Tháo gỡ khó khăn trong thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi nói tiếng Pháp

Trong hai ngày 25 và 26/6/2014, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra “Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng Châu Phi và các nước Asean khối Pháp ngữ”.

Diễn đàn do Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Trung tâm Thương mại Quốc tế, Câu lạc bộ các chủ ngân hàng châu Phi và một số bộ, ngành hữu quan tổ chức. Tham gia Diễn đàn có 150 đại biểu đến từ 17 quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đến dự và có bài phát biểu trong đó nhấn mạnh Việt Nam mong muốn và sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước châu Phi và các nước ASEAN thuộc khối Pháp ngữ.


 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 4,29 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2012. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,88 tỷ USD, tăng 16%, chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,42 tỷ USD, tăng 37,7% so với năm 2012. Trong số các đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Phi có các thị trường nói tiếng Pháp là Bờ Biển Ngà, An-giê-ri, Ca-mơ-run, Ma-rốc, Bê-nanh, Ghi-nê Bít xao, Mali, Buốc-ki-na Pha xô, Mô-ri-xơ.

Trong lĩnh vực đầu tư, theo Cục đầu tư nước ngoài, đến hết tháng 6/2014, đã có tổng cộng 9 quốc gia châu Phi đầu tư vào Việt Nam với 79 dự án, số vốn đăng ký là 312,68 triệu USD trong đó 189,35 triệu USD là vốn điều lệ. Đứng đầu trong danh sách các nhà đầu tư vào Việt Nam là Mô-ri-xơ (Mauritius) và CH Xây-sen.

Về đầu tư của Việt Nam sang châu Phi, chỉ tính các dự án còn hiệu lực đến hết quý 1 năm 2013, Việt Nam đã cấp 18 giấy phép cho các doanh nghiệp đầu tư sang 10 nước châu Phi với tổng số vốn 729.044.341 USD. Các dự án này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí (tại An-giê-ri, Ma-đa-gax-ca, Công-gô), viễn thông (Mô-dăm-bích, Ca-mơ-run), nông nghiệp, thăm dò khoáng sản và sản xuất hàng tiêu dùng (Ăng-gô-la, Tan-da-ni-a)...

Mặc dù có những tiến bộ trong buôn bán, đầu tư hai chiều song những kết quả trên còn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và châu Phi. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là khâu thanh toán xuất nhập khẩu và chuyển tiền.

PhóThủtướng VũVăn Ninh khẳng định Chính phủViệt Nam cam kết sẽ tạođiều kiện thúc đẩy các hoạt động hợp tác phát triển với các nước châu Phi nói chung và các nước châu Phi nói tiếng Pháp nói riêng, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai khối, khuyến khích các ngân hàng đi tới ký kết các thoả thuận hợp tác lẫn nhau.

Những trở ngại trong quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và châu Phi

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu bật những tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi nói tiếng Pháp, đồng thời vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai bên đã và đang có sự khởi sắc rõ rệt. Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức gây cản trở đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.

Hiện nay, do thiếu vắng sự hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng giữa Việt Nam với châu Phi nói chung và với các nước châu Phi nói tiếng Pháp nói riêng nên doanh nghiệp hai bên gặp khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu và tiếp cận nguồn vốn. Cụ thể, các ngân hàng của Việt Nam thường không chấp nhận thư tín dụng (L/C) mà các doanh nghiệp châu Phi mở tại ngân hàng châu Phi và ngược lại. Trong khi đó việc sử dụng ngân hàng nước thứ ba (như châu Âu, Hoa Kỳ) để xác nhận L/C lại khá tốn kém và mất nhiều thời gian. Cho đến nay, mới chỉ có Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) ký thoả thuận hợp tác với Ngân hàng Ecobank của Togo. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện các cam kết hỗ trợ doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Do thiếu sự tin tưởng từ phía các ngân hàng nên các doanh nghiệp châu Phi, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận nguồn vốn vay kinh doanh và khó mở thư tín dụng (L/C) tại ngân hàng nước sở tại. Vì vậy, phương thức thanh toán xuất nhập khẩu thường sử dụng tại khu vực này là nhờ thu kèm chứng từ (D/P), điện chuyển tiền (T/T), đặt cọc trước, mua hàng trả chậm (thậm chí đến 3 tháng), ẩn chứa nhiều rủi ro, điều mà các doanh nghiệp Việt Nam khó chấp nhận.

