu và thoái hóa đã ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

- Về nguồn lực vốn       

 Vốn là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp duy trì và mở rộng sản xuất nông nghiệp. Đối với các nhóm hộ nghèo trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, nông hộ sử dụng nguồn vốn để tiến hành đầu tư nguồn giống, mở rộng quy mô và chăm sóc cây trồng trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Kết quả phỏng vấn nông hộ cho thấy, nhu cầu vay vốn của nông hộ cho sản xuất tương đối cao, bình quân có 82,83% số hộ vay vốn với lượng vốn vay trung bình là gần 11,84 triệu đồng/hộ. Nguồn vay của các nông hộ trên địa bàn chủ yếu là từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), Ngân hàng Chính sách xã hội, các đại lý vật tư phân bón và từ nhiều nguồn vốn vay khác như họ hàng, bạn bè, hàng xóm,... Nguồn vay phổ biến nhất vẫn là từ các đại lý (vay vật tư, phân bón), chiếm 32,3% trong tổng vốn vay của nông hộ, khoản cho vay này sẽ được các đại lý thu lại sau khi các nông hộ thu hoạch. Việc tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng NN & PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội còn nhiều hạn chế. Lượng vốn vay từ các ngân hàng này ít (3-5 triệu đồng/hộ), trong khi chi phí cho sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Chính vì vậy, người dân vay ngay tại các đại lí vật tư nông nghiệp để trực tiếp vay những loại cần thiết cho nông nghiệp. Các nguồn vốn vay được nông hộ đánh giá là có thủ tục vay tương đối nhanh gọn và đơn giản. Tuy nhiên, lượng vốn vay còn hạn chế, khiến các nông hộ chưa thật mạnh dạn đầu tư vào vào sản xuất. Nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất khác nhau về thời điểm và loại hình sản xuất - kinh doanh của hộ, thời hạn vay vốn của các ngân hàng là khác nhau. Do đó, mức trả theo từng thời điểm cũng có sự khác nhau.

- Về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ

Sản xuất nông nghiệp không thể tách rời những tiến bộ khoa học kỹ thuật vì nó đã tạo ra cây trồng vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt. Hiện nay lĩnh vực khoa học và công nghệ ngày càng được quan tâm hơn. Hiện nay, có 2 mô hình nuôi lợn nái Sóc Tây Nguyên được triển khai đến các nông hộ. Kết quả, có 5 con lợn nái đã sinh sản được 30 con lai và bước đầu đã đạt những hiệu quả nhất định, con lai F1 thích nghi với môi trường và sinh trưởng, phát triển tốt.

- Về trang thiết bị và phương tiện sản xuất

Việc trang bị máy móc thiết bị ở các nông hộ chưa đầy đủ, mức độ trang bị còn thấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp. Chi phí đầu tư để mua sắm máy móc thiết bị chưa được chú trọng do hạn chế về nguồn vốn đầu tư. Riêng đối với nhóm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu, đặc biệt là nhóm hộ dân tộc thiểu số từ nơi khác di dân, có liên kết với mọi người trong dòng họ. Nhờ truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau, nên họ có thể mượn hoặc thuê mướn của nhau để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. 

2.3. Thị trường yếu tố đầu vào và đầu ra

Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, yếu tố giá cả thị trường có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân. Trên địa bàn nghiên cứu, người dân thường bị động trước những biến động của giá cả thị trường, làm ảnh hưởng khá lớn đến thu nhập, đời sống của người dân sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Huyện có quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ, thiếu liên kết, còn hạn chế về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm; số lượng cơ sở thu mua nông sản vẫn còn hạn chế, quy mô nhỏ nên họ không đứng ra cung ứng đầy đủ vật tư đầu vào cho người dân; số lượng cơ sở bên ngoài cung ứng vật tư đầu vào vẫn còn thấp, chưa đa dạng, phong phú về sản phẩm. Do đó, vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân nơi đây. Vì vậy, đối với nông dân, trong sản xuất, cần tìm hiểu thị trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng internet. Cần luyện tập thói quen phân tích, nhận định, phán đoán và dự báo thị trường sản phẩm nông nghiệp để lập kế hoạch sản xuất hợp lý theo nhu cầu thị trường; đồng thời, cần liên kết sản xuất theo tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để chủ động điều phối sản xuất và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

