Cần phải khẳng định rằng, sau hơn 25 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới và hơn 20 năm tái lập Tỉnh, Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị đã nhanh chóng vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách để giành được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ tính từ năm 1991 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Quảng Trị luôn được duy trì ổn định, giai đoạn sau tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước. Bình quân giai đoạn 1991-1995 tăng 6,2%, đến giai đoạn 2006-2010 tăng 10,8% và năm 2011 tăng 9,6%. Tổng sản phẩm năm 2011 đạt 3.303 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với năm 1991, gấp 1,8 lần so với năm 2005. Cùng với đà tăng trưởng kinh tế khá, thì chất lượng của nền kinh tế cũng được cải thiện. Cụ thể, GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 21,8 triệu đồng; Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm giai đoạn 2006-2010 là 22%; tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2011 đạt 1.466,2 tỷ đồng, gấp 71,2 lần năm 1991; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong 5 năm đạt 17.446 tỷ đồng, gấp 3 lần thời kỳ 2001 - 2005 và năm 2011 đạt 6.451 tỷ đồng. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt trên 40%.
Cơ cấu kinh tế đã có sự dịch chuyển tích cực, năm 1991 nền kinh tế chủ yếu là thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm 64%, đến năm 2011 khu vực nông nghiệp đã giảm xuống còn 28%, khu vực phi nông nghiệp đã tăng lên 72%, trong đó công nghiệp xây dựng 37%, dịch vụ chiếm 35%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã kéo theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, tỷ lệ lao động ngành nông - lâm - ngư nghiệp trong tổng số lao động xã hội giảm từ 62,8% năm 2005, xuống 55% năm 2010, lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ tăng 37,2% năm 2005 đến năm 2010 đã đạt 45%.
Hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn Tỉnh ngày càng được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt, tạo ra nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo điều kiện để thu hút và triển khai thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng quan trọng đã được đầu tư và đưa vào sử dụng hiệu quả như: Quốc lộ 9, đường 9 D, đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, đường Cửa Tùng - Cửa Việt, cầu Cửa Tùng, cầu Cửa Việt, đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn; đảm bảo ANQP vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Trị; khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cửa Tùng và Cồn Cỏ; các hồ đập thủy lợi Ái Tử, Sa Lung, Hà Thượng, nâng cấp hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn, đê bao chống lũ vùng trũng Hải Lăng, công trình thuỷ lợi thuỷ điện Quảng Trị; Quảng trường và Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh... Và hàng trăm công trình hạ tầng giao thông, đô thị, mạng lưới điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng phục vụ lĩnh vực xã hội như: Xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao phát triển khá mạnh. Thị xã Đông Hà được nâng cấp lên thành phố đô thị loại 3, thị xã Quảng Trị được mở rộng địa giới hành chính, các thị trấn Cửa Việt, Cửa Tùng đã thành lập. Bộ mặt nông thôn đến nay đã có nhiều khởi sắc. Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, khu dịch vụ du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng, các khu công nghiệp Nam Đông Hà và Quán Ngang, các trung tâm thương mại, dịch vụ ở thành phố Đông Hà… ngày càng hoàn thiện về kết cấu hạ tầng và từng bước phát huy hiệu quả.
Những năm qua, nhờ có chủ trương, chính sách thu hút đầu tư hợp lý nên môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi và hấp dẫn. Sự công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp đã được quan tâm thực hiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Trị liên tục được cải thiện. Năm 2009, Quảng Trị xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2010 xếp thứ 16/63. Đến năm 2011, tiếp tục đạt thứ hạng cao, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quảng Trị đã trở thành một địa phương có sự cải thiện thứ hạng PCI ấn tượng nhất trong cả nước.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có những tiến bộ trên nhiều mặt, đời sống văn hóa, tinh thần và thể chất của nhân dân được quan tâm, công tác thông tin, truyền thông được đảm bảo, góp phần phản ánh kịp thời và định hướng mọi hoạt động của đời sống xã hội. Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, an sinh xã hội đã có nhiều tiến bộ.