Trong những năm qua, tình trạng lừa đảo thương mại qua mạng internet, chiếm đoạt tiền đặt cọc hoặc không thanh toán tiền hàng của một số đối tác tại khu vực Tây và Trung Phi (như Nigeria, Benin, Togo, Cameroon) diễn ra thường xuyên dẫn đến tâm lý lo ngại của các doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch. Chính vì vậy, doanh nghiệp hai bên thường phải giao dịch gián tiếp thông qua trung gian là thương nhân các nước thứ ba (là người châu Âu, châu Mỹ, Singapore, Ấn Độ).

Một trở ngại khác là tại châu Phi vẫn còn có ít cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của Việt Nam, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin visa, thiếu sự hỗ trợ về thông tin thị trường, đối tác... Hiện nay mới chỉ có 9 Đại sứ quán và 05 Cơ quan Thương vụ của Việt Nam trên tổng số 55 nước châu Phi.

Bên cạnh đó cũng phải kể đến những khó khăn khách quan khác như khoảng cách địa lý xa xôi, làm tăng chi phí vận tải, đi lại. Rào cản ngôn ngữ cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp hai bên phải đối mặt: Khoảng một nửa các quốc gia châu Phi sử dụng tiếng Pháp trong khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sử dụng tiếng Anh, dẫn đến khó khăn trong vấn đề giao tiếp. Ngoài ra, khung pháp lý hợp tác hai bên còn chưa hoàn thiện, nhiều văn bản hợp tác giữa các bộ ngành chưa được ký kết. Vẫn còn thiếu cơ chế Ủy ban Liên chính phủ/Ủy ban hỗn hợp giữa Việt Nam và nhiều nước châu Phi. Việc trao đổi các đoàn các cấp giữa hai bên còn hạn chế.

Những giải pháp

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi nói tiếng Pháp lên một tầm cao mới, đại diện Bộ Công Thương đã đề xuất một số giải pháp ở cấp vĩ mô và vi mô sau:

Một là, các ngân hàng thương mại hai bên cần tăng cường hợp tác, ký thỏa thuận liên kết, mở chi nhánh, đại lý, nhất là ở những quốc gia có quan hệ thương mại và đầu tư phát triển với Việt Nam. Điều này sẽ góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu, nhất là sử dụng phương thức thanh toán an toàn là L/C. Ngoài ra, ngân hàng còn là nơi cung cấp những thông tin đáng tin cậy về bạn hàng, giúp doanh nghiệp hai bên tìm kiếm được những đối tác xuất nhập khẩu uy tín. Về đầu tư, việc hợp tác này cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng ở thị trường sở tại để triển khai các dự án một cách thuận lợi.

Hai là, Chính phủ các bên cần kiện toàn khung pháp lý toàn diện bằng cách ký các hiệp định, bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư, bảo hiểm, vận tải… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên hoạt động.

Ba là, tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, thành lập các UBLCP/UBHH tạo cơ chế thường xuyên kiểm điểm tình hình hợp tác và bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương. Thường xuyên trao đổi thông tin về các cơ hội kinh doanh, đầu tư, danh sách các doanh nghiệp xuất nhập khẩu uy tín.

Bốn là, tổ chức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách, khảo sát thị trường, XTTM, tham dự các hội chợ triển lãm quốc tế, diễn đàn doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền về thị trường của nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, hội thảo doanh nghiệp, xuất bản sách, ấn phẩm giới thiệu tiềm năng thương mại và đầu tư…

Sáu là, kiến nghị chính phủ các nước liên quan xem xét mở cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại tại thủ đô của nhau để hỗ trợ tốt hơn hoạt động của các doanh nghiệp.