2.4. Kết cấu hạ tầng nông thôn

Kết cấu hạ tầng nông thôn cũng có tác động đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Đối với nhóm hộ nghèo đặc biệt là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, hệ thống điện, chợ, các trung tâm giao dịch và hệ thống thông tin chưa được hoàn thiện, chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu, do đó chưa thực sự thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa và sản xuất nông nghiệp nhằm thoát nghèo. Sự yếu kém của kết cấu hạ tầng nông thôn đã cản trở đến phát triển sản xuất nông nghiệp, như việc cung ứng các yếu tố đầu vào bị hạn chế và tiêu thụ sản phẩm trở nên khó khăn hơn. Cụ thể: tính đến năm 2018, trên địa bàn huyện Lắk có 39 công trình thủy lợi, gồm 7 trạm bơm, 18 đập dâng và 15 hồ chứa có thể phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp (UBND huyện Lắk, 2018). Tuy nhiên, hiện nay nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp, không thể tưới nước đúng năng lực thiết kế, chỉ tưới được 60-90% công suất (UBND huyện Lắk, 2018).

2.5. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hay hạn chế phát triển kinh tế thị trường trên địa bàn huyện. Do vậy, vai trò của Nhà nước và địa phương rất quan trọng trong việc kịp thời ban hành chính sách, các văn bản hướng dẫn nhằm định hướng kịp thời cho việc phát triển. Trong những năm qua, Nhà nước đã có các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp đối với nhóm hộ ĐBDTTS, bao gồm: chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Huyện Lắk đã có một số chương trình và kế hoạch quá trình sản xuất nông nghiệp như KH Số được thể hiện trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Huyện; chương trình phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng gia súc năm 2018 trên địa bàn huyện Lắk.

Những yếu tố này đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, trong đó có sự phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua. Khó khăn lớn nhất làm hạn chế đến khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp của nhóm này là do hạn chế về các yếu tố nguồn lực bao gồm đất đai, vốn, năng lực của chủ thể sản xuất và lao động. Do xuất phát điểm thấp, lại hạn chế về các yếu tố nguồn lực của chủ thể sản xuất nên chưa tiếp cận được các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp của Trung ương và tỉnh. Vì vậy, cần nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trong việc khuyến khích sự tham gia của chủ thể sản xuất để được hưởng các chính sách ưu tiên này.

3. Một số giải pháp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp của hộ nghèo

3.1. Phát huy tiềm năng sẵn có của điều kiện tự nhiên, đồng thời có kế hoạch cụ thể để hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đến sản xuất nông nghiệp

Tiếp tục dựa vào lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên như địa hình, khí hậu thời tiết để sản xuất nông nghiệp. Tận dụng tối đa nguồn nước, nguồn đất, tìm các loại cây trồng vật nuôi phù hợp với địa bàn để đa dạng hóa cây trồng hơn, từ đó tạo ra nhiều loại nông sản có sản lượng và chất lượng để nâng cao đời sống cho nông hộ. Có kế hoạch cụ thể để phòng chống ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đối với sản xuất nông nghiệp.

3.2. Tăng cường các yếu tố nguồn lực đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao kết quả và hiệu quả sản xuất nông nghiệp

Thứ nhất, liên kết mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp và tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

- Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân hộ nghèo dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê đất để tích tụ ruộng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư để phát triển sản xuất nông nghiệp. Đồng thời dễ dàng hơn để đối phó với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

- Chú trọng đến việc bảo vệ và cải tạo đất nhằm nâng cao chất lượng đất, từ đó góp phần tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi.

- Khuyến khích liên kết giữa các nhóm hộ với nhau trong cùng buôn làng và dòng họ để mở rộng quy mô diện tích đất phát triển sản xuất nông nghiệp.

Thứ hai, đào tạo và nâng cao chất lượng lao động.

