Sáng ngày 15/11/2019, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thanh tra Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ kỷ niệm 74 năm ngày thành lập ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945-23/11/2019). Giao nhiệm vụ cho Thanh tra Bộ, Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu, thời gian tới, lực lượng Thanh tra Bộ Công Thương phải là "tai mắt của trên, người bạn của dưới” theo như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Báo cáo hoạt động của Thanh tra Bộ Công Thương trong năm 2019, ông Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những khâu quan trọng của quản lý nhà nước nói chung và của Thanh tra ngành Công Thương nói riêng.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Bộ Công Thương đã tập trung vào nhiều những lĩnh vực như đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý sử dụng đất đai; thu chi ngân sách, mua bán hàng hoá và dịch vụ; Quản lý thị trường, xúc tiến thương mại, điện lực, hóa chất...
“11 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Bộ Công Thương đã 5 cuộc thanh kiểm tra hành chính, 2 cuộc thanh tra về phòng chống tham nhũng, 318 cuộc thanh kiểm tra chuyên ngành, xử lý số tiền 30 tỷ đồng và 5.698 ha đất. Đối tượng thanh kiểm tra trong năm 2019 gồm 40 doanh nghiệp hóa chất, 1 doanh nghiệp ngành dầu khí, 8 doanh nghiệp ngành điện lực...
Các hoạt động thanh kiểm tra đã góp phần quan trọng trong phục vụ đắc lực cho công tác quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại; phát hiện, ngăn ngừa, chấn chỉnh nhiều vi phạm; góp phần tích cực vào việc xử lý, khắc phục hậu quả của các sai phạm; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương”, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương Lê Việt Long cho biết.
Bên cạnh việc thanh tra theo kế hoạch, lực lượng Thanh tra Bộ Công Thương còn giải quyết các khiếu nại, tố cáo, hoạt động tiếp công dân đã được lực lượng thanh tra chú trọng hơn. Việc giải quyết đơn thư được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không có tình trạng đơn thư tồn đọng, kéo dài.
Đáng chú ý, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được lực lượng thanh tra Bộ Công Thương thực hiện quyết liệt hơn. Theo đó, Thanh tra Bộ đã thực hiện tăng cường tuyên truyền, quán triệt, phổ biến giáo dục về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Việc tuyên truyền phổ biến, quán triệt được lồng ghép trong các cuộc họp giao ban hàng tuần, hàng tháng, hàng quý...
Ngoài ra, công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và phát triển lực lượng trong năm qua đã được Bộ quan tâm chú trọng, đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn chính trị cho đội ngũ cán bộ công chức.
Biểu dương, đánh giá cao kết quả mà thanh tra ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, trong điều kiện tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, khó khăn, thách thức nhưng thanh tra ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết, lực lượng thanh tra của cả nước và của ngành Công Thương nói riêng được hình thành từ rất sớm, ngay sau khi cách mạng tháng tám thành công. Lực lượng thanh tra tập trung vào các lĩnh vực: xử lý đơn thư tố cáo, khiếu nại, thanh tra công vụ, chấn chỉnh hoạt động sai trái, vi phạm pháp luật...
Đối với Thanh tra Bộ Công Thương, Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác phòng chống tham nhũng là một lĩnh vực hết sức quan trọng và phức tạp, đòi hỏi Thanh tra Bộ phải có bản lĩnh vững vàng, giải pháp đồng bộ, tiến hành quyết liệt hơn, để tạo được chuyển biến rõ rệt; phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc hướng dẫn, đôn đốc, triển khai các biện pháp phòng ngừa.
Lãnh đạo Bộ rất quan tâm đến công tác thanh tra, Thanh tra Bộ luôn luôn dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các kế hoạch thanh tra hàng năm bao gồm thanh tra hành chính, thanh tra công vụ, thanh tra chuyên ngành đều được trình lên Bộ trưởng duyệt.
Ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Đây cũng chính là lực lượng thực hiện thanh tra chuyên ngành. Vì vậy, Thanh tra Bộ cần chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giúp Tổng cục Quản lý thị trường thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Thứ trưởng nói.
Để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của ngành Công Thương cũng như cả nước, trong thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng An yêu cầu, lực lượng Thanh Bộ cần làm tốt hơn nữa công tác thanh tra.
“Ngoài việc phát hiện vấn đề tồn tại trong thực thi công vụ thì kỹ năng phòng ngừa là đòi hỏi rất lớn, phải mang tính dự báo được. Nếu chúng ta làm tốt công tác thanh tra định kỳ hàng tuần, hàng tháng, thay vì chờ đến khi có vụ việc xảy ra thì kết quả thanh tra còn tốt hơn rất nhiều.
Khi những vụ việc đã xảy ra rồi, chúng ta bắt đầu thanh tra xử lý, thì công tác thanh tra hoàn toàn thất bại, đôi khi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hao hụt ngân sách, mất mát về mặt con người, nhân lực...” Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.
Cũng theo Thứ trưởng, chưa bao giờ thế và lực của ngành thanh tra lại mạnh mẽ như thời điểm hiện tại. Đó là thời điểm mà Đảng, Nhà nước và toàn dân đang đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, chống lại các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật.
“Thời gian tới, thanh tra Bộ phải thiết lập, siết chặt kỷ cương hơn nữa, mang lại công bằng lẽ phải, thượng tôn pháp luật...”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An giao nhiệm vụ.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đã tặng bằng khen của Bộ trưởng cho những đơn vị, tập thể và cá nhân có thành tích và đóng góp tích cực cho sự nghiệp thanh tra.