Bảy là, tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy thương mại liên vùng giữa khu vực ASEAN và các nước châu Phi nói tiếng Pháp với sự hỗ trợ của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC); tăng cường hợp tác Nam-Nam giữa các nước nói tiếng Pháp.

Ở cấp độ vi mô, để tìm kiếm bạn hàng uy tín, các hiệp hội và doanh nghiệp cần:

Tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách và XTTM do các cơ quan như Bộ Công Thương, Phòng TM và CN Việt Nam (VCCI), các trung tâm XTTM tổ chức; Tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế, các hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp.

Chủ động tìm kiếm thông tin thị trường và các cơ hội kinh doanh trên các trang website của Bộ Công Thương như www.moit.gov.vn; www.vietnamexport.com.

Thường xuyên liên hệ với Bộ Công Thương, Phòng TM và CN Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, thương mại của mỗi nước để tìm kiếm thông tin thị trường và cơ hội kinh doanh.

Mở các văn phòng đại diện, chi nhánh, kho ngoại quan ở nước ngoài; hoặc liên doanh, liên kết, đầu tư để tận dụng những lợi thế về xuất xứ để xuất khẩu sang các nước láng giềng hoặc có FTA; Thử nghiệm các hình thức thương mại mới như đổi gạo Việt Nam lấy điều (hoặc bông) của các nước châu Phi.

Xây dựng mỗi quan hệ đối tác tin tưởng và lâu dài; Có chiến lược nghiên cứu thị trường dài hạn, đầu tư nghiên cứu chính sách, thủ tục XNK, văn hóa kinh doanh từng thị trường; đào tạo nghiệp vụ và ngoại ngữ (tiếng Pháp) cho đội ngũ nhân viên đối ngoại.

Đôi nét về các nước nói tiếng Pháp ở châu Phi

Cùng với chế độ thực dân hóa do Pháp tiến hành hơn một thế kỷ tại châu Phi (1850-1960), tiếng Pháp được truyền bá vào châu Phi và trở thành ngôn ngữ quan trọng của nhiều nước. Châu Phi là châu lục có số người nói tiếng Pháp nhiều nhất thế giới. Hiện nay tại châu Phi có 32 nước nói tiếng Pháp. Năm 2013, dân số các nước này là 356 triệu người, chiếm trên 1/3 dân số toàn châu lục. Dự báo đến năm 2050, dân số sẽ lên đến 732 triệu người.

Các nước nói tiếng Pháp hoặc thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ chiếm hơn một nửa trong tổng số 55 quốc gia châu Phi. Mức độ sử dụng tiếng Pháp trong các nước này có thể chia làm 3 nhóm nước như sau :

+ Các nước dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ chính thức: Gồm 21 nước : Bê-nanh, Buốc kina Fa xô, Bu-run-đi, Ca-mơ-run, Cô-mo, Bờ Biển Ngà, DJi-bu-ti, Ga-bông, Ghi-nê, Ghi-nê xích đạo, Ma-đa-ga-xca, Mali, Ni-giê, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa DC Công-gô, CH Công-gô, Ru-an-đa, Xê-nê-gan, Xây-sen, Sát và Tô-gô.

+ Các nước dùng tiếng Pháp làm ngôn ngữ thứ hai, gồm 5 nước: An-giê-ri, Ma-rốc, Mô-ri-xơ, Mô-ri-ta-ni và Tuy-ni-di.

+ Các nước là thành viên Tổ chức Pháp ngữ Quốc tế (OIF) : gồm 6 nước : Cáp-ve, Ai-Cập, Gha-na, Ghi-nê Bít-sao, Mô-dăm-bích, Xao-Tô-mê-và-Prin-xi-pơ.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2013 của các nước nói tiếng Pháp tại châu Phi đạt trên 745 tỷ USD, chiếm 43% GDP toàn châu lục và 1,2% GDP toàn cầu. Ghi-nê Xích đạo là quốc gia duy nhất được xếp hạng nước có thu nhập cao với GDP theo đầu người 14.540 USD/người ; 5 nước có thu nhập theo đầu người ở mức trung bình cao là Xây-sen, Ga-bông, Mô-ri-xơ, An-giê-ri và Tuy-ni-di (trên 4.000 USD/người). Các nước còn lại phần lớn có thu nhập thấp hoặc trung bình ở mức thấp.