- Tăng cường công tác bồi dưỡng, mở các lớp đào tạo nâng cao trình độ thâm canh trong sản xuất cho người dân, đặc biệt là các lớp tại vườn để bà con tận mắt, tận tay thực hành nhằm cung cấp đầy đủ kiến thức, kĩ năng trồng và chăm sóc. Khuyến khích các tầng lớp người dân tích cực học tập nâng cao nhận thức để tạo nền tảng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất.

- Có những chính sách khuyến khích các cán bộ nông nghiệp làm việc tại địa phương để phục vụ sản xuất cho người dân.

- Đa dạng hóa các loại hình khuyến nông trong các lớp tập huấn, đưa ra những hình thức hữu ích để thu hút sự tham gia của người dân.

Thứ ba, mở rộng các hình thức tín dụng nông thôn, gia tăng lượng vốn vay và thời hạn cho vay.

Cần thực hiện chính sách ưu đãi vốn đầu tư cho các hộ sản xuất bao gồm:

- Tăng mức vốn cho vay và thời hạn vay đối với các hộ sản xuất cần vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu với khoảng thời gian vay 3 năm trở lên để hộ có đủ thời gian thu hồi vốn và tiến hành trả vốn gốc, lãi và tiếp tục đầu tư tái sản xuất mở rộng quy mô.

- Cần có chính sách và giải pháp về bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi vì độ rủi ro trong nông nghiệp khá cao, đặc biệt là tình trạng hạn hán, sâu bệnh, dịch bệnh, sự thiếu ổn định trên thị trường, biến động giá cả vượt ngoài tầm kiểm soát của nông hộ.

Thứ tư, tăng cường khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp.

Khoa học công nghệ đã trở thành lực lượng trực tiếp để nâng cao hiệu quả và năng suất lao động. Khoa học công nghệ ở đây được hiểu cả trong sản xuất, trong cung ứng vật tư sản xuất (giống vật nuôi, cây trồng) lẫn sau thu hoạch. Nếu chủ thể sản xuất không có giống cây trồng, vật nuôi tốt sẽ dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm kém, sản phẩm sẽ khó tiêu thụ, thậm chí không tiêu thụ được. Để hoạt động sản xuất - kinh doanh của chủ thể sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, về mặt khoa học công nghệ, cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Nhập khẩu các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.

- Đổi mới giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ chế biến, tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi, áp dụng công nghệ sau thu hoạch, các biện pháp bảo vệ và tăng độ phì nhiêu của đất và bảo vệ nguồn nước.

- Quy hoạch đầu tư phát triển các vườn ươm giống cây trồng và các cơ sở sản xuất con giống hoặc hỗ trợ có điều kiện sản xuất giống để đảm bảo giống tốt, giống có chất lượng cao.

- Khuyến khích chủ thể sản xuất góp vốn vào quỹ hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất và làm dịch vụ kỹ thuật cho nông dân trong vùng.

- Tổ chức dịch vụ kỹ thuật như dịch vụ giống, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y theo nhiều hình thức, khoán gọn khâu bảo vệ, khoán theo công đoạn dịch vụ.

- Tăng cường hệ thống khuyến nông, khuyến lâm trên cơ sở xã hội hóa, giúp trang trại và nông dân cải tiến phương pháp và kỹ thuật canh tác.

- Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi hơn với điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra trên địa bàn nghiên cứu.

Thứ năm, đầu tư hiện đại hóa tăng cường trang thiết bị và phương tiện sản xuất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Để trang bị phương tiện sản xuất một cách đầy đủ và hiện đại các nông hộ cần mạnh dạn đầu tư, vay vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng để trang bị các loại máy móc phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương chỉ nên tập trung kinh phí hỗ trợ một phần đầu tư mua máy, thiết bị phục vụ phát triển cơ giới hóa, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện, tập huấn kỹ thuật. Cần khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư và phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo máy nông nghiệp có hiệu quả kinh tế, kỹ thuật cao phù hợp kinh tế - xã hội và đặc điểm đồng đất của huyện. Củng cố, thiết lập hệ thống mạng lưới các cơ sở phân phối, cung cấp, bảo hành, sửa chữa máy ở các địa phương. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh máy nông nghiệp trên địa bàn Huyện có những hình thức ưu đãi đối với người mua máy cơ giới nông nghiệp, như: bán hàng trả chậm, bảo trì, bảo hành, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng.