Quốc phòng - an ninh của Tỉnh cũng được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố, qua đó an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chú trọng, các hoạt động đối ngoại được tăng cường, các hoạt động đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp trong tỉnh có bước đổi mới, chất lượng được nâng lên.
Để phát triển toàn diện và bền vững, trong những năm tới, Quảng Trị sẽ tập trung vào một số định hướng phát triển chính: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; Tích cực đầu tư chiều sâu, gắn với giải quyết các vấn đề nông dân, nông thôn, trọng tâm là thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất; Thực hiện thâm canh, chuyên canh, nâng cao giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Tập trung đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao… Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác hợp lý quỹ đất, mặt nước ven sông, ven biển để đưa vào nuôi trồng thủy sản, nâng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt thủy hải sản gắn với bảo vệ môi trường.
Quảng Trị sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng theo hướng hiện đại, vững chắc, gắn với bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình CNH, HĐH và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp mà địa phương có khả năng cạnh tranh. Ưu tiên phát triển mạnh những ngành công nghiệp có lợi thế so sánh, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của tỉnh; phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đặc biệt chú ý đến phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, mà trọng tâm là công nghiệp chế biến. Tích cực kêu gọi thu hút đầu tư và chuẩn bị các điều kiện để có thể khởi công xây dựng một số dự án trọng điểm tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (Cảng nước sâu Mỹ Thủy, trung tâm nhiệt điện than và khí, nhà máy xử lý khí, các cơ sở công nghiệp vật liệu xây dựng...). Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, làng nghề cho các huyện, thị xã, thành phố và phấn đấu đến năm 2015 mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một cụm công nghiệp, làng nghề.
Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả các loại hình dịch vụ, tạo bước phát triển mạnh dịch vụ du lịch; khai thác và phát huy lợi thế của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo; củng cố và mở rộng thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn; mở rộng thị trường xuất khẩu, chú ý các loại hàng hoá sản xuất tại địa phương; phát triển mạnh dịch vụ vận tải, mạng lưới kho bãi, dịch vụ phục vụ hàng quá cảnh, tạm nhập tái xuất, gia công tái chế, đóng gói sản phẩm, linh kiện hàng hoá, dịch vụ bưu chính viễn thông theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phần mềm, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bên cạnh đó, Quảng Trị tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nền kinh tế; Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, từng bước hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực và quốc tế; Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để khuyến khích và thu hút đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng và các cụm dịch vụ Cảng Mỹ Thủy, hệ thống đê kè biển, đê kè sông ứng phó với biến đổi khí hậu, cầu sông Hiếu và đường dẫn hai đầu cầu, đường ven biển đoạn Nam Cửa Việt - Hải Khê, đường ven biển Vĩnh Thái - Cửa Việt, đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn phát triển kinh tế đảm bảo ANQP vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2 và các đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế đã được Chính phủ bố trí vốn đầu tư; khu vực Di tích hàng rào điện tử Mac Namara; Đường cao tốc Cam Lộ-Lao Bảo; Phát triển toàn diện đô thị Đông Hà; Kết cấu hạ tầng Khu Kinh tế Đông Nam... Trong đó, tập trung mọi nỗ lực để phát triển kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào Cảng Mỹ Thủy và Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, để tạo sự bứt phá mạnh mẽ cho nền kinh tế - xã hội tỉnh trong 5 năm tới và những năm tiếp theo, phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh có nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Kế thừa thành tựu của 20 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Trị đã phát huy truyền thống đoàn kết trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, năng động và sáng tạo, tích cực chủ động, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương phấn đấu đưa Quảng Trị trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung bộ, xứng đáng là mảnh đất được mệnh danh giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, vững vàng trong xây dựng và phát triển KT-XH, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong tiến trình hồi nhập kinh tế quốc tế.
Thành tựu kinh tế - xã hội của Quảng Trị trong 40 năm qua và định hướng phát triển trong thời gian tới
TCCT
Quảng Trị là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, bị chiến tranh tàn phá khốc liệt, ngay sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã bắt tay ngay vào công cuộc khắc phục hậu q