Các nước nói tiếng Pháp tại châu Phi sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên : Dầu lửa, khí đốt, vàng, kim cương, đồng, cô-ban, bô-xít, phốt phát, ăng-ti-moan, u-ra-ni...

Từ năm 2008, hưởng ứng sáng kiến của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) và nhằm triển khai Chương trình hành động Siem Reap về đẩy mạnh trao đổi thương mại liên vùng giữa 3 khu vực sông Mekong nói tiếng Pháp (Việt Nam, Lào, Căm-pu-chia), 8 nước thuộc Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) và 6 nước thuộc Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC), Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp của Việt Nam và các tổ chức, doanh nghiệp các nước khu vực Tây và Trung Phi nói tiếng Pháp đã tích cực phối hợp và tham gia nhiều hoạt động do OIF và ITC tổ chức như tham dự Cuộc gặp bên mua/bên bán về gạo, dệt may, hàng công nghiệp, gỗ…, các hội thảo ngân hàng, thúc đẩy việc trao đổi và chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và châu Phi, biên soạn và xuất bản cuốn sách Triển vọng Hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam-UEMOA-CEMAC bằng tiếng Việt và tiếng Pháp,…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2013, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 4,29 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2012, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 2,88 tỷ USD, tăng 16%, chiếm 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong số 10 thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam tại châu Phi có các nước nói tiếng Pháp là Bờ Biển Ngà (247,14 triệu USD), An-giê-ri (177 triệu USD), Ca-mơ-run (101 triệu USD), Ma-rốc (100 triệu USD)... Diện mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này cũng ngày càng đa dạng. Bên cạnh hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa... thì đã có thêm những mặt hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại di động, máy móc thiết bị phụ tùng. Những năm gần đây, mặt hàng giày dép, dệt may, thủy sản như cá tra, tôm cũng đã xuất hiện ngày một nhiều tại các nước châu Phi nói tiếng Pháp.

Về nhập khẩu của Việt Nam từ châu Phi nói chung, năm 2013, kim ngạch đạt 1,42 tỷ USD, tăng 37,7% so với năm 2012. Việt Nam đã mua hàng hoá từ 50 nước châu Phi trong đó các thị trường nói tiếng Pháp là Bờ Biển Ngà (255,3 triệu USD), Ca-mơ-run (89,45 triệu USD), Bê-nanh (65,4 triệu USD), Ghi-nê Bít xao (62 triệu USD), Mali (58,8 triệu USD), Buốc-ki-na Pha xô (51 triệu USD), Mô-ri-xơ (49 triệu USD)... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm điều thô, bông, gỗ, sắt thép phế liệu, sản phẩm đá quý và kim loại quý…

Trong lĩnh vực đầu tư, theo Cục đầu tư nước ngoài, đến hết tháng 6/2014, đã có tổng cộng 9 quốc gia châu Phi đầu tư vào Việt Nam với 79 dự án, số vốn đăng ký là 312,68 triệu USD trong đó 189,35 triệu USD là vốn điều lệ. Đứng đầu trong danh sách các nhà đầu tư vào Việt Nam là Mô-ri-xơ (Mauritius) với 36 dự án, tổng vốn đăng ký là 250,19 triệu USD. Tiếp đến là CH Xây-sen với 12 dự án, tổng vốn đăng ký là 56,19 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư chính gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, sửa chữa, lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ, dịch vụ lưu trú và tư vấn.

Về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, chỉ tính các dự án còn hiệu lực đến hết quý 1 năm 2013, Việt Nam đã cấp 18 giấy phép cho các doanh nghiệp đầu tư sang 10 nước châu Phi với tổng số vốn 729.044.341 USD. Các dự án này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí (tại An-giê-ri, Ma-đa-gax-ca, Công-gô), viễn thông (Mô-dăm-bích, Ca-mơ-run), nông nghiệp, thăm dò khoáng sản và sản xuất hàng tiêu dùng (Ăng-gô-la, Tan-da-ni-a)...