Thứ sáu, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

- Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra theo dõi diện tích tưới của các công trình thủy lợi; lập phương án phòng, chống thiên tai.

- Xây thêm, mở rộng hệ thống kênh mương đảm bảo nước tưới; các tuyến đường giao thông ruộng đồng.

- Tu sửa những công trình xuống cấp.

- Đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, đảm bảo các công trình được thi công kịp thời; chủ động tích nước phục vụ sản xuất.

- Mở rộng các phiên chợ giao dịch, hệ thống điện nông thôn, các hệ thống giao dịch thông tin để giúp người dân có điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất nông nghiệp.

3.3. Mở rộng và củng cố hệ thống cung ứng vật tư đầu vào và thu mua nông sản đầu ra

Xây dựng các tổ chức và hệ thống thu mua, hình thành liên kết giữa nông hộ sản xuất với các công ty doanh nghiệp thu mua để sản phẩm sau khi sản xuất được bao tiêu, người dân không phải lo lắng nhiều về đầu ra cho sản phẩm, người dân có thể bán nông sản cho công ty hoặc doanh nghiệp thu mua.

Hình thành mạng lưới dịch vụ, cung cấp thông tin thị trường cho nông dân một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời. Tránh cho người dân bị thiệt thòi trong khi tiêu thụ nông sản.

3.4. Tiếp tục thực hiện chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp đối với nhóm hộ nghèo

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước, của Tỉnh cũng như của Huyện về phát triển nông nghiệp, nông thôn và tiêu thụ nông sản.

- Cân đối ngân sách và có chính sách đảm bảo nguồn vốn đầy đủ cho các chính sách hỗ trợ được ban hành từ trung ương đến địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều chính sách hỗ trợ trong thời gian qua sau khi được Trung ương xây dựng và ban hành đã giao toàn bộ trách nhiệm triển khai cho chính quyền địa phương nhưng không khả thi, do cấp huyện không bố trí được nguồn lực để thực hiện.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi cục Thống kê huyện Lắk (2019), Niên giám thống kê huyện Lắk năm 2018.
  2. Phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện Lắk (2019), Báo cáo công tác xóa đói giảm nghèo huyện Lắk năm 2018.
  3. Nguyễn Duy Thụy (2014), “Về công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Đắk Lắk thời kỳ đổi mới”, Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, Số 03/2014, tr.10-17.
  4. UBND huyện Lắk, tỉnh Đắk Lăk (2019), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội huyện Lắk năm 20184.
  5. Lê Anh Vũ, Nguyễn Đức Đồng (2017), Phát triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại gắn với xoá đói giảm nghèo bền vững ở Tây Nguyên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Yến (2011), “Phát triển nông nghiệp nông thôn với giảm nghèo ở Thái Nguyên”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, Số 79 (03), tr.52-58.

 

FACTORS AFFECTING THE AGRICULTURAL PRODUCTION DEVELOPMENT OF POOR HOUSEHOLDS IN LAK DISTRICT, DAK LAK PROVINCE

Ph.D. DUONG THI AI NHI

Faculty of Economics, Tay Nguyen University

ABSTRACT:

Development of agricultural production contributes to economic growth, especially to the success of hunger eradication and poverty reduction in Vietnam in general and in the Central Highlands in particular, especially in Lak District, Dak Lak Province. Based on the overview on the agricultural production of poor households in Lak district, Dak Lak Province, this research focuses on analyzing factors affecting the agricultural production development of poor households in Lak district, Dak Lak Province, including (i) Natural conditions; (ii) Agricultural production resources of poor households; (iii) Application of scientific and technical advances to agricultural production; (iv) Market of inputs and outputs; (v) Rural infrastructure and (vi) Government’s support policies. This research also proposes some basic solutions to economic development and agricultural production development of poor households in the future.

Keywords: Poor households, Lak District, Dak Lak Province, development, agricultural production.